(Baothanhhoa.vn) - Đa dạng hóa các loại hình du lịch, nhằm mang đến cho du khách nhiều sự lựa chọn, nhiều trải nghiệm thú vị; đồng thời, từng bước khai thác tốt nguồn tài nguyên du lịch sẵn có, đang là xu thế tất yếu trong du lịch. Theo đó, phát triển du lịch đường sông trở thành một sự lựa chọn phù hợp đối với Thanh Hóa, dựa trên tiềm năng sẵn có và những ưu thế vượt trội...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khơi dậy tiềm năng du lịch đường sông

Đa dạng hóa các loại hình du lịch, nhằm mang đến cho du khách nhiều sự lựa chọn, nhiều trải nghiệm thú vị; đồng thời, từng bước khai thác tốt nguồn tài nguyên du lịch sẵn có, đang là xu thế tất yếu trong du lịch. Theo đó, phát triển du lịch đường sông trở thành một sự lựa chọn phù hợp đối với Thanh Hóa, dựa trên tiềm năng sẵn có và những ưu thế vượt trội...

Khơi dậy tiềm năng du lịch đường sông

Khách du lịch dời tàu lên thăm điểm di tích dọc sông Mã.

Từ bước khởi điểm...

Nói đến xứ Thanh là nói đến sông Mã. Dòng sông này, từ lâu đã được xem là nơi khởi phát của những huyền thoại và lịch sử của mảnh đất Thanh Hóa. Đồng thời, cũng từ dòng sông này mà một nền văn hóa sông nước rất riêng của người dân Thanh Hóa đã được dưỡng nuôi qua bao đời. Đó là nếp sống, nếp sinh hoạt, phong tục tập quán, tín ngưỡng, câu hò, điệu hát, diễn xướng dân gian... mà tiêu biểu phải kể đến điệu hò sông Mã khỏe khoắn, dân dã, từng theo các chàng trai xuôi chèo từ miền ngược trở về xuôi; hay các lễ nghi rước nước trang trọng, gửi gắm khát vọng về cuộc sống yên ấm của cư dân sống cạnh các dòng sông. Chưa hết, cạnh dòng sông này còn hàng trăm di tích, danh thắng nổi tiếng. Trong đó, nổi bật hơn cả là thắng cảnh Hàm Rồng, đền Đồng Cổ và Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Sự ra đời và tồn tại suốt nhiều thế kỷ của các di tích, danh thắng, là một minh chứng sinh động về khả năng “sản sinh văn hóa” dọc đôi bờ con sông này, hay từ sức lao động con người đổ xuống mà gây dựng nên.

Bắt nguồn từ những dãy núi cao trên dưới 1.000m, thuộc địa phận tỉnh Điện Biên, sông Mã còn thong thả uốn mình gần 120km qua đất bạn Lào, trước khi đổ về Thanh Hóa ở cửa khẩu Tén Tằn, huyện Mường Lát. Từ huyện miền núi địa đầu xứ Thanh, sông Mã đã chảy qua hầu hết các dạng địa hình. Khi thì hung bạo khi quăng mình qua ghềnh thác dữ dội; khi lại rất đỗi trữ tình uốn mình tràn qua dải đồng bằng bát ngát. Từ non cao rừng thẳm âm u và hùng vĩ, đến những xóm làng miên man và bình yên; thật ít có nơi nào dòng sông này chảy qua lại không lưu lại ít nhiều vết dấu của nó. Cũng bởi đặc điểm dòng sông, với diện tích lưu vực gần 9.000km2 và có tới 89 phụ lưu, sông Mã là con sông lớn nhất của Thanh Hóa và được ví như “máy phát điện”, khi nó mang đến cho con người nguồn năng lượng to lớn. Đồng thời, quý giá hơn, dòng sông này đã góp phần bồi đắp nên vùng đồng bằng xứ Thanh rộng lớn và màu mỡ suốt hàng chục thế kỷ. Nói cách khác, trên hành trình khai phá vùng đất của những cư dân đầu tiên thời tiền, sơ sử, đã gắn liền với dòng sông cổ này.

