(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa hiện có hơn 1.500 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ, trong đó có 833 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, gồm: 1 di sản văn hóa thế giới, 4 di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia, còn lại là di tích cấp tỉnh. Trong vườn hoa di sản xứ Thanh, bên cạnh sự phong phú, đa dạng về các di tích, di sản văn hóa vật thể thì các di sản văn hóa phi vật thể cũng đang phát triển nở rộ. Đáng mừng là từ năm 2016 đến nay, Thanh Hóa đã có 8 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc 4 loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống và nghề thủ công truyền thống. 

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sắc màu di sản

Thanh Hóa hiện có hơn 1.500 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ, trong đó có 833 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, gồm: 1 di sản văn hóa thế giới, 4 di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia, còn lại là di tích cấp tỉnh. Trong vườn hoa di sản xứ Thanh, bên cạnh sự phong phú, đa dạng về các di tích, di sản văn hóa vật thể thì các di sản văn hóa phi vật thể cũng đang phát triển nở rộ. Đáng mừng là từ năm 2016 đến nay, Thanh Hóa đã có 8 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc 4 loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống và nghề thủ công truyền thống.

Sắc màu di sản

Độc đáo lễ hội Pồn pôông của người Mường (Ngọc Lặc).

Nằm trong số các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sớm được công nhận, Trò Xuân Phả của làng Xuân Phả, nay thuộc xã Xuân Trường (Thọ Xuân) là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có từ thời nhà Đinh cách đây hàng nghìn năm, gồm 5 điệu múa: Hoa Lang, Tú Huần (còn gọi là Lục Hồn Nhung), Ai Lao, Ngô Quốc, Xiêm Thành (còn gọi là Chiêm Thành). Các trò diễn dân gian mô tả cảnh năm phương đến chầu, đem những tiết mục múa hát đặc sắc của quốc gia họ đến chúc mừng hoàng đế nước Việt xưa. Sau nhiều thế kỷ ra đời, tồn tại, phát triển và được trao truyền, trò diễn Xuân Phả đã dần hoàn thiện về kỹ thuật làm mặt nạ, đạo cụ, trang phục, âm nhạc và lời ca. Hằng năm trò diễn Xuân Phả được biểu diễn vào dịp hội làng mùng 10 tháng 2 âm lịch tại làng Xuân Phả để tỏ lòng biết ơn của người dân đối với thần linh đã phù hộ cho nhân khang vật thịnh, mùa màng tốt tươi.

Mỗi độ xuân về hoặc vào ngày rằm tháng 3, ngày rằm tháng 7 âm lịch, tại xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc) thường diễn ra lễ hội pồn pôông – lễ thưởng hoa độc đáo của người Mường. Giá trị nổi bật của lễ hội chính là hình thức diễn xướng dân gian mô phỏng toàn bộ những phong tục, tập quán, phương thức lao động sản xuất, đời sống tâm linh của đồng bào Mường, vừa mang tính nghi lễ, thần linh vừa mang tính chất giao duyên, cầu phúc... Ở huyện Ngọc Lặc, làng nào có cộng đồng người Mường sinh sống thì ở đó có cây bông, có giàn cồng chiêng và có pồn pôông. Trong những dịp như vậy, cây bông luôn dành được một vị trí trang trọng, biểu tượng của ước mơ, sự phồn thịnh, sung túc, đủ đầy. Ngày nay, người Mường ở Ngọc Lặc có điều kiện bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp, đồng thời có tác dụng thanh lọc, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.

Ai đã một lần qua làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh (Yên Định) từng nghe câu ca dao:

Trò Chiềng, vật Bộc, rối Xi

Cơm đắp kẻ Lở, cơm thi kẻ Lào...

Trò Chiềng nổi tiếng một thời bởi tái hiện lại cho hậu thế hiểu biết sâu sắc hơn về một giai đoạn lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta thời Lý, từ đó bồi dưỡng tinh thần cho thế hệ hôm nay về truyền thống đấu tranh bất khuất của quê hương, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, góp phần bảo vệ, giữ gìn những thành quả và giá trị truyền thống của cha ông. Lễ hội Trò Chiềng được coi là một tổ khúc tổng hợp mang tính diễn xướng dân gian, hội tụ nhiều loại hình nghệ thuật như: Ca múa, âm nhạc, trang phục, diễn xuất... Đây cũng là lễ hội điển hình cho nét độc đáo trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của cư dân đồng bằng sông Mã, trong đó mọi tầng lớp nhân dân đều tham gia đóng vai trò chủ đạo.

Xuân về cũng là thời điểm mở đầu lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy của người Thái làng Roộc Răm, xã Xuân Phúc (Như Thanh). Lễ tục này không chỉ có ý nghĩa cố kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh chiến thắng thiên tai, địch họa mà còn có tính giáo dục và tinh thần nhân văn. Đó còn là khát vọng tự do, bình đẳng, thể hiện tính nhân sinh quan, vũ trụ quan, thiên – địa – nhân hòa hợp. Người nhập vai “thần”, vai “mường Trời” mượn cái huyền ảo, linh thiêng, cái uy của “thần” để nói cái thực ở đời, răn dạy người đời làm những điều hay, ý đẹp, biết sống chan hòa, yêu thương. Ở đây có sự tham gia của nhiều loại hình nghệ thuật tổng hợp: Hát, múa, trình diễn nhạc cụ... và nhiều sản vật truyền thống từ nông nghiệp trồng trọt đến chăn nuôi, săn bắt, hái lượm. Thông qua lễ tục này, toàn bộ đời sống của đồng bào được tái hiện, gồm: Văn hóa sản xuất (các hoạt động kinh tế), văn hóa ứng xử tín ngưỡng (phong tục, tập quán, quan hệ ứng xử) và các mối quan hệ tự nhiên - xã hội - con người.

