(Baothanhhoa.vn) - Hơn 6 thế kỷ hình thành và tồn tại cùng tòa thành đá, thời gian đã “nhuộm” lên không gian và nhịp sống nơi làng cổ điều gì man mác như “màu” của ký ức từng một thời vang bóng? của rong rêu hoài niệm vẫn lẩn khuất đâu đó dưới nếp nhà cổ, mái đình xưa? Hay của những trăn trở cho cuộc sống hiện tại?...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Các làng cổ: Chứng nhân sinh động về sự tồn tại của Thành Nhà Hồ

Hơn 6 thế kỷ hình thành và tồn tại cùng tòa thành đá, thời gian đã “nhuộm” lên không gian và nhịp sống nơi làng cổ điều gì man mác như “màu” của ký ức từng một thời vang bóng? của rong rêu hoài niệm vẫn lẩn khuất đâu đó dưới nếp nhà cổ, mái đình xưa? Hay của những trăn trở cho cuộc sống hiện tại?...

Các làng cổ: Chứng nhân sinh động về sự tồn tại của Thành Nhà Hồ

Đình làng Đông Môn.

Từng có một thời, những cái tên Đông Môn, Xuân Giai và Tây Giai đã tồn tại như một “biểu tượng” cho lối sống kinh kỳ, phố thị khi An Tôn trở thành mảnh đất được chọn để xây dựng kinh đô nước Đại Ngu dưới triều Hồ. Trải qua 7 năm, khi nhà Hồ đánh mất vị thế trên vũ đài lịch sử dân tộc và thành Tây Đô cũng khép lại vai trò của nó, thì những Đông Môn, Xuân Giai, Tây Giai cũng tan tác bởi chiến tranh hay trở về cái dáng dấp như bao làng quê thuần nông khác. Để rồi, khi Thành Nhà Hồ được “đánh thức” nhờ sự vinh danh của UNESCO, thì một lần nữa vị trí của những làng cổ quanh di sản lại được giới nghiên cứu quan tâm như một chứng nhân sinh động về sự ra đời, tồn tại của tòa thành đá; đồng thời, nhấn mạnh thêm các truyền thống và giá trị văn hóa đặc sắc trong không gian di sản văn hóa thế giới.

Như nhiều ngôi làng có lịch sử lâu đời thường có cái tên giàu ý nghĩa hoặc tên làng gắn với những sự kiện, biến cố lịch sử của mảnh đất nó gọi tên, những cái tên Đông Môn, Tây Giai, Xuân Giai cũng có giá trị lịch sử của riêng nó và là niềm tự hào của những người từng một thời sống giữa phố thị kinh kỳ: “Xuân Giai ở đất vua Hồ/ Trai thanh, gái lịch kinh đô rõ ràng”! Hơn 6 thế kỷ hình thành và tồn tại cùng tòa thành đá, thời gian đã “nhuộm” lên không gian và nhịp sống nơi làng cổ điều gì man mác như “màu” của kí ức từng một thời vang bóng? của những rong rêu hoài niệm lẩn khuất trong nếp nhà cổ, mái đình xưa? hay của những trăn trở cho cuộc sống hiện tại?

Nằm ngay sát cửa Đông của di sản thế giới, làng cổ Đông Môn như người bạn cố tri, đã chứng kiến biết mấy sự lạnh nhạt, bạc bẽo của thời gian từng hằn lên bức tường thành sừng sững và đen kịt chạy ngang qua làng. Dẫu nếp sống kinh kỳ đã không còn hiện hữu hay cái “hơi thở” cổ xưa đã rất nhạt; song những đình đền, miếu mạo, những đường ngang ngõ tắt, những nhà cửa san sát, những ruộng đồng bờ bãi..., dường như vẫn ít nhiều gợi lại cái dáng dấp ngôi làng của một thời quá vãng. Tương truyền, sự ra đời của làng gắn liền với quá trình Hồ Quý Ly xây thành, dời đô. Ban đầu, đây vốn là “cụm dân cư gồm những người đi phu làm thợ đào hào, xây thành, đắp lũy, làm gạch đã trở thành phường nghề”, rồi dần thành làng Đông Môn. Trải qua vô số biến cố lịch sử, xã hội, làng Đông Môn hiện vẫn còn lưu giữ được một số tập tục sinh hoạt và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với kinh thành Tây Đô xưa.

Đình làng Đông Môn có thể xem là di tích tiêu biểu và có giá trị bậc nhất, gắn với đời sống và những biến thiên của ngôi làng. Đình được xây dựng lần đầu dưới thời chúa Trịnh Tùng (1570- 1623), nhưng có kết cấu khá đơn giản. Đến thời vua Lê Hiển tông (1753), đình được xây lại bằng gỗ, gồm hai phần đình ngoài và đình trong. Sau nhiều lần được trùng tu, đình Đông Môn có được diện mạo và cấu trúc như hiện tại. Tọa lạc trên diện tích 942m2, xung quanh có tường xây bảo vệ và 2 cổng ra vào, hiện ngôi đình có giá trị lớn về mặt lịch sử và kiến trúc nghệ thuật này là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cả làng. Cùng với đình Đông Môn, cụm di tích đền thờ - bia ký nàng Bình Khương, bia mộ Cống Sinh và đoạn tường thành phía Đông bị sụt lở, cũng là chứng tích về quá trình dựng thành, đắp luỹ còn tồn tại trên đất làng cổ này.

