(Baothanhhoa.vn) - Không ồn ào, rất giản dị và khiêm tốn, đúng phong cách của một nhà trí thức, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Viết Ly và vợ ông, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh hàng năm cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam (2-10) lại cùng con cháu về quê Thanh để cùng với Hội Khuyến học tỉnh trao học bổng cho học sinh, sinh viên (HS, SV) có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

14 năm gắn bó, đồng hành cùng khuyến học đất Thanh

Không ồn ào, rất giản dị và khiêm tốn, đúng phong cách của một nhà trí thức, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Viết Ly và vợ ông, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh hàng năm cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam (2-10) lại cùng con cháu về quê Thanh để cùng với Hội Khuyến học tỉnh trao học bổng cho học sinh, sinh viên (HS, SV) có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt.

14 năm gắn bó, đồng hành cùng khuyến học đất Thanh

Giáo sư Lê Viết Ly và vợ ông - bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh trao đổi với sinh viên học giỏi tại Lễ trao học bổng của gia đình giáo sư.

Tháng 11-2007, khi nghe tin một số địa phương của Thanh Hóa bị thiệt hại do lũ lụt, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Viết Ly cùng Hội Doanh nghiệp, người Việt Nam ở Kharkov, Ucraina và Công ty CP Xam SunCity đã về làm từ thiện cho 2 huyện Vĩnh Lộc và Thạch Thành.

Sau năm ấy, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Viết Ly và gia đình đã trao đổi với Hội Khuyến học tỉnh xin ý kiến Tỉnh ủy, UBND tỉnh hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày khuyến học Việt Nam, gia đình giáo sư được tổ chức trao học bổng mang tên “Học bổng của gia đình Giáo sư Lê Viết Ly” cho HS, SV có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt.

Tính đến nay, sau 14 năm, học bổng của gia đình Giáo sư Lê Viết Ly đã trao cho hàng chục ngàn HS, SV, với số tiền học bổng gần 15 tỷ đồng. Cùng với việc trao học bổng, gia đình giáo sư còn hỗ trợ kinh phí cho một số địa phương để xây dựng trường học và mua sắm trang thiết bị dạy và học. Ước tính tổng kinh phí cả cấp học bổng và mua sắm, xây dựng trường học lên đến hàng chục tỷ đồng. Rất nhiều HS, SV được nhận học bổng của gia đình giáo sư đã vượt lên khó khăn để học tập tốt và sớm biết lập thân, lập nghiệp.

Nét rất riêng ở Giáo sư Lê Viết Ly và vợ ông cùng các cháu hàng năm về trao học bổng là, bao giờ ông cũng có bài phát biểu bằng văn bản. Phát biểu của giáo sư vừa cám ơn các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã quan tâm tạo điều kiện để gia đình giáo sư được về quê hương làm nhân đạo, từ thiện vừa là lời tâm sự, dặn dò các cháu phải chịu khó trong tu dưỡng, rèn luyện và học tập. Đặc biệt, trong các bài phát biểu hàng năm, bao giờ trong lời căn dặn với các cháu, giáo sư cũng đề cập đến tình hình trong nước để giúp các cháu mở mang thêm tầm nhìn... Giáo sư luôn tin tưởng vào các cháu, vào thế hệ trẻ, tương lai của quê hương, đất nước.

Năm 2011, trong phát biểu, ngay từ đầu giáo sư đã động viên và căn dặn các cháu với tất cả sự đồng cảm, yêu thương, trân trọng: “Tôi xin bày tỏ tình cảm thân thương và sẻ chia đến các em học sinh nhà nghèo, học giỏi; đến em học sinh vừa đoạt giải trong kỳ thi Olympic quốc tế; đến các sinh viên con nhà nghèo vừa đậu đại học với điểm cao. Chúng ta trân trọng sự thành công bước đầu của các cháu và mong sao các cháu sẽ trở thành những tài năng thực sự. Các cháu rồi đây sẽ biết cách học giỏi hơn, thực tế hơn, mở rộng tầm mắt ra thế giới và sẽ trở thành những người lao động mới trong một xã hội văn minh, tiên tiến”.

Năm 2015, Giáo sư Lê Viết Ly tâm sự và căn dặn các cháu: “Cũng phải nói thêm rằng học tập là quá trình suốt đời, nhất là ở thời đại hội nhập kinh tế. Không thể trông mong kiến thức của đại học là đầy đủ cho hành trang vào đời. Nhiều người cho rằng kiến thức đại học chỉ chiếm khoảng 25% cái cần cho con người, bởi kiến thức là rộng lớn, nhất là kiến thức xã hội. Vì vậy mà con người phải biết tự học không ngừng, học trong sách và học trong cuộc sống. Bởi thế cho nên sau tốt nghiệp đại học, nếu như có phải làm trái ngành nghề chuyên môn thì cũng đừng vội nghĩ đó là hoàn toàn lãng phí, bởi bên cạnh cái chuyên môn hẹp, người ta còn học được bao nhiêu kiến thức làm người trong những năm học đại học. Có thể thấy không ít người, kể cả những người nổi tiếng đã phải kinh qua nhiều công việc mới định hình được hướng đi của mình sau khi ra trường.