Ra đời, hình thành và phát triển cùng với quá trình lao động của cư dân Đông Sơn, “Ngũ trò Viên Khê” (Dân ca dân vũ Đông Anh) đã trở thành một loại hình diễn xướng dân gian mang đậm lễ nghi nông nghiệp cổ xưa. Ngoài mô tả chu kỳ sản xuất nông nghiệp trong một năm của nhà nông, dân ca dân vũ Đông Anh còn phản ánh quá trình diễn biến tình cảm lứa đôi của thanh niên nam nữ nông thôn ngày xưa; truyền thống và nghi lễ, tâm linh đối với các vị thần linh; tinh thần đoàn kết cộng đồng làng xã để vượt qua khó khăn, chiến thắng kẻ thù, thiên tai địch họa, bảo vệ xóm làng. Cấu trúc âm nhạc và lời ca trong các trò diễn đều có chung một chủ đề và liên kết với nhau trong một tổng thể; lời ca mộc mạc mà tinh tế đã tạo cho âm nhạc nét duyên dáng, đằm thắm, mang đậm tính cách của người nông dân thôn quê hiền lành, chất phác nhưng cũng rất khỏe khoắn, rắn rỏi. Các trò diễn của dân ca dân vũ Đông Anh đã lan tỏa tới các vùng miền, coi đó như nét văn hóa tinh thần đặc sắc của người xứ Thanh.

Được tổ chức hàng năm vào ngày 21 đến 24 tháng 2 âm lịch, Lễ hội Cầu ngư làng Diêm Phố, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) có quy mô và sức lan tỏa rất lớn không những của làng xã ven biển Hậu Lộc mà còn ảnh hưởng đến ngư dân các huyện ven biển tỉnh ta. Lễ hội thể hiện nghi thức, nghi lễ trang nghiêm, long trọng và những trò chơi đầy ý nghĩa gắn liền với phong tục tập quán của ngư dân lấy việc đánh cá làm nguồn sống chính. Lễ hội không chỉ có các hoạt động vui chơi giải trí mà còn là dịp để người dân thể hiện nét tài hoa giữa các làng với nhau trong các trò diễn dân gian, nhằm tăng cường rèn luyện thể chất, trí thông minh, lòng dũng cảm, cũng như biểu dương sức mạnh của cộng đồng.

Bằng tâm huyết yêu nghề, óc sáng tạo và bàn tay khéo léo, các nghệ nhân đúc đồng làng Chè, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) đã thổi hồn vào trong từng sản phẩm đồ đồng, biến các sản phẩm này trở nên phong phú, đa dạng, mang đậm nét giá trị văn hóa cũng như giá trị lịch sử đặc sắc và tiêu biểu. Giá trị đặc biệt cốt lõi đối với nghề đúc đồng ở làng Chè là toàn bộ quy trình sản xuất sản phẩm được áp dụng bằng phương pháp thủ công truyền thống. Mỗi sản phẩm làm ra đều là tâm sức, trí tuệ dày công vun đắp của người thợ làng nghề.

Kết tinh giá trị tín ngưỡng thờ thần biển, Lễ hội đền Độc Cước đã trở thành lễ hội lớn của cư dân ven biển TP Sầm Sơn. Lễ hội diễn ra hai kỳ: Lễ hội cầu phúc (ngày 16 tháng giêng âm lịch) và Lễ đảo vũ (cầu mưa, ngày 11 đến 13 tháng 5 âm lịch). Lễ hội gắn với quá trình khai hoang, lấn biển và tụ cư của các dòng họ đến đây trong các thời kỳ lịch sử khác nhau. Trong quá trình hình thành và phát triển, vùng đất này đã để lại nhiều giá trị về lịch sử xây dựng và chiến đấu của cộng đồng cư dân trước biển. Lễ hội đền Độc Cước là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, phản ánh sinh động đời sống tâm linh của người dân địa phương, là nơi thờ phụng các nhân vật lịch sử, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa được đúc kết trong cả quá trình dài chống chọi với thiên nhiên, giặc giã, đói nghèo... Những vị thần ấy trở thành biểu tượng thiêng liêng nâng đỡ con người vượt qua hiểm nguy, hướng tới khát vọng và tương lai.

Mỗi di sản văn hóa phi vật thể được vinh danh chính là “vật báu” tiêu biểu, đặc sắc nhất của quốc gia. Ở đó có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; phản ánh đa dạng văn hóa và sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ. Cùng nhìn lại bức tranh di sản để thêm tự hào và khẳng định “Xứ Thanh là vị trí địa chiến lược, địa chính trị, địa văn hóa quan trọng của Việt Nam” (lời của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng). Để từ đó, mỗi chúng ta càng thêm trân trọng, giữ gìn và không ngừng phát huy những giá trị tốt đẹp của ông cha trao truyền.

Ngọc Anh


Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]