(Baothanhhoa.vn) - Ngày mà hàng triệu trẻ em trong cả nước háo hức tựu trường, thì vùng lũ, tiếng trống khai giảng năm học mới cũng rộn ràng, như muốn tạm xua đi những nhọc nhằn, mất mát và để thức dậy niềm hân hoan con trẻ sau chuỗi ngày đánh vật mệt nhoài cùng mưa lũ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cho trẻ vùng lũ niềm hân hoan tựu trường

Ngày mà hàng triệu trẻ em trong cả nước háo hức tựu trường, thì vùng lũ, tiếng trống khai giảng năm học mới cũng rộn ràng, như muốn tạm xua đi những nhọc nhằn, mất mát và để thức dậy niềm hân hoan con trẻ sau chuỗi ngày đánh vật mệt nhoài cùng mưa lũ.

Sau mưa lũ, học sinh Mường Lát vượt qua khó khăn đến trường trong ngày khai giảng. Ảnh: Linh Nga

“Cõng chữ” qua vùng lũ...

Nắng vàng, cờ đỏ, khăn quàng nhuộm thắm một khoảng sân và chộn rộn theo bước chân học sinh. Niềm vui ngày tựu trường tưởng chừng bị cuốn theo mưa lũ, đã được tìm lại như một phép màu ở Trường Tiểu học và THCS Cẩm Lương (xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy), nơi chúng tôi có mặt đúng ngày khai giảng. Nhưng ít ai biết, phía sau cờ hoa và niềm hân hoan con trẻ, ngôi trường vùng “rốn lũ” này còn vô số “di chứng” – hậu quả do nhiều ngày vùi trong nước. Những mảng tường loang lổ không còn phân biệt được là trắng hay vàng; những vết nứt chẳng ngay hàng thẳng lối ăn lên mặt tường và chen chúc trong đám rêu mốc đang nương theo thời tiết mà đua nhau mọc. Một dãy phòng học và nhà hiệu bộ hơn chục phòng bị sụt lún và nứt tường; hệ thống điện bị xóa sổ hoàn toàn; các công trình nước, nhà vệ sinh, gần 100 bộ bàn ghế và một số máy tính, máy in, đồ dùng dạy học đã hư hỏng khó lòng cứu vãn. Khoảng 700 triệu đồng, con số thiệt hại của ngôi trường vùng tâm lũ thật khó để nói là nhỏ!

Cũng bởi, chỉ tạm “giấu” đi sự nhếch nhác, bề bộn để kịp đón học sinh đúng ngày khai giảng, nên sau những nghi thức trang trọng của buổi lễ, 239 học sinh bậc tiểu học buộc phải nghỉ học để nhà trường tiếp tục “hong khô” các phòng và xua bớt đi thứ mùi hôi mốc đang dần khô đặc lại trong không khí hanh rát khó chịu. Công tác tại trường đã ngót 24 năm, thầy giáo Hoàng Anh Sơn chưa khi nào cảm thấy hoang mang như những ngày lũ dữ vừa qua. Chỉ trong khoảng 1 tháng, trường đã 3 lần “đón” lũ - bằng số cơn lũ của cả năm trước cộng lại. Lũ chồng lũ, mà đợt sau ngập sâu, ngập lâu và thiệt hại nặng nề hơn đợt trước. Lũ về sầm sập, tình cảnh “trực lũ như trực chiến” khiến các thầy cô cũng hụt hơi. Thầy Sơn nói đùa mà chua xót “giáo viên nhà trường không chỉ phấn đấu dạy tốt, mà còn cần phải... bơi tốt để chạy lũ”! Dù biết điều kiện chưa thể bảo đảm tốt nhất việc học của học sinh, song, nhà trường vẫn phải sớm tổ chức dạy học cho kịp chương trình, còn khó khăn sẽ khắc phục dần. Điều an ủi lớn nhất đối với thầy cô lúc này có lẽ là tinh thần và niềm vui được đến trường của học sinh, dù hoàn cảnh gia đình các em cũng chẳng tốt hơn là bao.

