(Baothanhhoa.vn) - Từ xa xưa, người Thái ở xứ Thanh đã biết trồng dâu, nuôi tằm để tự dệt vải. Với sự cần cù, trí tưởng tượng phong phú, phụ nữ Thái đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, thể hiện qua những nét hoa văn mang tín ngưỡng văn hóa độc đáo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xựa boọc lau – nét văn hóa đặc sắc của người Thái

Xựa boọc lau – nét văn hóa đặc sắc của người Thái

Chiếc đệm ngồi được chị Lương Thị Luyện (bản Năng Cát, xã Trí Nang) thể hiện sự khéo léo qua từng đường kim, mũi chỉ.

Từ xa xưa, người Thái ở xứ Thanh đã biết trồng dâu, nuôi tằm để tự dệt vải. Với sự cần cù, trí tưởng tượng phong phú, phụ nữ Thái đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, thể hiện qua những nét hoa văn mang tín ngưỡng văn hóa độc đáo.

Giữa sự đa dạng của các loại hình văn hóa, đệm bông lau chính là nét đẹp truyền thống điển hình của đồng bào người Thái ở xứ Thanh, trong đó chứa đựng sự ấm áp từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái giữa nơi núi thẳm, mây ngàn.

“Xựa boọc lau” theo tiếng Thái nghĩa là đệm bông lau, là một vật dụng không thể thiếu được trong bất cứ mỗi gia đình người dân tộc Thái miền Tây xứ Thanh. Trong cộng đồng các dân tộc, người Thái được xem là dân tộc có nhiều kinh nghiệm làm đệm bông lau nhất, đồng thời cũng là dân tộc sử dụng đệm bông lau nhiều hơn cả. Ở trong mỗi nếp nhà, phía buồng ngủ của gia đình, trên đầu giường có chồng chăn đệm cao ngất. Với những gia đình khá giả, giường ngủ của khách thường có hai, ba cái đệm bông lau xếp chồng lên nhau.

Không biết từ khi nào mà dân tộc Thái miền núi xứ Thanh đã tìm đến bông lau để làm đệm, bất kể mùa đông hay mùa hạ oi nồng. Chỉ biết, cây lau gắn liền với cuộc đời của những người con xứ núi, ngay từ lúc chào đời họ đã được nằm trên đệm bông lau với những giấc ngủ ngon cùng lời ru của mẹ. Lớn lên, họ được các mẹ, các chị kèm cặp, hướng dẫn làm bông, dệt vải, tập làm chăn, học cách thêu dệt thổ cẩm truyền thống của tổ tiên, nhiệt huyết chăm chỉ giữ gìn bản sắc dân tộc. Trước khi lấy chồng, các cô gái Thái phải thành thạo việc canh cửi và có vốn kinh nghiệm qua những sản phẩm dệt, một trong những tiêu chuẩn quan trọng để trở thành nàng dâu nhà người. Và có lẽ xuất phát từ ý nghĩa nguyên sơ ấy nên việc gìn giữ nghề truyền thống đã trở thành khát vọng cháy bỏng được nuôi dưỡng trong mỗi tâm hồn. Vì vậy mỗi chiếc đệm bông lau được làm ra không chỉ chất chứa sự công phu, tỉ mỉ của người làm đệm mà còn là tình cảm và ước nguyện sâu xa của những con người đã cần mẫn gửi gắm trong từng đường kim mũi chỉ.

Đệm bông lau như một thứ của hồi môn đặc biệt mà thiếu nữ Thái mang về nhà chồng. Nói đặc biệt bởi đó chẳng phải thứ của cải cha cho, mẹ gửi mà là thứ của cải tự tay người con gái tỉ mẩn làm nên. Đặc biệt, nó là thứ để người ta đánh giá cái khéo tay hay làm, nết ăn nết ở của cô gái. Theo truyền thuyết các cụ kể lại, ngày xưa, các thiếu nữ Thái đến tuổi lấy chồng phải có đủ bộ chăn đệm nằm, bộ đệm gối, đệm ngồi và một bộ váy áo do chính tay các cô làm ra để chứng tỏ mình là người con gái đảm đang, khéo lo toan cho cuộc sống sau này. Đã là con gái Thái thì phải biết tự tay làm ra chiếc đệm bông lau. Cô gái Thái nào cũng được mẹ, được bà dạy cho cách làm đệm, ủ lau, dệt vải từ khi còn nhỏ. Có cô con gái khéo tay, chăm làm là niềm tự hào của gia đình. Bởi vậy, nó gói ghém ước vọng cuộc sống ấm no, hạnh phúc được tạo dựng nên từ những vật dụng đơn giản mà tự tay họ làm nên từ ngày còn ở tuổi cập kê.

