(Baothanhhoa.vn) - Ông Lạng và bà Nhụ vốn sinh được 8 người con. Ông bà có khối tài sản là diện tích đất 1.300 m2 (200 m2 đất ở và 1.100 m2 đất vườn) tại một xã ven biển của TP Sầm Sơn. Bà Nhụ mất năm 2008 không để lại di chúc, ông Lạng mất năm 2017 có để lại di chúc (do phòng Công chứng lập và công chứng) với nguyện vọng để lại phần đất thuộc quyền ông được hưởng trong tổng số tài sản chung cho chị Nga (con dâu) và các cháu nội là con của chị Nga (chồng chị Nga đã mất).

Đừng để mất tình thân vì... tài sản thừa kế

Ông Lạng và bà Nhụ vốn sinh được 8 người con. Ông bà có khối tài sản là diện tích đất 1.300 m2 (200 m2 đất ở và 1.100 m2 đất vườn) tại một xã ven biển của TP Sầm Sơn. Bà Nhụ mất năm 2008 không để lại di chúc, ông Lạng mất năm 2017 có để lại di chúc (do phòng Công chứng lập và công chứng) với nguyện vọng để lại phần đất thuộc quyền ông được hưởng trong tổng số tài sản chung cho chị Nga (con dâu) và các cháu nội là con của chị Nga (chồng chị Nga đã mất).

Đừng để mất tình thân vì... tài sản thừa kếMột góc phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn. (Ảnh minh họa).

Bởi người con dâu đã có công chăm sóc ông lúc ốm đau, bệnh tật. Ông Lạng mất một thời gian, căn cứ vào di chúc ông để lại, chị Nga đi làm hồ sơ để sang tên giấy tờ đất thì một số người con khác của ông Lạng không đồng thuận, anh chị em trong nhà xảy ra tranh chấp và khởi kiện ra tòa. Nguyên đơn trong vụ án là các con trai của ông Lạng đề nghị phân chia tài sản thừa kế theo pháp luật; bị đơn là chị Nga đề nghị phân chia tài sản theo di chúc để lại.

Toà án cấp sơ thẩm đưa ra xét xử vụ án hồi tháng 9-2022. Quá trình xét xử, tòa án chấp nhận di chúc ông Lạng để lại là di chúc hợp pháp nên phần đất ông Lạng được hưởng trong phần tài sản chung được định đoạt theo đúng ý nguyện ông Lạng ghi trong di chúc. Phần đất còn lại được phân chia cho các con theo quy định của pháp luật về thừa kế. Việc phân chia đất cũng được hội đồng xét xử tính toán hợp lý, hợp tình với mong muốn vụ án đi đến hồi kết, anh em tìm được tiếng nói chung, tránh làm rạn nứt tình thân trong gia đình.

Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đất đai giá trị càng cao nên tình trạng tranh chấp diễn ra khá phổ biến, nhất là các vụ việc tranh chấp di sản thừa kế. Nhiều vụ việc phát sinh tranh chấp tài sản giữa bố mẹ và con cái, anh, em ruột thịt diễn ra căng thẳng, kéo dài, khó giải quyết, thậm chí gây nhiều hệ luỵ, tổn thương cho người trong cuộc. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tranh chấp tài sản là do chưa có sự rõ ràng trong việc phân chia, thừa kế, tặng, cho tài sản.

Bà Lê Thị Phong, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) TP Sầm Sơn cho biết: “Những năm gần đây, TAND TP Sầm Sơn thụ lý giải quyết nhiều vụ việc tranh chấp liên quan đến đất đai, trong đó có một số vụ án tranh chấp về chia thừa kế. Những vụ án tranh chấp về chia thừa kế tương đối phức tạp do các bên tranh chấp thường có mối quan hệ huyết thống, thân thuộc, liên quan đến nhiều người, hàng thừa kế, diện thừa kế, nghĩa vụ dân sự của người để lại di sản đã mất. Phần di sản thừa kế là đất đai trong nhiều trường hợp không dễ dàng để cắt chia theo tính vật lý mà phải phân chia để phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai (diện tích tối thiểu là 40 m2, chiều dài cạnh tối thiểu là 3 m mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Hơn nữa, việc phân chia đất còn phải phù hợp với hiện trạng sử dụng đất, không làm ảnh hưởng đến phần tài sản, vật kiến trúc đã có ở trên đất từ trước thời điểm phát sinh tranh chấp”.

Người Việt Nam có thói quen duy tình hơn là duy lý. Trong quan hệ gia đình mọi người sống với nhau dựa trên cơ sở tình cảm yêu thương, nhường nhịn nhau. Do đó, nhiều gia đình không chú trọng đến việc phân chia, rạch ròi tài sản giữa bố mẹ và các con, cũng như để lại di chúc trước khi chết để làm cơ sở phân chia di sản thừa kế sau này. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp di sản do bố mẹ để lại sau khi chết, do anh chị em không thống nhất được việc phân chia di sản. Trong nhiều trường hợp, nhiều người xa quê có nguyện vọng xây dựng nơi thờ tự của gia đình, dòng họ nhưng anh em không thống nhất được việc phân chia đất đai cũng dẫn đến phát sinh tranh chấp, khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, việc lập di chúc đối với tài sản của cá nhân là điều hết sức bình thường và cần thiết bởi đây là một việc làm nhân văn, không chỉ thể hiện tình cảm, nguyện vọng của các bậc cha mẹ trước lúc qua đời mà còn tránh cho những người thân phát sinh mâu thuẫn không đáng có về sau.

“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Để phòng ngừa, hạn chế được các tranh chấp phát sinh liên quan đến thừa kế, người có tài sản nên có dự liệu, nghiên cứu lập di chúc phân chia tài sản cụ thể, rõ ràng và công bằng cho từng người. Khi lập di chúc, người có tài sản nên tham khảo ý kiến của người có hiểu biết pháp luật để bảo đảm di chúc được lập hợp pháp”, bà Lê Thị Phong, Phó Chánh án TAND TP Sầm Sơn nhấn mạnh.

Các quy định của pháp luật về thừa kế theo di chúc được quy định tại Chương XXII (từ Điều 624 đến Điều 648), Bộ Luật Dân sự năm 2015. Một di chúc được xem là hợp pháp phải có đủ các điều kiện, như: người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Đối với di chúc của người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng...

Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]