(Baothanhhoa.vn) - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ để lại di sản lớn về phương thức lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh về đề ra quyết sách đúng đắn, chớp thời cơ vùng lên giải phóng quê hương, góp phần vào sự nghiệp giải phóng của cả dân tộc; Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn để lại nhiều di tích có giá trị...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy giá trị di tích Cách mạng Tháng Tám ở Thanh Hóa

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ để lại di sản lớn về phương thức lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh về đề ra quyết sách đúng đắn, chớp thời cơ vùng lên giải phóng quê hương, góp phần vào sự nghiệp giải phóng của cả dân tộc; Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn để lại nhiều di tích có giá trị...

Nhà lưu niệm Khu Di tích lịch sử chiến khu Ngọc Trạo (Thạch Thành). Ảnh: Hải Đăng

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng tám năm 1945, khi tình thế cách mạng đã chín muồi, cả dân tộc Việt Nam đã chớp thời cơ, vùng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước.

Cùng với cả nước, ngày 24-7-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo chi bộ Đảng và Ban cán sự Việt Minh huyện Hoằng Hóa lãnh đạo quần chúng vùng dậy đấu tranh vũ trang giành chính quyền thắng lợi. Đêm ngày 18, rạng sáng ngày 19-8-1945, Tỉnh ủy phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền, nhân dân và tự vệ vũ trang các địa phương vùng lên đấu tranh lật đổ chính quyền bù nhìn thân Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân. Chỉ sau 3 ngày phát lệnh tổng khởi nghĩa, đến ngày 21-8-1945, thị xã Thanh Hóa và tất cả các huyện đồng bằng và hai huyện miền núi (Thạch Thành, Cẩm Thủy) đã thành lập được chính quyền dân chủ nhân dân. Tại thị xã Thanh Hóa, ngày 18-8, Ủy ban khởi nghĩa bàn kế hoạch, tổ chức lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền. Chiều ngày 20-8-1945, chính quyền cũ bị lật đổ, thiết lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Ngày 23-8-1945, từ căn cứ Thiệu Hóa, UBND cách mạng lâm thời về thị xã Thanh Hóa ra mắt đồng bào trong tỉnh; xóa bỏ chính quyền thực dân ở 6 châu miền núi, thành lập chính quyền cách mạng. Cùng với nhân dân cả nước, Thanh Hóa đã góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở đầu một kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc, mở ra chân trời mới cho người dân đất Việt nói chung, người dân tỉnh Thanh nói riêng, đưa họ lên địa vị làm chủ tương lai của đất nước. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ để lại di sản lớn về phương thức lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh về đề ra quyết sách đúng đắn, chớp thời cơ vùng lên giải phóng quê hương, góp phần vào sự nghiệp giải phóng của cả dân tộc; Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn để lại nhiều di tích có giá trị, không chỉ in dấu thời khắc lịch sử của dân tộc diễn ra trên đất Thanh Hóa mà còn giáo dục cho mọi người, đặc biệt là thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống yêu nước, cách mạng, nuôi lớn ý chí và khát vọng giành tự do, độc lập; không chịu mất nước, sống cảnh lầm than nô lệ của các thế hệ cha ông - những chiến sĩ cách mạng kiên trung và nhân dân ta bất khuất, anh hùng.

Những di tích Cách mạng Tháng Tám trên quê hương Thanh Hóa là những địa chỉ đỏ, nhắc nhớ mọi người tìm về ngôi đình, mái rạ, gốc cây, cồn miếu và đặc biệt là những người con quê Thanh có tên và không tên trong những năm tháng hào hùng, hừng hực khí thế khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền về tay nhân dân, mở ra trang sử vàng chói lọi của lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX. Những di tích cách mạng tiêu biểu đó là:

Làng Mao Xá, xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa, nơi có Đình làng Mao Xá in dấu phong trào thanh niên cách mạng được thành lập do đồng chí Lê Huy Toán làm tổ trưởng. Nhà thờ họ Vương thôn Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến, ngày 10-7-1930, chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên huyện Thiệu Hóa được thành lập.

