(Baothanhhoa.vn) - Để khẳng định vị thế quan trọng của sản phẩm mũi nhọn du lịch biển – đảo, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung nguồn lực để tiếp tục đầu tư hoàn thiện và phát triển sản phẩm, nhằm tạo ra một cuộc chuyển đổi cả về lượng và chất cho du lịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du lịch nghỉ dưỡng biển – đảo: Hướng đến cả lượng và chất

Để khẳng định vị thế quan trọng của sản phẩm mũi nhọn du lịch biển – đảo, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung nguồn lực để tiếp tục đầu tư hoàn thiện và phát triển sản phẩm, nhằm tạo ra một cuộc chuyển đổi cả về lượng và chất cho du lịch.

Du lịch nghỉ dưỡng biển – đảo: Hướng đến cả lượng và chất

Vẻ đẹp biển Hải Tiến.

Từ đầu tàu Sầm Sơn...

Về Sầm Sơn, bãi biển đẹp nhất miền Bắc và là một trong những điểm đến nghỉ dưỡng hấp dẫn bậc nhất Việt Nam những ngày này, có lẽ du khách sẽ bị ngợp trong hàng chục sự kiện văn hóa, du lịch lớn nhỏ. Đặc biệt, lễ hội du lịch biển vừa được tổ chức quy mô hoành tráng, đầy ấn tượng – một sự kiện đánh dấu việc “mở cửa biển” hay chính thức khởi động mùa du lịch mới, nhiều hứa hẹn thành công mới cho du lịch Sầm Sơn nói riêng, du lịch Thanh Hóa nói chung. Nhờ một cuộc “thoát xác” về diện mạo, văn hóa du lịch, chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ mà Sầm Sơn từng ghi danh vào hạng mục “Khu du lịch hàng đầu Việt Nam”. Đó quả là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực của Sầm Sơn và của cả tỉnh Thanh Hóa trong việc cải thiện môi trường du lịch, chú trọng cả lượng và chất trong du lịch, từ đó, làm cơ sở cho việc định hướng phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này trong tương lai gần.

Từ một điểm nghỉ dưỡng phân khúc bình dân, Sầm Sơn đang đặt mục tiêu xa hơn là trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia. Đó là quá trình chuyển đổi từ lượng đến chất, cũng đồng thời là thay đổi trong tư duy phát triển kinh tế du lịch, hướng đến chuyên nghiệp, đẳng cấp và hiệu quả, vốn đã được nói nhiều, bàn nhiều ở các diễn đàn lớn nhỏ về du lịch. Điều này liệu có phải là một mơ ước “hơi quá” của Sầm Sơn, như băn khoăn của nhiều người? Thế nhưng, chẳng phải mọi mục đích lớn lao đều bắt đầu từ những ước mơ, mà được cụ thể thành mục tiêu và hành động đó sao. Vậy nên, Sầm Sơn có quyền và có khả năng để đi xa hơn trên bản đồ vị thế du lịch đất nước, bằng tiềm năng sẵn có và bằng cả quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị, từ tỉnh đến thành phố trong việc xây dựng chiến lược phát triển đúng đắn, phù hợp, tôn trọng khách quan và bằng nhiều phương án triển khai khả thi, hiệu quả.

Có thể nói, sự đổi mới và thành quả phát triển du lịch Sầm Sơn được phản ánh chân thực nhất qua các chỉ tiêu tăng trưởng. Cụ thể, năm 2017, Sầm Sơn đón được trên 3,8 triệu lượt khách, mang về tổng thu trên 2.950 tỷ đồng; năm 2018 số lượng khách du lịch đã tăng lên 4,1 triệu lượt, tổng thu đạt gần 3.500 tỷ đồng. Đây là cơ sở để Sầm Sơn đặt ra mục tiêu đón 4,8 triệu lượt khách trong năm 2019, nhằm tiếp tục khẳng định vị thế là đầu tàu của du lịch Thanh Hóa, cũng như tiệm cận dần đến mục tiêu trở thành một trọng điểm du lịch quốc gia.

Để có thể hiện thực hóa chỉ tiêu tăng trưởng trên, theo ông Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn, thì giải pháp cơ bản đang được thành phố chú trọng thực hiện là đa dạng hóa các sản phẩm du khách và quan tâm kết nối Sầm Sơn với các khu, điểm du lịch như Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Bến En. Cùng với đó là điều chỉnh và hoàn thiện các phương án quản lý du lịch sát với thực tế, nhất là công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, kỷ cương kỷ luật trong thực hiện các quy định liên quan đến lĩnh vực du lịch. Ngoài ra, thành phố cũng chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Sầm Sơn trên các phương tiện truyền thông; tranh thủ tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng du lịch...

