(Baothanhhoa.vn) - Du lịch được khẳng định là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và mang nội hàm văn hóa sâu sắc. Chính vì vậy, ngành “công nghiệp không khói” có khả năng trở thành trung tâm kết nối các ngành, các lĩnh vực, nhằm tạo ra một chuỗi dịch vụ khép kín khổng lồ. Từ đó, tạo sự lan tỏa và tác động sâu sắc đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du lịch - động lực quan trọng cho phát triển

Du lịch - động lực quan trọng cho phát triển

Pù Luông xanh – điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Du lịch được khẳng định là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và mang nội hàm văn hóa sâu sắc. Chính vì vậy, ngành “công nghiệp không khói” có khả năng trở thành trung tâm kết nối các ngành, các lĩnh vực, nhằm tạo ra một chuỗi dịch vụ khép kín khổng lồ. Từ đó, tạo sự lan tỏa và tác động sâu sắc đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Tài nguyên dồi dào

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà những người từng đi qua hay bén duyên với mảnh đất Thanh Hóa, thường dùng ngôn từ đậm âm hưởng ngợi ca để miêu tả, cảm thán và để tỏ bày tình cảm. Ví như “Với núi sông thắng tích, cả đất nước Việt Nam không đâu phong phú và đẹp đẽ bằng Thanh Hóa”! Điều này có nguyên do của nó, khi diện mạo xứ Thanh là sự giao thoa hài hòa giữa hai nét cổ và kim. Nếu những dấu vết của kinh kỳ, lăng tẩm, miếu mạo, đền đài xưa cũ, hay những phong tục, lễ nghi, tên đất, tên người là tiếng vọng từ quá khứ; thì những danh thắng Hàm Rồng, Sầm Sơn, Nghi Sơn, Bến En, Cửa Đạt... lại mang đậm dấu ấn của hiện tại. Để rồi tất cả đã và đang trở thành nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, giàu giá trị và phản ánh một cách hoàn hảo hình ảnh đất và người xứ Thanh tươi đẹp.

Du lịch - động lực quan trọng cho phát triển

Cầu Hàm Rồng.

Xứ Thanh có đại ngàn án ngữ phía Tây, biển lớn vỗ về phía Đông và chen giữa là những thung lũng nhỏ hẹp, cùng đồng bằng trù mật. Đặc biệt, dọc đôi bờ sông Mã, những nền văn minh từ sơ khai như Núi Đọ, Đa Bút đến đỉnh cao rực rỡ như Đông Sơn, đều là những dấu ấn sâu đậm khắc lên hình hài dải đất, khiến xứ sở này nức tiếng văn vật. Trong 1.535 di tích, có nhiều đại diện xuất sắc cho văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại, với Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, đền Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn, hang Con Moong. Đồng thời, trong khoảng 300 lễ hội lớn nhỏ, với không ít các lễ hội truyền thống độc đáo, đậm bản sắc vùng miền và dân tộc. Tất cả đã hội tụ và tỏa sáng ở miền di sản xứ Thanh. Đồng thời, đây cũng là cơ sở cho sự hình thành các sản phẩm du lịch văn hóa – tâm linh và du lịch lễ hội đặc sắc.

Với 102km bờ biển và chạy dọc từ Bắc vào Nam là những vụng, bãi, những cửa lạch và hệ thống đảo lớn, nhỏ. Nhờ đó, Thanh Hóa được biết đến với những bãi biển mà vẻ đẹp của nó hoặc đã sớm được định danh cách đây hơn 1 thế kỷ như Sầm Sơn; hoặc mới được biết đến vài năm gần đây, nhưng sức hấp dẫn là điều không cần bàn cãi, như Bãi Đông – Nghi Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa... Với lợi thế biển, du lịch nghỉ dưỡng đang trở thành “con át chủ bài” trong chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa. Thực tế, tỉnh ta đã phát triển mạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với các hoạt động ẩm thực, sinh thái, văn hóa đậm sắc thái biển. Đồng thời, với các điều kiện được tự nhiên ưu ái, các loại hình dịch vụ cao cấp như nghỉ dưỡng chữa bệnh, bơi thuyền, câu cá, câu mực, lặn biển ngắm san hô, thể thao trên nước... đang rất có tương lai phát triển nếu được đầu tư thỏa đáng.

Du lịch - động lực quan trọng cho phát triển

Biển Hải Tiến.

