(Baothanhhoa.vn) - Nói đến xã hội hóa trong phát triển du lịch, không chỉ nhấn mạnh đến nhân tố động lực là kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư nhằm hình thành nên các khu, điểm, tổ hợp du lịch – dịch vụ; mà còn chú trọng đến vai trò của người dân bản địa, những người đang góp phần tạo dựng nên môi trường du lịch an toàn, lành mạnh, thân thiện và ấn tượng đối với du khách.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xã hội hóa trong phát triển du lịch

Nói đến xã hội hóa trong phát triển du lịch, không chỉ nhấn mạnh đến nhân tố động lực là kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư nhằm hình thành nên các khu, điểm, tổ hợp du lịch – dịch vụ; mà còn chú trọng đến vai trò của người dân bản địa, những người đang góp phần tạo dựng nên môi trường du lịch an toàn, lành mạnh, thân thiện và ấn tượng đối với du khách.

Lúa chín vàng giữa đại ngàn Pù Luông.

Từ một cộng đồng...

Du lịch là khái niệm có ngoại diên rộng, nên đối lượng “làm du lịch” cũng không chỉ giới hạn trong những tổ chức, đơn vị có tính chuyên nghiệp. Với nhiều loại hình khác nhau, du lịch mang đến khả năng tiếp cận công việc và thu nhập cho nhiều nhóm đối tượng. Du lịch sinh thái - cộng đồng là một hình thức như vậy, khi mà người dân bản địa có thể kiêm luôn nhiều nhiệm vụ, là người đón tiếp, hướng dẫn du khách đến người bảo vệ môi trường tự nhiên, gìn giữ môi trường văn hóa – xã hội làm cơ sở cho du lịch phát triển lâu dài. Gia đình anh Hà Văn Minh (bản Nủa, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước) là một trong những hộ đầu tiên làm du lịch homestay tại Bá Thước. Anh kể: Năm 2010, gia đình anh và một số hộ dân trong bản được dự án FFI (Tổ chức phi chính phủ Hà Lan) tập huấn kiến thức làm du lịch cộng đồng (nấu ăn, hướng dẫn viên địa phương...) và hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, bể nước, chăn ga gối đệm. Thời gian đầu khách đến chưa nhiều, nên làm homestay chỉ là việc “làm thêm”, cũng là vừa làm vừa tích luỹ kinh nghiệm. Dần dà, các hộ đã kết nối được với một công ty lữ hành để có nguồn khách thường xuyên hơn. Hiện, mỗi năm gia đình anh đón được khoảng 200 lượt khách, trong đó, đa phần là khách nước ngoài. Nhờ vào nguồn thu nhập tương đối ổn định, anh đã đầu tư thêm nhiều đồ dùng gia đình, cải tạo, nâng cấp phòng tắm, nhà vệ sinh. Đặc biệt, gần đây gia đình đã đầu tư xây dựng nhà sàn mới, rộng hơn gần 100m2 để đón và phục vụ khách du lịch tốt hơn.

Với tiềm năng du lịch tương đối phong phú, đa dạng, huyện Bá Thước xác định phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng và du lịch cộng đồng là hướng đi phù hợp, nhằm đưa Bá Thước trở thành điểm đến hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh với các điểm đến khác trong cùng khu vực. Để hiện thực hóa mục tiêu này, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương trong quảng bá, xây dựng sản phẩm, hoàn thiện hạ tầng...; thì công tác xã hội hóa được xem là giải pháp trọng tâm, gắn với việc kêu gọi các nhà đầu tư và sự tham gia của chính người dân bản địa. Ông Lê Văn Sự, Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bá Thước, cho biết: Toàn huyện hiện có 47 hộ tham gia làm du lịch theo hình thức homestay. Nhằm động viên, khuyến khích và hỗ trợ các hộ, địa phương đang tạo điều kiện cho các hộ tự thu tự chi, mà chưa phải đóng bất kỳ khoản thuế, phí nào. Bên cạnh đó, một số hộ còn được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn, thay mái nhà. Ngoài ra, hằng năm, huyện còn tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng cho từ 70 – 100 lượt người. Được biết, trước đây, hình thức homestay tại Bá Thước chủ yếu là hoạt động tự phát. Đến nay, khi số hộ tham gia ngày càng tăng và nhất là khi huyện xây dựng đề án “Phát triển du lịch cộng đồng huyện Bá Thước đến năm 2025, tầm nhìn 2030”, du lịch homestay đang và sẽ được quản lý chặt chẽ hơn về điều kiện hoạt động kinh doanh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự... Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cộng đồng trên địa bàn. Cũng theo ông Lê Văn Sự, hầu hết các hộ làm du lịch có thu nhập cao hơn nhiều so với mặt bằng chung (đạt từ 15-20 triệu đồng/hộ/tháng). Đây là cơ sở để địa phương tiếp tục khuyến khích, vận động nhằm tăng thêm 25% số hộ tham gia làm du lịch cộng đồng đến năm 2020.

