(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa, vùng đất địa linh nhân kiệt và là một trong những cái nôi của loài người. Lần theo những dấu tích thời tiền sử, chúng tôi tìm về nơi mà thuở hồng hoang, người Việt cổ từng sinh sống. Đó là những mái đá, hang động được coi là những mái nhà đầu tiên trong “thời cổ tích” của loài người. Các nhà khảo cổ đã tìm đến nơi đây để vén bức màn lịch sử về tổ tiên loài người; và hôm nay, chúng tôi lại đặt chân đến.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Theo dấu chân tiền sử

Thanh Hóa, vùng đất địa linh nhân kiệt và là một trong những cái nôi của loài người. Lần theo những dấu tích thời tiền sử, chúng tôi tìm về nơi mà thuở hồng hoang, người Việt cổ từng sinh sống. Đó là những mái đá, hang động được coi là những mái nhà đầu tiên trong “thời cổ tích” của loài người. Các nhà khảo cổ đã tìm đến nơi đây để vén bức màn lịch sử về tổ tiên loài người; và hôm nay, chúng tôi lại đặt chân đến.

Hang Con Moong. Ảnh: N.A

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là hang Con Moong ở xã Thành Yên, huyện Thạch Thành. Cảnh vật nơi đây còn khá nguyên sơ với bốn bề núi đá âm u. Hang Con Moong nằm trong một dãy núi đá vôi của Vườn Quốc gia Cúc Phương, thuộc địa phận xã Thành Yên, huyện Thạch Thành. Tại hang Con Moong, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều dấu tích của người xưa qua các công cụ bằng đá và di cốt người dưới tầng địa chất của hang. Đây là một di chỉ khảo cổ học rất đặc biệt, đại diện cho nhiều nền văn hóa cổ xưa và cho thấy sự hiện diện của con người qua từng giai đoạn và tiến trình lịch sử.

Hang Con Moong được phát hiện vào năm 1974, nằm trên vách núi, lòng hang chỉ rộng chừng 300m2 và không bằng phẳng. Độ dài của hang khoảng 40m, trần có chỗ cao 10 m. Hang có hai cửa thông nhau: Một cửa quay về hướng Đông - Nam, một cửa hướng Tây - Nam. Qua nhiều lần khai quật, các nhà khảo cổ đã xác nhận sự phát triển liên tục của công cụ đá qua các thời kỳ lịch sử tiến hóa của loài người, làm sáng rõ thêm cuộc sống của cư dân nguyên thủy ở giai đoạn bản lề từ thời đại đồ đá cũ sang thời đại đồ đá mới; từ săn bắn hái lượm sang nông nghiệp sơ khai; từ hồng hoang tiến đến văn minh.

Sau 5 mùa điền dã, khai quật khảo cổ (từ năm 2010 đến 2015), đoàn khảo cổ học của Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa đã công bố những kết quả bước đầu. Bà Quách Thị Tươi, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạch Thành là một trong những người đã được chứng kiến những đợt khảo cổ của các nhà khảo cổ trong và ngoài nước, cho biết: Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chứng minh hang Con Moong trải qua 4 giai đoạn phát triển về văn hóa, gồm giai đoạn trước Sơn Vi sang Sơn Vi đến văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn và Đa Bút. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy niên đại sớm nhất của hang Con Moong được dự đoán khoảng 40.000 đến 60.000 năm trước.

Với ý nghĩa khoa học, giá trị lịch sử - văn hóa vô cùng to lớn, hang Con Moong và các di tích phụ cận đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Đối với người dân xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, hang Con Moong giống như một “ngôi nhà cổ tích” gắn liền với những câu chuyện dân gian mang sắc mầu kỳ bí, linh thiêng, được truyền từ đời này qua đời khác.

Song song với việc khai quật hang Con Moong, các nhà khảo cổ đã khai quật, nghiên cứu các hang động lân cận nằm trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương. Qua đó cho thấy, Con Moong là di tích cổ xưa nhất, có mối quan hệ nhất định với các di tích xung quanh ở các bình tuyến khác nhau. Từ Con Moong, trải hàng chục ngàn năm, do biến đổi của khí hậu, thời tiết và sự tiến hóa, môi trường sống của người nguyên thủy được mở rộng. Theo đó, kỹ nghệ chế tác công cụ lao động và sinh hoạt ngày càng tiến bộ. Người nguyên thủy đã tách ra từng bầy nhóm, di chuyển đến các hang động Mang Chiêng, hang Diêm, hang Lai, hang Mộc Long, Mái đá Mộc Long, hang Lý Chùn, hang Đắng (tức động Người xưa)...

Dấu chân của người tiền sử đã có ở rất nhiều nơi, trong các hang động, rừng núi của xứ Thanh. Trong suốt hàng vạn năm, tổ tiên loài người tìm cách thích nghi với môi trường, từ hái lượm săn bắt, tiến dần đến trồng trọt, chăn nuôi...