Trong khi, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đã làm tốt “sứ mệnh” của nó trong ngày toàn dân đưa trẻ đến trường; thì vẫn có những điểm trường hiện còn ngập trong bùn đất và chật vật lo ngày khai giảng muộn. Sau đợt mưa lũ, xã biên giới Mường Chanh (huyện Mường Lát) bị cô lập hoàn toàn. Điện lưới quốc gia, thông tin liên lạc bị cắt đứt; hệ thống giao thông từ trung tâm xã đến các bản gần như tê liệt... Không có tiếng trống khai trường đúng ngày 5-9, không cờ hoa, không niềm vui rộn ràng khi đi đến lớp của con trẻ... các trường mầm non, tiểu học và THCS im ắng do bị cô lập. Hơn nữa, những thiệt hại sau mưa lũ đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến cơ sở vật chất các nhà trường, nên để có thể tổ chức khai giảng vào ngày 8-9 như dự kiến, cũng là nhiệm vụ không dễ dàng đối với 3 nhà trường và chính quyền địa phương.

May mắn hơn các trường vùng cao Mường Chanh, song tại Trường Tiểu học Pù Nhi (xã Pù Nhi, huyện Mường Lát), buổi sáng khai giảng năm nay là buổi sáng đáng nhớ và xót xa nhất đối với giáo viên, học sinh của xã. Để kịp cho lễ khai giảng đầu năm học mới đúng kế hoạch, chính quyền địa phương và thầy, cô giáo nhà trường đã tổ chức dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả mưa lũ và chuẩn bị lễ khai giảng cho các em. Tuy nhiên, do mưa lũ tàn phá, chính quyền địa phương đã ghép cả 3 cấp học ở các trường để tổ chức khai giảng chung tại Trường Tiểu học Pù Nhi. Ngay từ sáng sớm, giáo viên và phụ huynh các em đã dậy thật sớm để nấu xôi, phát miễn phí hỗ trợ các em ăn sáng, nhưng do đường sá đang bị chia cắt, nhiều gia đình bị nước lũ, bùn đất cuốn trôi, vùi lấp nên hàng trăm em học sinh đã không kịp đến trường để dự lễ khai giảng. Cả 3 trường có khoảng 1.500 học sinh, nhưng trong buổi đầu tiên khai giảng năm học mới cũng chỉ thưa thớt hơn 100 em về dự.

Chỉ riêng Trường Tiểu học Pù Nhi có trên 600 học sinh, nhưng hơn 300 em ở 4 khu lẻ đã không thể đến trường do đường sá bị sạt lở, vùi lấp; nhiều em nhà cửa bị cuốn trôi, đến quần áo cũng không còn để mặc, huống hồ gì là sách vở, bút nghiên. Em Hà Ánh Nguyệt, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Pù Nhi cho biết: Hôm lũ về, đất từ trên núi ập xuống vùi lấp hết cả nhà em và một số nhà khác, may mà cả nhà chạy được lên trạm y tế tá túc. Giờ đến quần áo mặc của gia đình còn thiếu thốn, sách vở của em cũng không còn gì, lấy gì để học.

Cũng giống như Nguyệt, hàng chục gia đình khác ở xã Pù Nhi cũng đang lâm vào hoàn cảnh tương tự. Trong đó, có cả nhà cửa của các thầy, cô giáo trên địa bàn cũng bị vùi lấp, cuốn trôi và hư hỏng, hiện tại mưa lũ cũng làm hư hỏng, vùi lấp 6 ngôi nhà của các giáo viên các trường học.

Còn tại Trường cấp 1 xã Tam Chung, huyện Mường Lát, cả 3 trường mầm non, cấp 1, cấp 2 cũng đã tổ chức lễ khai giảng ngoài sân trường. 89 hộ dân bản Pọong, xã Tam Chung, với 418 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái cũng đã tham dự lễ khai giảng, khi cơn lũ quét qua đã xóa sổ gần như hoàn toàn cả bản, mưa lũ cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa của 65 hộ dân, 24 hộ còn lại bị ngập bùn đất, người dân phải sơ tán ra trung tâm xã để tá túc tại đồn biên phòng, trạm y tế, các trường học trên địa bàn. Tài sản của người dân không còn lại gì, các cấp chính quyền đã phải kêu gọi sự hỗ trợ của nhân dân quyên góp quần áo, sách vở để các em có cái mặc tham dự lễ khai giảng năm học mới.

Ông Hà Văn Thiếu, Chủ tịch UBND xã Tam Chung, Mường Lát cho biết: Cả xã có khoảng 1.000 học sinh ở cả 3 cấp, nhưng dự lễ khai giảng chỉ chưa đầy 400 em. Hiện tại, nhiều bản, làng của xã vẫn đang còn bị cô lập, đường sá bị sạt lở, vùi lấp nên các em chưa thể đến trường. Các trường học ở xã Tam Chung vẫn còn ngổn ngang bùn đất, nhiều trường bị hư hỏng nặng cần phải khắc phục, sửa chữa. Để ổn định tình hình, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng vẫn đang tăng cường lực lượng khẩn trương dọn dẹp, khắc phục hậu quả mưa lũ, nhưng cũng hết sức khó khăn, không thể xong sớm được do hậu quả mưa lũ để lại hết sức nặng nề.

