(Baothanhhoa.vn) - Xuất khẩu lao động (XKLĐ) không chỉ góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo bền vững mà còn là cơ hội để các huyện miền núi nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong ngành công nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xuất khẩu lao động - hướng giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) không chỉ góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo bền vững mà còn là cơ hội để các huyện miền núi nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong ngành công nghiệp.

Xuất khẩu lao động - hướng giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi

Lớp học tiếng Hàn tổ chức tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa tháng 8-2019 có nhiều lao động thuộc các huyện nghèo tham gia.

Tuy nhiên, những năm trước đây do nhận thức về XKLĐ của một số cấp ủy, chính quyền còn hạn chế; chưa thực sự quan tâm đến công tác XKLĐ, đặc biệt là các huyện miền núi, huyện nghèo 30a chưa xác định rõ XKLĐ là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội nên chưa tập trung chỉ đạo thực hiện. Công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động người lao động tham gia XKLĐ chưa thường xuyên, liên tục; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú nên chưa thay đổi được nhận thức của người dân về vai trò, lợi ích mà XKLĐ mang lại

Trước tình hình đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn lại ban chỉ đạo XKLĐ và chuyên gia tỉnh; chỉ đạo các huyện tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác XKLĐ đến các xã, thị trấn. Phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về XKLĐ; giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác động tích cực của XKLĐ đối với vấn đề việc làm, giảm nghèo cũng như tuyên dương, nhân rộng các điển hình tốt về XKLĐ. Ngoài ra, Sở LĐTB&XH thường xuyên phối hợp với các xã thuộc huyện 30a tổ chức hội nghị tham vấn, tư vấn về XKLĐ; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp XKLĐ có uy tín mở chi nhánh, đặt văn phòng đại diện tại một số địa phương để tư vấn, tuyển chọn lao động... Các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động tham gia XKLĐ được vay vốn; ưu tiên cho các đối tượng gia đình chính sách người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số tiếp cận vốn vay đi XKLĐ; giao chỉ tiêu XKLĐ, gắn trách nhiệm của người đứng đầu UBND các xã, thị trấn trong việc giới thiệu lao động đi làm việc ở nước ngoài...

Nhờ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, công tác XKLĐ ở các huyện miền núi đã có nhiều khởi sắc. Theo số liệu thống kê của Sở LĐTB&XH, 11 huyện miền núi đã đưa được 2.760 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong năm 2018, riêng 6 tháng đầu năm 2019 có 1.068 lao động xuất cảnh. Một số huyện có số người đi XKLĐ đạt cao là Thạch Thành 216 người, Cẩm Thủy 170 người, Ngọc Lặc 153 người, Như Xuân 120 người, Bá Thước 101 người. Ông Hoàng Ngọc Trung, Trưởng Phòng Lao động – Việc làm Sở LĐTB&XH, cho biết: Nếu một số huyện như Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa trước đây không có người đi tham gia XKLĐ thì trong 6 tháng năm 2019 Mường Lát có 18 người tham gia, Quan Sơn 32 người, Quan Hóa 26 người, Lang Chánh 32 người... Nhiều gia đình nghèo có người đi XKLĐ không những thoát nghèo mà còn trở thành hộ có thu nhập khá ở địa phương.

Điển hình là hộ anh Nguyễn Văn Cường, thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ (Như Xuân) trước đây không chỉ nghèo mà còn là đối tượng bảo trợ xã hội. Từ khi vợ tham gia thị trường XKLĐ, với tính cần cù, siêng năng, sau 3 năm lao động ở xứ người, bình quân mỗi năm vợ anh Cường gửi về cho gia đình 120 triệu đồng. Từ nguồn tiền trên, anh Cường đã đầu tư phát triển kinh tế. Hiện gia đình anh có một gia trại với 20 con bò, 4 con trâu, 1ha trồng cỏ, 5 sào ao, cho thu nhập bình quân khoảng 300 đến 400 triệu đồng/năm. Hay như hộ ông Trịnh Đức Thắng ở thôn Kim Vân, xã Tân Lập (Bá Thước) có con trai là Trịnh Hồng Nam đi XKLĐ thị trường Hàn Quốc từ năm 2012, sau khi hết hạn hợp đồng, anh Nam đã xin gia hạn lần 2. Trong hơn 5 năm làm việc tại Hàn Quốc, anh Nam đã gửi tiền cho về cho bố xây nhà 2 tầng, mua ô tô và mua thêm một lô đất ở ngay thị trấn Cành Nàng. Với gia đình bà Triệu Thị Liên ở thôn Tân Thành, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) tuy không thuộc diện hộ nghèo nhưng cuộc sống cũng không dư giả gì. Từ khi có con trai là Bàn Đức Cường đi XKLĐ tại Nhật Bản và con dâu là Triệu Thị Tình đi XKLĐ tại Đài Loan đã gửi tiền về hỗ trợ mẹ xây dựng ngôi nhà khang trang với tiện nghi đầy đủ trị giá gần 800 triệu đồng. Hiện bà Liên ở nhà chăm sóc 2 đứa con của Cường để anh yên tâm làm thêm một thời gian nữa với mong muốn sau khi về nước sẽ có một khoản tiền để đầu tư phát triển kinh tế.

Điều đáng nói là người lao động ở các huyện nghèo, xã nghèo không chỉ lựa chọn thị trường thu nhập thấp, không mất phí như Malaysia, Thái Lan, Ả-rập Xê-út mà họ đã bắt đầu hướng đến thị trường tiềm năng có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu (Đức, Rumani)... Chỉ tính từ đầu năm đến nay đã có hàng chục lao động ở các xã đặc biệt khó khăn như Thạch Lập (Ngọc Lặc); Yên Khương, Tân Phúc (Lang Chánh); Lương Nội (Bá Thước); Xuân Cao, Xuân Lộc, Lương Sơn (Thường Xuân); Sơn Hà, Trung Hạ (Quan Sơn); Mường Chanh, Quang Chiểu (Mường Lát) xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Cũng theo đồng chí Hoàng Ngọc Trung, hiện 11 huyện miền núi có trên 200 người đăng ký học tiếng Hàn; hơn 40 người đã thi đỗ tiếng Hàn đang chờ xuất cảnh và hàng trăm lao động khác đang tham gia các lớp học nghề để đáp ứng thị trường yêu cầu có trình độ, tay nghề. Những con số ấn tượng trên đã góp phần hiệu quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Nếu như năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Như Xuân là 43,39% thì đến năm 2018 giảm xuống còn 14,92%; huyện Bá Thước năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo là 55,24% nay giảm còn 13,31%; huyện Ngọc Lặc năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo là 18,28% nay giảm còn 8,02%...

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]