Tiếp tục theo dấu chân người tiền sử, chúng tôi tìm đến Mái Đá Điều, một di chỉ khảo cổ học ở huyện Bá Thước gắn với bao câu chuyện ly kỳ, huyền thoại.

Bao đời nay, người Mường, người Thái ở bản Khiêng, xã Hạ Trung, huyện Bá Thước đã xem Mái Đá Điều như một biểu tượng của sức mạnh cộng đồng.

Từ khi các nhà khảo cổ học chưa đặt chân đến đây, người dân trong vùng đã có một niềm tin tâm linh rằng: Nơi này chính là một trong những cái nôi của loài người. Vì vậy, những hiện vật như: Khúc xương người Việt cổ hóa thạch, công cụ lao động bằng đá mà người đi rừng vô tình tìm thấy, đều được nâng niu, trân trọng và đặt lên bàn thờ ngay trước cửa hang. Ông Trương Văn Tý, trưởng bản Khiêng, xã Hạ Trung, huyện Bá Thước kể lại với chúng tôi những câu chuyện mang mầu sắc linh thiêng, khó lý giải mà ông từng chứng kiến. Ngay trước cửa hang thuộc di tích khảo cổ học Mái Đá Điều là một tổ mối khổng lồ án ngữ. Từ khi bản làng được thành lập thì tổ mối đã có rồi, nên các cụ cao niên quan niệm, đây chính là biểu tượng tâm linh giữa con người và vạn vật, thể hiện sức mạnh cộng đồng giữa chốn rừng sâu. Người dân trong vùng cho rằng: Sự đông đúc của tổ mối sẽ đem lại bình yên, no ấm cho bà con dân bản nên không ai dám phá vỡ sự yên ổn của đàn mối. Ngay cả các đoàn khảo cổ học nước ngoài khi khai quật di tích Mái Đá Điều cũng tránh đụng chạm đến tổ mối, khiến câu chuyện về nó càng linh thiêng, kỳ bí.

Năm 1984, các nhà khảo cổ học bắt đầu thám sát khu vực Mái Đá Điều và thu được hơn 300 hiện vật thuộc thời đại đồ đá cũ. Trong các năm 1986 - 1989, do tầm quan trọng của di tích này, các nhà khảo cổ học Việt Nam tiếp tục hợp tác với các nhà khảo cổ học Bun-ga-ri tiến hành khai quật 3 lần. Kết quả thu được hàng ngàn hiện vật đá gồm công cụ kiểu văn hóa Sơn Vi. Ðặc biệt, tại đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 10 mộ cổ, trong đó có một mộ song táng, với hai bộ xương hóa thạch mà chưa nơi nào ở Việt Nam phát hiện được di cốt còn tương đối nguyên vẹn như thế.

Bên trong Mái Đá Điều còn có một hang nhỏ. Trong hang có những thạch nhũ đẹp, như có bàn tay khéo léo sắp đặt của tạo hóa.

Dù tấm màn lịch sử vẫn chưa được mở hết, nhưng mỗi tầng văn hóa được hé lộ ở hang Con Moong và Mái Đá Điều đã và đang giúp chúng tôi hình dung một phần về đời sống của người Việt cổ trên vùng đất xứ Thanh.

Nguồn cội là những gì thiêng liêng nhất đối với lịch sử dân tộc. Những cây cổ thụ nơi đây bằng sức sống mãnh liệt của mình, vươn những bộ rễ dài khỏe khoắn bám chặt vào vách đá, tỏa bóng mát xuống “mái nhà cổ tích” của người xưa. Phải chăng, đây chính là những “nhân chứng lịch sử” có mặt từ thuở hồng hoang của loài người và tồn tại cho tới ngày hôm nay, tạo nên sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Từ hang Con Moong và những hang động nơi rừng sâu núi thẳm, người tiền sử dần di chuyển xuống khu vực đồng bằng, lao động kiến tạo cuộc sống, thiết lập dần những cộng đồng người đầu tiên ở các khu vực bình địa. Họ theo lưu vực sông Mã và các dòng sông trên địa bàn, dịch chuyển dần về phía biển. Ở đồng bằng châu thổ rộng lớn, loài người dần thoát ly đời sống nguyên thủy, tạo nên làng mạc, thôn ấp, sáng tạo nên những công cụ mới để khai khẩn đất đai, làm nên nghề trồng lúa nước. Họ cùng nhau sinh cơ lập nghiệp, duy trì nòi giống, phát triển thành những cộng đồng người tiến bộ, văn minh. Hình ảnh những người khổng lồ “gánh núi đào sông” trong cổ tích chính là biểu tượng sức mạnh đoàn kết của cộng đồng người nguyên thủy trong công cuộc chế ngự thiên nhiên, gây dựng cuộc sống. Từng bờ xôi ruộng mật, từng xóm làng trù phú trên dải đất xứ Thanh hôm nay, chính là thành quả lao động kết tinh hàng vạn năm của tổ tiên. Từ chốn rừng sâu núi thẳm, những dấu chân tiền sử đã mở lối, đưa các thế hệ tương lai tiến dần về phía ánh sáng của văn minh.


Ký của Minh Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]