Chất lượng là tất yếu

Để đánh giá chất lượng du lịch nói chung, phải dựa trên nhiều tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, nhân lực, dịch vụ, xúc tiến quảng bá... Song có thể hình dung, sự tổng hòa các tiêu chí hay các yếu tố cấu thành ấy được phản ánh tương đối rõ nét thông qua chất lượng sản phẩm du lịch. Với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển vốn nhiều lợi thế và được quan tâm đầu tư, việc đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề đặt ra đối với nhiều cấp, ngành và địa phương liên quan.

Cách đây chừng dăm năm, Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến còn sở hữu một bãi cát phẳng, đẹp chiều lòng du khách. Cùng với đó, hệ thống hạ tầng nội khu, cơ sở vật chất phục vụ du lịch được đầu tư tương đối bài bản, đồng bộ, hiện đại, đủ khả năng đáp ứng đa dạng các nhu cầu của khách du lịch. Tuy nhiên, thời gian gần đây, biến đổi khí hậu khiến biển ngày càng ăn sâu vào đất liền và bãi cát đẹp vốn là “tiền vốn” quan trọng của Hải Tiến, bỗng chốc lúc ẩn lúc hiện theo thủy triều. Chưa hết, cùng với đó là sự xuất hiện của “con rồng” khổng lồ, dài hàng km chạy dọc bờ biển làm nhiệm vụ chắn sóng bảo vệ bờ biển. Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu như “con rồng” đặc biệt này được đặt ở vị trí phù hợp hơn, nhằm tránh làm mất mỹ quan khu du lịch, cũng như bảo đảm an toàn tắm biển cho du khách.

Mặc dù trăn trở với thực trạng đang diễn ra, song, để thay đổi được là không hề dễ dàng. Bởi vậy, chỉ có tập trung phát triển, đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch mới là giải pháp quan trọng nhất đối với Hải Tiến lúc này. Trong mùa du lịch 2019, huyện Hoằng Hóa đã nghiên cứu và bắt đầu đưa vào khai thác một số sản phẩm du lịch mới, có khả năng bổ trợ tích cực cho sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển truyền thống. Nổi bật trong số đó là mô hình làng du lịch sinh thái biển Trường Giang (xã Hoằng Trường) và tuyến du lịch đường thủy qua các điểm du lịch trên địa bàn huyện và đến một số điểm du lịch nổi tiếng khác của tỉnh. Bên cạnh đó, địa phương cũng nâng lễ hội Cầu Ngư truyền thống xã Hoằng Trường lên quy mô cấp huyện, để tạo thêm hoạt động trải nghiệm cho du khách. Ngoài ra, một giải bóng đá bãi biển cũng đang được địa phương xây dựng phương án tổ chức vào thời điểm phù hợp.

Giá trị to lớn về kinh tế mà biển mang lại cho Thanh Hóa là điều đã được khẳng định. Đến lượt mình, tỉnh Thanh Hóa cũng đang và sẽ tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, tiện nghi, các dịch vụ du lịch, dịch vụ công cộng... nhằm phát triển nhanh sản phẩm du lịch mũi nhọn biển – đảo. Đặc biệt, chú trọng đến việc hình thành các khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, tổ chức các sự kiện văn hóa – nghệ thuật - thể thao – du lịch quy mô, đẳng cấp. Tính đến nay, Thanh Hóa đã đón được trên 40 dự án nghỉ dưỡng cao cấp, với hệ thống khách sạn, biệt thự, resort đa dạng trải dọc bờ biển, từ Hoằng Hóa vào Tĩnh Gia. Các dự án đã và đang thực hiện để đưa vào khai thác, đang và sẽ góp phần thu hút, phát triển bền vững về lượng khách, cũng như thay đổi dần cơ cấu khách sang phân khúc cao cấp, cũng chính là quá trình chuyển từ lượng sang chất của du lịch.

Du lịch là để nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe và thỏa mãn các nhu cầu vật chất, tinh thần. Điều này càng đúng với loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, khi nước biển – nói theo ngôn ngữ khoa học – vốn là một bài thuốc quý cho sức khỏe con người. Đi kèm với đó là các dịch vụ bổ trợ khác như ăn uống, nghỉ ngơi, thư giãn, mua sắm, tham quan vãn cảnh... nhằm giúp du khách có được kỳ nghỉ trọn vẹn nhất. Với sự nỗ lực không ngừng, các điểm đến của Thanh Hóa đang ngày càng đáp ứng tốt hơn mọi nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, vốn dĩ loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển là sản phẩm đặc trưng của cả một vệt biển dài, dọc từ Quảng Ninh, Hải Phòng vào đến tận Nha Trang, Bà Rịa – Vũng Tàu. Vậy nên, chỉ có sự độc đáo và giàu bản sắc, song hành cùng chất lượng sản phẩm đạt đến một đẳng cấp nhất định, mới tạo nên sức hấp dẫn cho biển xứ Thanh.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]