(Baothanhhoa.vn) - Là mảnh đất lưu lại nhiều dấu ấn đậm nét trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử dân tộc, vùng đất xứ Thanh có một hệ thống di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên vô cùng đa dạng và phong phú. Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc rất cần có những chính sách, cách làm hay, phù hợp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể: Cần những cách làm phù hợp

Là mảnh đất lưu lại nhiều dấu ấn đậm nét trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử dân tộc, vùng đất xứ Thanh có một hệ thống di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên vô cùng đa dạng và phong phú. Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc rất cần có những chính sách, cách làm hay, phù hợp.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể: Cần những cách làm phù hợp

Từ trên cao, quần thể danh thắng Kim Sơn, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc hiện lên như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Ảnh: Hoài Thu

Đa dạng và riêng biệt

Thanh Hóa không phải là nơi phồn hoa đô hội, cũng không phải là trung tâm kinh tế trọng yếu của đất nước, nhưng là cái nôi hội nhập của nền văn hóa trải qua hàng ngàn năm, đã tạo nên một hệ thống di sản văn hóa vật thể xứ Thanh với nhiều mảng màu đặc sắc, đa dạng và riêng biệt. Hệ thống di sản văn hóa vật thể chủ yếu tồn tại dưới dạng di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; di vật; cổ vật; bảo vật quốc gia.

Thanh Hóa hiện có hơn 1.500 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ, trong đó có 833 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, gồm: 1 di sản văn hóa thế giới, 4 di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia, còn lại là di tích cấp tỉnh. Hệ thống bảo tàng trong toàn tỉnh hiện đang bảo quản và trưng bày hơn 32.800 hiện vật qua các thời kỳ lịch sử, trong đó có khoảng 120 trống đồng thuộc loại quý hiếm và hàng ngàn hiện vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa cao. Theo thống kê sơ bộ, hệ thống di tích, danh lam – thắng cảnh trên toàn tỉnh vẫn còn hơn 4.000 di tích.

Là một tỉnh địa đầu, cửa ngõ của miền Trung. Do đặc thù về mặt địa lý, địa hình và sự đa dạng của các hệ sinh thái, Thanh Hóa trở thành một vùng đất mở, năng động, trung chuyển giữa các khu vực Đông - Tây, Nam - Bắc. Chính vì thế, con người đã có mặt ở nơi đây từ rất sớm và cũng đã để lại nhiều dấu ấn thông qua các nền văn hóa từ thời đại đá cũ, đá mới, kim khí và phát triển liên tục đến ngày nay. Chúng ta có thể hồi cố lại “trí nhớ của dân tộc Việt Nam” thông qua các di chỉ, di tích văn hóa khảo cổ học tiêu biểu như Núi Đọ, Mái Đá Điều, hang Làng Tráng, Con Moong, Đa Bút, Hoa Lộc... cho đến nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ, khẳng định: Di sản khảo cổ học thuộc văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa rất phong phú và đa dạng, phân bố khắp các vùng miền trong tỉnh, với gần 100 di chỉ đã được điều tra khảo cổ, khai quật là minh chứng sinh động về một vùng trung tâm quan trọng của dân tộc trong thời đại Hùng Vương dựng nước. Đây là một nền văn hóa - văn minh Việt cổ có sức sống mãnh liệt và lan tỏa khắp các vùng Đông Nam Á.

Đặc biệt, với 102 km đường bờ biển chạy suốt từ các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia, sớm tạo cho Thanh Hóa một tiểu vùng văn hóa biển, một kho tài nguyên di sản văn hóa biển, đảo đặc sắc. Bên cạnh những vụng, vịnh nông ven bờ nổi tiếng như Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (Tĩnh Gia) là yếu tố để hình thành nên những cộng đồng cư dân ven biển, với cụm làng xã làm nghề đánh cá nổi tiếng như Diêm Phố (Hậu Lộc), Do Xuyên (Tĩnh Gia)...

Bên cạnh đó, hệ thống các làng, bản cổ cũng vô cùng phong phú như: Kẻ Nưa (Triệu Sơn), Kẻ Sập, làng Cham (Thọ Xuân), Làng Miêu (Hà Trung), Kẻ Rủn (Đông Sơn), làng Năng Cát (Lang Chánh), làng Muốt (Cẩm Thủy)...; các khu bảo tồn thiên nhiên đặc sắc: Vườn Quốc gia Pù Luông (Bá Thước), Bến En (Như Thanh); Rừng sến Tam Quy (Hà Trung), Son Bá Mười (Bá Thước) cùng những khu rừng ngập mặn ở Hải Lộc (Hậu Lộc), Lạch Bạng (Tĩnh Gia)... Hệ thống sông ngòi phong phú đã tạo nên những vùng văn hóa đặc trưng, góp phần tạo nên hệ thống di tích – danh thắng thêm phần phong phú như: Thác Kim Sơn (Vĩnh Lộc), Cửa Hới, Trà Khê, Cửa Trường (Hoằng Hóa)...

