(Baothanhhoa.vn) - Khi sự lây lan của dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thì “sống chung với dịch” hay vừa chống dịch vừa phát triển, là vấn đề đang được đặt ra lúc này. Trong đó, du lịch – một trong những ngành chịu thiệt hại lớn nhất từ dịch bệnh - cũng đang loay hoay tìm hướng phát triển giữa “tâm bão” COVID-19.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chung tay kích cầu du lịch

Chung tay kích cầu du lịch

Giảm giá vé tham quan di sản và giảm giá các dịch vụ, là một giải pháp kích cầu du lịch hiện nay. Trong ảnh: Khách du lịch nghe giới thiệu về Di sản Thành Nhà Hồ.

Khi sự lây lan của dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thì “sống chung với dịch” hay vừa chống dịch vừa phát triển, là vấn đề đang được đặt ra lúc này. Trong đó, du lịch – một trong những ngành chịu thiệt hại lớn nhất từ dịch bệnh - cũng đang loay hoay tìm hướng phát triển giữa “tâm bão” COVID-19.

Lao đao vì COVID-19

Có lẽ, chưa khi nào ngành du lịch Việt Nam lại phải đối mặt với vô vàn thách thức như thời gian gần đây. Nhiều con số thống kê từ các cơ quan, tổ chức liên quan đang cho thấy sức tàn phá ghê gớm từ “cơn bão” COVID-19 lên ngành du lịch. Không chỉ các cơ sở lưu trú du lịch thiệt hại do khách hủy đặt phòng; mà các dịch vụ vận tải, ăn uống cũng hoạt động cầm chừng. Đặc biệt, hoạt động lữ hành hết sức lao đao, do lượng khách quốc tế giảm tới 60%, còn khách nội địa giảm tới 80% (ước tính trong các tháng 2 và 3-2020). Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, Tổng cục Du lịch đã đưa ra con số dự báo trong 3 tháng tới, ước tính thiệt hại ngành du lịch sẽ lên đến 5,9 - 7 tỷ USD.

Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước công bố dịch. Do vậy, du lịch cũng là ngành chịu tác động trực tiếp, tức thời và lớn nhất. Bức tranh du lịch những tháng đầu năm của tỉnh tương đối ảm đạm. Số người muốn đi du lịch, hoặc có kế hoạch đi du lịch, đều giảm mạnh do e ngại đến những địa điểm tập trung đông người (sân bay, ga tàu, bến xe, trạm xe buýt, các nhà hàng, khu vui chơi giải trí). Nhiều cuộc họp, hội nghị trong Chương trình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổng kết, khen thưởng) tại các khách sạn lớn, hầu hết đã bị hoãn hoặc hủy bỏ do lo ngại sự lây lan của dịch bệnh. Công suất sử dụng buồng, phòng của các cơ sở lưu trú du lịch chỉ đạt dưới 25%. Đặc biệt, tình trạng khách hủy tour, hủy dịch vụ đã đặt tại các công ty lữ hành lên đến 95%.

Bên cạnh các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, vận tải, lữ hành chịu ảnh hưởng thiệt hại; thì dịch bệnh cũng đã khiến cho nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch bị dừng hoặc hạn chế quy mô tổ chức. Trong đó, không ít lễ hội thường niên đầu xuân, có quy mô lớn và thu hút đông đảo du khách thập phương (lễ hội đền Nưa - Am Tiên, lễ hội Khai Ấn Đền Trần, lễ hội Trung Túc Vương Lê Lai, lễ hội Cầu Ngư...) đều phải dừng tổ chức. Điều này đã làm sụt giảm đáng kể lượng khách du lịch tham quan, vãn cảnh. Ngoài ra, một số các khu, điểm du lịch tâm linh trọng điểm như Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, đền Bà Triệu... lượng khách đến dâng hương, du xuân cũng giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), trong tháng 1-2020, tổng lượt khách chỉ đạt 122.600 lượt, giảm 22,3% so với cùng kỳ năm 2019 (khách quốc tế đạt 7.100 lượt khách, giảm 34,9% so với cùng kỳ năm 2019). Phục vụ 198.000 ngày khách, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2019 (khách quốc tế là 17.900 ngày khách, giảm 30,9% so với cùng kỳ năm 2019). Tổng thu du lịch đạt 123,8 tỷ đồng, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2019. Còn tháng 2 - tháng cao điểm bùng phát dịch bệnh - lượng khách càng giảm mạnh. Trong đó, tổng lượt khách ước đạt 399.500 lượt, giảm 50,7% so với cùng kỳ năm 2019 (khách quốc tế ước đạt 5.200 lượt khách, giảm 56,3% so với cùng kỳ năm 2019). Phục vụ ước đạt 428.000 ngày khách, giảm 51,4% so với cùng kỳ (khách quốc tế ước đạt 13.900 ngày khách, giảm 49,3% so với cùng kỳ). Tổng thu du lịch ước đạt 287 tỷ đồng, giảm 36,1% so với cùng kỳ năm 2019. Cũng theo dự báo của ngành, thì các chỉ tiêu tăng trưởng du lịch năm 2020 (về lượt khách, ngày khách và tổng thu) có thể giảm khoảng 15% so với năm 2019.