Tâm sự về ngày khai trường, cô Đường Thị Trang, Trường Tiểu học Pù Nhi, huyện Mường Lát rưng rưng nước mắt cho biết: Nhìn cảnh học sinh đến khai giảng thưa thớt, nhếch nhác mà không khỏi ứa nước mắt. Cứ mỗi khi lướt mạng, thấy hình ảnh các em ở các nơi xúng xính quần áo đẹp, cờ, hoa rực rỡ tung tăng dự khai trường mà thấy xót thương cho các học trò trường mình. Ngày bình thường các em đã khó khăn lắm mới được cắp sách đến trường, trong lúc hoạn nạn này lại thấy thương các em vô cùng. Năm học mới đến rồi, nhiều em giờ đến cả quần áo để mặc, miếng ăn còn không có do lũ đã cuốn sạch, huống hồ gì sách vở, bút nghiên. Sự học của các em rồi đây sẽ ra sao!?

Tương tự tại huyện Quan Hóa, thầy trò Trường Mầm non, Tiểu học và THCS xã Thành Sơn; Trường Tiểu học Trung Sơn hay Trường THCS Phú Xuân..., cũng không thể có được niềm vui trọn vẹn trong ngày tựu trường. Một phần do phải mượn địa điểm hoặc ghép với các trường trên địa bàn để tổ chức khai giảng; một phần vẫn thấp thỏm lo lắng về cơ sở trường lớp cho năm học mới. Có lẽ, việc mất ngôi trường trước ngày khai giảng năm học mới sẽ là nỗi ám ảnh lâu dài đối với thầy và trò Trường Tiểu học Trung Sơn. Chẳng ai thể ngờ, cả ngôi trường với hơn chục phòng học kiên cố (2 tầng) và bán kiên cố, cùng khu nhà giáo viên, cứ thế nứt toác và vỡ vụn trước sức ép từ một phần quả đồi đổ sụp xuống. Một khoảng sân rộng, nơi từng rộn tiếng cười đùa giờ ngổn ngang những cành cây gãy nát, đất đá và bùn nhão đang dần quánh đặc dưới nắng, xộc lên mùi hôi hám... Toàn bộ ngôi trường gần như bị xóa sổ!

Trao đổi với thầy giáo Hắc Xuân Phúc, hiệu trưởng nhà trường, chúng tôi được thầy chia sẻ: Thời điểm xảy ra sự việc, tập thể giáo viên nhà trường ai cũng xót xa. Nhưng vì năm học mới đã cận kề nên dù buồn, mọi người vẫn động viên nhau cố gắng để 315 học sinh được tựu trường đúng ngày 5-9. “Còn việc tổ chức dạy và học của nhà trường sau khai giảng thì sao?”, trả lời câu hỏi của chúng tôi, thầy Phúc cho hay: “Hiện nhà trường đã mượn khu nhà ở của Công ty 47 (thuộc Thủy điện Trung Sơn) để tổ chức cho các em học tạm. Khu nhà được ngăn thành 5 phòng học và có thể bố trí cho khoảng 180 học sinh/8 lớp. Số học sinh còn lại sẽ được chuyển xuống điểm lẻ tại bản Pó, cũng nằm trên địa bàn xã Trung Sơn”. Mặc dù vậy, đây vẫn là phương án tạm thời, để việc học của các em không bị dang dở.

Thiên tai, dẫu đã được cảnh báo, song hậu quả thì khó có thể lường trước được. Sự khó lường ấy càng khiến cho hành trình “cõng chữ” vượt lũ của thầy, trò vùng khó đã khó lại càng thêm khó. Thế nhưng, phía sau câu chuyện tránh lũ, chạy lũ, chống lũ gian nan ấy, luôn ánh lên điều gì đó như là niềm hy vọng và tính nhân văn của tình người?!

Chưa dứt nỗi lo...

