(Baothanhhoa.vn) - Biên cương những ngày cuối cùng của năm, có điều gì đó vừa quen vừa lạ. Vẫn cái dáng dấp bình lặng và huyền bí ngàn đời của non cao vực sâu, của gió núi mây ngàn, của tiếng nói cười lao xao va vào vách núi rồi vọng về thung lũng. Nhưng, còn có điều gì đó thật khó nắm bắt, chỉ cảm giác như nó đang cựa mình, đang thao thức, đang thì thầm đòi thức dậy. Hình như, đó là tiếng xuân đi từng nhịp rất nhẹ qua chồi non lộc biếc, trên cung đường biên mùa hoa đào bung nở sắc xuân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xuân miền biên viễn

Xuân miền biên viễn

Đồn Biên phòng Quang Chiểu phối hợp cùng lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Lào thực hiện tuần tra, bảo vệ mốc giới quốc gia.

Biên cương những ngày cuối cùng của năm, có điều gì đó vừa quen vừa lạ. Vẫn cái dáng dấp bình lặng và huyền bí ngàn đời của non cao vực sâu, của gió núi mây ngàn, của tiếng nói cười lao xao va vào vách núi rồi vọng về thung lũng. Nhưng, còn có điều gì đó thật khó nắm bắt, chỉ cảm giác như nó đang cựa mình, đang thao thức, đang thì thầm đòi thức dậy. Hình như, đó là tiếng xuân đi từng nhịp rất nhẹ qua chồi non lộc biếc, trên cung đường biên mùa hoa đào bung nở sắc xuân.

Phải chăng vì nơi đây hoa đào nở sớm mà mùa xuân cũng thường chạm dải đất biên cương ở độ tươi mới mơn man nhất. Xuân biên cương luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ. Vậy nên, mới có biết mấy thi nhân đã dựa vào cái “tứ” ấy mà lẩy nên thơ, mà phổ ra nhạc, để gọi về nỗi niềm nhớ thương, để cảm khái và ngợi ca hồn đất, tình người. Mang theo tâm trạng cũng rất đỗi “thơ” ấy, chúng tôi ngược miền biên viễn trong một ngày xuân. Chỉ có điều, thay vì vạt nắng vàng ngọt trải thảm trên những cánh rừng xa ngút tầm mắt, đón chúng tôi là cơn mưa rừng rả rích và cái rét đã chiếm trọn không gian. Qua ô cửa kính mờ ảo vì nước mưa và sương chiều, con đường 520 trông xa như sợi dây thừng vắt lên hình hài vô số ngọn đồi xếp chồng lên và nối tiếp nhau tưởng chừng không có điểm cuối. Con đường độc đạo dẫn lên các huyện vùng cao Mường Lát, Quan Hóa từng hụt hơi vì đợt mưa lũ cách đây vài tháng, tưởng như đã điềm nhiên trở lại. Chỉ có người đi trên lưng con đường là vẫn nơm nớp mỗi lần qua một khúc cua hẹp, bất ngờ gặp phải đoạn taluy âm nứt toác như cái miệng khổng lồ nham nhở gặm vào thân đường.

Chiều buông nhanh trên miền biên viễn và bóng tối như cũng chạy đua với thời gian để ăn mòn khắp không gian. Chúng tôi rời khỏi con đường đã đi qua vô số lần, nhưng không dám gọi là quen thuộc ấy, để đến điểm dừng chân đầu tiên: Đồn Biên phòng Hiền Kiệt. Đón những vị khách từ xuôi lên trong cảnh tranh tối tranh sáng, đồng chí đồn trưởng, Thượng tá Trần Ngọc Năm, không khỏi ái ngại khi biết chúng tôi có nguyện vọng được theo chân các chiến sĩ biên phòng đi tuần tra biên giới. “Thời tiết này quả thật rất khó. Mưa lớn, rét đậm sẽ rất nguy hiểm khi băng rừng. Có lẽ phải hẹn các bạn dịp khác, khi nắng ráo, ấm áp hơn vậy”. Vậy là, tạm gác lại niềm mong mỏi ấy, chúng tôi được đồng chí đồn trưởng kể cho nghe không ít chuyện về đơn vị, từ công việc thường ngày đến việc xuống với dân.