Cũng như làng Đông Môn, các làng Tây Giai (nằm ở cổng Tây) và làng Xuân Giai (nằm ở cổng Nam) cũng có lịch sử hình thành và tồn tại gắn chặt với những thăng trầm của tòa thành đá. Và, cũng giống làng Đông Môn, “dấu hiệu” có khả năng minh chứng cho tính “cổ” của những ngôi làng này, cho đến tận ngày nay, có lẽ vẫn là những di sản văn hóa có giá trị. Một trong những di sản văn hóa vật thể độc đáo của làng Tây Giai là ngôi nhà cổ của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng. Ngôi nhà được xây dựng từ năm Gia Long thứ 9 (1810) và đã được UNESCO công nhận là một trong 10 nhà cổ dân gian có kiến trúc tiêu biểu nhất Việt Nam. Được đánh giá cao về mặt kiến trúc và được giữ gìn khá nguyên vẹn với 7 gian, 12 cửa và vật liệu gỗ lim, táu, xoan... ngôi nhà cổ này là một “báu vật” của làng cổ Tây Giai và là điểm tham quan thú vị với những du khách muốn tìm hiểu về lối kiến trúc nhà cổ người Việt. Còn làng Xuân Giai, vì nằm ở cổng Nam nên khi tòa thành này còn đóng vai trò là trung tâm kinh đô đất nước, thì làng cũng là con phố chính của đất kinh kỳ. Yếu tố cổ xưa được tìm thấy sau nhiều lần khai quật khảo cổ ở làng Xuân Giai ngày nay là con đường đá xanh Hòe Nhai, nối Thành Tây Đô với Đàn tế Nam Giao. Còn những đình, đền, chùa, văn chỉ... phần nhiều đã bị chiến tranh tàn phá hoặc thời gian hủy hoại.

Nằm một phần ở vùng lõi và trên vùng đệm của Thành Nhà Hồ nên theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, các làng cổ Đông Môn, Tây Giai, Xuân Giai chắc chắn đã từng là những tuyến phố quan trọng của kinh thành. Việc dời đô từ Thăng Long vào vùng đất An Tôn không chỉ là một sự kiện lớn của lịch sử dân tộc; mà còn là bước ngoặt trong sự phát triển của vùng đất nơi “đầu non cuối nước” này. Trở thành trung tâm đất nước, nhiều làng quê thuần nông “bỗng dưng” hóa phố thị và nhiều phố thị được hình thành để tạo dáng dấp đặc trưng cho đất kinh kỳ. Ngày nay, dù dấu ấn kinh kỳ ấy đã phai nhạt đáng kể nhưng với các tài nguyên văn hóa như phong tục tập quán, nghệ thuật trình diễn, lễ hội, nghề thủ công, tri thức bản địa... đã hình thành và tồn tại nhiều thế kỷ, có thể nói, các làng cổ luôn là một phần gắn bó hữu cơ với di sản thế giới Thành Nhà Hồ.

Chính vì vai trò quan trọng của các làng cổ trong việc cấu thành nên diện mạo tổng thể hài hòa và độc đáo của di sản Thành Nhà Hồ, cho nên, trong Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch theo Quyết định số 1316/QĐ-TTg, ngày 12-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ, các làng cổ Xuân Giai, Tây Giai và Đông Môn được xếp vào 1 trong các nhóm dự án bảo tồn di sản. Đồng thời, việc tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan của các làng cổ này cũng được chú trọng. Trong đó, làng Xuân Giai lấy không gian, kiến trúc cảnh quan của công trình tôn giáo, tín ngưỡng làm hạt nhân bố cục. Hai bên đường Hòe Nhai được cải tạo, chỉnh trang mặt đứng (không có vỉa hè) tạo phong cách kiến trúc truyền thống. Mặt đường lát đá trên cơ sở kết quả khảo cổ học, một số chỗ trên mặt đường được xây dựng các hố trưng bày khảo cổ;

Còn đối với làng Đông Môn và làng Tây Giai sẽ lấy đình Đông Môn, đình Tây Giai và nhà cổ ông Phạm Ngọc Tùng làm hạt nhân. Việc bảo tồn kiến trúc nhà ở trong làng sẽ theo hình thức nhà ở truyền thống nông thôn vùng đồng bằng Bắc Trung bộ. Không gian đường làng, xóm với giới hạn dưới là mặt đường lát gạch chỉ nghiêng; hệ thống hạ tầng kỹ thuật (điện, cấp thoát nước, thông tin, internet...) được đặt ngầm dưới mặt đường. Ngoài ra, cánh đồng Xuân Giai và cánh đồng Nam Giao được bảo tồn nguyên trạng là cánh đồng trồng lúa truyền thống, nhằm khai thác phục vụ du lịch... Việc đưa các làng cổ vào quy hoạch để bảo tồn và phát huy giá trị là hết sức cần thiết. Song, vì nằm sát vùng lõi di sản – khu vực “bất khả xâm phạm”, nên việc xây cất nhà cửa và nhiều sinh hoạt khác của người dân cũng bị hạn chế đáng kể. Trong khi nhu cầu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đang là nhu cầu cấp thiết hiện nay. Chính vì lẽ đó, hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế với bảo vệ vốn tài nguyên văn hóa, mà cụ thể là bảo vệ nguyên trạng các làng cổ, thiết nghĩ, là vấn đề cần được đặt ra một cách nghiêm túc, khoa học và cấp thiết, nếu muốn tạo dựng được không gian cảnh quan đặc thù của di sản thế giới Thành Nhà Hồ.

Lê Dung


Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]