(Baothanhhoa.vn) - Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 bắt đầu triển khai ở bậc tiểu học (TH) từ năm học 2020-2021. Đến nay, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), chính quyền các địa phương đã và đang tích cực chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất (CSVC), trang, thiết bị dạy học, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên (GV)... để thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018:

Bài 2: Tâm thế sẵn sàng triển khai thực hiện theo lộ trình

Bài 2: Tâm thế sẵn sàng triển khai thực hiện theo lộ trình

Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 (ảnh chụp ngày 13-7-2020). Ảnh: Duy Sơn

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 bắt đầu triển khai ở bậc tiểu học (TH) từ năm học 2020-2021. Đến nay, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), chính quyền các địa phương đã và đang tích cực chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất (CSVC), trang, thiết bị dạy học, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên (GV)... để thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình.

Chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để giảng dạy

Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26-12-2018 của Bộ GD&ĐT và các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT quy định về điều kiện đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT 2018, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện sắp xếp mạng lưới trường lớp; dồn dịch điểm trường; trường TH có quy mô nhỏ, CSVC không đảm bảo, thành những điểm trường, trường TH có quy mô lớn hơn để tập trung nguồn lực đầu tư kiên cố, đủ các hạng mục đảm bảo thực hiện đầy đủ các hoạt động dạy học; sáp nhập các trường có quy mô nhỏ ở cùng địa bàn cấp xã; các trường TH có quy mô dưới 10 lớp, xem xét ghép với trường THCS trên địa bàn; rà soát, đánh giá lại điều kiện CSVC, thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch, lộ trình sửa chữa, nâng cấp, bổ sung điều kiện CSVC, thiết bị dạy học đảm bảo điều kiện sẵn sàng triển khai Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.

Cùng với đó, Sở GD&ÐT đã triển khai nhiều giải pháp như, rà soát toàn bộ hệ thống CSVC, trang thiết bị dạy học, thực trạng đội ngũ GV; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, GV; tập huấn thực hiện Chương trình GDPT 2018. Trong đó đội ngũ cán bộ quản lý và GV cốt cán đã được tham gia bồi dưỡng Chương trình GDPT 2018; trong tháng 7-2020, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hội nghị bồi dưỡng GV sử dụng sách giáo khoa (SGK) lớp 1 năm học 2020-2021 trong đó 100% GV được phân công dạy lớp 1 năm học 2020-2021 của 27 huyện, thị xã, thành phố trong các cơ sở giáo dục TH trong toàn tỉnh được bồi dưỡng. Ngoài ra, Sở GD&ĐT phối hợp với Viettel cấp tài khoản cho hơn 4.000 GV dạy lớp 1 năm học 2020-2021 học trực tuyến về Chương trình GDPT 2018 tổng thể (Modun 1). Hiện nay đã hoàn thành việc phân quyền chấm cho GV cốt cán và cơ bản các phòng GD&ĐT đã hoàn thành. Nội dung học trực tuyến cho GV lớp 1 sẽ hoàn thành trước khi vào năm học mới 2020-2021 theo đúng lộ trình của Bộ GD&ĐT.

Về việc lựa chọn SGK lớp 1, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn, chỉ đạo sát sao việc lựa chọn SGK. Trong đó đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho việc tổ chức lựa chọn SGK lớp 1 như tổ chức hội thảo báo cáo về SGK lớp 1; cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu có liên quan đến việc lựa chọn SGK; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định tiêu chí lựa chọn SGK trong các cơ sở GDPT. Việc lựa chọn SGK được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, phù hợp với các vùng miền trên địa bàn toàn tỉnh, có sự kiểm tra, giám sát của Sở GD&ĐT và các phòng GD&ĐT... Sau một thời gian nghiên cứu, đánh giá 5 bộ sách, các trường TH trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn và đăng ký 659.843 cuốn thuộc 45/46 đầu sách ở cả 5 bộ sách đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Trong đó, sách sử dụng là 609.756 cuốn, sách dự phòng là 50.212 cuốn. Sở GD&ĐT đã tổng hợp và báo cáo kết quả lựa chọn, đăng ký SGK lớp 1 về Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh. Đồng thời, cung cấp thông tin cho các nhà xuất bản có SGK thuộc danh mục sách đã lựa chọn, bảo đảm cung cấp đầy đủ SGK cho các nhà trường trước khi bắt đầu năm học mới.

