(Baothanhhoa.vn) - Được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều cảnh quan hấp dẫn, Như Thanh đẹp tựa như một nàng sơn nữ e ấp giữa đại ngàn. Biết bao tao nhân, mặc khách đã bị mê hoặc bởi phong thủy hữu tình...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đánh thức tiềm năng du lịch Như Thanh

Được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều cảnh quan hấp dẫn, Như Thanh đẹp tựa như một nàng sơn nữ e ấp giữa đại ngàn. Biết bao tao nhân, mặc khách đã bị mê hoặc bởi phong thủy hữu tình...

Đánh thức tiềm năng du lịch Như Thanh

Du khách tham quan thưởng ngoạn lòng hồ Bến En.

Đến Như Thanh, du khách được chiêm ngưỡng Vườn Quốc gia Bến En là khu bảo tồn các nguồn gen động, thực vật quý hiếm không chỉ phục vụ cho nghiên cứu khoa học mà còn là nơi tham quan, du lịch sinh thái lý tưởng. Bến En có tổng diện tích tự nhiên 15.339 ha, nằm trên địa bàn hai huyện Như Thanh và Như Xuân, trong đó 1.408,4 ha được quy hoạch vùng lõi phát triển du lịch. Như Thanh có hồ Yên Mỹ và nhiều hang động như: Hang Lèn Pót (xã Xuân Thái), hang Ngọc (xã Xuân Khang) để du khách có thêm những khám phá, trải nghiệm. Như Thanh còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng tiêu biểu như di tích Lò cao kháng chiến (xã Hải Vân) gắn với tên tuổi giáo sư Trần Đại Nghĩa và kỹ sư Võ Quý Huân, được xây dựng năm 1949 để sản xuất gang, thép phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp. Như Thanh có nhiều di tích tâm linh, như: Đền Mẫu Phủ Sung (xã Hải Vân), đền Phủ Na (xã Xuân Du), đền Am Tiên (Núi Nưa), đền Bạch Y Công Chúa (xã Phú Nhuận), đền Đức Ông Khe Rồng (thị trấn Bến Sung). Cùng với đó là những lễ hội truyền thống, tiêu biểu như: Lễ hội rước bóng đền Phủ Na, lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy của dân tộc Thái làng Roọc Răm, xã Xuân Phúc, để mỗi mùa lễ hội lại nhộn nhịp bước chân du khách tìm về hành hương. Như Thanh có nhiều loại hình văn hóa dân gian vẫn còn lưu giữ trong sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc, như: Khặp Thái, hát dân ca, hát ru, xường của dân tộc Mường. Nhiều ngành, nghề truyền thống, như: Dệt thổ cẩm, nghề mây tre đan, nghề đan bẹ chuối, nghề thêu, hương bài... hiện vẫn đang được các dân tộc nơi đây bảo lưu giữ gìn.

Những năm gần đây, Như Thanh có thêm những lợi thế mới để phát triển du lịch, đó là trung tâm huyện nằm không xa Khu Kinh tế Nghi Sơn - khu kinh tế tổng hợp đa ngành (cách trung tâm huyện 70 km), Cảng Hàng không Thọ Xuân cách trung tâm huyện hơn 50 km. Đặc biệt, ngày 2-2-2010 UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1:2000 và quản lý quy hoạch khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, nuôi trai lấy ngọc, kết hợp bảo tồn Vườn Quốc gia Bến En. Đây là tiền đề rất quan trọng cho huyện Như Thanh trong việc mở rộng và phát triển du lịch, xây dựng Bến En thành khu du lịch tổng hợp cấp quốc gia.

Thời gian qua, huyện Như Thanh đã xây dựng chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2013 – 2020, định hướng đến năm 2030; thành lập ban quản lý Vườn Quốc gia Bến En và các ban quản lý di tích tại các khu, điểm di tích; quy hoạch tổng thể các di tích đền Phủ Na, đền Khe Rồng... Đường giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, bến thuyền vào các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện từng bước đã được đầu tư, nâng cấp tạo thuận lợi cho khách tham quan. Nhiều công trình di tích lịch sử - văn hóa đã được nâng cấp, trùng tu tôn tạo nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích, phục vụ nhu cầu nhân dân trong vùng và hướng đến phục vụ khách du lịch.

Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng sẵn có, công tác quản lý Nhà nước về du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện còn nhiều bất cập. Các dự án kinh doanh du lịch chậm được đầu tư, tài nguyên du lịch khai thác chưa hiệu quả, chưa tạo thành sản phẩm hấp dẫn khách du lịch, chưa có sức cạnh tranh. Điển hình như Vườn Quốc gia Bến En hiện tại chưa có dự án du lịch sinh thái nào được triển khai. Mặc dù năm 2016, Công ty CP Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) đã ký với tỉnh biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư Dự án “Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En”, với mục tiêu biến nơi đây thành nơi nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí mang tầm vóc quốc tế, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Mặt khác, công tác quảng bá, xúc tiến chưa được quan tâm đúng mức. Lao động du lịch còn thiếu về số lượng, trình độ tay nghề còn thấp, thiếu chuyên nghiệp. Lượng khách du lịch đến Như Thanh chủ yếu tham quan trong ngày, chưa có lưu trú dài ngày. Cơ sở hạ tầng, các phương tiện, trang thiết bị phục vụ du lịch đang tận dụng tạm thời, dẫn tới khả năng tiếp cận điểm đến du lịch chưa thuận lợi...

