(Baothanhhoa.vn) - Trồng bông, nhuộm chàm, dệt vải thổ cẩm xưa kia là công việc thường xuyên của phụ nữ dân tộc Mường ở làng Ngọc, xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy). Với đôi bàn tay tài hoa, óc sáng tạo của người phụ nữ Mường, đã dệt nên những tấm vải thổ cẩm với sắc màu sặc sỡ, hoa văn đẹp mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian, nghề dệt thổ cẩm đang dần mai một, tiếng thoi đưa cũng dần im ắng dưới những nóc nhà.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mai một nghề dệt thổ cẩm làng Ngọc

Trồng bông, nhuộm chàm, dệt vải thổ cẩm xưa kia là công việc thường xuyên của phụ nữ dân tộc Mường ở làng Ngọc, xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy). Với đôi bàn tay tài hoa, óc sáng tạo của người phụ nữ Mường, đã dệt nên những tấm vải thổ cẩm với sắc màu sặc sỡ, hoa văn đẹp mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian, nghề dệt thổ cẩm đang dần mai một, tiếng thoi đưa cũng dần im ắng dưới những nóc nhà.

Mai một nghề dệt thổ cẩm làng Ngọc

Cụ Bùi Thị Thiếp cùng chiếc khăn do cụ dệt.

Nét văn hóa trong sắc phục truyền thống

Theo những người già ở làng Ngọc, nghề dệt thổ cẩm có từ lâu đời, do các bà, các mẹ truyền tay nhau. Đồng bào dân tộc Mường ở đây có truyền thống chuẩn bị chăn gối thổ cẩm cho con gái đi lấy chồng làm của hồi môn, vừa để khoe với bên nhà chồng sự khéo léo, đảm đang của cô dâu mới, vừa là cách để báo hiếu cha mẹ, anh em bên chồng. Mỗi cô dâu khi về nhà chồng thường được chuẩn bị vài bộ chăn, màn... đều do chính tay mình dệt. Ngày về nhà chồng, tất cả số chăn, màn, gối đệm... này sẽ được bày trang trọng ở gian giữa nhà như một cách để mọi người bên nhà chồng đánh giá sự trưởng thành, mức độ khéo léo và tính kiên trì, nhẫn nại của nàng dâu mới. Ngoài ra, cô dâu nhất thiết phải có váy áo đẹp vắt trên sào nơi ngủ của hai vợ chồng trẻ như một biểu tượng về sự cần cù, chịu khó của người phụ nữ. Vậy nên, kỹ thuật dệt của người Mường từ bao đời nay cũng như cách trang trí họa tiết, hoa văn được tiếp nối theo hình thức mẹ truyền cho con gái. Chính vì vậy, mẫu hoa văn được thêu trên trang phục của dân tộc Mường khá đa dạng và thể hiện những nét riêng nhất định của mỗi cá nhân, mỗi xứ Mường. Đặc biệt, trong bộ nữ phục của người Mường, cạp váy chiếm vị trí quan trọng trong nền nghệ thuật tạo hình cổ truyền mang bản sắc đặc trưng cho đồng bào Mường nơi đây. Trong cái bạt ngàn của núi rừng, hoa văn cạp váy như những điểm chấm phá nổi lên trên nền đất trời.

Việc trang trí cạp váy nằm trong dòng chảy nghệ thuật của nền văn hóa Đông Sơn chủ yếu là họa tiết hình học và động vật. Nó không chỉ thể hiện tính thẩm mỹ, sáng tạo, sự thông minh, khéo léo thể hiện qua bàn tay dệt vải của phụ nữ Mường mà hơn hết nó còn tái hiện lại toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của một nền văn hóa. Kỹ thuật dệt cạp váy rất khó, bao gồm nhiều khâu, thao tác phức tạp hơn dệt vải thông thường, do vậy, đòi hỏi sự khéo léo cao. Phần cạp váy được phụ nữ Mường dành nhiều công sức và tài sáng tạo để trang trí, tô điểm cho bộ y phục thêm phần rực rỡ, bắt mắt. Đặc biệt cạp váy của phụ nữ Mường được dệt bằng sợi tơ tằm trang trí hoa văn, họa tiết độc đáo như hình con rồng, con hươu, hình trái me, quả trám, kẻ ô vuông, kẻ luống... Không phải tự nhiên mà nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Từ Chi khi nghiên cứu về văn hóa Mường đã viết: “Họ không khắc lên gỗ, lên đá, lên đồ gốm, lên kim loại, không tạc tượng gỗ, tượng đá, không nặn tượng đất, không đúc tượng đồng, mà họ dệt cái quan niệm thẩm mỹ của mình lên cạp váy phụ nữ! Cạp váy ở đây, là như tượng như tranh!”.

