(Baothanhhoa.vn) - Nói đến Hải Thanh ở phương diện một không gian văn hóa đặc sắc, trước hết phải nói đến một quần thể di tích đền chùa miếu mạo phong phú chạy dọc triền núi Do Xuyên và nhà thờ Thiên chúa giáo Ba Làng có nhiều nét độc đáo về kiến trúc. Đặc biệt, hiếm có nơi nào như vùng đất cửa biển này mà đạo Phật và đạo Thiên chúa cùng tồn tại để làm đầy hơn, giàu có hơn đời sống tinh thần – tâm linh, cũng như hướng con người đến điều thiện, lòng nhân và sự hài hòa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hải Thanh - một không gian văn hóa đặc sắc

Nói đến Hải Thanh ở phương diện một không gian văn hóa đặc sắc, trước hết phải nói đến một quần thể di tích đền chùa miếu mạo phong phú chạy dọc triền núi Do Xuyên và nhà thờ Thiên chúa giáo Ba Làng có nhiều nét độc đáo về kiến trúc. Đặc biệt, hiếm có nơi nào như vùng đất cửa biển này mà đạo Phật và đạo Thiên chúa cùng tồn tại để làm đầy hơn, giàu có hơn đời sống tinh thần – tâm linh, cũng như hướng con người đến điều thiện, lòng nhân và sự hài hòa.

Hải Thanh - một không gian văn hóa đặc sắc

Hội bơi chải truyền thống xã Hải Thanh.

Thật hiếm có nơi nào như vùng đất cửa biển Hải Thanh (Tĩnh Gia) mà cuộc sống mưu sinh và đời sống tinh thần lại có sự hài hòa, quện chặt với nhau đến vậy. Những bến thuyền tấp nập, những làng nghề sôi động, những chợ cái chợ con ồn ã mỗi ngày... dường như không hề đối lập với cái dáng vẻ trầm mặc, yên ắng nơi đền chùa miếu mạo hay những lễ hội linh thiêng. Bởi, ở đây, từ biết bao đời với biết mấy kiếp người đã lấy sức mình chống chọi với thiên nhiên, dựa vào biển cả để mưu sinh và an cư lạc nghiệp. Và cũng chính hiện thực cuộc sống có nhiều phần khắc nghiệt ấy đã hun đúc nên bản tính con người thẳng thắn, trọng nghĩa tình, hướng thiện và đặc biệt tôn thờ nhân thần, nhiên thần, cũng như đề cao các giá trị văn hóa tinh thần đã làm nên đặc trưng riêng có của vùng đất này.

Nói đến Hải Thanh ở phương diện một không gian văn hóa đặc sắc, trước hết phải nói đến một quần thể di tích đền chùa miếu mạo phong phú chạy dọc triền núi Do Xuyên và nhà thờ Thiên chúa giáo Ba Làng có nhiều nét độc đáo về kiến trúc. Đặc biệt, hiếm có nơi nào như vùng đất cửa biển này mà đạo Phật và đạo Thiên chúa cùng tồn tại để làm đầy hơn, giàu có hơn đời sống tinh thần – tâm linh, cũng như hướng con người đến điều thiện, lòng nhân và sự hài hòa.

Chùa Đót Tiên hay chùa cổ Du Xuyên – Ngọc Sơn là di tích điển hình nhất về sự hiện hữu của đạo Phật trong đời sống cư dân cửa biển Hải Thanh. Chùa được xây dựng vào triều Cảnh Hưng thứ 30 (1769), đến năm Canh Ngọ 1870 thời vua Tự Đức, chùa được tu bổ lại. Không chỉ là nơi cư dân vùng biển thực hành các nghi thức Phật Giáo, chùa Đót Tiên phối thờ hay là nơi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu (bà chúa Liễu Hạnh, Cô Đôi, ông Ba Hoàng).

Chùa Đót Tiên mang ý nghĩa là “đẹp như tiên”, có lẽ xuất phát từ cảnh sắc hài hòa nơi chùa tọa lạc: Trên núi dưới sông, đường lên chùa nhà cửa san sát và được người đời tạc trên 2 câu đối “Đất vua, chùa làng, phong cảnh phật/ Của đời, người thế, nước non tiên”. Qua 24 bậc cửa, người đi lễ có thể chạm, gõ vào chiếc chuông đồng thời Minh Mệnh đặt ngay cửa trái, như để cầu mong khi tiếng chuông ngân lên là có thể gạt bỏ những tham, sân, si trần thế mà dành hết sự an yên trong lòng hướng về cõi Phật.