Đây là những dấu tích vật thể chứa đựng những giá trị văn hóa quý báu được bảo tồn qua những thăng trầm của lịch sử, phản ánh bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc, giàu sức sống của nền văn hóa xứ Thanh nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Nỗ lực để bảo tồn

Trong những năm qua, nhiều di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh đã phát huy giá trị một cách tích cực ở các mức độ khác nhau như: Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Khu Di tích Bà Triệu... đã thu hút thêm nhiều du khách tham quan, mang lại nguồn thu đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên còn không ít những khó khăn, vướng mắc cần sự nỗ lực của các cấp, ngành cùng sự chung tay của cộng đồng để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể.

Ông Phạm Đình Cường, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ngọc Lặc, cho biết: “Hiện nay huyện Ngọc Lặc có 107 di tích đã được kiểm kê, phân loại, trong đó: Có 1 di tích nằm trong Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đó là đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai và 9 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Mỗi di tích đại diện cho một vùng miền, là nơi nhân dân địa phương đến để sinh hoạt văn hóa tâm linh. Hiện ý thức của người dân trong việc bảo tồn các di tích chưa được tốt, trong khi đó các di tích cơ bản đều bị xuống cấp hoặc chưa được trùng tu tôn tạo xứng tầm... Đây là một trong những khó khăn trong công tác bảo tồn”.

Theo ông Cường, để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được những giá trị to lớn của di sản văn hóa này; mặt khác các ban, ngành phải thực sự vào cuộc, phải xây dựng đề án, đề ra kế hoạch, phân công nhiệm vụ và được kiểm tra đánh giá cụ thể theo từng giai đoạn. Đối với những tập thể, cá nhân, dòng họ có công bảo tồn giữ gìn di tích qua nhiều đời, Nhà nước cần phải có cơ chế, chính sách để kịp thời động viên, đây cũng là chất xúc tác để khuyến khích họ thực hiện.

Cùng chung những trăn trở đó, bà Phạm Thị Thủy, cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin TP Sầm Sơn, bộc bạch: “Sầm Sơn có 43 di tích đã được kiểm kê, phân loại, trong đó có 35 di tích được xếp hạng (8 di tích được xếp hạng quốc gia). Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đó, một mặt phải tuyên truyền cho dân hiểu, mặt khác thành phố đã lập đề án quy hoạch các di tích trên địa bàn. Nhưng hiện nay hầu hết các di tích đều chưa có sổ đỏ nên việc cắm mốc di tích gặp rất nhiều khó khăn; đó là chưa kể đến một số di tích xuống cấp nhưng không có kinh phí trùng tu, tôn tạo...”, bà Thủy cho biết.

Một thực tế hiện nay, số lượng di tích - lịch sử và danh lam thắng cảnh ở Thanh Hóa chưa được trùng tu, tôn tạo hiện còn rất lớn; theo dòng chảy của thời gian thì tình trạng xuống cấp của những di tích này rất nghiêm trọng; còn số di tích dù đã được trùng tu, tôn tạo nhưng phần lớn chỉ mới dừng lại mức độ khắc phục tình trạng kỹ thuật, chưa tiến hành tôn tạo được nhiều, vì vậy chúng chưa trở thành những di sản văn hóa có sức thu hút du khách để phát triển du lịch.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa, chia sẻ: Việc thiếu kinh phí điều tra, nghiên cứu, khảo sát các loại hình di sản văn hóa để lên kế hoạch đầu tư, bảo tồn, phát huy giá trị theo từng giai đoạn cụ thể trên cơ sở đánh giá mức độ xuống cấp của di sản, điều này đã dẫn đến việc xâm hại di sản ở những mức độ khác nhau của chủ sở hữu di sản. Mặt khác, nhận thức của cộng đồng về giá trị di sản văn hóa còn hạn chế, công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản mới chỉ là bước đầu... “Để bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa đó cần tập trung đào tạo những cán bộ trẻ làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa bằng cách tạo điều kiện cho tham gia các lớp huấn luyện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các chuyên gia nước ngoài tổ chức nghiên cứu; tham khảo nội dung các tài liệu về vấn đề di sản văn hóa do các chuyên gia trong và ngoài nước... nhằm nâng cao năng lực về công tác bảo tồn di sản văn hóa nói chung” - ông Tuấn nói.

Trước thực tế đó, cần xây dựng một cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc cần thiết, đầy đủ để có thể tiến hành điều tra, khảo sát và tiến tới bảo tồn một số di sản; tăng cường hành lang pháp lý, xây dựng chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi hủy hoại di sản, làm biến dạng di sản. Mặt khác, ban hành chính sách đãi ngộ cụ thể đối với tổ chức, cá nhân có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản... tạo điều kiện cho di sản có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là lớp người trẻ để họ nhận thức, ý thức được về bản sắc văn hóa và sự gắn kết giữa quá khứ, hiện tại, tương lai; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho cộng đồng dân cư – nơi có di sản để người dân hiểu, yêu quý di sản của mình và có ý thức bảo vệ tốt hơn.

Hoài Thu


Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]