Thanh Hóa sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên - sinh thái vô cùng phong phú và giàu giá trị. Có thể kể ra đây những cái tên nổi bật, với Vườn Quốc gia Bến En, 3 khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu và Xuân Liên. Cũng bởi sự hoang sơ, hùng vĩ, bí ẩn và đầy sức hút của đại ngàn, mà Thanh Hóa đã và đang có sự đầu tư ngày càng tương xứng, nhằm khai thác tiềm năng du lịch của các thắng cảnh tự nhiên này. Đặc biệt, nhờ việc đẩy mạnh thu hút đầu tư và xúc tiến quảng bá, Pù Luông xứ Thanh đang trở thành điểm đến “hot”, sánh ngang với nhiều cái tên nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt. Đồng thời, những Bến En hay Xuân Liên cũng đang cho thấy lợi thế riêng có của nó và chắc chắn sẽ bật lên mạnh mẽ nếu có nhà đầu tư đủ mạnh và các dự án du lịch phù hợp.

Với nguồn tài nguyên làm điểm tựa và mạng lưới giao thông đa dạng, đồng bộ, Thanh Hóa đang có nhiều lợi thế để có thể đóng góp nhiều hơn, hay giữ vai trò ngày càng quan trọng trong việc kết nối và tương hỗ du lịch các địa phương khác cùng phát triển. Đặc biệt, trong sự kết nối này, Thanh Hóa góp mặt với những cái tên rất nổi bật. Điển hình là trong chuỗi di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO vinh danh, thì Thành Nhà Hồ nằm ở vị trí trung tâm từ Vịnh Hạ Long đến Thánh địa Mỹ Sơn. Đây là “mắt xích” quan trọng, tạo sự kết nối cho “con đường di sản” – một sản phẩm đặc trưng, giàu lợi thế, tiềm năng để khai thác và phát triển. Cùng với đó, Sầm Sơn – đô thị du lịch biển trẻ giàu sức sống - cũng là một “mắt xích” có khả năng liên kết sản phẩm “con đường du lịch biển miền Trung”. Việc hợp tác, kết nối trong phát triển du lịch đang trở thành một yêu cầu tất yếu. Bởi qua đó không chỉ nhằm phát huy giá trị các di thắng, di sản phục vụ phát triển du lịch; mà còn góp phần khơi dậy, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Tư duy mở đường

Du lịch - động lực quan trọng cho phát triển

Lễ hội Lam Kinh.

Cần nhấn mạnh rằng, trong câu chuyện phát triển du lịch, thì tài nguyên mới là điều kiện cần. Bởi tiềm năng có thể trở thành lợi thế hay động lực cho phát triển hay không, thì điều kiện đủ nằm ở quyết tâm chính trị và những quyết sách đúng đắn, kịp thời, hiệu quả. Với Thanh Hóa, nếu làm một phép so sánh đơn giản thì chừng dăm năm trở lại đây, cả tư duy, nhận thức lẫn hành động về phát triển du lịch, đã và đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Từ chỗ coi du lịch là hoạt động nghỉ ngơi, giải trí đơn thuần, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã xác định, phải phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong kinh tế dịch vụ của tỉnh và phù hợp với yêu cầu cũng như xu thế phát triển đất nước. Đặc biệt, việc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Quyết định số 290-QĐ/TU ngày 27-5-2016 về “Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016 – 2020”, có thể xem là chìa khóa mở ra cánh cửa đột phá cả về tư duy và chiến lược phát triển du lịch.

Tư duy đổi mới mở đường; bảo đảm nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động; đồng thời, có thể chế, chính sách đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới. Đó là những vấn đề đặt ra đối với tỉnh Thanh Hóa nếu muốn du lịch tăng tốc và sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nắm bắt được những yêu cầu khách quan và chủ quan đó, trong vài năm trở lại đây, tỉnh ta đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, trong đó có thu hút đầu tư vào du lịch. Đồng thời, tăng cường hợp tác công - tư để huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển du lịch. Cùng với đó, tỉnh cũng ưu tiên bố trí vốn cho công tác xây dựng quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến du lịch.

Du lịch - động lực quan trọng cho phát triển

Quần thể nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn.

Đặc biệt, tỉnh luôn chú trọng tạo dựng môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch. Trong đó, quan tâm khuyến khích các doanh nghiệp sáng tạo, đổi mới, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch. Ngoài ra, tỉnh cũng đã chú trọng đến hoạt động hợp tác quốc tế, nhằm khai thác các cơ hội, nguồn lực để quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với sản phẩm và thị trường. Chú trọng công tác bảo đảm môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện; kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Đặc biệt, tỉnh đã chú trọng xây dựng và phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển - đảo, du lịch văn hóa, du lịch tín ngưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện của công ty)... ngày càng hấp dẫn và thu hút du khách trong nước, quốc tế.