Theo báo cáo nhanh của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) (tính đến chiều 4-9), trên địa bàn tỉnh có 10 huyện, bao gồm Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Như Xuân, Thiệu Hóa và Hà Trung, có hệ thống cơ sở vật chất trường lớp học chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ và sạt lở những ngày qua. Trong khi, cơ sở vật chất trường lớp học là điều kiện cần và cơ bản nhất, góp phần đắc lực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, nó liên quan đến quyền lợi chính đáng và cao nhất của trẻ em, cũng như tác động và gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức dạy-học của các nhà trường. Chính vì lẽ đó, dù thiệt hại trong lĩnh vực giáo dục chỉ là một phần trong con số thiệt hại chưa thể thống kê hết ở tỉnh ta lúc này, thì đây vẫn là vấn đề cần được quan tâm rốt ráo hơn bao giờ hết. Trong đó, đầu tư và hỗ trợ về sách vở, bàn ghế, đồ dùng dạy học... là yêu cầu cấp bách trước mắt.

Nắng lên, nước rút nhưng cảnh tan hoang nơi “rốn lũ” Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy) không vì thế mà vơi bớt. Bùn lầy, nước đọng và rác – “sản phẩm” của cơn lũ - vẫn bám chặt khắp ngõ ngách xóm làng, sân vườn, ruộng đồng. Nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, đói rét, thiếu thốn và lâu dài là tài sản trắng tay, là nghèo đói là điều có thể nhìn thấy lúc này. Chẳng còn mấy hơi sức để khóc lóc, than vãn sau 3 lần chạy lụt trong tháng 7 (âm lịch), chị Bùi Thị Xuân (thôn Kim Mẫm 2) giờ dồn hết thời gian, công sức để gạt đi lớp bùn đang ngày càng đặc quánh trước cổng và dọn dẹp ngôi nhà cấp 4 cũ đã bong tróc hết vôi ve, không đếm hết vết nứt và cái màu nâu thẫm bùn đất của 4 mảng tường chẳng thể gợi lên chút ấm áp nào. Người mẹ trẻ cũng không phàn nàn nhiều, vì vốn dĩ, chị đã quen với cảnh chạy lụt và hơn 120 hộ trong thôn, nhà nào cũng vậy cả. Nỗi lo lớn nhất của chị và nhiều hộ dân trong thôn là sinh kế lâu dài, vì “lúa cũng chẳng còn mà gặt”. Đồng phục mới, sách vở mới, bàn ghế, đồ dùng học tập của 2 đứa trẻ, một lớp 3 và một lớp 5, đã cuốn theo nước lũ. Giờ với chị, có khoảng 1 triệu đồng để sắm đồ mới cho con là điều không thể. “Hôm khai giảng, tìm mãi cho 2 đứa cái áo trắng mà không được. Lo lắm, nhưng thương con nên phải cố cho con đi học thôi”, chị Xuân tâm sự.

Có lẽ, sẽ còn nhiều năm nữa, người dân miền núi cao và đặc biệt khó khăn Mường Lát sẽ vẫn kể cho nhau nghe về sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai và hậu quả nặng nề nó gây ra, mà họ, dẫu không hề mong muốn nhưng đã buộc phải trở thành “nạn nhân” hay nhân chứng bất đắc dĩ cho cơn thịnh nộ của tự nhiên. Trong khi, nhiều nơi nước đã rút, thì còn không ít bản làng vẫn đang là những “ốc đảo” giữa núi rừng. Nặng nề hơn, có những bản vốn bình yên và trù phú, không biết vô tình hay cố ý bị “cái đuôi” mưa lũ sượt qua mà bỗng trở thành... “bản trắng”. “Trắng” điện, đường, trường, trạm, “trắng” cả nhà cửa, hoa màu, vật nuôi và “trắng” luôn bóng người. Cả bản san sát nhà cửa giờ chẳng còn mấy nóc nhà lành lặn. Sự ngột ngạt và không khí hoang lạnh đang vẩn lên cuộc sống.

Lúc này, dám chắc rằng, chẳng ai có thể đưa ra một ước định thời gian cụ thể cho sự hồi sinh của bản Poọng (xã Tam Chung) và hàng chục bản, làng khác vẫn đang bị vây khốn trong bùn lầy, đất đá, hay đang phải đánh vật với khó khăn, thiếu thốn để từng bước khôi phục đời sống. Chỉ biết rằng, khó khăn chồng chất khó khăn mà không phải cứ dùng đến “phép thắng lợi tinh thần” là có thể giải quyết được. Chuyện con cái học hành vốn gắn chặt với kế sinh nhai của mỗi nhà. Trong khi nhiều gia đình đã trắng tay sau lũ thì chuyện sinh kế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết và do đó, gánh nặng học hành càng thêm chồng chất. Hệ lụy kéo theo trước mắt là trẻ bỏ học, là tái mù chữ và lâu dài hơn vẫn là cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo, lạc hậu. Những vùng từng trắng băng nước nơi chúng tôi đi qua và chưa thể tiếp cận, nếu phải so sánh sức người trước sức nước thì chẳng khác nào lấy trứng chọi đá. Song, nếu khó khăn có thể đánh bại nghị lực của con người, thì có lẽ, chúng ta sẽ chẳng còn nhiều điều để nói về vùng lũ những ngày này.

