(Baothanhhoa.vn) - Sự phát triển mạnh mẽ và hiệu quả của sản phẩm du lịch làng nghề tại xứ Quảng đã cho thấy, mặc dù không phải là một sản phẩm độc lập, song, du lịch làng nghề lại là sản phẩm “vệ tinh” đặc biệt hấp dẫn và có khả năng hỗ trợ đắc lực cho các sản phẩm mũi nhọn văn hóa di sản của địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển du lịch làng nghề: Nhìn từ xứ Quảng

Sự phát triển mạnh mẽ và hiệu quả của sản phẩm du lịch làng nghề tại xứ Quảng đã cho thấy, mặc dù không phải là một sản phẩm độc lập, song, du lịch làng nghề lại là sản phẩm “vệ tinh” đặc biệt hấp dẫn và có khả năng hỗ trợ đắc lực cho các sản phẩm mũi nhọn văn hóa di sản của địa phương.

Thợ gốm Thanh Hà.

Nói đến du lịch Quảng Nam là nói đến Hội An, hay đúng hơn, Hội An chính là “gương mặt đại diện” cho thương hiệu du lịch xứ Quảng. Song, để có thể hấp dẫn và giữ chân du khách, cũng chính là để nối dài hành trình khám phá di sản văn hóa thế giới này, một “bí quyết” tuy rằng không mới nhưng không phải địa phương nào cũng dễ dàng áp dụng, đó là chú trọng đầu tư khôi phục và duy trì hàng chục làng nghề truyền thống, nhằm tạo nên các điểm tham quan mới cho du khách. Nếu có dịp về thăm xứ Quảng, dừng chân tại đô thị cổ Hội An, tùy theo thời gian nghỉ lại hay theo các tour đã đặt sẵn, du khách chắc chắn sẽ được giới thiệu đến tham quan các làng nghề truyền thống, có lịch sử hàng trăm năm. Làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, cách TP Hội An 3km) là một trong những điểm đến thu hút đông khách du lịch, nhất là khách nước ngoài. Là một làng sản xuất nông nghiệp thuần túy, đã có trên 300 năm tồn tại và phát triển; song điểm đặc biệt của làng rau này không phải ở lịch sử của nó, mà nằm ở hơn 20 chủng loại rau ăn lá và rau gia vị, có mùi thơm và vị ngon đặc trưng, góp phần làm nên hương vị riêng, hấp dẫn cho ẩm thực Hội An.

Được đưa vào khai thác du lịch từ năm 2002, đến nay, sự phát triển của lĩnh vực thương mại và dịch vụ du lịch đã mang lại diện mạo mới cho làng quê, góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân Trà Quế. Du khách tìm về làng rau này không chỉ để tận hưởng không gian xanh trong lành, tìm hiểu lối canh tác truyền thống thân thiện với tự nhiên, mà còn được trải nghiệm các dịch vụ ngâm chân và mát xa thảo dược từ các loại cây được trồng trên đồng ruộng và thưởng thức các món ăn dân dã đặc trưng. Sản phẩm du lịch này đặc biệt thu hút khách nước ngoài bởi sự mới lạ, độc đáo và thú vị mà nó mang đến cho nhận thức của họ. Đến làng nghề, không khó để bắt gặp hình ảnh những du khách nước ngoài cao lớn, mặc áo nâu, đội nón lá, chân trần lội ruộng cấy lúa, cuốc đất trồng rau, nhổ cỏ, bón phân... Họ làm với tất cả niềm yêu thích được khám phá, được trải nghiệm một phương thức sản xuất nông nghiệp đã vắng bóng ở các nước phương tây hàng trăm năm nay.

Làng gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà, cách TP Hội An 3km) nằm ngay cạnh dòng sông Thu Bồn. Để được vào tham quan làng nghề, sau khi xuống xe, du khách sẽ được di chuyển bằng xe điện đến điểm tập kết mua vé và đi theo sự chỉ dẫn của hướng dẫn viên. Đó là một quy trình được tiến hành nghiêm túc, nhằm tránh mọi hành vi tự phát, gây ảnh hưởng đến cảnh quan và hoạt động của làng nghề. Mặc dù được khai thác phát triển du lịch cả chục năm nay, song, làng nghề truyền thống có lịch sử ngót 500 năm này vẫn giữ được nét thanh bình, yên ả vốn có của làng quê Trung bộ điển hình. Mỗi sản phẩm làm ra từ làng nghề là một tác phẩm thủ công độc đáo, được hòa quyện từ đất, lửa, nước sông Thu Bồn và mồ hôi người thợ gốm. Thế kỷ XVI, XVII được xem là giai đoạn cực thịnh của làng nghề này, khi các mặt hàng gốm, đất nung Thanh Hà đã có mặt ở khắp các tỉnh miền Trung.