Tại các địa phương, đến đầu tháng 8-2020, việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đã cơ bản hoàn tất. Ông Mai Xuân Giang, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát, cho biết: Căn cứ kế hoạch của tỉnh, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đồng thời rà soát, đánh giá thực trạng về đội ngũ, nhân lực, CSVC trang thiết bị để chuẩn bị cho việc thực hiện; phổ biến, tuyên truyền đến Nhân dân, phụ huynh, đội ngũ GV nắm bắt về chủ trương, mục đích của Chương trình GDPT 2018. Trong đó, đội ngũ GV dự kiến dạy lớp 1 được chọn lọc theo yêu cầu và được tham gia tập huấn cốt cán tại tỉnh. Ngoài việc tập huấn tập trung mỗi GV đều có địa chỉ email tải các phần mềm để tự nghiên cứu. Về CSVC, các trường đều đủ số phòng học để bố trí ưu tiên cho các lớp 1 ở tất cả các điểm trường... Đến nay đã cơ bản đủ các điều kiện để triển khai Chương trình GDPT 2018. Còn thầy giáo Ngọ Văn Tập, Hiệu trưởng Trường TH Hà Bắc (Hà Trung) cho biết: Dự kiến năm học 2020-2021, nhà trường có 3 lớp 1 với 109 học sinh. Để thực hiện tốt công tác giảng dạy, ban giám hiệu nhà trường đã phân công 7 GV (4 GV văn hóa và 3 GV đặc thù) có năng lực chuyên môn đi tập huấn. Ngoài ra, nhà trường cũng đã rà soát, bổ sung CSVC bảo đảm đủ và ưu tiên về phòng học, trang thiết bị đồ dùng dạy học cho khối lớp 1, như lắp đặt internet và đề nghị UBND xã hỗ trợ thêm 10 bộ máy vi tính để phục vụ tốt nhất cho dạy học theo Chương trình GDPT 2018. Về việc lựa chọn SGK, hội đồng lựa chọn sách nhà trường đã thống nhất chọn bộ sách “Cánh diều” sử dụng trong năm học 2020-2021. Hiện, SGK đã được đơn vị cung cấp chuyển về trường.

