(Baothanhhoa.vn) - Thôn Thanh Xuân trước đây còn gọi là bản Mạ, thuộc xã Xuân Cẩm (Thường Xuân). Từ đường tỉnh 519 qua cây cầu treo vắt qua dòng sông Chu hiền hòa là đất của thôn. Khi chưa có cây cầu, người dân trong thôn phải vượt sông bằng cách dùng thuyền mảng. Nhưng nhờ có nguồn vốn của trung ương hỗ trợ xây dựng cây cầu bằng cả khối bê tông sắt thép chắc chắn nên đã giúp người dân đi lại được thuận tiện, có điều kiện giao thương với các vùng lân cận và mở ra cơ hội phát triển du lịch cộng đồng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thôn Thanh Xuân làm du lịch cộng đồng

Thôn Thanh Xuân trước đây còn gọi là bản Mạ, thuộc xã Xuân Cẩm (Thường Xuân). Từ đường tỉnh 519 qua cây cầu treo vắt qua dòng sông Chu hiền hòa là đất của thôn. Khi chưa có cây cầu, người dân trong thôn phải vượt sông bằng cách dùng thuyền mảng. Nhưng nhờ có nguồn vốn của trung ương hỗ trợ xây dựng cây cầu bằng cả khối bê tông sắt thép chắc chắn nên đã giúp người dân đi lại được thuận tiện, có điều kiện giao thương với các vùng lân cận và mở ra cơ hội phát triển du lịch cộng đồng.

Thôn Thanh Xuân làm du lịch cộng đồng

Cây cầu treo bắc qua sông Chu dẫn vào thôn Thanh Xuân, xã Xuân Cẩm (Thường Xuân).

Bí thư kiêm trưởng thôn Thanh Xuân Vi Văn Tiên cho biết: Toàn thôn có 56 hộ, với 246 nhân khẩu, là thôn có 100% đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Hiện trong thôn vẫn bảo tồn được trên 30 ngôi nhà sàn cổ, có 7 hộ thường xuyên duy trì được nghề truyền thống, như: Thêu, dệt thổ cẩm và đan lát. Cảnh quan nơi đây thơ mộng hữu tình, người dân sống rất hiền hậu, thật thà và hiếu khách. Đặc biệt, người dân vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa đặc sắc của người Thái, như: Hát khặp, múa sạp, cồng chiêng và khua luống. Cùng với nhiều món ăn đặc trưng chỉ đồng bào Thái mới có, như: Canh ui, măng rừng, canh đắng, thịt trâu gác bếp, cá nướng... Đây chính là những tiềm năng, lợi thế để thôn phát triển du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống cho người dân và mang lại một diện mạo mới cho thôn.

Gia đình bác Lữ Xuân Tiến là một trong 5 hộ tiên phong làm du lịch cộng đồng ở thôn. Tuy mới làm được một năm nay, nhưng đã thu hút được khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Gia đình bác đã được huyện tổ chức tập huấn về cách thức làm du lịch cộng đồng, như: Giao tiếp, ứng xử, nấu ăn, được hỗ trợ một ít chăn gối đệm. Ngôi nhà sàn của bác có 4 gian rộng có sức chứa khoảng 40-50 người. Khách đến đây không thường xuyên, có ngày 1 đoàn khách, nhưng có ngày cũng đông tới 5-7 đoàn khách. Du khách đến đây được ăn cùng, ở cùng với gia chủ như trong một nhà, để cảm nhận cuộc sống bình dị, thuần phác, mến khách của người dân bản địa. Mới đây, bác Tiến đã trồng thêm một ít cau và vườn hoa trước nhà để tạo khuôn viên cây cảnh xanh - sạch - đẹp. Nhưng vốn còn ít, bác hy vọng không chỉ gia đình bác mà nhiều hộ trong thôn sẽ được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ đầu tư thêm trang thiết bị, vật dụng như: Chăn, màn, gối, dụng cụ nấu ăn, nhằm cải thiện nếp sinh hoạt cũ và để có điều kiện phục vụ khách du lịch được tốt hơn.

Với hộ gia đình bác Lữ Xuân Thắng, bây giờ mới bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Bác đã được tập huấn cách thức làm du lịch cộng đồng, được hỗ trợ đôi gối, chăn, màn..., có chỗ ăn, chỗ nghỉ đảm bảo phục vụ cho khoảng 20-30 khách. Các món ăn ở đây đều là sản phẩm tự cung tự cấp, vụ đông trồng rau cải, vụ hè trồng rau muống, gà nuôi trong vườn, cá bắt dưới sông suối..., tất cả đã sẵn sàng để gia đình bác có thể đón khách vào đầu năm tới.