Ngày nay, tuy thị trường của làng nghề này đã bị thu hẹp, song danh tiếng “một thời vang bóng” của nó vẫn đủ làm nên sức hấp dẫn đối với du khách. Có dịp tham quan lò gốm và trò chuyện cùng người thợ gốm cao tuổi Lê Văn Xê, chúng tôi vỡ lẽ vì sao làng nghề này tồn tại và phát triển cho đến tận ngày nay. Lò gốm của gia đình ông Xê và nhiều hộ dân trong làng được duy trì đời nối đời. Đó là niềm tự hào và sự trân trọng gìn giữ mà người dân Thanh Hà dành cho cái nghề truyền thống được cha ông trao truyền lại. Dù hoạt động của làng nghề không còn sôi động như cách đây vài ba thế kỷ, song các lò gốm trong làng vẫn luôn đỏ lửa, vừa để sản xuất các mặt hàng cung cấp cho thị trường, vừa để trình diễn và giúp du khách trải nghiệm sản phẩm du lịch độc đáo này, khi tự tay họ có thể tạo ra các món đồ lưu niệm ưa thích. Để có thể làm du lịch từ nghề, ông Xê cùng các hộ dân trong làng được nhận một phần kinh phí hỗ trợ, trích từ tiền vé tham quan của du khách. Ông chia sẻ, thu nhập từ du lịch của gia đình có thể đạt từ 5 đến 9 triệu đồng/tháng từ nguồn kinh phí này.

Bên cạnh 2 làng nghề nổi tiếng là rau Trà Quế và gốm Thanh Hà, nằm bao bọc xung quanh TP Hội An còn nhiều làng nghề lâu đời khác, trong đó không thể không kể đến làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, cách TP Hội An 2km) được hình thành từ thế kỷ XV bởi những người Việt đầu tiên ở đồng bằng Bắc bộ và vùng Thanh – Nghệ - Tĩnh vào khai khẩn vùng đất Cẩm Kim – Hội An thời bấy giờ. Đến cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, nghề mộc bắt đầu phát triển nhờ sự phát triển của thương cảng Hội An. Sang thế kỷ XVIII, làng mộc Kim Bồng phát triển mạnh mẽ và thịnh vượng với 3 nhóm nghề là mộc xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, mộc dân dụng và mộc đóng tàu thuyền... Ngoài ra, các làng dệt chiếu cói Bàn Thạch, làng đúc đồng Phước Kiều, làng dệt thổ cẩm Zara, làng lụa Hội An... đều có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nghề truyền thống lâu đời và hiện là điểm tham quan yêu thích của du khách khi về Hội An.

Điểm mấu chốt làm nên sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch làng nghề là lịch sử và văn hóa truyền thống một vùng đất được tái hiện sinh động trong các sản phẩm thủ công có khi kỳ công, tinh xảo, có khi đơn giản, gần gũi; hay trong nếp sống, không gian sinh hoạt, lời ăn tiếng nói, lối ứng xử giữa người với người... Đặc biệt, người dân cũng đồng thời là những người trực tiếp làm du lịch, với nhiều “nét duyên” rất riêng. Đó là cách làm du lịch vừa tự nhiên để không làm mất đi bản tính chân thật, chất phác, hiền lành của người nông dân; vừa khá chuyên nghiệp, văn minh để từng bước đáp ứng yêu cầu về chất lượng nhân lực du lịch. Dường như, họ luôn có cách để lôi cuốn du khách tham gia vào quá trình lao động, để tự tay tạo ra các sản phẩm lưu niệm (như làm gốm), hoặc trải qua cảm giác được hóa thân vào một “con người khác” trong chính mình (như tự trồng rau, cấy lúa). Còn với du khách, mục đích cuối cùng khi tham quan các làng nghề là khám phá sự khác biệt, mới lạ của một nền văn hóa, hay tìm hiểu lịch sử cùng đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân một quốc gia, một dân tộc, nhằm làm dày thêm vốn hiểu biết. Đó cũng chính là ý nghĩa và giá trị mà du lịch mang lại cho con người, thay vì đi du lịch chỉ để hưởng thụ, nghỉ dưỡng đơn thuần như trước đây.

Duy trì và phát triển các làng nghề như một “vệ tinh” hỗ trợ đắc lực cho sản phẩm du lịch di sản văn hóa thế giới Hội An là cách tiếp cận đúng và trúng của tỉnh Quảng Nam. Đến lượt nó, du lịch Hội An cũng chính là nhân tố động lực, góp phần vực dậy sức sống cho các làng nghề truyền thống. Nhờ khai thác hiệu quả mối quan hệ tương hỗ này mà du lịch làng nghề đã trở thành một sản phẩm chất lượng của du lịch xứ Quảng hiện nay.


Bài và ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]