Ưu tiên các nguồn lực thực hiện Chương trình GDPT 2018

Theo lộ trình thực hiện theo quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26-12-2018 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành Chương trình GDPT 2018, cụ thể, từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Những năm gần đây, nhất là để chuẩn bị cho thực hiện Chương trình GDPT 2018, UBND tỉnh và Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát thực trạng CSVC và trang thiết bị dạy học hiện có để lập kế hoạch mua sắm, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội đầu tư CSVC phục vụ công tác giảng dạy. Đến tháng 7-2020, toàn tỉnh có tổng số 10.761 phòng học, trong đó, có 9.098 phòng học kiên cố (đạt 85%); 1.525 phòng bán kiên cố (đạt 14%); 115 phòng học tạm (chiếm 1,06%); phòng thuê mượn 23 phòng (chiếm tỷ lệ 0,04%). Tỷ lệ phòng học/lớp: 0,99, đủ để đáp ứng việc dạy học 2 buổi/ngày. Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng đã triển khai mua đồ dùng dạy học lớp 1 để cấp cho 169 trường vùng đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí hơn 33 tỷ đồng, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí để mua thiết bị cho 432 trường TH, TH&THCS (tại các địa phương không bảo đảm được kinh phí) với nhu cầu kinh phí triển khai thực hiện hơn 76 tỷ đồng... Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở GD&ĐT, các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm thiết bị dạy học cho học sinh lớp 1. Bà Lê Thị Thu Hà, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa cho biết: TP Thanh Hóa hiện có 41 trường TH và 5 trường liên cấp (4 trường ngoài công lập); dự kiến số học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 là trên 7.300 em, với khoảng 205 lớp. Tuy nhiên, hầu hết các trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện có của các nhà trường đã cũ, không đồng bộ và không phù hợp với Chương trình GDPT 2018, do vậy, Phòng GD&ĐT đã xây dựng phương án và đề xuất kinh phí để thực hiện mua sắm thiết bị dạy học lớp 1 và đã được UBND thành phố thống nhất triển khai thực hiện.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, tại Thanh Hóa hiện nay tỷ lệ GV/lớp toàn tỉnh là 1,26; tỷ lệ này giữa các trường TH không đồng đều, thiếu GV đặc thù, nhất là đối với môn Tin học và Ngoại ngữ, do vậy, việc thực hiện dạy học 2 buổi/ngày gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, tình trạng GV vừa thừa, vừa thiếu giữa các vùng miền, cơ cấu bộ môn và CSVC thiếu đã tác động không nhỏ tới việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Mặc dù các nhà trường có đủ thiết bị và đồ dùng dạy học đáp ứng mức tối thiểu yêu cầu của quá trình dạy học, nhưng thiết bị dạy học đã bị hư hỏng nhiều, chưa có khả năng mua sắm mới. So với yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018, với định mức tối thiểu 1,5 GV/lớp thì hiện nay cấp TH Thanh Hóa còn thiếu 2.313 GV (trong đó 1.596 GV văn hóa, 150 GV Tin học, 178 GV Ngoại ngữ...). Đặc biệt, theo Chương trình GDPT 2018, môn Tin học và Ngoại ngữ là môn học bắt buộc, thế nhưng đa số các trường chưa có phòng chức năng phục vụ dạy học 2 môn học này...

Để triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình GDPT 2018, ngày 17-6-2020 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND triển khai Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành chương trình của Chính phủ, bao gồm: thay sách; đào tạo, bồi dưỡng; đầu tư CSVC, trang thiết bị... Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp để chỉ đạo thực hiện đó là: Tập trung rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường, lớp các cơ sở GDPT, phấn đấu đến năm 2025 hệ thống các trường công lập có 559 trường TH, 559 trường THCS và 89 trường THPT; biên soạn tài liệu nội dung giáo dục địa phương tỉnh Thanh Hóa; rà soát, sắp xếp đội ngũ cán bộ, quản lý GV ở từng môn học, lớp học, cấp học, bậc học, xây dựng phương án khắc phục bất cập thiếu, thừa GV; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, GV, nhân viên ở các cơ sở GDPT. Đặc biệt, đảm bảo CSVC, thiết bị dạy học phải xây dựng kế hoạch tổng thể và từng năm thực hiện sửa chữa, cải tạo, xây dựng bổ sung phòng học nhằm thay thế phòng học tạm và đáp ứng đủ phòng học do tăng quy mô (ưu tiên đảm bảo mỗi lớp TH có 1 phòng học để triển khai dạy học 2 buổi/ngày)... Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Chương trình GDPT 2018 là 4.167,105 tỷ đồng. Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình GDPT 2018 từ nguồn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện và nguồn hỗ trợ của các cá nhân, doanh nghiệp... Ngoài ra, mỗi năm ngân sách cấp tỉnh bố trí không quá 50 tỷ đồng để thực hiện Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh.

Với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, quyết tâm của Sở GD&ĐT trong việc chuẩn bị chu đáo, đầy đủ về CSVC, trang thiết bị, nguồn nhân lực và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, GV, Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh ta sẽ được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”.

Duy Sơn


Duy Sơn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]