Đứng chân trên địa bàn xã Hiền Kiệt (huyện Quan Hóa), được giao bảo vệ gần 4 km đường biên với 3 cột mốc 317, 318, 319; song, để gìn giữ sự bình yên cho từng tấc đất biên cương, nhiệm vụ của Đồn Biên phòng Hiền Kiệt không hề đơn giản. Không phải con đường hành quân đầy bom đạn những năm chiến tranh, song con đường mòn vùng biên không vì thế mà không có những phức tạp, hiểm nguy rình rập. Bước chân những người lính biên phòng đã bao lần đặt lên lối mòn, để cho gai góc, cỏ rậm không lấp mất lối đi cũng là giữ cho mỗi hòn đá, ngọn cây đều mang bóng hình xứ sở. Với mỗi người lính, khi gắn bó với vùng đất này, thì trong mỗi người đã thuộc nằm lòng và thực hành cái quan điểm đã trở thành triết lý “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Nắm chắc được điều đó, Đồn Biên phòng Hiền Kiệt luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ tuần tra đường biên giới và 3 mốc 317, 318, 319. Đồng thời, giữ mối liên hệ chặt chẽ với Đại đội bảo vệ biên giới (Đại đội 215) trực thuộc huyện đội Viêng Xay nước bạn Lào trong quá trình tuần tra biên giới, cũng như trao đổi, nắm bắt tình hình 2 bên biên giới. Nhờ đó, dọc tuyến biên giới Việt – Lào nơi đơn vị được giao phụ trách, luôn giữ được sự ổn định, an toàn và người dân hai bên cũng duy trì mối quan hệ giao lưu, gắn bó tốt đẹp.

Vùng biên bình yên phải được dựng xây từ “thế trận lòng dân” và “đường biên mùa xuân” – đường biên của niềm hân hoan, ấm no, đổi mới – càng cần được vun đắp từ “đường biên lòng dân”. Song, để có được sự bình yên cho dải đất biên cương cần cả một quá trình vận động, làm gương không mệt mỏi của những người đi tiên phong trên mặt trận tư tưởng. Họ là những chiến sĩ biên phòng và đặc biệt là những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Chuyến ngược biên giới này chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về những con người với công việc thầm lặng: Bảo vệ cột mốc quốc gia. Công việc nói ra tưởng chừng giản đơn, nhưng nếu không có nghị lực và tình yêu, sẽ không thể làm nổi. Gần nửa đời người gắn bó với công việc bảo vệ cột mốc, cụ Vi Văn Dong (70 tuổi, ở bản Ho, xã Hiền Kiệt) luôn tâm niệm, “mỗi người dân phải là một chiến sĩ cách mạng, cùng với lực lượng bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới”. Cũng vì tâm niệm ấy mà gần 30 năm nay, cụ Dong chưa một ngày lơi là công việc. Với cụ, mỗi tấc đường biên và nhất là 3 cột mốc 317, 318, 319 là một phần máu thịt Tổ quốc và bất khả xâm phạm!

Cùng với cụ Dong ở bản Ho, cụ Xiết ở bản Suối Tút (xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát) cũng là một trong những hạt nhân nòng cốt của phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên mốc giới và an ninh trật tự khu vực biên giới ngay từ những ngày đầu. Ai chưa một lần lên Suối Tút, chỉ nghe đến những dốc núi dựng đứng, những khúc cua tay áo, hẳn cũng có thể hình dung được mức độ gập ghềnh, trắc trở của con đường. Thế nhưng, bấy nhiêu vẫn chưa thấm vào đâu so với đoạn đường từ bản Suối Tút ngược lên đỉnh Poom Giới – nơi các cột mốc 285, 286, 287 đứng chân. Ngót 30 năm nay, cụ Phan Định Xiết đã nhớ không hết những chuyến ngược xuôi từ bản lên đỉnh Poom Giới. Chỉ biết, đôi chân chai sần và rắn rỏi đã đi mòn lối trong cánh rừng núi rậm rạp và in trên những dốc đá dựng ngược.

Với cụ Xiết, việc tự nguyện bảo vệ cột mốc biên giới như một cái duyên. Đó là năm 1980, khi cụ đưa gia đình lên bản Suối Tút sinh sống, trong một lần đi rừng và leo lên tận đỉnh Poom Giới, cụ phát hiện một cột mốc được đánh dấu G6 (nay là 3 cột mốc 285, 286, 287). Từ đó, cụ đã đề nghị được đi cùng bộ đội biên phòng trong các chuyến tuần tra, kiểm tra cột mốc. Bởi cụ nghĩ, cột mốc biên giới là nơi thiêng liêng, cho nên nếu coi đó chỉ là nhiệm vụ của các chiến sĩ biên phòng thì thật vô trách nhiệm. Để leo lên đỉnh Poom Giới và đến chân các cột mốc, phải mất 3, 4 tiếng đi bộ đường rừng, nhưng với cụ Xiết, Poom Giới không cao, không xa, hẳn vì nó luôn ở trong tâm trí cụ. Còn với chúng tôi, đường lên đỉnh Poom Giới - nơi tồn tại 3 cột mốc đang hằng ngày khẳng định chủ quyền Tổ quốc – cũng là con đường của sự kiên trì và niềm tin tưởng!