Cần sự chung tay trách nhiệm

Sau khi Việt Nam đạt được những bước tiến dài trong việc khống chế dịch bệnh, thì du lịch cũng đang bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc. Tuy vậy, để có thể phục hồi sau “bão dịch” sẽ là vấn đề không thể được giải quyết trong một sớm một chiều, khi mà thiệt hại ngành du lịch đang phải “gánh” là hết sức nặng nề. Đó là chưa kể, nguy cơ tái dịch, bùng phát dịch còn rất lớn. Nhằm từng bước vực dậy ngành kinh tế chủ lực này, mới đây, Tổng cục Du lịch đã kêu gọi các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp du lịch, tham gia Chương trình kích cầu du lịch quốc tế và nội địa. Theo đó, chương trình kích cầu du lịch nội địa gắn với thông điệp “Việt Nam an toàn” và được triển khai từ tháng 3 đến tháng 8-2020, trong cả nước. Trong khi, chương trình kích cầu du lịch quốc tế sẽ gắn với thông điệp “VietnamNOW”, được triển khai từ tháng 4 đến tháng 12-2020 và ưu tiên các thị trường Đông Nam Á, Ấn Độ, Nga và châu Âu.

Các chính sách nhằm kích cầu du lịch sẽ tập trung hỗ trợ miễn, giảm phí, lệ phí tham quan các khu, điểm du lịch; ưu đãi giảm giá vé máy bay áp dụng cho khách đoàn; chính sách ưu tiên đối với các đoàn khách quy mô lớn; các chương trình khuyến mại giảm giá dịch vụ du lịch; tổ chức các đoàn khách quốc tế và nội địa khảo sát, giới thiệu điểm đến du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn... Để chương trình kích cầu du lịch được triển khai hiệu quả, các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch của các tỉnh/thành phố, cần xây dựng kế hoạch hưởng ứng. Đồng thời, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ, miễn, giảm phí, lệ phí tham quan tại các khu, điểm du lịch do địa phương quản lý; cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch nội địa và người Việt Nam ở nước ngoài, khi tới tham quan du lịch.

Để chung tay cùng cả nước vực dậy ngành du lịch, cuối tháng 2-2020, Sở VHTT&DL Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đối với hoạt động du lịch. Tại đây, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch đã nêu ra nhiều khó khăn mà du lịch Thanh Hóa sẽ phải đối mặt. Đó là sản phẩm du lịch mũi nhọn nghỉ dưỡng biển vốn gắn liền với kỳ nghỉ hè. Tuy nhiên, thời gian nghỉ hè năm nay sẽ ngắn lại đáng kể, do lịch học của học sinh bị điều chỉnh liên tục theo diễn biến của dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong cả nước đang nỗ lực, tích cực hưởng ứng và tham gia Liên minh kích cầu du lịch Việt Nam, với nhiều hình thức, nội dung hấp dẫn khách du lịch. Trong khi sản phẩm, dịch vụ du lịch của tỉnh chưa thực sự tạo ra lợi thế cạnh tranh và sức hút đối với du khách. Ngoài ra, việc tỉnh ta xuất hiện bệnh nhân mắc COVID-19, cũng sẽ gây tâm lý lo ngại cho du khách. Mặc dù Thanh Hóa đã khống chế thành công dịch bệnh, song đây vẫn sẽ là điểm bất lợi của tỉnh ta so với nhiều địa phương không có dịch.

Trước thực trạng trên, nhằm tạo lực đẩy cho du lịch Thanh Hóa vượt qua giai đoạn khó khăn, theo bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, thì nhiệm vụ trước mắt vẫn là nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh của các doanh nghiệp, các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, các khu, điểm du lịch trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, gắn với thông điệp “Thanh Hóa - điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn”, đến đông đảo du khách. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài ra, phải tạo được mối liên hệ gắn kết giữa các doanh nghiệp, nhằm tạo ra được một “liên minh” với cam kết mạnh mẽ, để cùng nâng cao chất lượng và giảm giá tối đa dịch vụ. Từ đó, tạo ra được các gói kích cầu du lịch thực sự hiệu quả.

Để hiện thực hóa các nhiệm vụ này, Sở VHTT&DL sẽ tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh nhiều giải pháp chính sách liên quan đến việc giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho chậm nộp các loại thuế và giảm lãi suất cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, lưu trú, khu vui chơi giải trí. Riêng đối với công tác quản lý Nhà nước về du lịch thuộc thẩm quyền của ngành VHTT&DL, thì công tác thanh tra, kiểm tra sẽ là một nội dung trọng tâm. Qua đó, phát hiện và xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch không tuân thủ quy trình phòng, chống dịch bệnh; cũng như vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, bình đẳng. Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thì xây dựng các sản phẩm du lịch mới, du lịch bổ trợ cũng sẽ được ngành chú trọng. Theo đó, các sản phẩm như làng bích họa, phố đi bộ, chợ đêm ở TP Sầm Sơn; phố đi bộ ở TP Thanh Hóa; du lịch nông nghiệp, trang trại ở các huyện Thạch Thành, Thọ Xuân, Thường Xuân... đang được ngành tích cực đôn đốc triển khai thực hiện.

Năm du lịch quốc gia 2020 do tỉnh Ninh Bình đăng cai tổ chức, với chủ đề “Hoa Lư – cố đô ngàn năm”, gắn với một chuỗi các hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội đặc sắc. Đây sẽ là cơ hội cho Thanh Hóa trong việc phối hợp với tỉnh bạn, nhằm kết nối và công bố các tour du lịch hưởng ứng. Từ đó, thu hút khách du lịch từ Ninh Bình về Thanh Hóa, thông qua các tour này. Đồng thời, trên cơ sở chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố trong cả nước, tổ chức các chương trình famtrip tham quan, trải nghiệm để tăng cường quảng bá, giới thiệu điểm đến Thanh Hóa an toàn, thân thiện. Ngoài ra, với vai trò của mình, Hiệp hội Du lịch sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc tham gia xúc tiến quảng bá du lịch Thanh Hóa nói chung và các gói kích cầu nói riêng, tại Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam 2020 (tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ) và các sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh...

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]