Cộng đồng trách nhiệm

Mường Lát bị cô lập. Song sự chia cắt tạm thời do giao thông đình trệ không hoàn toàn ngăn cách huyện đặc biệt khó khăn này với bên ngoài. Trong buổi làm việc với Đồn Biên phòng Trung Lý và lãnh đạo UBND xã Trung Lý (ngày 4-9 vừa qua) - nơi có 1 người chết và gần 100 ngôi nhà bị sập, hư hỏng do mưa lũ và sạt lở - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đã dành nhiều sự quan tâm, động viên và yêu cầu địa phương, đơn vị có sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho những hộ dân chịu thiệt hại nặng nề cả về nơi ở, lương thực, nhu yếu phẩm... để người dân không bị đói trong thiên tai. Đồng thời, bằng mọi phương án hỗ trợ 64 hộ dân trong diện cần phải di dời chỗ ở. Dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác dạy và học trong thời điểm khai giảng cận kề, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương bảo đảm các điều kiện thiết yếu để học sinh có ngày tựu trường ý nghĩa và trọn vẹn!

Cộng đồng trách nhiệm là tinh thần chung và là nghĩa cử đã được thực hành triệt để nơi vùng lũ những ngày qua. Trao đổi nhanh với ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, chúng tôi được biết: “Tính đến nay huyện đã nhận được gần 4 tấn gạo hỗ trợ từ tỉnh. Số gạo này được vận chuyển lên xã Trung Lý, sau đó được chuyển tiếp bằng xe mô tô từ Đồn Biên phòng Trung Lý lên cầu Chiềng Nưa, rồi bằng đường thủy chuyển về trung tâm huyện. Ngay trong chiều 5-9, huyện đã tiến hành bốc dỡ 2 tấn gạo để kịp thời hỗ trợ cho hơn 110 hộ sập nhà và các hộ thiếu gạo trên địa bàn”. Hỗ trợ kịp thời lương thực, thuốc men, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết, là phương án tạm thời giúp an sinh nơi vùng lũ, cũng là cơ sở để người dân phần nào yên tâm cho con em đến trường. Cùng với đó, bằng sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, địa phương đã huy động tối đa nhân lực, vật lực tập trung khắc phục hậu quả thiên tai. Qua đó, hầu hết các trường trên địa bàn đã tổ chức khai giảng vào sáng 5-9.

Cùng chung hoàn cảnh và chịu nhiều thiệt hại không kém gì Mường Lát, đợt mưa lũ đã khiến hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp học trên địa bàn huyện Quan Hóa chịu thiệt hại lớn. Trước thực trạng trên, ngay khi nước rút ở từng điểm trường, Phòng GD&ĐT huyện đã huy động toàn bộ lực lượng trong ngành, gồm cả lãnh đạo và chuyên viên phòng, cùng với giáo viên, học sinh, phụ huynh và các đoàn thể dọn dẹp vệ sinh trong và ngoài khuôn viên nhà trường và chuẩn bị khai giảng năm học mới. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trường tập trung xử lý các công trình vệ sinh, nước sạch, chú trọng công tác an toàn vệ sinh thực phẩm... nhằm bảo đảm các điều kiện cho học sinh đến lớp an toàn. Kinh phí để khắc phục thiệt hại đối với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trên địa bàn huyện là lớn. Do đó, ngành GD&ĐT và chính quyền địa phương đang rất cần sự chung tay hỗ trợ để từng bước khắc phục và đầu tư trở lại.

...

Cơ sở vật chất trước mắt có thể tạm bợ, nhưng việc dạy và học thì không thể “tạm” và về lâu dài, chất lượng giáo dục lại càng không được phép “tạm”. Năm học mới đã bắt đầu. Thầy và trò vùng lũ đang rất cần được nâng bước mới mong “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”!


Nhóm P.V thời sự và CTV

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]