(Baothanhhoa.vn) - Thay vì làm du lịch theo kiểu “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, vài năm trở lại đây, 4 tỉnh Bắc miền Trung là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đã có sự liên kết để có thể đạt được những mục đích xa hơn trong du lịch. Tuy nhiên, sự cam kết này của lãnh đạo các địa phương đang cần thêm những cú hích mạnh mẽ, để việc hợp tác thực sự đi sâu hơn về chất, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hợp tác du lịch 4 tỉnh Bắc miền Trung: Cần chú trọng cả lượng và chất

Thay vì làm du lịch theo kiểu “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, vài năm trở lại đây, 4 tỉnh Bắc miền Trung là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đã có sự liên kết để có thể đạt được những mục đích xa hơn trong du lịch. Tuy nhiên, sự cam kết này của lãnh đạo các địa phương đang cần thêm những cú hích mạnh mẽ, để việc hợp tác thực sự đi sâu hơn về chất, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được.

Hợp tác du lịch 4 tỉnh Bắc miền Trung: Cần chú trọng cả lượng và chất

Hiệp hội Du lịch 4 tỉnh Bắc miền Trung ký kết biên bản hợp tác phát triển du lịch.

Hồi cuối tháng 2 vừa qua, với vai trò là Trưởng Ban Điều phối phát triển du lịch 4 tỉnh Bắc miền Trung, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh Bắc miền Trung trong năm 2018, nhằm đánh giá hiệu quả hợp tác, tìm ra những “điểm nghẽn” và giải pháp thúc đẩy việc hợp tác đi xa hơn. Theo đó, việc liên kết giữa 4 tỉnh bước đầu mới dừng lại ở một số hoạt động chung như tham gia gian hàng tại hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam VITM 2018 tại Hà Nội, Hội chợ du lịch quốc tế ITE tại TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, phối hợp tổ chức chương trình Roadshow giới thiệu du lịch các tỉnh Bắc miền Trung tại Viêng Chăn (Lào) và Udonthani vùng Đông Bắc Thái Lan. Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch cũng được các địa phương quan tâm, thông qua việc xây dựng đường link liên kết các trang website của Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương...

Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện lãnh đạo ngành du lịch các địa phương, thì kết quả hợp tác trên vẫn chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế của du lịch 4 tỉnh. Đơn cử như trong công tác tuyên truyền, quảng bá được xem là lĩnh vực có sự hợp tác tương đối tốt, thì nội dung, cách thức quảng bá vẫn chưa có sự thống nhất, trong đó, tài liệu tuyên truyền chung cho du lịch của 4 tỉnh vẫn chưa được xây dựng, mà phần đa vẫn là “mạnh ai nấy làm”. Trong khi đó, những vấn đề trọng tâm khác của việc hợp tác du lịch, đặc biệt là xây dựng và kết nối các sản phẩm du lịch chung, khác biệt dựa trên lợi thế của 4 tỉnh như di sản văn hóa và nghỉ dưỡng biển, vẫn chưa có được động thái và chuyển biến tích cực. Cùng với đó, việc xác định thị trường trọng điểm vẫn có những bất đồng từ chính các sản phẩm du lịch của mỗi địa phương, cũng như nguồn lực đầu tư không đồng đều. Ngoài ra, việc xây dựng và triển khai các chương trình kích cầu du lịch mùa thấp điểm; phối hợp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tăng cường phối hợp và trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch, cũng là những phương diện hợp tác đang còn những khoảng trống...

Một trong những vấn đề trọng tâm của việc hợp tác du lịch giữa 4 tỉnh đã được chỉ ra, đó là nhấn mạnh hơn nữa vai trò quan trọng của các doanh nghiệp du lịch và hiệp hội du lịch các địa phương. Nếu cái bắt tay của chính quyền, ngành chức năng là nhằm tạo ra cơ sở pháp lý và điều kiện ban đầu cho việc liên kết; còn hiệu quả liên kết đến đâu lại phụ thuộc vào sự tham gia của các doanh nghiệp. Đơn cử như việc quảng bá và xác định thị trường, nếu các doanh nghiệp thờ ơ với các sản phẩm du lịch của 4 tỉnh thì việc thu hút du khách sẽ gặp không ít khó khăn; và ngược lại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng là lực lượng tiên phong trong việc xây dựng, hoàn thiện và chào bán các sản phẩm du lịch đến tay khách hàng. Đồng thời, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng là nhân tố chính trong việc đầu tư cơ sở vật chất điểm đến; các doanh nghiệp lữ hành là lực lượng tiên phong trong xây dựng và kết nối các tuor, tuyến du lịch. Chính vì lẽ đó, để việc hợp tác giữa 4 tỉnh đi vào thực chất thì doanh nghiệp cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa.

Trong bối cảnh hiện nay, việc hợp tác, liên kết trong phát triển du lịch liên tỉnh, liên vùng không còn là chuyện “thích thì làm”, mà nó đang là giải pháp có tính đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển toàn ngành. Song, để việc hợp tác này đi từ lượng đến chất, từ bàn giấy đến thực tiễn, lại cần cả một quá trình quan tâm, vận động và thực thi liên tục, từ cấp cao nhất là lãnh đạo các tỉnh đến các doanh nghiệp, thậm chí đến từng người dân. Trong đó, một vấn đề có tính “sống còn” của sự hợp tác này, trong tương lai gần, là phải xây dựng được một hay một số sản phẩm du lịch có khả năng liên kết ở quy mô lớn hơn, có khả năng cạnh tranh cao hơn và có sự tham gia trách nhiệm, hiệu quả hơn của cả 4 địa phương. Đồng thời, tạo được sự kết nối sản phẩm thông qua việc xây dựng các tour, tuyến du lịch đặc trưng, khác biệt cho khu vực, trong đó “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ”, “Con đường di sản miền Trung”, hay “Con đường biển miền Trung” là những gợi ý có giá trị tham khảo và khả năng hiện thực hóa cao đối với 4 địa phương.

Lê Dung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]