Để khắc phục khó khăn, đồng thời khơi dậy tiềm năng du lịch, huyện đã đề ra các chương trình để phát triển du lịch. Phấn đấu đến năm 2020 du lịch Như Thanh là một trong những điểm nhấn du lịch của tỉnh, phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Huyện tập trung phát triển mạnh du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa, trong đó sản phẩm đặc trưng là du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, trong đó chú trọng xây dựng hạt nhân du lịch là: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Bến En; du lịch văn hóa tâm linh đền Phủ Na và du lịch văn hóa lịch sử cách mạng Lò cao kháng chiến Hải Vân. Ngoài ra, huyện còn quan tâm phát triển du lịch nghề truyền thống, nhằm thu hút khách du lịch và kéo dài ngày lưu trú của khách. Phát triển du lịch theo hướng du lịch cộng đồng, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân trong vùng, kết hợp bảo vệ môi trường, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Mục tiêu đến năm 2020, toàn huyện có trên 15 cơ sở lưu trú, với 400 phòng nghỉ, đón 185.000 lượt khách, trong đó đón được 1.000 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 175 tỷ đồng. Đến năm 2020 trên địa bàn huyện có khoảng 550 lao động du lịch trực tiếp và gián tiếp, trong đó 30% lao động được đào tạo về du lịch. 100% cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch tại khu, điểm du lịch được bồi dưỡng về văn hóa giao tiếp và kiến thức kinh doanh du lịch cộng đồng.

Trên cơ sở thế mạnh về tài nguyên rừng, hồ và văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, Như Thanh sẽ ưu tiên tập trung đầu tư, quảng bá nhằm xây dựng loại hình du lịch sinh thái - văn hóa đặc trưng của địa phương. Cụ thể, đối với loại hình du lịch sinh thái, huyện triển khai Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Bến En. Đến năm 2020, cơ bản đưa vào khai thác khu du lịch nghỉ dưỡng và nuôi trai lấy ngọc, sân golf 18 lỗ, vườn hoa phong lan Vườn Quốc gia Bến En. Lập đề án, dự án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Như Thanh, tập trung hỗ trợ cộng đồng làm du lịch, hỗ trợ cộng đồng đầu tư thuyền vận chuyển khách, phát triển loại hình du lịch trải nghiệm. Khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống, ẩm thực, đặc sản địa phương, sản phẩm thuốc lá nam phục vụ khách. Đối với loại hình du lịch văn hóa, huyện tập trung đầu tư trọng điểm dự án tôn tạo phát huy giá trị di tích Phủ Na – Xuân Du, di tích Lò cao kháng chiến Hải Vân. Khôi phục lại nghề truyền thống dệt thổ cẩm và du nhập một số nghề mới như: Nghề mây tre đan, nghề hương bài, trồng đào cảnh và đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ...; các lễ hội như: Đánh cồng chiêng dân tộc Thái (xã Thanh Kỳ), khua luống (xã Hải Long), lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy (xã Xuân Phúc), lễ hội rước bóng (xã Xuân Du) và ẩm thực địa phương.

Huyện đã đề ra một số giải pháp để thực hiện hiệu quả các chương trình về phát triển du lịch, như: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản ly, điều hành của chính quyền, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể tập trung cao cho việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào khảo sát, đầu tư tại các khu, điểm du lịch. Phát triển hình thức du lịch cộng đồng tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hình thành mô hình người dân, gia đình, cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch. Giữ gìn, bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, đảm bảo việc phát triển các dự án du lịch không làm mất đi các giá trị văn hóa và phá vỡ cảnh quan tự nhiên, không gây ô nhiễm môi trường. Liên kết các tour, tuyến trong vùng nhằm khai thác có hiệu quả sản phẩm và những lợi thế của địa phương. Đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, xây dựng hình ảnh Như Thanh là điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng.

Với tiềm năng du lịch sẵn có, nếu được khơi dậy và đầu tư có hiệu quả, Như Thanh sẽ trở thành địa bàn du lịch trọng điểm của tỉnh, đặc trưng là du lịch sinh thái kết hợp du lịch văn hóa tâm linh. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch của huyện Như Thanh cho đến bây giờ vẫn được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng”, đang chờ “chàng hoàng tử” đến đánh thức...

Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc


Bài Và Ảnh: Nguyễn Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]