(Baothanhhoa.vn) - Sau chuỗi ngày “án binh bất động”, nhằm đối phó với dịch bệnh COVID-19, du lịch đang có bước tái khởi động trở lại. Song, để tiệm cận được các mục tiêu tăng trưởng, thì lại không thể là chuyện của một sớm một chiều.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du lịch sau dịch COVID–19: Những bước tái khởi động

Sau chuỗi ngày “án binh bất động”, nhằm đối phó với dịch bệnh COVID-19, du lịch đang có bước tái khởi động trở lại. Song, để tiệm cận được các mục tiêu tăng trưởng, thì lại không thể là chuyện của một sớm một chiều.

Du lịch sau dịch COVID–19: Những bước tái khởi động

Vẻ đẹp Pù Luông mùa lúa chín đang chờ du khách đến trải nghiệm. Ảnh: Khôi Nguyên

Tín hiệu bước đầu

Cũng giống như Sầm Sơn, những ngày này, Hải Tiến, Hải Hòa và một số bãi biển đẹp của xứ Thanh, trở thành những điểm đến được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh lựa chọn. Điều này vốn dĩ không có gì khó hiểu, khi đây vốn là mùa vụ chính của du lịch nghỉ dưỡng biển. Đồng thời, con người luôn phản xạ có điều kiện với biển mùa hè, bởi chẳng có điều gì tuyệt vời hơn là được đắm mình dưới làn nước mát, giữa những ngày nắng. Có khác chăng là năm nay, nhiều người không chỉ xuống biển để xua đi cái nóng nực, khó chịu của thời tiết; mà quan trọng hơn là được giải tỏa bớt sự ngột ngạt, vốn bị nỗi lo toan, ám ảnh của dịch dã vây hãm bấy lâu nay. Những bãi tắm đông người, là bức tranh phản ánh sinh động một phần cuộc sống đang dần trở lại cái nhịp thông thường vốn có. Đặc biệt hơn, nó mang đến nhiều tín hiệu khả quan và cả những hy vọng về sự phục hồi của ngành công nghiệp không khói, vốn sinh ra để thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi, thăm thú, khám phá của con người.

Trái với sự sôi động, náo nhiệt của những bãi tắm đông đúc người; những di tích, danh thắng được xác định là trọng điểm du lịch xứ Thanh như Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Suối cá Cẩm Lương... không khí lại có phần trầm lắng hơn. Với lượng khách ít đi trông thấy, dự kiến trong cả đợt nghỉ lễ này, Lam Kinh chỉ đón được khoảng 1.000 khách, giảm trên 60% so với năm ngoái. Ông Vũ Đình Sỹ, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, cho biết: Khách đến Lam Kinh những ngày này chủ yếu là khách gia đình, khách nhóm nhỏ vài ba người, chứ chưa có khách được tổ chức theo tour hay khách đoàn lớn. Điều này có nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của dịch bệnh; cùng với đó là đối tượng khách tại các khu du lịch biển – vốn là nguồn khách quan trọng của Lam Kinh đợt lễ 30-4 và 1-5, thì năm nay nhiều người không lựa chọn sản phẩm nghỉ dưỡng biển kết hợp tham quan di sản... Do đó, bên cạnh việc đón tiếp và phục vụ khách tham quan, thời điểm này, Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh đề cao công tác bảo đảm vệ sinh môi trường xanh - sạch – đẹp. Đồng thời, chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh như giám sát, khuyến cáo du khách thực hiện đeo khẩu trang, giữ gìn vệ sinh môi trường và thực hiện nghiêm việc giãn cách khi đến tham quan... nhằm tạo dựng hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện và mang lại sự yên tâm, tin tưởng cho du khách.

Bá Thước là một trong những trọng điểm du lịch sinh thái – cộng đồng của Thanh Hóa, cũng là nơi đón được lượng lớn khách quốc tế và khách ngoại tỉnh mỗi năm. Thực hiện việc giãn cách xã hội và đóng cửa các khu, điểm du lịch, hơn 1 tháng qua, hầu hết các hoạt động kinh doanh lưu trú, lữ hành, vận tải, ăn uống và đón tiếp, phục vụ du khách đều tạm thời “đóng băng”. Sau khi có chỉ thị về việc mở cửa trở lại các khu, điểm du lịch, địa phương đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất và bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Hiện một số khu, điểm du lịch như bản Đôn, thác Hiêu... đã đón khách trở lại, nhưng số lượng chưa nhiều và phần đa là khách nội tỉnh. Đặc biệt, tháng 5 này là thời điểm lúa bắt đầu chín, cũng là lúc khởi động tour “khám phá mùa vàng Pù Luông”. Đây là tour du lịch thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế mỗi năm. Do vậy, nếu làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, tăng cường quảng bá hình ảnh điểm đến an toàn và có những chính sách thu hút, hấp dẫn du khách, thiết nghĩ, cơ sở cho sự phục hồi của du lịch Bá Thước là tương đối khả quan.