Được biết, UBND huyện Thường Xuân đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng huyện Thường Xuân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Thanh Xuân, xã Xuân Cẩm. Theo đó, huyện đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng làng du lịch cộng đồng. Quan tâm cải tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường; gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản sắc dân tộc, như: Các ngôi nhà sàn truyền thống, khua luống, nhảy sạp, dệt thổ cẩm,... và các món ăn truyền thống của dân tộc Thái, qua đó đẩy mạnh tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng.

Sau hai năm thực hiện đề án đã xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở 5 hộ của thôn Thanh Xuân, xã Xuân Cẩm, bằng nguồn vốn đầu tư của ngân sách địa phương, nhân dân đóng góp và xã hội hóa. Trong thôn đã hình thành tuyến đường đi bộ dọc bản, nước sạch và nguồn điện đã được đầu tư cơ bản. Đường lên một số thác suối nối với đường thôn cũng đang được hình thành đưa vào khai thác du lịch. Thôn đã phát triển được một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, một số hộ đã đón khách ăn uống và có doanh thu. Thôn đã tổ chức được đội văn nghệ thường xuyên luyện tập các điệu hát, điệu múa truyền thống để biểu diễn phục vụ du khách. Huyện cũng đã tổ chức được 2 chuyến cho 12 hộ gia đình trong thôn tham quan mô hình du lịch tại bản Lác, huyện Mai Châu (Hòa Bình) và huyện Bá Thước. 5 hộ làm du lịch cộng đồng được hỗ trợ cải tạo lại nhà sàn cho du khách tham quan, sinh hoạt và nghỉ ngơi (homestay). Huyện đã hỗ trợ thôn trồng 1 ha rau cải để phục vụ khách tham quan ngắm cảnh và chụp ảnh. Các hộ gia đình trong thôn đã có ý thức bảo vệ môi trường, rác thải được thu gom gọn gàng, đường đi lối lại khá sạch sẽ. Hiện du lịch cộng đồng tại thôn Thanh Xuân đang tập trung vào hai sản phẩm: Đi bộ ngắm cảnh và thưởng thức ẩm thực. Đến hết năm 2018 ước tính đã có khoảng trên 1.500 lượt du khách đến tham quan và nghiên cứu văn hóa tại thôn Thanh Xuân.

Phát triển du lịch cộng đồng ở thôn Thanh Xuân, xã Xuân Cẩm tuy mới bước đầu thực hiện nhưng còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí, do Thường Xuân là một trong những huyện nghèo của tỉnh, nguồn ngân sách chủ yếu do điều tiết từ trên, nguồn tăng thu của huyện hạn chế dẫn đến công tác cân đối ngân sách đầu tư cho phát triển kinh tế trong đó có phát triển du lịch còn ít, trong khi đó nhu cầu vốn đầu tư ban đầu lớn và khó thực hiện. Bên cạnh đó, việc giao cho địa phương và nhân dân tự làm là rất khó thành công. Vì vậy, đầu tư cho phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng cần phải có sự vào cuộc của các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mới phát huy hiệu quả.

Ông Cầm Bá Huyến, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Xuân, cho biết: Hoạt động du lịch cộng đồng là hoạt động sinh kế có tiềm năng phù hợp với phát triển nhằm đảm bảo cả hai mục tiêu kinh tế và bảo tồn. Chính vì vậy, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện phát triển thôn Thanh Xuân là điểm du lịch cộng đồng điển hình của huyện Thường Xuân gắn với Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, hồ Cửa Đạt và đền Cầm Bá Thước. Tích cực đấu mối với các địa phương trong và ngoài tỉnh xây dựng tour liên kết giữa thôn Thanh Xuân với các điểm du lịch lân cận như: Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Khu Di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt, Khu Di tích lịch sử hội thề Lũng Nhai... Bên cạnh việc tập trung huy động nguồn lực, kêu gọi hỗ trợ và công tác xã hội hóa đầu tư, xây dựng cải tạo cảnh quan, môi trường văn hóa, nâng cao ý thức cộng đồng, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, dạy nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân,... huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế của du lịch Thường Xuân nói chung và thôn Thanh Xuân nói riêng, nhằm đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch cộng đồng một cách tương xứng.

Bài và ảnh: Ngọc Anh


Bài Và Ảnh: Ngọc Anh

Từ khóa:du lịch

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]