(Baothanhhoa.vn) - Tại diễn đàn “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam” diễn ra ngày 12-4-2019 tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tính hiệu quả của nguồn nhân lực du lịch gắn liền với giá trị mà con người mang lại, thông qua chất lượng dịch vụ được cung cấp. Đồng thời, chất lượng nguồn nhân lực thể hiện qua năng lực, sự thân thiện của mỗi người làm du lịch, có tác động rất lớn đến sự hài lòng của du khách hơn là cơ sở hạ tầng xa hoa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch: Bài toán “khát” lời giải

Tại diễn đàn “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam” diễn ra ngày 12-4-2019 tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tính hiệu quả của nguồn nhân lực du lịch gắn liền với giá trị mà con người mang lại, thông qua chất lượng dịch vụ được cung cấp. Đồng thời, chất lượng nguồn nhân lực thể hiện qua năng lực, sự thân thiện của mỗi người làm du lịch, có tác động rất lớn đến sự hài lòng của du khách hơn là cơ sở hạ tầng xa hoa.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch: Bài toán “khát” lời giải

Hướng dẫn viên của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ giới thiệu với du khách các giá trị nổi bật của di sản.

Câu hỏi bức thiết

Không phải riêng ngành du lịch nhân lực mới được coi là nhân tố then chốt, quyết định đến chất lượng dịch vụ nói riêng và chất lượng du lịch nói chung. Song, bởi du lịch mà một ngành kinh tế - dịch vụ có độ bao phủ rộng và sức ảnh hưởng lớn, do tính liên ngành, liên vùng và tính xã hội hóa cao của nó. Cho nên, nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng càng có ý nghĩa đối với sự phát triển của ngành. Cũng chính vì lẽ đó mà diễn đàn “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam” đã được tổ chức, với kỳ vọng sẽ tìm ra được những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, để tương xứng với vai trò “mũi nhọn” của ngành du lịch.

Tại diễn đàn, nhiều câu hỏi có tính mấu chốt, liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực đã được người đứng đầu Chính phủ đặt ra. Xin được nêu lại để làm căn cứ “soi chiếu” thực trạng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Đó là ngành du lịch liệu có đủ hấp dẫn để cạnh tranh và thu hút nhân tài, lao động có chất lượng, có kỹ năng cả trong và ngoài nước hay không? Chúng ta đã làm gì để tương xứng với hai chữ “mũi nhọn” của du lịch, làm gì để thu hút được lao động có kỹ năng và làm gì để tối ưu hóa được nguồn lực sẵn có? Cần xây dựng chiến lược như thế nào để nguồn nhân lực thật sự là một đột phá chiến lược đối với chính ngành du lịch?

Thương hiệu du lịch Việt Nam được định hình dựa trên “Vẻ đẹp bất tận”, với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đa dạng; với hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú và giàu giá trị; với người dân thân thiện, mến khách; với sự an toàn của môi trường du lịch... Tuy nhiên, theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch năm 2017 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, thì Việt Nam đứng thứ 67 toàn cầu. Điều này đã được người đứng đầu Chính phủ nêu ra tại diễn đàn, đồng thời đặt câu hỏi: Tại sao Việt Nam không đứng được ở thứ hạng cao hơn, khi mà đất nước có nhiều di sản văn hóa, nhiều danh lam thắng cảnh và con người thân thiện? Và rằng, tại sao lượng khách quốc tế đến Việt Nam ít hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore?

Nêu trên đều là những câu hỏi lớn, mà để có thể trả lời được phải cần đến sự tham gia không chỉ của các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý Nhà nước (mà trực tiếp là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo), các địa phương có thể mạnh du lịch; mà còn cần cả sự tham vấn trách nhiệm, hiệu quả của các doanh nghiệp, các tổ chức hoạt động trong ngành du lịch và cả người dân.

Giải pháp chìa khóa

Để xây dựng được một sản phẩm du lịch chất lượng và có khả năng cạnh tranh, thì những người tạo ra sản phẩm ấy phải có trình độ, kiến thức, năng lực, kinh nghiệm... Đồng thời, những người tham gia – cả trực tiếp và gián tiếp – vận hành hay đưa sản phẩm ấy đến người tiêu dùng (khách du lịch), cũng cần có các kiến thức và kỹ năng tương ứng. Mở rộng ra, để du lịch khẳng định được vai trò mũi nhọn của nó, thì trước hết cần coi trọng đến nguồn nhân lực. Chỉ khi, nhân lực - đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao - được chú trọng, thì khi đó thương hiệu và chất lượng du lịch mới được khẳng định và nâng cao. Tóm lại, song song với việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, thu hút doanh nghiệp, xúc tiến quảng bá..., ngành du lịch cần đặt yếu tố con người – nhân lực lên trước tiên, để có những kế hoạch, chiến lược đào tạo và sử dụng một cách hợp lý, bài bản, hiệu quả.

Lâu nay, khi nói đến khái niệm nhân lực, người ta thường chú trọng nhiều đến những lao động trực tiếp làm việc tại các khu, điểm du lịch, các nhà hàng, cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp lữ hành... Tuy nhiên, tại diễn đàn, người đứng đầu Chính phủ đã mở rộng khái niệm nhân lực ra cả người dân và các cộng đồng - nơi diễn ra hoạt động du lịch. Những người dân hay cộng đồng dân cư này sẽ quyết định hệ trọng đến sức hấp dẫn của du lịch, thậm chí cả sự tồn vong của du lịch Việt Nam. Chính vì lẽ đó, đề cao và phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch có thể xem là một “giải pháp chìa khóa”, góp phần nâng cao sức hấp dẫn cho du lịch.

Bởi tính quyết định của nó mà các chính sách liên quan đến nguồn nhân lực, cần được đặt trong tổng thể các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, bên cạnh các chính sách đào tạo, phát triển nghề nghiệp, rất cần các chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài và lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn cao. Song, để các chính sách này được thực thi hiệu quả, thì lại cần có một môi trường tốt. Môi trường ấy có thể bắt đầu từ các cơ sở đào tạo, khi họ sẵn sàng đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường và tiệm cận dần đến các chuẩn nghề nghiệp của khu vực và thế giới; chú trọng liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong xây dựng chương trình, nội dung đào tạo, thực hành thực tế và trao cơ hội việc làm cho sinh viên, người lao động.

Môi trường cũng có thể từ bản thân các doanh nghiệp, khi họ luôn có nhu cầu lao động chất lượng, do đó, họ cũng là người chủ động trong tuyển dụng, đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ lao động của chính doanh nghiệp. Đồng thời, mỗi doanh nghiệp cần có một cơ chế quản trị và chính sách đãi ngộ tương xứng sự đóng góp của người lao động, từ đó, thu hút nguồn lao động có kỹ năng từ các lĩnh vực khác vào du lịch. Đặc biệt, môi trường này luôn cần thiết ở các địa phương, thông qua các cơ chế, chính sách phù hợp để đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch...

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, sẽ vẫn là bài toán “khát” lời giải, nếu các yếu tố liên quan - từ hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách, sự tích cực vào cuộc của các địa phương, vai trò động lực của doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo và yếu tố nền tảng là người dân – không cùng chuyển động một cách đồng thời, xuyên suốt, nhất quán và hiệu quả. Ngược lại, chỉ khi có sự thống nhất cả về nhận thức và hành động để có nguồn nhân lực đạt chuẩn về lượng và chất; thì khi ấy, những câu hỏi bức thiết mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho ngành du lịch, trong đó có các địa phương giàu tiềm năng phát triển như Thanh Hóa, mới được trả lời một cách rốt ráo.

Bài và ảnh: Lê Dung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]