(Baothanhhoa.vn) - Như đã thành thông lệ, mỗi độ hoa mai, hoa đào bung nở, người dân xứ Thanh lại nô nức sửa soạn lên đường vui xuân, vui lễ hội với hành trình “lên rừng xuống biển”, tìm về những địa điểm được coi là linh thiêng bậc nhất trong tỉnh để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ những người anh hùng đã có công xây dựng, bảo vệ đất nước, che chở cho cuộc sống...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mùa xuân “lên rừng xuống biển”

Như đã thành thông lệ, mỗi độ hoa mai, hoa đào bung nở, người dân xứ Thanh lại nô nức sửa soạn lên đường vui xuân, vui lễ hội với hành trình “lên rừng xuống biển”, tìm về những địa điểm được coi là linh thiêng bậc nhất trong tỉnh để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ những người anh hùng đã có công xây dựng, bảo vệ đất nước, che chở cho cuộc sống...

Mùa xuân “lên rừng xuống biển”

Lễ hội đua thuyền rồng truyền thống đầu năm tại xã Hải Hà (Tĩnh Gia). Ảnh: Sỹ Thành (Đài TT-TH Tĩnh Gia)

ùa xuân! Mùa của trời đất giao hòa, vạn vật sinh sôi. Mùa của niềm hân hoan thổi bừng lên sức sống. Mùa của lễ hội rộn ràng khắp các bản làng, ngõ xóm. Người ta vẫn thường cảm mến mà thủ thỉ với nhau rằng: Đời người đẹp nhất là tuổi xuân và một năm đẹp nhất là khoảnh khắc mùa xuân chạm ngõ. Không đẹp sao được khi ngoài kia, con nắng đã ngả vàng, những chồi non đã cựa mình thức giấc sau một kì ngủ đông mệt nhoài, uể oải. Và đâu chỉ có thế, tạo hóa tỏ rõ sự ưu ái của mình với mùa xuân bằng sắc màu tươi tắn, rực rỡ đua nhau phô diễn trên những đóa hoa... Tất cả như hòa quyện cùng nhau trong một tiếng gọi tha thiết, thân thương, giục giã bước chân người du xuân, trẩy hội.

Có lẽ bởi lòng người đã ngây ngất trong men say dịu ngọt của hơi xuân mà tự thuở nào, bước chân người chưa một lần lỗi nhịp với bản giao hưởng mùa. Như đã thành thông lệ, mỗi độ hoa mai, hoa đào bung nở, người dân xứ Thanh lại nô nức sửa soạn lên đường vui xuân, vui lễ hội với hành trình “lên rừng xuống biển”, tìm về những địa điểm được coi là linh thiêng bậc nhất trong tỉnh để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ những người anh hùng đã có công xây dựng, bảo vệ đất nước, che chở cho cuộc sống người dân và cầu mong sức khỏe, bình an, may mắn, hạnh phúc nhân dịp đầu năm mới. Theo bước chân mùa xuân, đúng như tên gọi, hành trình “lên rừng xuống biển” của người dân xứ Thanh thường được sắp xếp theo thứ tự: Khu di tích – lịch sử thắng cảnh Cửa Đặt – Na Sơn động phủ (hay còn gọi là phủ Na) – đền Độc Cước.

Khu di tích lịch sử - thắng cảnh Cửa Đặt (xã Xuân Mỹ, Thường Xuân) là địa điểm đầu tiên mà du khách muốn đặt chân đến trong hành trình du xuân của mình. Bởi lẽ, nơi đây không chỉ nổi tiếng là một vùng thắng tích với cảnh sắc thiên nhiên tựa như một bức tranh sơn thủy hữu tình mà còn là địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc sắc. Cách trung tâm TP Thanh Hóa chừng hơn 60km về phía Tây, khu di tích hoàn toàn bỏ lại phía sau sự náo nhiệt, ồn ào của phố thị. Từ đây, phóng tầm mắt bao quát xung quanh, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước tầm vóc của Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên mà thầm cảm thán về những ngọn núi cao trên 1.000m so với mực nước biển, mây mù quanh năm bao phủ như: Pù Rinh, Pù Gió, Pù Ta Leo. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được nhiều người ví như cánh rừng Amazon của Việt Nam. Giữa bát ngát, trùng điệp màu xanh của đại ngàn như thế, hồ Cửa Đặt hiện ra như một nét chấm phá tinh tế giữa lòng núi.

