(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là một trong những địa phương còn lưu giữ được nhiều làng nghề truyền thống nhất, đây chính là tiềm năng để góp phần phát triển du lịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống

Thanh Hóa là một trong những địa phương còn lưu giữ được nhiều làng nghề truyền thống nhất, đây chính là tiềm năng để góp phần phát triển du lịch.

Sản xuất hương bài của gia đình ông Vũ Đình Nguyên tại làng nghề truyền thống thôn Bái Hạ, xã Vạn Thắng (Nông Cống).

Các làng nghề phong phú ở nhiều lĩnh vực, như: Làng nghề hương Vạn Thắng, nón lá Trường Giang (Nông Cống); dệt thổ cẩm (ở Ngọc Lặc và Quan Hóa); rượu Cầu Lộc (Hậu Lộc), đúc đồng xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa), mộc Đạt Tài xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa), nghề dệt chiếu (Nga Sơn), trồng hoa cây cảnh xã Vân Du (Như Thanh), nghề làm thủ công mỹ nghệ ở phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn)... Những làng nghề này có lịch sử hình thành lâu đời, gắn với truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh. Khi đến với làng nghề, du khách không chỉ được “mục sở thị” các quy trình sản xuất sản phẩm thủ công mà còn được giao lưu với những nghệ nhân, những người thợ để khám phá văn hóa.

Tiềm năng là vậy nhưng trên thực tế, việc phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn đang còn loay hoay, chưa được phát huy. Các sản phẩm làng nghề truyền thống dùng làm quà lưu niệm phục vụ cho du lịch còn khan hiếm, chưa có sản phẩm mang đặc trưng riêng của tỉnh. Làng nghề hay các làng nghề truyền thống vẫn hoạt động ở phạm vi nhỏ như trong gia đình, trong thôn, làng, chứ chưa mở rộng, chính vì vậy khách du lịch ít có cơ hội để tiếp cận, tìm hiểu và trải nghiệm với các sản phẩm làng nghề. Cùng với đó, phần lớn các hộ gia đình sản xuất tại các làng nghề chỉ quan tâm đến thị trường tiêu dùng thuần túy, việc tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, xây dựng không gian trình diễn và trưng bày phù hợp để thu hút khách du lịch đến với làng nghề thì chưa có. Hơn nữa, làng nghề truyền thống của tỉnh chưa thực sự phát triển, số hộ lao động làm nghề ít, nhiều làng nghề chưa thực sự sống được bằng nghề, không khí làm nghề trong một số làng nghề trầm lắng gây khó khăn trong thu hút khách du lịch. Cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống điện, nước, môi trường đang gặp khó khăn. Mặt khác, việc kết nối giữa các làng nghề truyền thống với các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành còn nhiều hạn chế, chưa xây dựng tour du lịch làng nghề; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại các làng nghề cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Hiện nay, xu hướng du lịch sáng tạo đang hấp dẫn, bởi thế, du khách đến làng nghề không chỉ để ngắm nhìn, mua sản phẩm mà muốn được tham gia, học kỹ năng làm nghề và muốn tự tay tạo ra sản phẩm. Chính vì thế, các địa phương cần tập trung xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng, hỗ trợ đào tạo nghề, khuyến khích các nghệ nhân, thợ lành nghề tiếp tục truyền dạy nghề, vận động hình thành các HTX, doanh nghiệp trong các làng nghề để làm hạt nhân phát triển làng nghề. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm; phát triển sản phẩm đa dạng cả về mẫu mã, chất lượng và tạo ra các sản phẩm đặc trưng mang đậm nét văn hóa riêng của mỗi địa phương, phù hợp với hàng lưu niệm, quà tặng phục vụ khách du lịch.

Phát triển loại hình du lịch gắn với làng nghề truyền thống mang lại lợi ích kép, vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Vì vậy, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và người dân để loại hình du lịch gắn với làng nghề truyền thống phát triển.


Bài và ảnh: Lương Khánh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]