Nhà đồng chí Tô Đình Bảng, ngày 15-8-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định phát động toàn dân nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Tối 18-8-1945, đồng chí Bảng cùng 20 chiến sĩ vũ trang ở Cựu Thôn, Khổ Kỳ, Thung Dung, hội quân cùng cánh quân bên hữu ngạn sông Chu do đồng chí Lê Thái Bình chỉ huy, xuôi theo triền sông Chu, tiến về phủ lỵ Thiệu Hóa. Rạng sáng ngày 19-8-1945, lực lượng vũ trang bên bờ hữu sông Chu đã tiến đánh phủ đường, buộc trung đội bảo an do tên Thuật chỉ huy phải mở đường máu chạy xuống phà, thoát về tỉnh lỵ. Đồng chí Tô Đình Bảng cùng các cánh quân tiến đến khép chặt vòng vây, đánh và tiêu diệt gọn đội lính khố xanh cố thủ trong trường học. Cuộc chiến diễn ra gần một ngày, quân lính khố xanh dùng súng bắn ra, quân ta ém sát các cửa sổ và hành lang trường học, không quản hiểm nguy bởi lúc này đạn giặc bắn ra như mưa, quân ta đã phá cửa xông vào, tiêu diệt gọn đội lính khố xanh rồi tiếp tục tham gia cùng các cánh quân khác, chiếm lĩnh phủ đường Thiệu Hóa, giành chính quyền về tay nhân dân.

Chiến khu du kích Ngọc Trạo. Chiến khu du kích Ngọc Trạo - một trong những chiến khu du kích đầu tiên của cả nước được thành lập, là lực lượng vũ trang đầu tiên, tạo tiền đề đấu tranh vũ trang giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Thanh Hóa.

Di tích Hang Treo (thuộc xã Hà Long, Hà Trung), nơi thành lập đội du kích Ngọc Trạo.

Di tích Nhà Mẹ Tơm và làng Hanh Cát, Hanh Cù (Hậu Lộc), nơi nuôi dấu đồng chí Tố Hữu và là cơ sở in tài liệu bí mật của Việt Minh.

Di tích Cồn Ba cây ở Hoằng Hóa, ghi dấu lực lượng tự vệ của ta chặn đánh quân địch và cùng đông đảo nhân dân tổ chức thành cuộc biểu tình vũ trang kéo về chiếm huyện lỵ, thành lập chính quyền nhân dân.

Di tích chợ Bản (Yên Định), lực lượng tự vệ chiến đấu Lý Bôn tổ chức cuộc diễn thuyết xung phong, công khai tuyên truyền về Mặt trận Việt Minh, tạo ra không khí chuẩn bị vùng lên giành chính quyền sôi động trong toàn huyện.

Di tích Ga, Nhà máy Đèn Thanh Hóa. Cuối tháng 4-1945, nhóm thanh niên cứu quốc ga Thanh Hóa đã tổ chức cắt hai toa tàu chở hàng quân sự trong đoàn tàu của Nhật và thay vào đó bằng hai toa chở đá, số súng thu được đã giao lại cho đại diện Việt Minh. Ở Nhà máy Đèn, lực lượng thanh niên cứu quốc tiến hành trinh sát nắm tình hình của các trại lính địch thị xã (thông qua việc kiểm tra đồng hồ đo điện).

Khu đồn điền Đa Nẫm (Yên Định). Ngày 12-5-1945, dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Hồng Quế, hai trung đội thanh niên tự vệ làng Phùng Hưng và làng Bùi Thượng (Yên Định) gồm 30 chiến sĩ đã tấn công vào khu đồn điền. Bọn địch ngoan cố chống trả, chiến sĩ tự vệ Nguyễn Gia Phá hy sinh. Sau hai tiếng đồng hồ chiến đấu quyết liệt, lực lượng tự vệ đã chiếm được đồn điền và bọn tay chân buộc phải rút chạy. Cuối tháng 5-1945, lực lượng thanh niên tự vệ Yên Định bao vây tấn công đồn điền Đa Nẫm tước 11 khẩu súng mutcatông của lực lượng bảo vệ đồn điền. Sau 1 ngày chiến đấu, địch bỏ vũ khí rút chạy khỏi đồn điền, lực lượng cách mạng và anh em công nhân tự quản lý đồn điền Đa Nẫm.

Cụm di tích TP Thanh Hóa. Sáng ngày 19-8, băng cờ, khẩu hiệu sáng rực thị xã (nay là thành phố), tự vệ và nhân dân tập hợp thành đoàn biểu tình xuất phát từ Lò Chum đến Trường Thi, về ngã tư chùa Hai Voi qua phố Bôn Be, đến Khách sạn Ray Nô. Đến phố Cửa Tả, Ban Khởi nghĩa đã kêu gọi đồn bảo an binh quay súng về với nhân dân. Toàn bộ binh lính trong đồn trở về với cách mạng. Đoàn biểu tình tiến về bao vây dinh Tỉnh trưởng, Tổng đốc Nguyễn Trác nộp ấn tín, tài liệu đầu hàng cách mạng vô điều kiện.

