(Baothanhhoa.vn) - Du lịch muốn phát triển không thể không gắn chặt với môi trường, bao gồm cả môi trường xã hội – văn hóa và môi trường tự nhiên. Nếu môi trường văn hóa bảo đảm cho du lịch hướng đến văn minh; thì môi trường tự nhiên là cơ sở cho sự phát triển bền vững của du lịch. Do đó, bảo vệ môi trường đang được đặt ra như một vấn đề có tính sống còn của du lịch hiện nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững của du lịch

Du lịch muốn phát triển không thể không gắn chặt với môi trường, bao gồm cả môi trường xã hội – văn hóa và môi trường tự nhiên. Nếu môi trường văn hóa bảo đảm cho du lịch hướng đến văn minh; thì môi trường tự nhiên là cơ sở cho sự phát triển bền vững của du lịch. Do đó, bảo vệ môi trường đang được đặt ra như một vấn đề có tính sống còn của du lịch hiện nay.

Bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững của du lịch

Môi trường tự nhiên được bảo vệ là điều kiện để Pù Luông thu hút khách du lịch. Ảnh: Lê Dung

Có lẽ, chưa khi nào mà vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trên biển lại trở nên báo động và cần bức thiết giải quyết như thời gian gần đây. Theo một số liệu thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới về “năng lực” sản sinh rác thải nhựa, với 0,28 - 0,73 triệu tấn mỗi năm (tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Đây là một nguyên nhân lý giải cho tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị biển hiện nay. Là tỉnh có 102 km bờ biển, Thanh Hóa cũng không xa lạ với “vấn nạn” rác thải nhựa trên biển. Đặc biệt trong đó, huyện Hậu Lộc được xem là tâm điểm nhức nhối của tình trạng ô nhiễm môi trường biển. Cùng với đó, các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia và TP Sầm Sơn, cũng đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường biển, ở các mức độ khác nhau.

Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển – đảo được Thanh Hóa nhấn mạnh là mũi nhọn của mũi nhọn. Do vậy, với những địa phương là trọng điểm du lịch của tỉnh như Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, vấn đề thu gom, xử lý nước thải và rác thải sinh hoạt, rác thải trên bãi biển, nhận được nhiều sự quan tâm. Điển hình là tại Sầm Sơn, việc sàng cát và thu gom, xử lý rác tại khu vực bãi biển đang được thực hiện tương đối hiệu quả. Đồng thời, 100% các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch đã thực hiện cam kết thu gom rác tập trung; sử dụng nước sạch và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh. Còn các khu du lịch trọng điểm khác, đều được trang bị thùng đựng rác, lắp các biển báo chỉ dẫn liên quan và thành lập tổ thu gom rác, thực hiện công tác vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú lớn đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhằm đảm bảo yếu tố phát triển bền vững của doanh nghiệp và quyền lợi của khách hàng.

Bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững của du lịch

Khách du lịch về Sầm Sơn.

Mặc dù vậy, công tác bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch vẫn còn không ít khó khăn, bất cập. Vấn đề thu gom rác thải ở các bãi biển đã được cải thiện, song vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Còn tại các khu di tích, việc thu gom, tiêu hủy rác còn chậm, nhất là thời điểm lễ hội. Nhiều doanh nghiệp không có hồ sơ đánh giá tác động môi trường, hoặc không thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường... Trong khi, môi trường tự nhiên có tầm quan trọng sống còn đối với ngành du lịch. Bởi môi trường không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động du lịch; mà còn là nhân tố quyết định sức hấp dẫn của điểm đến. Chính vì lẽ đó, công tác bảo vệ môi trường cần được đặt ra và nhìn nhận một cách nghiêm túc, thấu đáo, để có giải pháp phù hợp và hiệu quả.

Còn nhớ, hồi tháng 3-2018, chính phủ Thái Lan đã quyết định tạm thời đóng cửa vịnh Maya và đảo Phi Phi, nhằm ngăn chặn những tổn thương lên môi trường tự nhiên, đặc biệt là để cứu các rạn san hô bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ hoạt động du lịch. Trước đó, tháng 5-2016, chính phủ nước này cũng đã đóng cửa hòn đảo Koh Tachai và chưa tuyên bố ngày mở cửa trở lại. Đồng thời, ba hòn đảo Koh Khai Nok, Koh Khai Nui và Koh Khai Nai (nằm ở Phuket), phải buộc phải giới hạn lượng khách du lịch. Việc đóng cửa các điểm du lịch là hệ quả tất yếu của tình trạng tăng trưởng nóng du lịch, lượng khách quá tải gây áp lực nặng nề lên môi trường. Song, đóng cửa cũng là giải pháp cấp bách để cứu nguy cho môi trường và khôi phục hệ sinh thái biển, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững cho du lịch.

Đối với Việt Nam, việc đóng cửa các khu, điểm du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ ô nhiễm môi trường vẫn chưa được áp dụng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu các địa phương cứ chú tâm vào số lượng du khách và làm sao để số lượng này năm sau cao hơn năm trước, thì nên suy nghĩ lại. Đây là nhận thức đã lỗi thời, thậm chí là sai lầm. Bởi, khi thu 1 đồng từ du lịch, thì phải bỏ ra tới 3 đồng để làm sạch môi trường. Đó là cái giá không hề rẻ, nhưng nhiều nơi chưa nhìn ra hoặc chưa muốn tính đến. Vì quan tâm đến số lượng khách hơn là chất lượng khách, cho nên, vấn đề sức chứa của điểm đến du lịch cũng đang bị xem nhẹ. Sức chứa điểm đến có thể hiểu đơn giản là khả năng đáp ứng một cách hiệu quả nhất, nhu cầu tối đa của một lượng khách tham quan nhất định, trong giới hạn nguồn tài nguyên và dịch vụ cho phép.

Theo Tiến sĩ Đoàn Mạnh Cương (Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nếu lượng khách tới tham quan vượt quá sức chứa của điểm đến du lịch - trong khi lượng tài nguyên và nguồn nhân lực hạn chế - sẽ dẫn đến sự quá tải về mọi mặt cho điểm đến, đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng lên môi trường tự nhiên. Đồng thời, điểm đến sẽ không thỏa mãn được nhu cầu của khách hàng, thậm chí có thể triệt tiêu động lực muốn đến tham quan của họ và hình ảnh điểm đến sẽ ngày một mờ nhạt, thiếu hấp dẫn. Do đó, bảo vệ môi trường nhìn nhận dưới góc độ sức chứa của điểm đến du lịch, vừa tránh được tình trạng quá tải, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường tự nhiên.

Việc buộc phải đóng cửa các khu du lịch của Thái Lan có nguyên nhân từ việc không quan tâm đến vấn đề sức chứa điểm đến. Điều này, thiết nghĩ sẽ là một bài học đáng tham khảo cho Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng. Từ những bài học và hậu quả nhãn tiền để thấy, môi trường cần được bảo vệ một cách nghiêm túc, trách nhiệm và trên cơ sở khoa học; thay vì chỉ tuyên truyền chung chung, hình thức và thực hiện các giải pháp phần ngọn. Đồng thời, bảo vệ môi trường cho du lịch phát triển bền vững, hơn lúc nào hết, cần được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Và do đó, từ chính quyền, đến cộng đồng dân cư và khách du lịch, cần nhận thức đúng vai trò của mỗi bên, để có hành động phù hợp.

Bài và ảnh: Lê Dung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]