Trên đây là một vài suy nghĩ mà tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ. Xin các bạn hãy bền bỉ học tập, rèn luyện thường xuyên trong cuộc sống. Friedrich Engels đã có một câu rất thâm thúy: “Thà phải tìm hiểu sự thật suốt đêm, còn hơn phải nghi ngờ nó suốt đời”. Con đường tìm hiểu tri thức, đi đến chân lý là gian khổ nhưng vinh quang”.

Và năm 2019, giáo sư bày tỏ: “Cứ mỗi lần đến ngày khuyến học Việt Nam tới là lúc các bậc cha mẹ và mọi người lại bằng hành động khác nhau, lo cho lớp con trẻ. Hội khuyến học là nơi hội tụ của những tấm lòng, là tổ chức tập hợp, khơi dậy tình thương yêu, đùm bọc của mỗi cá nhân, tổ chức. Những công việc chúng ta đang làm cho tuổi trẻ hôm nay không chỉ làm giảm đi những đau khổ, lo toan cho các gia đình mà điều đáng nói hơn là tiếp sức cho thế hệ trẻ, cả về vật chất và tinh thần, qua đó củng cố lòng tin của xã hội. Thật là thảm họa nếu trong một xã hội thiếu niềm tin hoặc niềm tin bị sứt mẻ! Sự nghiệp khuyến học sở dĩ là cao cả bởi nó khơi dậy tình cảm tốt đẹp giữa người và người, bởi bằng hành động cụ thể nó khơi gợi lòng trắc ẩn của mỗi con người để mọi người, nhất là các em hiểu được một chân lý rằng dù cho xã hội còn nhiều tiêu cực, những cái tốt lúc nào cũng là áp đảo, bởi bản chất con người là hướng thiện, vì vậy mà bất cứ ở đâu, mỗi lúc cần vẫn luôn có những bàn tay chìa ra, nâng đỡ các em. Và chúng ta – những người lớn luôn tìm thấy niềm vui khi được tham gia vào sự nghiệp khuyến học, khuyến tài của đất nước”.

Tấm lòng của giáo sư và gia đình giáo sư với các cháu, với quê hương là vậy, một tấm lòng nhân hậu, yêu thương và giàu tính nhân văn.

Sinh viên Bùi Thị Tuyết Mai, quê ở Hoằng Hóa, năm lên ba tuổi đã phải mồ côi cả bố và mẹ, cháu phải ở với ông nội già yếu tần tảo nuôi cháu ăn học. Hiện nay, Tuyết Mai là sinh viên năm thứ 4 Đại học Kiến trúc Hà Nội. Bốn năm liên tục Tuyết Mai được nhận học bổng của gia đình giáo sư, mỗi năm 10 triệu đồng. Phát biểu cảm tưởng tại Lễ trao học bổng của gia đình Giáo sư Lê Viết Ly cho HS, SV năm 2019, Bùi Thị Tuyết Mai nói: “Nghĩ đến sự mong muốn, ưu ái, cưu mang của gia đình giáo sư, cháu hứa sẽ tích cực học tập và tu dưỡng để trở thành một sinh viên tài năng” và “Thật không có lời nào diễn tả hết tấm lòng của cháu và các bạn về biết ơn vô hạn đối gia đình giáo sư”.

Ghi nhận những đóng góp của Giáo sư Lê Viết Ly và gia đình, năm 2017, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (27-2-1947 – 27-2-2017), Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Thanh Hóa đã trao tặng Bằng khen và vinh danh Giáo sư Lê Viết Ly danh hiệu “Vì sự phát triển Thanh Hóa”.

Giáo sư Lê Viết Ly cùng với vợ, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, năm nay đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là những người làm công tác khuyến học cùng các HS, SV vẫn mong muốn vợ chồng giáo sư mạnh khỏe, hạnh phúc, sống lâu; con cháu mạnh khỏe, chăm ngoan, công tác tốt và thành đạt để hàng năm cứ vào dịp ngày khuyến học Việt Nam, giáo sư cùng vợ và các cháu trong gia đình lại về quê Thanh trao học bổng của gia đình giáo sư cho các cháu.

Bài và ảnh: Tào Khắc Thắng

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh


Bài Và Ảnh: Tào Khắc Thắng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]