Có thể nói, làm du lịch không chỉ mang lại sinh kế cho nhiều hộ dân, mà việc trao quyền cho họ cũng là một giải pháp nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực từ phát triển du lịch đến môi trường, cũng chính là khiến họ trở nên có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường văn hóa bản địa, để du lịch phát triển một cách bền vững. Để tạo điều kiện cho người dân tham gia một cách trách nhiệm và hiệu quả hơn trong phát triển du lịch, từ năm 2016 đến nay, tỉnh ta đã tập trung xây dựng và triển khai nhiều đề án phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại các huyện Lang Chánh, Cẩm Thủy, Bá Thước, Như Thanh, Vĩnh Lộc... Trên cơ sở đó, hình thành nên nhiều điểm đến và sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch như làng Năng Cát (huyện Lang Chánh); bản Hiêu, bản Đôn (huyện Bá Thước); bản Hang (huyện Quan Hóa); bản Ngọc (huyện Cẩm Thủy)...

... đến toàn xã hội

Mặc dù có mặt tại Thanh Hóa chưa lâu, trong định hướng phát triển tại Thanh Hóa, Vietravel sẽ tiếp tục đầu tư về mặt thương hiệu để gia tăng và chiếm lĩnh thị phần; khai thác các sản phẩm du lịch và hỗ trợ Thanh Hóa trong hoạt động xúc tiến và tư vấn du lịch; gia tăng nhu cầu du lịch và kích cầu du lịch phát triển. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ phối hợp với các hãng hàng không từ Cảng Hàng không Thọ Xuân, để khai thác thêm việc thuê charter kết nối điểm đến, cũng như tạo thêm sản phẩm độc quyền du lịch bằng đường hàng không. Về lâu dài, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ địa phương trong phối hợp xây dựng các tuyến sản phẩm, điểm đến, gia tăng thêm các loại hình dịch vụ đi kèm; hỗ trợ truyền thông, quảng bá điểm đến Thanh Hóa tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương có Chi nhánh Vietravel. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ chú trọng xây dựng dòng sản phẩm khác biệt cho riêng Thanh Hóa để thu hút du khách, tạo thêm thu nhập và việc làm tại địa phương, cũng như hỗ trợ các hoạt động xã hội.

Có thể khẳng định, xã hội hóa trong phát triển du lịch gắn với việc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào du lịch, nhằm tạo ra hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đa dạng và mang tính chuyên nghiệp cao, là động lực để du lịch nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như định hướng. Xác định rõ điều đó nên những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá, bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các giá trị văn hóa phi vật thể... nhằm tạo bước đột phá cho du lịch phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, thuế, hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch; tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch; thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong cấp giấy chứng nhận đầu tư; hướng dẫn thủ tục đầu tư, xây dựng và triển khai dự án...

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận xã hội hóa chỉ dưới góc độ huy động nguồn lực kinh tế, thiết nghĩ là chưa đủ. Nghị quyết 92/NQ-CP ngày 8-12-2014 của Chính phủ về “Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới”, đã đặt ra yêu cầu đối với các địa phương trong việc tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, vận động nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự, tôn trọng pháp luật; xây dựng phong trào ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành đối với khách du lịch. Điều đó cho thấy tính cộng đồng trách nhiệm trong phát triển du lịch là rất lớn. Cộng đồng ở đây bao gồm các cộng đồng nhỏ gắn với mỗi cá nhân và cả cộng đồng xã hội lớn. Bởi, con số hàng triệu lượt khách và hàng nghìn tỷ đồng doanh thu du lịch mỗi năm, không chỉ là kết quả của những chính sách vĩ mô, những dự án đầu tư, hay các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện đại, mà còn từ sự nỗ lực tưởng chừng nhỏ bé, của từng cá nhân, ở mỗi khâu, đoạn. Đó có thể đến từ sự tận tình, chu đáo và kỹ năng chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên du lịch; cũng có thể từ sự thân thiện trong cử chỉ, lời nói, thái độ của mỗi người dân... Tất cả đều là những nhân tố đang hàng ngày, hàng giờ góp phần làm nên diện mạo và chất lượng cho du lịch Thanh Hóa.

Cũng chính vì lẽ đó, đẩy mạnh xã hội hóa để huy động các nguồn lực, song càng phải tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm gắn với quyền lợi của họ mới là cơ sở bền vững thúc đẩy du lịch phát triển. Tuy nhiên, cũng cần khách quan nhìn nhận, các cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, hiện vẫn chưa thực sự tạo được cú hích lớn. Điều đó khiến cho việc huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào du lịch còn hạn chế. Hơn nữa, việc xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với du khách, hiện vẫn là một khâu khó và yếu ở các địa phương có tiềm năng du lịch.


Bài và ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]