Anh Bùi Chí Công, cán bộ văn hóa xã Cẩm Lương đưa tôi đến nhà bà Bùi Thị Thiếp, một người có thâm niên lâu năm trong nghề dệt thổ cẩm. Bà Thiếp cho biết mình được học dệt vải từ những ngày còn thiếu nữ. Xưa kia, người con gái Mường nơi đây được mẹ dạy cho nghề dệt từ những ngày mười hai, mười ba tuổi. Tấm thổ cẩm dệt lên xấu hay đẹp phụ thuộc vào sự khéo léo và khả năng sáng tạo của mỗi người. Nhìn màu sắc, hoa văn sẽ biết sự tinh tế của người con gái, biết tâm tư tình cảm của cô gái đó, biết khi dệt mặt chăn, dệt cạp váy... cô gái đó có nghĩ tới ai không, có mong mỏi việc gì không. Trang phục nữ giới của người Mường bao gồm có khăn quấn đầu, áo cóm và váy. Chàng trai Mường kén chọn vợ cũng dựa một phần vào các sản phẩm thêu dệt như cạp váy của các thiếu nữ làm ra để mà kén chọn. Nhìn vào cạp váy mà có thể đoán biết được sự khéo léo, tinh tế của người con gái. Đến nay, tuy đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm gần 70 năm, yêu nghề là vậy, nhưng chiếc khung cửi của bà giờ chỉ còn là những hoài niệm, nhiều năm nay bà đã không còn thói quen dệt váy áo, hay khăn nữa vì nhiều lý do, trong đó lý do quan trọng nhất không tìm được đầu ra cho thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Nghề dệt trước nguy cơ mai một

Trước đây khi đến với làng Ngọc, du khách không chỉ chiêm ngưỡng suối cá thần, một danh lam kỳ thú “có một không hai”, mà còn được chiêm ngưỡng những bà, những mế Mường cao tuổi vẫn còn vận những chiếc váy, những bộ trang phục Mường truyền thống rất đẹp ngồi dệt vải bên những khung cửi. Cũng chỉ thế thôi chúng ta có thể cảm nhận được “hơi ấm” của nét văn hóa Mường đang còn sống động trong dòng chảy của cuộc sống. Nhưng trong những năm gần đây, cuộc sống có nhiều đổi thay, trang phục của người Mường cũng dần cách điệu cho phù hợp với nhịp điệu và hơi thở của cuộc sống mới. Do tính chất của công việc, nên việc mặc những bộ sắc phục dân tộc không phù hợp với việc lao động sản xuất, hay sinh hoạt hàng ngày, những bộ váy truyền thống có lẽ ít xuất hiện hơn trong bộ trang phục thường ngày của phụ nữ Mường mà thay vào đó là quần áo của người Kinh. Trang phục truyền thống chỉ được diện trong những dịp lễ hội hay ngày kỷ niệm lớn. Vậy nên, nghề dệt thổ cẩm truyền thống cũng vì thế mà dần mai một, những chiếc khung cửi chỉ còn lại trong ký ức của những người phụ nữ Mường.

Anh Công đưa tôi đi tham quan một vòng trong khu du lịch suối cá Thần, có thể nhận thấy rõ nét những hàng quán nơi đây bày bán khá nhiều đồ thổ cẩm, sắc phục dân tộc cho khách du lịch. Tuy nhiên, hiện nay đồ thổ cẩm được bày bán đều là nhập từ nơi khác về. Những bộ váy mang nét văn hóa đặc trưng của người Mường nơi đây cũng không phải do tự tay những người phụ nữ làm nên nữa. Lý giải cho việc này, anh Công cho biết: “Trước đây, những bộ sắc phục được bán ở khu du lịch là do những người dân bản địa tự tay làm và bán khá chạy bởi thời ấy mặt hàng này khan hiếm và có giá trị. Tuy nhiên, hiện nay những chiếc váy được bày bán ở đây được nhập từ nơi khác về bởi nó có giá thành rẻ vì dệt bằng máy. Một bộ váy dệt tay phải làm khoảng hai đến ba tuần mới xong, bán với giá hơn một triệu đồng nên ít người mua. Trong khi những bộ váy nhập sẵn gồm đầy đủ phụ kiện chỉ có giá 500 ngàn đồng nên bán dễ hơn. Vậy nên, giờ đây khi đến tham quan khu du lịch, du khách không còn bắt gặp người phụ nữ ngồi dệt vải, thêu váy nữa”.

Ông Bùi Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy cho biết: Trước kia, phụ nữ trong xã ai cũng biết nghề dệt thổ cẩm truyền thống nhưng ngày nay số người biết dệt chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Tuy cũng đã có dự án phục dựng, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống nhưng do chưa đi vào quy trình, hơn nữa bài toán đầu ra vẫn chưa thể giải quyết nên không duy trì được. Tiến tới, sau khi đề án phát triển du lịch cộng đồng được xây dựng, xã sẽ khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã mai một để giới thiệu văn hóa bản địa đến khách du lịch”.

Bài và ảnh: Hải Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]