(Baothanhhoa.vn) - Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng Linh Trường tại xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) như thổi làn gió mới vào nhận thức, góp thêm cách làm giàu bền vững ở vùng đất cửa biển này. Nhưng làm thế nào để phát triển mô hình này, thu hút khách du lịch thì vẫn còn nhiều điều trăn trở.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du lịch cộng đồng Linh Trường (Hoằng Hóa) - theo tiếng gọi làng biển

Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng Linh Trường tại xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) như thổi làn gió mới vào nhận thức, góp thêm cách làm giàu bền vững ở vùng đất cửa biển này. Nhưng làm thế nào để phát triển mô hình này, thu hút khách du lịch thì vẫn còn nhiều điều trăn trở.

Du lịch cộng đồng Linh Trường (Hoằng Hóa) - theo tiếng gọi làng biển

Các bạn trẻ nghỉ tại homestay 06 của gia đình chị Lê Thị Huyền, thôn Linh Trường.

Những ngày cuối tháng 7, cái nắng buổi sớm ở thành phố thật oi nồng. Theo tiếng gọi từ làng biển, chúng tôi xuôi về vùng biển Hoằng Trường. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan khi có đường bờ biển dài, cửa sông, ngọn núi nhô ra biển. Dãy núi Linh Trường cùng với đảo Nẹ, hòn Bò, hòn Sụp tạo thành một “cánh cung” án ngữ ven bờ biển là địa điểm lý tưởng để ngư dân từ bao đời sinh sống bằng nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là địa phương có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, với nhiều điểm đến nổi tiếng như Tượng đài Lão quân Hoằng Trường, Tượng đài chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam hay những địa danh đang được xây dựng như Công viên văn hóa du lịch tâm linh Lạch Trường – Chùa Bụt... Cùng với đó, địa phương có nhiều loại hình văn hóa, lễ hội truyền thống mang đậm nét đặc trưng riêng của vùng biển Hoằng Hóa.

Với những tiềm năng đó, Hoằng Trường là xã đầu tiên được huyện Hoằng Hóa lựa chọn thực hiện mô hình du lịch cộng đồng với tên gọi Linh Trường. Mô hình được thực hiện tại 10 hộ dân, trong 4 thôn (gồm: Thôn 1, thôn Linh Trường, thôn Giang Sơn và thôn Liên Minh), với tổng số 35 phòng nghỉ ở nhà của các ngư dân. Đó là những ngôi nhà mới, rộng rãi, khang trang và sạch đẹp. Du khách tham gia mô hình này sẽ có cơ hội trải nghiệm, khám phá cuộc sống của ngư dân làng biển, tham gia các hoạt động thú vị trong đời sống như cào ngao, kéo lưới, đan vá lưới hay lên thuyền ra khơi khai thác thủy sản, mua và chế biến các món ăn đặc sản; cùng đi bè, mảng, tàu cao tốc khám phá vẻ đẹp của bãi biển Hải Tiến, hay ghé thăm đảo Nẹ...

Theo chân chị Nguyễn Thị Thủy, công chức văn hóa – xã hội UBND xã Hoằng Trường, chúng tôi đến thăm gia đình chị Lê Thị Huyền, chủ homestay 06 ở thôn Linh Trường. Ngôi nhà khang trang 2 tầng có khoảng sân rộng rãi nằm cách bờ biển chỉ vài chục mét. Chị Huyền niềm nở đón khách với nụ cười tươi, giọng nói đặc trưng của người dân biển. Chị tâm sự: Từ khi chính thức đi vào hoạt động, homestay của gia đình chị đã đón 5 đoàn khách đến nghỉ, đoàn ít nhất có 5 người, đoàn đông có trên 10 người, chủ yếu là các hộ gia đình và sinh viên. Các đoàn nghỉ tại homestay được phục vụ ăn uống theo yêu cầu và giới thiệu các điểm đến trong khu vực. Thường thì họ sẽ ra biển tắm (theo con nước) và đi bộ dọc bờ biển đến hòn Bò khám phá, chụp ảnh. Buổi tối, du khách sẽ đi xe điện đến trung tâm Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến để vui chơi... Nếu du khách có nhu cầu đi thuyền ra đảo Nẹ thì chủ nhà sẽ liên hệ giúp khách. Chị Huyền còn tự tin khoe một đoàn khách gồm 7 sinh viên từ Hà Nội vào nghỉ 2 ngày tại homestay nhà chị mà chỉ phải thanh toán 1,1 triệu đồng cả tiền phòng và tiền ăn.

Du lịch cộng đồng Linh Trường (Hoằng Hóa) - theo tiếng gọi làng biển

Homestay 03 của gia đình chị Trương Thị Hồng thường đón khách là thành viên của câu lạc bộ dù lượn.

Đến gia đình chị Trương Thị Hồng, chủ homestay 03 ở thôn Liên Minh, chúng tôi bắt gặp một số chị em đang đan vá lưới. Từ trong nhà bước ra, chị Hồng, người phụ nữ có nước da sáng, vẻ mặt đôn hậu niềm nở mời khách vào nhà. Chị chia sẻ: Từ khi khai trương đến giờ, homestay của gia đình chị đã đón được 4 đoàn khách, chủ yếu là các thành viên của câu lạc bộ dù lượn. Mỗi đoàn có số lượng khách khá đông, từ 15-30 người, chủ yếu nghỉ vào ngày cuối tuần. Họ thường lên núi Linh Trường bay dù lượn rồi quay lại nhà chị để ăn cơm. Các đoàn khách ai cũng tấm tắc khen các món ăn do gia đình chị chuẩn bị bởi hải sản lúc nào cũng tươi ngon mà giá cả lại phải chăng.

Các hoạt động mà du khách đến đây được khám phá rất bình dị, mộc mạc trong cuộc sống thường nhật nhưng lại rất thú vị đối với những người vốn không thích chốn xô bồ, náo nhiệt mà ưa cảm giác yên bình để được cảm nhận về thiên nhiên, về con người vùng biển. Theo thống kê của Trung tâm Văn hóa, thể dục, thể thao huyện Hoằng Hóa, từ khi chính thức đi vào hoạt động, làng du lịch cộng đồng Linh Trường đón được hơn 200 lượt khách. Con số tuy không nhiều nhưng cũng là tín hiệu đáng khích lệ đối với một loại hình du lịch mới ở Hải Tiến. Điều làm cho chúng tôi bất ngờ khi đến với vùng biển này đó là từ khi áp dụng mô hình du lịch cộng đồng, cùng với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phong cảnh làng quê yên bình với đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ, người dân đã bắt đầu ý thức về việc phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, đón khách du lịch.

Ông Phạm Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường nhận định: Mô hình du lịch cộng đồng ra đời như thổi làn gió mới vào nhận thức, góp thêm cách làm giàu cho người dân ngay trên mảnh đất quê hương. Tuy nhiên, đây là loại hình mới nên cần phải có thêm thời gian để hình thành, phát triển các dịch vụ đặc trưng, các trải nghiệm thú vị, riêng biệt để thu hút khách du lịch, phục vụ nhu cầu đa dạng của nhiều người.

Bài và ảnh: Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]