(Baothanhhoa.vn) - Có dịp đến bản Đôn (huyện Bá Thước), chúng tôi đã không khỏi ngạc nhiên trước sự đầu tư của người dân, nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất trong các homestay. Tại homestay chúng tôi ở, hệ thống nhà vệ sinh (NVS) phục vụ khách du lịch, có thể xem là một điểm nhấn thú vị.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ du lịch

Có dịp đến bản Đôn (huyện Bá Thước), chúng tôi đã không khỏi ngạc nhiên trước sự đầu tư của người dân, nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất trong các homestay. Tại homestay chúng tôi ở, hệ thống nhà vệ sinh (NVS) phục vụ khách du lịch, có thể xem là một điểm nhấn thú vị.

Xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ du lịch

Ảnh minh họa.

Trên tổng thể kiến trúc được làm bê tông bên trong, các hộ sử dụng chất liệu gỗ và tre làm “tường bao” bên ngoài và nhấn nhá thêm các vật liệu quen thuộc khác như cát, sỏi. Hiện đại kết hợp truyền thống, với không gian thoáng, rộng, vô cùng sạch sẽ là một điểm cộng lớn cho công trình vốn được xem là “phụ” này. Chị Trần Thị Tú Anh, một du khách đến từ Ninh Bình cho biết, chị đã đến không ít các khu, điểm du lịch nổi tiếng trong cả nước, nhưng không phải ở đâu, NVS cũng đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu là không màu (ố vàng, cáu bẩn) và không mùi (khai, hôi, ẩm mốc). Thế nhưng, với homestay bản Đôn, các tiêu chí không chỉ đạt mà còn vượt quá sự mong đợi và để cho chị ấn tượng tốt.

Tuy vậy, chất lượng NVS trong các homestay bản Đôn không phải là điểm chung của tất cả các khu, điểm du lịch ở tỉnh ta hiện nay. Chưa nói đến NVS đạt chuẩn, chỉ cần đủ số NVS công cộng phục vụ nhu cầu của du khách khi đến các khu, điểm du lịch cũng không phải vấn đề có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Theo thống kê của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, trong khoảng 15 năm trở lại đây (từ 2004-2018), tỉnh ta đã huy động các nguồn từ ngân sách và xã hội hóa, để xây dựng 125 NVS. Trong đó có 48 NVS công cộng đạt tiêu chuẩn, tập trung ở các khu, điểm du lịch trọng điểm. Mặc dù vậy, so với yêu cầu thực tế, thì con số 125 và 48 nêu trên, vẫn là khá khiêm tốn. Đơn cử như Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến hiện mới có 2 NVS công cộng. Trong đó, 1 NVS đã xây từ khá lâu và không nằm trong vùng trọng điểm du lịch; 1 NVS mới được đầu tư gần đây. Để có được 2 NVS này, địa phương đã phải huy động gần 400 triệu đồng vốn đối ứng, bên cạnh 300 triệu từ kinh phí tỉnh cấp.

Cách đây vài năm, ngành du lịch Việt Nam đã phát động chiến dịch “ở đâu phát triển du lịch, ở đó có NVS đạt chuẩn”, nhằm góp phần tạo dựng môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, dẹp đi nỗi sợ NVS công cộng bẩn khủng khiếp, khiến nhiều khách du lịch, nhất là khách quốc tế, một đi không trở lại. Tuy nhiên, từ mục tiêu đến hiện thực vẫn còn một khoảng cách. Nguyên nhân cơ bản nhất được chỉ ra là kinh phí đầu tư tương đối lớn, trong khi “lợi ích” nó mang lại là rất mơ hồ. Cho nên, không phải địa phương nào cũng sẵn sàng đầu tư cho công trình phụ này. Thế nhưng, nhu cầu và bức xúc của du khách là có thật; yêu cầu có NVS trong các khu điểm du lịch là có thật. Do đó, việc bỏ qua hoặc không thật sự chú trọng đến số lượng và chất lượng NVS, là một trong những nguyên nhân khiến môi trường du lịch chịu không ít ảnh hưởng tiêu cực.

Xuất phát từ thực tế trên, ngày 3-12-2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 4802/QĐ-UBND, về việc phê duyệt Đề án Xây dựng hệ thống NVS đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 122 NVS đạt chuẩn và đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên 181 NVS. Các NVS đạt chuẩn sẽ được ưu tiên bố trí cho các khu du lịch trọng điểm, các khu vực có lượng du khách lớn, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được công nhận di sản thế giới, cấp quốc gia đặc biệt, quốc gia, khu vực trung tâm các thành phố lớn như TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn. Đồng thời, các khu vực chưa có nhà đầu tư hoặc khó thu hút nhà đầu tư cũng sẽ được ưu tiên bố trí NVS. Riêng với các khu du lịch đã có nhà đầu tư, thì nhà đầu tư có trách nhiệm xây dựng các NVS đạt chuẩn theo quy định.

Yêu cầu đặt ra đối với các NVS là được xây dựng phù hợp với điều kiện địa hình, vị trí và quy hoạch sử dụng đất của từng khu, điểm du lịch. Đồng thời, nằm ở vị trí thuận lợi, dễ tiếp cận, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách. Bên cạnh đó, các NVS cũng được chú trọng các yếu tố về tính thẩm mỹ, quy mô và kiến trúc phù hợp với từng loại hình du lịch, văn hóa, thuần phong, mỹ tục truyền thống tại khu vực đầu tư xây dựng. Các NVS được thiết kế phân khu chức năng rõ ràng, có không gian đủ rộng để đảm bảo sử dụng thuận tiện. Ở những nơi có điều kiện, mỗi khu vệ sinh cần bố trí ít nhất một phòng vệ sinh cho người tàn tật. Có công năng sử dụng hợp lý, trang thiết bị vệ sinh hiện đại, đầy đủ theo yêu cầu, ưu tiên các loại thiết bị tự động và tiết kiệm nước, phù hợp với yêu cầu của từng đối tượng (nam, nữ, người khuyết tật)...

Với tổng kinh phí thực hiện dự kiến là 42,9 tỷ đồng, được huy động từ các nguồn Chương trình phát triển du lịch và vốn sự nghiệp môi trường hàng năm (26,7 tỷ đồng) và vốn ngân sách huyện, xã kết hợp với nguồn vốn xã hội hóa (16,2 tỷ đồng). Mong rằng, Thanh Hóa sẽ sớm có hệ thống NVS đạt chuẩn, vừa đáp ứng nhu cầu của du khách, vừa góp phần tạo dựng môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Hoàng Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]