Xuất phát từ những ưu thế vượt trội đó, cũng là nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch từ sông Mã, năm 2015, Thanh Hóa đã khởi động tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã”. Dọc tuyến sông này, hiện đang đưa vào khai thác nhiều đoạn tuyến, gồm đoạn tuyến từ Cửa Hới tới thắng cảnh động Tiên Sơn, Kim Sơn (huyện Vĩnh Lộc), có chiều dài khoảng 42 km; đoạn tuyến từ đền Đồng Cổ (huyện Yên Định) đến Bến Ngự (huyện Vĩnh Lộc), có chiều dài khoảng 7 km; đoạn tuyến từ thị trấn Cẩm Thủy đến Khu du lịch suối cá Cẩm Lương, có chiều dài tuyến khoảng 16 km. Trên mỗi đoạn tuyến này, các điểm dừng chân chủ yếu là các di tích, danh thắng dọc đôi bờ sông Mã. Qua 5 năm, sản phẩm du lịch “Ngược xuôi sông Mã”, do Trung tâm Phát triển du lịch Sông Mã, thuộc Công ty CP Quản lý đường thủy nội địa và xây dựng giao thông Thanh Hóa, đầu tư và khai thác, đã dần có được chỗ đứng nhất định và góp phần mang đến cho du lịch Thanh Hóa một làn gió mới.

Theo đó, du lịch đường sông chính thức trở thành một sản phẩm du lịch mới, thu hút sự quan tâm của các hãng lữ hành. Đồng thời cũng đặt ra cho địa phương nhiều yêu cầu trong việc quy hoạch và định hướng phát triển du lịch. Ngay trong năm 2015, sản phẩm “Ngược xuôi sông Mã” đã nhận được nhiều phản hồi tích cực, khi có 5.700 lượt khách lựa chọn, để khám phá và trải nghiệm vẻ đẹp cũng như văn hóa xứ Thanh. Đồng thời, có nhiều doanh nghiệp, hãng lữ hành đã đến khảo sát, trải nghiệm để đưa vào chương trình bán cho khách. Đây cũng là cơ sở để hàng năm đơn vị được giao quản lý, khai thác tiếp tục đầu tư thêm các tàu du lịch và nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Hiện nay, với 3 tàu có khả năng phục vụ cao điểm gần 300 khách/tour. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2019, tour du lịch “Ngược xuôi sông Mã” đã đón được 5.600 lượt khách.

... đến “dư địa” phát triển

Du lịch đường sông là một sản phẩm khá thịnh hành hiện nay. Nói đến sản phẩm du lịch đường sông nổi tiếng, không thể không nói đến các con sông nổi tiếng như sông Danube thơ mộng giữa thành Vienna (Áo), sông Spree (Đức), sông Vitava (Cộng hòa Czech)... Mỗi sản phẩm du lịch này đều có thể mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ, hoặc duyên dáng, quyến rũ, hoặc trầm tư, cổ kính. Còn đối với Việt Nam, du lịch đường sông không phải là sản phẩm du lịch mới. Bởi, đồng bằng Sông Cửu Long đã quá nổi tiếng với du lịch sông nước miệt vườn; trong khi du thuyền trên sông Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) hay sông Hàn (Đà Nẵng) cũng rất hấp dẫn du khách; hoặc ca Huế trên sông Hương cũng là một sản phẩm đặc thù, riêng có của Cố đô Huế... Còn đối với Thanh Hóa, với tiềm năng sẵn có và nhất là từ những kết quả đạt được từ tour “Ngược xuôi sông Mã”, có thể nói, tỉnh ta đã có hướng tiếp cận đúng đắn trong việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