Những giá trị mới

Có thể nói, sự định hướng mang tính chiến lược, đã và đang góp phần nâng cao vai trò, vị thế của du lịch trên thang bậc phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, nhất là từ khi triển khai “Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020”, du lịch đã có sự chuyển biến cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Trước hết phải kể đến công tác quy hoạch và hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch, nhằm tạo bệ đỡ cho việc thu hút các nguồn lực xã hội vào du lịch. Cụ thể, Thanh Hóa được đánh giá là địa phương có hệ thống quy hoạch du lịch tương đối đa dạng và hoàn chỉnh, với gần 50 quy hoạch đã được xây dựng (bao gồm cả quy hoạch đang chờ phê duyệt và quy hoạch đã được phê duyệt, đang triển khai thực hiện). Điển hình trong đó phải kể đến các quy hoạch khu, điểm du lịch trọng điểm như Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc), Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), Quảng Cư và Trường Lệ (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn)...

Du lịch - động lực quan trọng cho phát triển

Thành Nhà Hồ.

Căn cứ định hướng quy hoạch, các dự án đầu tư hạ tầng trong và ngoài hàng rào các khu du lịch trọng điểm, cũng được quan tâm ưu tiên triển khai. Trong đó, một số dự án quy mô lớn, có tính chất quan trọng quyết định đến cơ cấu, thị trường khách và là đòn bẩy thu hút các dự án kinh doanh du lịch, như dự án đường ven biển qua địa phận tỉnh Thanh Hóa; đường nối từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn; đường đến các khu du lịch Sầm Sơn, Hải Tiến, Bến En, Lam Kinh... đã và đang được triển khai. Đồng thời, tỉnh cũng ưu tiên một số dự án quy mô nhỏ, nhưng có tác động tích cực và trực tiếp đến việc hình thành, khai thác phát triển du lịch. Cùng với đó, bước đầu chú trọng đến chính sách “mở cửa bầu trời”, thông qua việc tạo điều kiện để các hãng hàng không mở các đường bay kết nối Thanh Hóa đến một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài ra, đã bước đầu đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng một số bến cảng, điểm dừng dọc các tuyến đường thủy nội địa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch đường biển và đường sông.

Du lịch - động lực quan trọng cho phát triển

Biển Sầm Sơn.

Bên cạnh việc tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật; tỉnh cũng đã khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược, thực hiện đầu tư các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, đẳng cấp, hiện đại. Tính riêng giai đoạn 2016-2020, Thanh Hóa đã thu hút được 28 dự án đầu tư kinh doanh du lịch, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 77.614 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất khoảng 2.962 ha. Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước, như Khách sạn FLC Grand Condotel của Tập đoàn FLC; Khu Du lịch sinh thái biển Tiến Thanh của Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hải Tiến... Cùng với đó, việc thu hút các dự án đầu tư cơ sở lưu trú du lịch cũng đạt kết quả khả quan, với khoảng 200 cơ sở đã được đầu tư mới, nâng tổng cơ sở lưu trú toàn tỉnh lên 925 cơ sở/41.300 phòng.

Có thể khẳng định rằng, với quyết tâm chính trị cao cùng sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương và bằng các giải pháp chính sách mạnh mẽ, phù hợp, du lịch Thanh Hóa đã tạo được nhiều bước đột phá, thể hiện qua những con số ấn tượng. Bắt lấy đà tăng trưởng du lịch năm 2015 khi Thanh Hóa đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia, năm 2016 - năm đầu triển khai “Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020”- toàn tỉnh đã đón được 6.277.000 lượt khách (tăng 13,5% so với năm 2015), tổng thu đạt 6.298 tỷ đồng (tăng 21,6% so với năm 2015). Sang năm 2017, đón 7.000.000 lượt khách (tăng 11,5% so với năm 2016), tổng thu đạt 8.000 tỷ đồng (tăng 26,9% so với cùng kỳ 2016). Đến năm 2018, con số lượt khách tăng lên 8.250.000 lượt và tổng thu đạt 10.605 tỷ đồng (tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2017). Gần đây nhất, năm 2019, Thanh Hóa đón 9.655.000 lượt khách (tăng 17% so với năm 2018), tổng thu đạt 14.526 tỷ đồng (tăng 37% so với năm 2018).

Những giá trị mới mà du lịch Thanh Hóa đạt được không chỉ thể hiện qua những con số tăng trưởng, mà còn thông qua sự định hướng, dẫn dắt của tầm nhìn, của tư duy đổi mới và hành động mạnh mẽ. Đó sẽ tiếp tục là nền tảng cho ngành “công nghiệp không khói” cất cánh mạnh mẽ trong giai đoạn mới.

Lê Dung


Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]