Tri ân và biết ơn công việc thầm lặng mà cao cả của hàng chục con người như cụ Ho, cụ Xiết. Họ dẫu chẳng phải bông hoa rừng, nhưng bằng lối sống đẹp, đầy tinh thần trách nhiệm, tự bản thân mỗi người đã là một vẻ đẹp “hữu xạ tự nhiên hương”. Vậy mới thấy, nơi biên cương, dẫu công cuộc mưu sinh vẫn đầy khó khăn, vất vả, song không vì thế mà thiếu đi những việc làm ý nghĩa, mang lại lợi ích thiết thực và lớn lao. Cũng nhờ đó mà vùng biên có được một “tấm lá chắn” vô hình nhưng bền chặt, giúp lực lượng chức năng và chính quyền địa phương kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền quốc gia và an ninh biên giới.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 213,604 km đường biên giới, giáp tỉnh Hủa Phăn (Lào), với 16 xã vùng biên, 153 thôn, bản thuộc 5 huyện biên giới là Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh và Thường Xuân. Mặc dù diện tích tự nhiên chỉ chiếm 15,2% tổng diện tích toàn tỉnh, song khu vực biên giới Thanh Hóa – Hủa Phăn luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh quốc gia. Ngoài ra, đây còn là khu vực đầu nguồn của các hệ thống sông chính, có vai trò không thể thay thế trong phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, an ninh nguồn nước và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Chính vì lẽ đó, việc xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh giữa 2 tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn giai đoạn 2013 – 2015, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh đưa nội dung tổ chức kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới trên tuyến biên giới đất liền vào nội dung thỏa thuận, để 2 tỉnh thống nhất, hợp tác và triển khai thực hiện. Đến nay, đã có 17 cặp bản dọc biên giới tổ chức kết nghĩa và duy trì mối quan hệ thân tình, hữu hảo.

Có thể khẳng định, để “khép kín biên giới”, nhằm tránh những tác động tiêu cực từ ngoài đường biên, thì yếu tố quyết định vẫn là ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Chính vì lẽ đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc, đã khẳng định: “Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế – xã hội các vùng dân tộc và miền núi, trước hết, tập trung vào phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo; (...); phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc, đồng thời tăng cường sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước”. Thực hiện chủ trương lớn của Đảng, nhiều năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cùng với chính quyền các địa phương và nhân dân các dân tộc anh em sống dọc biên giới, đã và đang chung tay, góp sức để xây dựng nên “bức tường thành” biên cương kiên cố, góp phần bảo vệ sự bình yên cho từng tấc đất quê hương.

...

Chuyến ngược miền biên viễn của chúng tôi, dẫu còn vài điều nuối tiếc, song đọng lại nhiều phần ý nghĩa. Những nơi chúng tôi qua, cuộc sống tưởng chừng cứ bình lặng chảy trôi theo nhịp của núi rừng, sông suối, của bản mường, nương rẫy. Thế nhưng, qua những người may mắn được gặp, chúng tôi biết, đằng sau cái sự lặng lẽ ấy là biết bao chuyện đời, chuyện người thấm đẫm tinh thần nhân văn, nhân ái. Để rồi, dù còn ngược xuôi vất vả, nhưng đứng giữa mùa xuân biên cương, con người vẫn luôn có niềm tin để mở lòng đón nhận mọi vẻ đẹp cuộc sống. Dẫu vẻ đẹp ấy chỉ giản đơn là cành đào phai mọc bên bờ tường đá ngôi nhà người Mông. Mỗi cánh hoa đã tắm mình trong sương giá và bầu không khí trong sạch sớm mai, chỉ chờ đến độ là bung hết sắc thắm. Để cho khí xuân, sắc xuân, hương xuân và tình xuân, như cũng phảng phất cùng sắc đào biên cương ấy, theo chân người về xuôi.

Hoàng Xuân


Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]