Cùng với sông Mã, Thanh Hóa còn một hệ thống sông ngòi tương đối dày đặc, trong đó, có các hệ thống sông chính là sông Hoạt, sông Yên, sông Lạch Bạng và sông Chàng. Các con sông và phụ lưu của nó đã bao phủ hầu khắp diện tích toàn tỉnh. Mỗi con sông đều có điểm bắt nguồn riêng và đổ ra biển ở những cửa, những lạch khác nhau. Song điểm chung trong sự tồn tại của chúng, bên cạnh các lợi ích kinh tế to lớn, còn là vô số trầm tích văn hóa – lịch sử còn ẩn sâu, mà nếu chỉ nhìn bằng con mắt hiện thực, sẽ thật khó để nắm bắt hết. Ngoài ra, hiện dọc các tuyến sông Mã, sông Yên đã thu hút được nhiều dự án đầu tư kinh doanh du lịch tương đối lớn. Trong đó phải kể đến dự án sân golf và khu biệt thự cao cấp FLC Sầm Sơn, Khu du lịch biển Hải Tiến, Khu du lịch Hàm Rồng, Khu du lịch biển Hải Hòa... Với tiềm năng to lớn ấy, du lịch đường sông xứ Thanh đang có “dư địa” phát triển lớn. Tuy vậy, cũng cần khách quan thừa nhận, để biến nguồn tài nguyên thiên nhiên này thành tài nguyên phát triển du lịch thì còn nhiều việc phải làm.

Với tầm nhìn và sự nghiêm túc trong thực hiện, tỉnh ta đã xây dựng “Quy hoạch phát triển các điểm, tuyến du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”. Quy hoạch được phê duyệt theo Quyết định số 4589/QĐ-UBND, ngày 25-11-2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Với quy hoạch này, có thể nói, Thanh Hóa là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong định hướng phát triển du lịch đường sông. Trong đó, nhiều mục tiêu phát triển sản phẩm đã được đặt ra, cụ thể: Phấn đấu năm 2020 thu hút được 81.000 lượt khách nội địa, 3.000 lượt khách quốc tế; năm 2035 thu hút được 775.000 lượt khách nội địa, 25.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đường sông đến năm 2035 đạt khoảng 818 tỷ đồng. Đặc biệt, đến năm 2025, du lịch đường sông phải trở thành một trong những loại hình du lịch trọng điểm phát triển của Thanh Hóa – một sản phẩm có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa và có hệ thống hạ tầng vật chất kỹ thuật đồng bộ, chất lượng đảm bảo. Theo quy hoạch, các tuyến sông Mã, sông Chu, sông Hoạt, sông Lạch Bạng và các sông trên địa bàn TP Thanh Hóa, sẽ là cơ sở để xây dựng các tuyến du lịch đường sông. Đồng thời, các tuyến du lịch đường sông phải gắn liền với các loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử...

Mặc dù có quy hoạch đi trước một bước để làm định hướng phát triển. Song để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong những khâu trọng yếu. Trong đó, có đầu tư bến tàu, bến thuyền, cầu tàu, trạm dừng nghỉ, trạm bán vé, nhà vệ sinh phục vụ khách du lịch. Đồng thời, chú trọng phát triển hạ tầng giao thông đường bộ kết nối với giao thông đường sông tại các điểm dừng đỗ là bến tàu, bến thuyền du lịch; thực hiện nạo vét, mở rộng luồng chạy tàu, thuyền; cắm biển hướng dẫn luồng lạch, biển cảnh báo nguy hiểm... Cùng với đó là đầu tư cho công tác quảng bá; tôn tạo cảnh quan, di tích; bảo vệ môi trường tự nhiên và nhân văn dọc các tuyến sông được khai thác; đào tạo nhân lực... Đây đều là những nhiệm vụ rất mới, không hề dễ dàng và rất cần sự tham gia của các sở, ngành, địa phương liên quan. Đồng thời phải kể đến vai trò tiên phong của các doanh nghiệp trong việc kết nối sản phẩm đến với đông đảo du khách và đầu tư trang thiết bị, tàu thuyền phục vụ khách.

Bài và ảnh: Lê Dung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]