(Baothanhhoa.vn) - Cần nhấn mạnh rằng, đây không phải là lần đầu tiên cuộc vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” được ngành du lịch phát động. Cách đây chừng dăm năm, do những căng thẳng và diễn biến khó lường trên biển Đông, cùng với kinh tế khó khăn và sự bất ổn chính trị của nhiều thị trường du lịch khu vực và thế giới, đã tác động và khiến cho các chỉ tiêu tăng trưởng du lịch Việt Nam khó cán đích. Đồng thời, cùng với sự giảm sút lượng khách quốc tế đến Việt Nam, thì khách nội địa cũng có tâm lý “ngại” đi du lịch nước ngoài. Trước thực trạng ấy, một chiến dịch kích cầu du lịch nội địa, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động, lấy trọng tâm là “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”

Cần nhấn mạnh rằng, đây không phải là lần đầu tiên cuộc vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” được ngành du lịch phát động. Cách đây chừng dăm năm, do những căng thẳng và diễn biến khó lường trên biển Đông, cùng với kinh tế khó khăn và sự bất ổn chính trị của nhiều thị trường du lịch khu vực và thế giới, đã tác động và khiến cho các chỉ tiêu tăng trưởng du lịch Việt Nam khó cán đích. Đồng thời, cùng với sự giảm sút lượng khách quốc tế đến Việt Nam, thì khách nội địa cũng có tâm lý “ngại” đi du lịch nước ngoài. Trước thực trạng ấy, một chiến dịch kích cầu du lịch nội địa, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động, lấy trọng tâm là “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

“Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”

Lam Kinh – di sản giàu giá trị và cảnh sắc xanh, sạch, đẹp.

Trong vài tháng gần đây, khi đại dịch COVID-19 càn quét khắp nơi và buộc con người phải thích nghi với “hoàn cảnh bình thường mới”; thì du lịch cũng lâm vào khủng hoảng mà hậu quả thậm chí còn nặng nề hơn thời điểm vài năm trước. Điều đó khiến cho “điểm rơi” ngành du lịch đã xuống mức báo động. Bởi, theo thống kê của Tổng cục Du lịch, chỉ tính riêng các tháng 2, 3 và 4-2020, du lịch Việt Nam ước thiệt hại khoảng 5,9 - 7 tỷ USD. Trong đó, dịch vụ lữ hành, dịch vụ vận tải, dịch vụ lưu trú và dịch vụ ăn uống, đều giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, theo một con số thống kê chưa chính thức, chỉ tính riêng 2 trọng điểm du lịch là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ doanh nghiệp lữ hành phải dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng chiếm tới 80-90%.

Du lịch là ngành kinh tế mà sự tăng trưởng của nó có thể được dự báo bằng các con số cụ thể. Song, đây cũng là ngành rất “nhạy cảm” với các tác động từ bên ngoài. Cho nên, những diễn biến chính trị, kinh tế, xã hội bất ngờ, tiêu cực, luôn khiến du lịch rơi vào tình thế bị động và là một trong những ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên, nặng nề nhất. Điều đó đã và luôn đặt ra cho ngành du lịch nói chung và nhiều địa phương xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều câu hỏi. Rằng làm thế nào để du lịch có thể ứng phó và thích nghi nhanh chóng với những tình huống không thể dự báo trước? Nói cách khác, làm thế nào để du lịch luôn ở thế chủ động khi phải đối diện với khủng hoảng? Hay làm thế nào để du lịch có thể nhanh chóng thích nghi với các tình huống bất ngờ và chuyển hướng để tiếp tục phát triển một cách bền vững?

Trở lại với cuộc vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động và đang nhận được sự hưởng ứng của các địa phương, doanh nghiệp. Đây được xem là giải pháp kích cầu du lịch nội địa khả quan nhất ở thời điểm hiện tại. Bởi một mặt, nó khuyến khích du khách Việt khám phá, trải nghiệm các danh lam thắng cảnh nổi tiếng và các nét văn hóa đặc sắc ở khắp mọi miền đất nước. Mặt khác, nó cho thấy ngành du lịch và các địa phương cần có sự linh hoạt và thay đổi cả trong nhận thức lẫn hành động, trong định hướng phát triển, trong xây dựng cơ chế chính sách, trong thu hút đầu tư... Từ đó, tạo sự hấp dẫn và thu hút lượng khách vốn rất dồi dào và ngày càng chịu chi này. Song, “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, thiết nghĩ, không chỉ đơn thuần là một lời kêu gọi hay một đợt phát động, nhằm kích cầu du lịch ở một thời điểm cụ thể. Bởi, thay vì đi du lịch nước ngoài thời điểm này và phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ bệnh tật từ các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...; thì lựa chọn đi du lịch trong nước lại cho thấy tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân đối với Tổ quốc. Thậm chí, sâu xa hơn, nó chính là một biểu hiện của lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc trong mỗi công dân - du khách.

Thêm một lý do nữa để “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” cần trở thành một chiến lược phát triển lâu dài, thay vì một cuộc vận động có tính giải pháp tình thế trước mắt. Đó là thị trường nội địa ngót trăm triệu dân này, chính là cơ sở mang lại nguồn thu chính cho du lịch. Bởi, nhìn ở góc độ chỉ tiêu tăng trưởng, thì tổng thu từ lượng khách nội địa vẫn chiếm tỷ lệ vượt trội so với lượng ngoại tệ thu được từ khách nước ngoài. Đặc biệt, đây là thị trường khách giàu tiềm năng khai thác, có tính ổn định và tỷ lệ người Việt Nam có xu hướng đi du lịch ngày càng tăng. Điều này xuất phát từ đời sống vật chất không ngừng được cải thiện và nâng cao, đã khiến nhu cầu được nghỉ ngơi, giải trí, khám phá, hưởng thụ của người dân cũng tăng lên. Đồng thời, những năm gần đây, các sản phẩm du lịch và các điểm đến trong nước đã và đang được cải thiện và nâng cao về chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp. Trong đó, nhiều điểm đến như Sa Pa, Hạ Long, Ninh Bình, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc... chất lượng dịch vụ đã được nâng lên một đẳng cấp mới và trở thành “nam châm” thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Xuất phát từ đó, “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” là một sự chuyển hướng phù hợp, linh hoạt và kịp thời. Từ đó, định hướng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch nắm bắt và xốc lại hoạt động sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đồng thời, sự định hướng này về lâu dài sẽ là cơ sở để các địa phương tập trung khai thác sâu thị trường nội địa và chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc trưng, thế mạnh. Từ đó, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị, sâu sắc và sẵn sàng chi nhiều hơn cho du lịch để “nạp năng lượng” cho cuộc sống.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên


Bài Và Ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]