Trong không khí vui mừng phấn khởi của nhân dân trong tỉnh, ngày 23-8-1945, từ căn cứ Thiệu Hóa, UBND cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hóa về thị xã Thanh Hóa ra mắt đồng bào trong tỉnh. Hàng vạn quần chúng và tự vệ đã tổ chức mít tinh chào đón chính quyền cách mạng tại phố Vườn Hoa. Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh Lê Tất Đắc đọc bản tuyên ngôn của chính quyền cách mạng tỉnh, công bố chương trình hành động của Việt Minh.

Các địa danh thuộc các huyện: Hậu Lộc, Thiệu Hóa, Thạch Thành, Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, Tĩnh Gia, Quảng Xương, Nông Cống,... đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, chống bọn phản động, trừng trị bọn chức sắc ác ôn, đấu tranh chống giặc Nhật cướp lương thực, thực phẩm, chống bắt phu, bắt lính, khởi nghĩa giành chính quyền... đã ghi dấu ấn của khí thế cách mạng sục sôi trong những ngày cách mạng mùa thu năm 1945 cần phải được tiếp tục lập hồ sơ, xếp hạng, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị.

Nhiều năm qua, mặc dù công tác quản lý và phát huy về di tích lịch sử và cách mạng còn gặp nhiều khó khăn do di tích phần nhiều đã bị xuống cấp và đổ nát, nhiều hoạt động gắn với tôn vinh, tưởng niệm gắn liền với các di tích lịch sử, cách mạng ít nhiều bị lãng quên, kinh phí chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo thiếu. Với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham mưu của các ban, ngành và được sự đồng thuận, góp sức của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không ngừng được quan tâm, tạo nên những chuyển biến đáng mừng, góp phần làm sống lại các giá trị lịch sử cách mạng của dân tộc và của địa phương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhiều di tích cách mạng như: Khu di tích Ba Đình, chiến khu du kích Ngọc Trạo, di tích cách mạng - nơi thành lập các chi bộ đảng đầu tiên và thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa... đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo. Công tác tập huấn và đào tạo cán bộ làm công tác nghiệp vụ chuyên môn về bảo tồn, phát huy giá trị của di tích đã và đang được chú trọng; công tác đào tạo chuyên ngành giúp cho việc quản lý di tích ở các địa phương đi dần vào nền nếp và có bài bản. Việc tuyên truyền, quảng bá giá trị của di tích, bước đầu quan tâm và đạt được những kết quả nhất định, giúp cho du khách và người dân hiểu biết ngày càng đầy đủ hơn giá trị của di tích lịch sử, cách mạng của miền đất tỉnh Thanh “địa linh nhân kiệt”.

Tuy nhiên, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo, tuyên truyền, giới thiệu về giá trị của các di tích vẫn còn nhiều hạn chế, chưa hấp dẫn du khách và đồng bào.

Để di tích lịch sử và cách mạng trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội thì các di tích đó cần phải được quảng bá, giới thiệu với công chúng ngày càng rộng rãi hơn nữa nhằm không ngừng phát huy giá trị, hướng về cội nguồn dân tộc, học tập, giáo dục truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc. Quảng bá, tuyên truyền biến di tích lịch sử, cách mạng từ dạng tĩnh trở thành những di sản sống động, không ngừng phát huy giá trị, có sức hấp dẫn công chúng và du khách.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Gắn trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

Làm tốt công tác sưu tầm, bảo vệ và phát huy giá trị các hiện vật cách mạng, kháng chiến. Cần quy hoạch và đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo, xây dựng nhà truyền thống, di tích cách mạng phải được ưu tiên và coi trọng. Phát huy vai trò của hệ thống thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức về Luật Di sản văn hóa; tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác di tích ở các địa phương nhằm phát huy giá trị di tích.

73 năm đã đi qua, nhưng những dấu ấn của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn in dấu trên quê hương Thanh Hóa, mãi mãi được ghi trên những trang vàng lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, cùng với những thành quả to lớn đáng tự hào trong hơn 30 năm đổi mới là động lực, sức mạnh tinh thần thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, đưa Thanh Hóa vững bước trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

TS. Hoàng Bá Tường

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]