(Baothanhhoa.vn) - Bước tiến trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm phát triển các ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tại tỉnh Thanh Hóa, tuy còn gặp không ít khó khăn trong triển khai chương trình OCOP, song cũng nhiều cơ hội để phát triển nếu các địa phương biết phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Để chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” phát huy hiệu quả

Bước tiến trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm phát triển các ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tại tỉnh Thanh Hóa, tuy còn gặp không ít khó khăn trong triển khai chương trình OCOP, song cũng nhiều cơ hội để phát triển nếu các địa phương biết phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có.

Để chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” phát huy hiệu quả

Sản phẩm du lịch cộng đồng phát triển mạnh tại xã Thành Lâm (Bá Thước).

Những tiền đề sẵn có

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 155 làng nghề với 25 nghề truyền thống, trong đó có 23 nghề truyền thống, 20 làng nghề và 47 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Ngoài 3 hiệp hội ngành hàng được thành lập, hiện có 4 huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm của địa phương, 10 làng nghề đã được công nhận thương hiệu, nhãn mác; 10 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ. Phát triển làng nghề gắn với du lịch đang là mục tiêu hướng tới của nhiều địa phương, bước đầu đã hình thành một số điểm du lịch làng nghề, như: Làng nghề mây tre đan xã Hoằng Thịnh; làng nghề mộc Đạt Tài, xã Hoằng Đạt; làng nghề nước mắm Khúc Phụ, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa); các làng nghề dệt chiếu cói ở huyện Nga Sơn; làng nghề bánh gai Tứ Trụ, xã Thọ Diên (Thọ Xuân); làng nghề dệt thổ cẩm, xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy)...

Với những thống kê sơ bộ trên cũng đủ thấy, Thanh Hóa là địa phương có các sản phẩm đa dạng và phong phú ở tất cả các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 19 sản phẩm chủ lực. Ngoài ra, còn có hơn 160 sản phẩm, nhóm sản phẩm khác nhau do các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, làng nghề và hộ gia đình trong tỉnh sản xuất. Một số sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc sản ẩm thực địa phương đã đi vào ca dao, tục ngữ và được nhiều nơi biết đến như: Chiếu Nga Sơn, tơ Hồng Đô, trống đồng Chè Đông, chè lam Phủ Quảng, bánh gai Tứ Trụ, nước mắm Ba Làng...

Kinh nghiệm và cơ sở thành công của chương trình OCOP tại Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã có. Bởi lẽ, từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX, Nhật Bản đã thực hiện xong công cuộc CNH, HĐH đất nước với sự phát triển mạnh mẽ ở khu vực thành phố. Tuy nhiên, tình trạng trái ngược lại diễn ra phổ biến ở khu vực nông thôn khi chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ, người nông dân bị mất phương hướng sản xuất phần vì nguồn lao động bị thiếu hụt, phần vì không nắm được xu hướng thị trường. Khi ấy, người đứng đầu chính quyền tỉnh Oita là ông Morihiko Hiramatsu đã tìm cách để khôi phục nền kinh tế địa phương với phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”. Mỗi làng đã lựa chọn ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của địa phương để phát triển như rau, quả, đồ gỗ, các sản phẩm văn hóa, dịch vụ du lịch... Sau đó, hàng loạt vấn đề được đề cập và giải quyết một cách triệt để như xây dựng các nguyên tắc hoạt động của phong trào, tổ chức sản xuất sản phẩm, tổ chức mạng lưới quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, phân phối lợi ích... Phong trào đã gắn kết được các hoạt động sản xuất nông nghiệp với chế biến nông sản, tạo ra nhiều việc làm, nâng giá trị gia tăng trong các sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, từ đó tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Nhiều nghề truyền thống được khôi phục, nhiều nghề mới được phát triển. Các mặt hàng nông sản phổ biến của địa phương từ chỗ ít được biết đến đã trở nên phổ biến và có giá bán khá cao. Trải qua hơn 20 năm phát triển, phong trào đạt được những thành công vang dội và được triển khai ra toàn nước Nhật Bản, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị cả về kinh tế, văn hoá và lối sống.

Tiếp đó, Thái Lan đã học tập chương trình và được cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra khởi xướng, triển khai từ năm 2000 đến nay. Chương trình đã khuyến khích cộng đồng nông thôn ở Thái Lan phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương, lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu để cấp chứng nhận thương hiệu, chính quyền các cấp hỗ trợ người dân xúc tiến thương mại trong nước và xuất khẩu. Sự thành công của Thái Lan đã trở thành “gợi ý” để nhiều nước tại châu Á đến Nhật Bản học tập kinh nghiệm triển khai chương trình và thu được nhiều thành công tại nước mình.

Cần chiến lược phát triển hợp lý

Trở lại việc phát triển các sản phẩm làng nghề của tỉnh Thanh Hóa, tuy đa dạng, phong phú về số lượng và chủng loại, song còn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại. Đầu tiên, chất lượng đa phần các sản phẩm chưa đáp ứng được các yêu cầu; mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu, chưa tạo được sức hút với khách hàng. Ngoài số ít sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh các sản phẩm làng nghề xứ Thanh vẫn còn yếu. Hiện nay, thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu vẫn bó hẹp phạm vi trong tỉnh, trong nước, chưa có nhiều sản phẩm xuất khẩu. Nhiều sản phẩm nông nghiệp thì liên tục trong tình trạng “được mùa rớt giá”. Nguyên nhân của các hạn chế trên có nhiều, song chủ yếu vẫn là sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, sản xuất thủ công, thiếu sự liên kết giữa các “nhà” với nông dân, thiếu đầu tư về khoa học - kỹ thuật, công nghệ, vốn, nguồn nhân lực. Mặt khác, công tác xúc tiến thương mại và định hướng phát triển sản phẩm lợi thế ở nhiều địa phương vẫn còn bỏ ngỏ.

