(Baothanhhoa.vn) - Một vấn đề trọng tâm hay nguyên tắc trong phát triển loại hình du lịch sinh thái là sự phù hợp của nó với môi trường. Do đó, tăng cường tính trách nhiệm và đạo đức của các bên liên quan đối với môi trường tự nhiên và văn hóa là vấn đề luôn được đặt ra trong quá trình xây dựng và khai thác loại hình du lịch sinh thái.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du lịch sinh thái cộng đồng: Hài hòa giữa phát triển với bảo vệ cảnh quan môi trường

Một vấn đề trọng tâm hay nguyên tắc trong phát triển loại hình du lịch sinh thái là sự phù hợp của nó với môi trường. Do đó, tăng cường tính trách nhiệm và đạo đức của các bên liên quan đối với môi trường tự nhiên và văn hóa là vấn đề luôn được đặt ra trong quá trình xây dựng và khai thác loại hình du lịch sinh thái.

Du lịch sinh thái cộng đồng: Hài hòa giữa phát triển với bảo vệ cảnh quan môi trường

Thác nước đẹp trong lòng Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.

Dù chưa thể so sánh với một số điểm đến như bản Đôn, bản Hiêu, bản Kho Mường trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông; song bản Năng Cát - thác Ma Hao (xã Trí Nang, huyện Lang Chánh) cũng là một điểm đến du lịch nhiều hứa hẹn. Thác Ma Hao bắt nguồn từ đỉnh Pù Rinh có độ cao 1.200m so với mực nước biển. Thác nước này không chỉ nổi tiếng bởi vẻ hoang sơ, mà còn ẩn chứa câu chuyện lịch sử hào hùng, gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hồi thế kỷ XV. Còn dưới chân dãy Chí Linh, bản Năng Cát có khí hậu mát mẻ, trong lành và nhiều thắng cảnh đẹp, đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái. Để xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng, ngày 11-6-2015 Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 1986/QĐ-UBND, về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu Du lịch sinh thái bản Năng Cát - thác Ma Hao.

Theo đó, khu du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm văn hóa này có quy mô trên 400 ha, gồm 2 khu chức năng là khu thác Ma Hao và khu bản Năng Cát. Điều đáng nói, đây không chỉ là khu nghỉ dưỡng sinh thái đơn thuần; mà thông qua việc khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch địa phương, sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch đặc trưng vùng miền. Từ đó, mang đến cho du khách sự trải nghiệm phong phú cả cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa tộc người. Đặc biệt, với sản phẩm du lịch này, các thành viên trong cộng đồng địa phương sẽ được tham gia vào quá trình triển khai, điều tiết và kiểm soát các hoạt động du lịch trên địa bàn. Từ đó, lợi ích kinh tế sẽ được chia sẻ công bằng cho cả các đơn vị, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng và du khách trong việc gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường và bản sắc văn hóa, nhằm tạo cơ sở cho du lịch bền vững.

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên hết sức phong phú (2 vườn quốc gia, 3 khu bảo tồn thiên nhiên), Thanh Hóa có cơ sở để xây dựng nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch sinh thái cộng đồng đặc trưng và hấp dẫn. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi, trong đó phát triển du lịch cộng đồng được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Đây là cơ sở để tỉnh xây dựng và triển khai các đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng ở một số khu vực trọng điểm như Pù Luông (Bá Thước), Trí Nang (Lang Chánh), Suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy)... Đồng thời, tiến hành nghiên cứu xây dựng “Mô hình du lịch dựa vào cộng đồng tại các huyện miền núi Thanh Hóa”; trang bị kiến thức cho các hộ gia đình kinh doanh loại hình du lịch homstay tại một số bản làm du lịch cộng đồng, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch.

Để phát triển du lịch sinh thái trở thành một sản phẩm độc lập và bổ trợ đắc lực cho sản phẩm mũi nhọn là nghỉ dưỡng biển; tỉnh Thanh Hóa đã tập trung nguồn lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản, đặc biệt là giao thông và viễn thông; đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá... Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư một số khu nghỉ dưỡng cao cấp gắn với trải nghiệm cộng đồng tại Pù Luông. Bên cạnh đó, Bến En và Xuân Liên cũng là những “kho” tài nguyên du lịch dồi dào, mà nếu thu hút được nhà đầu tư tiềm lực mạnh, thì đây sẽ là những điểm sáng của du lịch nghỉ dưỡng sinh thái xứ Thanh. Tuy nhiên, việc đặt xuống đây một viên gạch cũng phải đi liền với các cam kết về bảo vệ nguyên vẹn hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên cho phát triển bền vững. Đồng thời, cần có sự liên kết giữa các địa phương và giữa địa phương với doanh nghiệp trong việc ban hành chính sách khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch chung và thị trường khách du lịch.

Là loại hình ngày càng thu hút sự quan tâm của du khách và có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh; tuy nhiên, có một nghịch lý luôn đặt ra cho du lịch sinh thái là sự gia tăng nhanh chóng lượng khách sẽ đe dọa đến tính bền vững của nó. Nhiều chuyên gia về du lịch đã chỉ ra, du lịch sinh thái bản thân nó bị giới hạn phạm vi, mức độ phát triển. Do đó, nó không thể tiếp nhận một số lượng lớn du khách ở một thời điểm. Bởi điều đó không chỉ gây quá tải, mà còn dần làm thay đổi hiện trạng, thậm chí là dẫn đến sự hủy hoại cảnh quan thiên nhiên, môi trường văn hóa của điểm đến. Vì vậy vấn đề trọng tâm hay nguyên tắc cơ bản trong phát triển du lịch sinh thái là tính phù hợp của nó với môi trường. Do vậy, cần tăng cường tính trách nhiệm và đạo đức của các bên liên quan đối với môi trường tự nhiên và văn hóa bản địa. Đây cũng là yêu cầu luôn cần đặt ra cho các địa phương trong quá trình xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch sinh thái, sinh thái cộng đồng hiện nay.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]