Sau khi đã đi qua cảm giác choáng ngợp mà cảnh sắc thiên nhiên mang lại, du khách có thể lắng lòng mình để tìm về những thanh thản, yên bình khi ghé thăm hai ngôi đền thiêng tọa lạc dưới chân núi Róc – nơi hợp lưu giữa sông Chu và sông Đặt nằm trong khu di tích. Theo các tài liệu cổ, một trong hai ngôi đền ở đây thờ Bà chúa thượng ngàn (thường gọi là Mẫu Đệ Nhị) – vị thần cai quản vùng rừng núi theo tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

Mê mải cùng sắc xuân, xuôi theo con đường cắt ngang qua những bản làng của đồng bào người Thái, người Mường, du khách đến với Na Sơn động phủ (xã Xuân Du, Như Thanh) từ lúc nào không hay biết. Cũng như Khu Di tích lịch sử - thắng cảnh Cửa Đặt, sức hút của Phủ Na được tạo nên từ vẻ đẹp của thiên nhiên và nét đẹp của sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh. Phức hợp núi non hùng vĩ cùng với hệ thống đền, miếu quy tụ trong một vùng thung lũng tạo nên cảnh quan độc đáo như càng tôn lên vẻ trầm mặc, uy linh của di tích. Được xây dựng theo kiến trúc dân gian thời Nguyễn, Phủ Na phối thờ nhiên thần và nhân thần nhưng chủ đạo là thờ Mẫu: Mẫu Thượng ngàn, Bà Triệu, công chúa Liễu Hạnh. Các nhân vật khác được thờ tại Phủ Na như: Ngũ vị tiên ông, ông Hoàng Mười, cô Ba, cô Chín... Đặc biệt, tại Phủ Na, du khách có thể tận mắt nhìn thấy, tận tay cảm nhận mạch nước ngầm trong vắt, mát lành từ trên đỉnh cao nhất của dãy Ngàn Nưa theo vách đá chảy xuống núi ngay phía sau đền thượng. Với tâm niệm về sự linh thiêng của Phủ Na - trung tâm thờ Mẫu lớn nhất miền Tây xứ Thanh, du khách đến đây du xuân đều xin một chút nước ở mạch nước ngầm này mang về xem như lộc đầu xuân năm mới. Lễ hội Phủ Na thường kéo dài suốt từ tháng giêng đến tháng 3 (âm lịch), thu hút hàng vạn người dân và du khách thập phương tìm về chiêm bái. Vừa qua, Phủ Na đã được UBND tỉnh quyết định công nhận là điểm du lịch. Ngoài du xuân vãn cảnh chùa, xin lộc, du khách khi đến với Phủ Na sẽ được hòa mình vào không khí lễ hội với các hoạt động giao lưu văn nghệ, trò chơi, trò diễn dân gian sinh động, mang đậm đặc trưng văn hóa vùng miền.

Địa điểm thường được du khách lựa chọn làm điểm dừng chân cuối cùng trên hành trình du xuân lên rừng xuống biển của mình chính là đền Độc Cước. Đền được xây dựng trên đỉnh Cổ Giải, thuộc dãy núi Trường Lệ, bên cạnh bãi biển Sầm Sơn thờ vị thần Độc Cước. Thuyết xưa kể lại rằng: Sầm Thôn xưa là một vùng biển bình yên thơ mộng. Bỗng đâu một ngày, loài quỷ biển xuất hiện quấy nhiễu cuộc sống của người dân. Bấy giờ, ở Sầm thôn có cậu bé lớn nhanh như thổi, sức khỏe phi thường, thân hình vạm vỡ tựa như người khổng lồ. Cậu đã xông pha giết quỷ, đánh cho chúng nhiều phen tan tác. Nhưng khi cậu trong bờ chúng lại quấy nhiễu dân chài ngoài khơi và ngược lại. Để bảo vệ cho cuộc sống an yên của người dân làng chài ven biển, chàng đã xẻ thân mình làm đôi. Một nửa theo người dân ra khơi đánh cá, một nửa lưu lại trên hòn Cổ Giải để chống loài quỷ biển bảo vệ người dân. Kể từ đấy, trời yên biển lặng, thuyền bè lại tấp nập ra khơi, cuộc sống của người dân bình yên trở lại. Sau khi dẹp giặc chàng khổng lồ đã bay về trời để lại Hòn Cổ Giải nơi chàng đứng một dấu chân “dài một thước rộng năm tấc in sâu vào phiến đá”. Tại nơi chàng Độc Cước để lại dấu chân, người dân xây dựng đền thờ và hằng năm tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao của chàng. Người dân nơi đây luôn tin rằng, cuộc sống của họ được vị thần này bảo trợ, bởi vậy, lễ hội đền Độc Cước còn có tên gọi khác là lễ hội Cầu Phúc. Lễ hội cầu phúc đền Độc Cước là dịp để người dân cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, mùa màng tươi tốt, biển đầy cá tôm, đời sống nhân dân no đủ. Lễ hội cầu phúc đền Độc Cước diễn ra trong 3 ngày 14, 15 và 16 - 2 (âm lịch) hàng năm. Ngày hội chính diễn ra vào ngày 16-2 âm lịch và được tổ chức ngay dưới chân đền, với các nghi lễ truyền thống như rước kiệu, tế lễ, dâng cỗ, thi làm lễ vật dâng thần... Trước đó, trong các ngày 14 và 15-2 (âm lịch), lễ hội Cầu Phúc còn đặc biệt sôi động các nghi thức thực hành tín ngưỡng và nhiều trò chơi, trò diễn dân gian, thể thao rèn luyện sức khỏe như đẩy gậy, kéo co, đi xe đạp đôi...

Xuân đã sang, cùng lời mời gọi bước chân người nhộn nhịp du xuân, trẩy hội. Còn chần chừ gì nữa mà không cho lòng mình được ngây ngất trong hương xuân...

Thảo Linh


Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]