Mở đường “hồi sinh”

Theo một số liệu thống kê gần đây, tác động của dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch Việt Nam. Chỉ tính riêng trong quý I-2020, lượng khách nội địa đã giảm gần 50% so với cùng kỳ 2019, xuống còn khoảng 13 triệu lượt, với con số thiệt hại là khoảng 1,6 tỷ USD; trong khi khách quốc tế cũng giảm gần 20%, xuống còn gần 3,7 triệu lượt. Trong xu thế chung đó, du lịch Thanh Hóa cũng không thể có được kết quả khả quan, khi các chỉ tiêu lượng khách, tổng thu đều sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2020, Thanh Hóa chỉ đón được 382.000 lượt khách, giảm tới 68,3% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó khách quốc tế là 11.670 lượt khách, giảm 71,4%); tổng thu du lịch đạt 415 tỷ đồng, giảm 57,8%. Những con số nêu trên là sự phản ánh của cơn “đại suy thoái” chưa từng có trong ngành du lịch nhiều năm trở lại đây. Đồng thời, du lịch có thể sẽ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng hơn, nếu tình trạng dịch bệnh không được cải thiện.

Trước thực trạng bi đát đó, các quy định mới của Chính phủ và của tỉnh Thanh Hóa gần đây về việc nới lỏng giãn cách xã hội và cho mở lại các khu, điểm du lịch đã mở ra con đường “hồi sinh” cho ngành du lịch. Để tạo cơ sở cho sự “hồi sinh” này, Chính phủ và chính quyền địa phương đã, đang và sẽ luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng phó với các thách thức, khó khăn. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã chủ động, tích cực nhằm biến thách thức thành cơ hội phát triển. Đó là tái cơ cấu lại tổ chức bộ máy, cách thức vận hành; chú trọng đến chất lượng dịch vụ, chất lượng nguồn lao động; nâng cao tinh thần đoàn kết, động viên, chia sẻ và giúp đỡ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn...

Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, cho nên việc nó trở lại “đường đua phát triển”, cũng sẽ tạo ra xung lực tích cực thúc đẩy cả nền kinh tế. Song, để du lịch có thể hồi sinh thực sự, thì lại không phải chuyện một sớm một chiều. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thì sau các đợt dịch bệnh, du lịch sẽ cần khoảng 3 tháng để phục hồi trở lại, trong đó, du lịch nội địa có tốc độ phục hồi mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, trong thực tế, con đường “hồi sinh” của du lịch có thể sẽ dài hơn, xa hơn khi mà những thách thức trước mắt là không hề ít. Là người có thâm niên lâu năm trong lĩnh vực du lịch lữ hành, ông Đỗ Hoàng Hữu, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch quốc tế Hữu Nghị, cho rằng, chưa khi nào du lịch nói chung, dịch vụ lữ hành nói riêng lại gặp nhiều khó khăn như thời gian này. Mọi năm, dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 được xem là một trong những “thời điểm vàng” của du lịch và do vậy, đây cũng là thời điểm vô cùng bận rộn của các đơn vị lữ hành. Thế nhưng năm nay, lữ hành hầu như vẫn đang “nằm chơi xơi nước” do chưa có khách đặt tour, hoặc có cũng là đoàn khách ít người. Việc khách chưa mặn mà trở lại với du lịch có một phần tâm lý e ngại dịch bệnh. Nhưng quan trọng hơn là do tình trạng sản xuất ngưng trệ, kinh tế khó khăn đã khiến nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không thể tổ chức cho công nhân, viên chức, người lao động đi du lịch như những năm trước. Ngoài ra, hè là đợt cao điểm của du lịch nghỉ dưỡng nhưng lại là thời điểm học sinh trở lại trường học, nên nhiều gia đình sẽ khó sắp xếp các chuyến du lịch dài ngày.

Nguy cơ dịch bệnh vẫn còn cũng đồng nghĩa với khả năng nó còn gây ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch. Trong khi, sản phẩm du lịch mũi nhọn của Thanh Hóa là du lịch biển, thế nhưng kỳ nghỉ hè năm nay sẽ bị rút ngắn lại. Đồng thời, những khó khăn của cuộc sống cũng sẽ buộc nhiều người thắt chặt chi tiêu, nên có thể họ sẽ không chi một khoản tiền lớn cho việc đi du lịch. Ngoài ra, các sản phẩm và dịch vụ du lịch của Thanh Hóa chưa thực sự tạo ra được lợi thế cạnh tranh. Trong khi nhiều tỉnh/thành đang nỗ lực, tích cực tham gia liên minh kích cầu du lịch Việt Nam với nhiều hình thức, nội dung phong phú, hấp dẫn, thu hút khách du lịch... Đó là những thách thức đặt ra cho Thanh Hóa, trên con đường “hồi sinh” ngành du lịch. Đương nhiên, nhìn vào những mặt tích cực, ta vẫn có quyền được lạc quan, tin tưởng vào sự phục hồi của ngành kinh tế quan trọng này sau đại dịch. Tuy nhiên, đó phải là cái nhìn lạc quan – khách quan và tỉnh táo. Bởi du lịch lúc này đang ở những bước khởi động chạy đà và đường chạy đang rất cần được bỏ các chướng ngại, nhằm tiếp sức cho các vận động viên – nhất là những doanh nghiệp có nội lực mạnh mẽ và sức đề kháng cao.

Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]