Đền thờ tứ vị ở Lạch Bạng (hay đền Lạch Bạng) là nơi người dân Hải Thanh thể hiện sự ngưỡng vọng và lòng biết ơn các anh hùng dân tộc, các vị tướng có công mở mang bờ cõi, bảo vệ đất nước thoát họa xâm lăng, gồm Quang Trung hoàng đế, Tô Hiến Thành, Lý Thái Úy và Hoàng Minh Tự. Ngoài ra, trong đền còn thờ các linh thần được gọi là Tứ vị Thánh Nương. Tương truyền, năm Hưng Long thứ 19 (1311), Vua Trần Anh tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Thuyền dừng ở bến Càn Hải (hay cửa Cờn, Quỳnh Lưu, Nghệ An), đêm đó nhà vua nằm mộng gặp thần linh hiện lên báo rằng “Thiếp là cung phi nhà Tống, vì giặc bức bách, lênh đênh sóng gió trôi dạt đến đây. Thượng đế sắc phong làm thần đã lâu, nay xin giúp công thánh thượng đi đánh giặc”. Tỉnh dậy, vua liền cho vời các bô lão trong vùng đến hỏi chuyện, mới hay có một vị phu nhân họ Triệu là hoàng hậu nước Nam Tống, vì nhà Tống bị diệt nên 3 mẹ con dạt xuống vùng biển phía Nam và mắc lại ở cửa Cờn. Sau khi thắng trận trở về, nhà vua đã cho tu sửa đền khang trang và sắc phong vị thần có công giúp vua diệt giặc là quốc gia Nam hải Đại Càn Thánh Nương. Đền thờ Tứ vị Thánh Nương được người dân lập ở Lạch Bạng, gần cửa Cờn và cũng được coi là đền chính.

Cùng với hệ thống di tích đang được bảo vệ và phát huy giá trị trong đời sống tinh thần cộng đồng; Hải Thanh còn một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, với kho tàng truyện kể dân gian, ca dao dân ca liên quan đến đời sống cư dân ngư nghiệp và biển cả. Đặc biệt hơn cả, mảnh đất cửa biển này còn gìn giữ và lưu truyền nhiều lễ hội dân gian, lễ hội văn hóa – lịch sử hết sức đặc sắc, mà tiêu biểu hơn cả là lễ hội Quang Trung, lễ hội làng Du Xuyên và hội bơi chải truyền thống.

Lễ hội Quang Trung diễn ra vào mùng 5 tháng Giêng và là lễ hội lớn nhất, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng tham gia. Tương truyền, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân 1788, Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc đã cho ém đội thủy quân tại Nghi Sơn, Lạch Bạng. Đến giữa tháng chạp năm 1788, đội thủy quân vượt biển vào sông Lục Đầu hợp sức cùng bộ binh tiêu diệt quân Thanh ở Thăng Long. Trước khi xuất quân, nhà vua đã cho quân lính đón tết sớm cùng ngư dân Hải Thanh. Vậy nên, xã Hải Thanh những ngày lễ hội ngập trong niềm hân hoan, thành kính và tự hào, vì đây là nơi được vua Quang Trung chọn là điểm dừng chân của đoàn quân thần tốc Bắc tiến. Vì thời điểm diễn ra chính lễ ngay sau những ngày tết cổ truyền dân tộc, nên việc chuẩn bị lễ hội kết hợp cùng Tết Nguyên đán, khiến không khí lễ lạt càng xốn xang, đậm đà. Theo lệ cũ, mỗi khi hội được mở, người dân sẽ làm cỗ linh đình và các loại bánh trái, hoa quả bằng những sản vật địa phương, để dâng lên và tưởng nhớ buổi xuất quân năm xưa từng diễn ra trên đất Hải Thanh. Đây cũng là một điểm đặc sắc, riêng có của lễ hội Quang Trung nơi mảnh đất cửa biển này.

Với đặc điểm địa lý của dải đất mà nhiều tập quán sinh hoạt, sản xuất từ nhiều đời nay của cư dân Hải Thanh cũng được hình thành gắn liền với biển và mang “tính chất” biển đậm đà. Đặc biệt trong đó, Hải Thanh được xem là vùng đất “đa nghề”, mà xa xưa là nghề đóng bè mảng – một phương tiện đánh bắt thủy sản lâu đời của cư dân vùng biển; nghề đóng thuyền đi biển những năm đầu thế kỷ XX; các nghề đánh bắt thủy hải sản (nghề câu mực, nghề kéo rùng, nghề gõ gai...). Cùng với đó là các nghề truyền thống đã giúp duy trì đời sống vật chất và phát triển kinh tế địa phương, như nghề làm cá khô, mắm moi, mắm chua và nổi tiếng hơn cả là nghề làm nước mắm.

Nghề làm nước mắm Ba Làng có lịch sử hàng trăm năm, nổi tiếng thơm ngon và được nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước biết đến. Để có nước mắm ngon, người dân Hải Thanh coi trọng trước hết đến khâu làm chượp. Cá làm chượp thường có độ đạm cao và có thể tự tạo ra mùi thơm đặc trưng của nước mắm như cá trích, cá nục, cá lầm. Sau chừng 1 năm ủ chượp, người làm nghề đã có thể chắt lấy nước mắm cốt có giá trị cao... Có thể nói, sự ra đời và tồn tại của các nghề truyền thống, đã đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của vùng đất Hải Thanh, khi không chỉ giải quyết bài toán kinh tế; mà những kiến thức, kinh nghiệm, tập quán sản xuất... được đúc kết qua nhiều đời, đã trở thành kho tàng tri thức dân gian vô giá, đang và sẽ góp phần làm đầy hơn, phong phú hơn, giàu có hơn cho không gian văn hóa đặc sắc mang tên Hải Thanh!

Bài và ảnh: Khôi Nguyên


Bài Và Ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]