Để tháo gỡ những tồn tại trên, các ngành liên quan, các cấp chính quyền trong tỉnh cần xây dựng được lộ trình phát triển OCOP hợp lý, sát với điều kiện thực tiễn. Ngoài công tác tuyên truyền, cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển các sản phẩm làng nghề. Theo yêu cầu thực tiễn, người sản xuất phải có kiến thức khoa học - kỹ thuật, phải có kỹ năng thì mới sáng tạo và đổi mới sản phẩm được. Theo ông Trần Đức Năng, Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh, Nhà nước chỉ định hướng và tạo cơ chế, còn người dân phải tự lực, tự tin sáng tạo để có những sản phẩm phong phú nhưng vẫn mang tính đặc trưng. Chẳng hạn như gỗ thừa trong làm mộc, có thể chế biến thành các hạt gỗ, xâu dây để kết thành tấm dựa lưng. Sản phẩm từ cây trồng, vật nuôi, ban đầu chỉ là một sản phẩm đơn thuần, nhưng cần có sự sáng tạo cho ra nhiều sản phẩm. Ví như từ cây mía Kim Tân, thay vì vứt bỏ bã mía thì có thể nghĩ ra cách làm sạch và tơi xốp để sản xuất ruột đệm ngồi.

Cũng cần nói thêm rằng, không nên hiểu các sản phẩm của chương trình OCOP phải là sản phẩm làng nghề. Cần tạo ra những chuỗi sản phẩm, không ngừng sáng tạo trong khâu sản xuất để có những sản phẩm mới từ chất liệu, nguyên liệu cũ. Khi đã có sản phẩm thì công tác tuyên truyền, quảng bá cần được cả người sản xuất lẫn chính quyền địa phương đẩy mạnh. Tuy là sản phẩm địa phương nhưng phải quan tâm đến thị hiếu người mua để hướng đến thị trường nhiều vùng miền trong nước, thậm chí hướng tới xuất khẩu đi nhiều nước. Theo đó, yêu cầu hàng hóa làm ra phải có xuất xứ rõ ràng, thậm chí phải gắn cho nó những giá trị văn hóa, ý nghĩa nhân văn để thu hút khách hàng.

Phân tích về tiềm năng phát triển của chương trình OCOP tại Thanh Hóa trong thời gian tới, ông Trần Đức Năng, cho biết: Qua khảo sát, chúng tôi đã thấy trong tỉnh có nhiều sản phẩm tiệm cận với OCOP. Lâu nay, tuy chưa có một chương trình riêng biệt để phát triển mỗi xã một sản phẩm, nhưng nhiều năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách phát triển các sản phẩm lợi thế. Nhìn lại định hướng và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua, ngay tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, đã có 4 trong 5 chương trình trọng tâm được đưa ra đều liên quan đến OCOP (trừ chương trình phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp). Đó chính là những nền tảng, là cơ sở để phát triển chương trình. “Trên thực tế, gần đây, nhiều địa phương đã có sản phẩm cơ bản đáp ứng được các tiêu chí đề ra của OCOP, như: Nấm ở xã Yên Thọ (Như Thanh), miến gạo ở xã Thăng Long (Nông Cống), cam của xã Xuân Thành (Thọ Xuân), dưa hấu ở nhiều xã của huyện Nga Sơn... Thậm chí, tỉnh ta đã có một số sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, như: Bưởi Luận Văn, mắm tôm Hậu Lộc, chè lam Phủ Quảng...” – ông Năng cho biết thêm.

Hiện nay, một số huyện, xã đã nhận thức được vai trò của chương trình OCOP, từ đó triển khai những công việc ban đầu. Thành công nhất hiện nay là các sản phẩm du lịch đặc trưng. Sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch gắn với nông nghiệp đã có nhiều điểm tham quan. Ở nhiều xã của các huyện miền núi, như Bá Thước, Lang Chánh, Quan Hóa, hình thức du lịch cộng đồng phát triển mạnh, mà ở đó chính người dân là chủ thể phát triển và kinh doanh các tour du lịch – đúng quan điểm mà OCOP hướng đến.

Với nhiều sản phẩm, bước đầu có sự hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, quảng bá cũng như xây dựng thương hiệu. Một tín hiệu vui là tỉnh Thanh Hóa vừa được chương trình OCOP Trung ương chọn để triển khai dự án điểm là sản phẩm Công viên tre luồng tại huyện Bá Thước gắn với du lịch cộng đồng Pù Luông. Phát triển OCOP sẽ mang lại kỳ vọng giải quyết thêm nhiều việc làm và thu nhập tại chỗ. Thay vì phải xa quê tìm việc, những thanh niên nông thôn sẽ có điều kiện ở lại làng quê mình lao động xây dựng quê hương, giữ gìn phong tục tập quán, giảm áp lực dân số và hạ tầng cho các đô thị.

Bài và ảnh: L.Đ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]