Chị Lương Thị Luyện (bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh), người đã có nhiều năm trong nghề làm đệm cho biết: “Để làm được một chiếc đệm đẹp từ khâu chọn bông, chọn vải đến kỹ thuật bắt con đệm, nhồi bông, khâu cạnh... đều phải chuẩn”. Hoa lau chín được cắt cả bông đem về ủ khoảng dăm ngày, lúc này chỉ vuốt nhẹ là hoa lau rụng tơi ra khỏi cuống, rồi đem phơi nắng cho khô xốp. Vải làm đệm bông lau truyền thống vốn là vải thô nhuộm chàm hoặc dệt bằng thổ cẩm. Cái khó nhất trong kỹ thuật làm ra sản phẩm này là khâu luồn chỉ trên khung xếp thành từng múi để chằng giữ hai mặt trên, dưới sao cho khi nhồi bông vào lòng đệm, có thể nhét, lèn thật chặt mà vẫn không bị chỗ phồng, chỗ xẹp, tạo ra sự cao thấp của bề mặt đệm. Kỹ thuật này gọi là “lấy con đệm”, đây là khâu quyết định cho hình thức một chiếc đệm, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mẩn và độ chính xác cao nhất trong khi làm đệm. Phụ nữ vào những năm đứng tuổi (35-40 tuổi) mới có thể gọi là thành thạo để tiếp tục hướng dẫn cho người khác được. Người thợ dùng kim chỉ khâu nhíu hai mặt vải vào với nhau thành những ô vuông nhỏ, các mũi chỉ đều được giấu trong mặt trái của vải. Những “con đệm” này phải thật đều đặn, trăm con như một. Nhồi bông cũng phải rất đều tay, nếu cứng tay quá, múi đệm nổi cao lên nằm đau lưng, lỏng tay quá thì cái đệm vừa nằm đã dão. Bắt cạnh đệm (diềm đệm) cũng phải chú ý sao cho đường kim mũi chỉ thật đều lại vừa phải giữ cữ tay cho vừa không để diềm đệm cứng hay mềm quá. Sự tập trung chú ý để tạo nên nét đẹp cho tấm đệm là phần vỏ đệm, thường được khâu phủ bằng tấm thổ cẩm với đủ các họa tiết trang trí đặc trưng của người Thái. Mặt đệm không phẳng như đệm mút mà gợn sóng hình ô vuông nhỏ trông đẹp mắt mang lại sự thoải mái, dễ chịu. Tính từ lúc bông lau còn mọc hoang trên rừng cho đến khi trở thành tấm đệm, người con gái Thái đã bỏ vào đây rất nhiều công sức, cả sự khéo léo trong mỗi đường kim mũi chỉ, cả những ước nguyện sâu kín về một ngày mai trầu bén duyên cau.

Đệm bông lau của người Thái nổi tiếng là bền, ấm và đẹp. Bởi thế ngày nay, sản phẩm này đã nhanh chóng trở thành mặt hàng được nhiều người ưa chuộng. Người tiêu dùng đã từng có nhận xét so sánh giữa đệm bông lau với đệm mút rằng, trong khi đệm bông lau nằm không bị đau lưng thì đệm mút đã gây nên hiểm họa. Sự chênh lệch về biên độ thời tiết giữa ngày và đêm ở miền núi rất lớn. Đệm mút chỉ có thể dùng được cho mùa rét, còn để thích hợp với thiên nhiên của núi rừng thì đệm bông lau là hơn cả. Sở dĩ nó có thể thích nghi với môi trường miền núi bởi kỹ thuật tạo cắt và khâu kỳ công mang lại sắc thái văn hóa tộc người Thái. Chiếc đệm bông lau rất thích hợp với khí hậu núi rừng vì đệm chặt nhưng rất thoáng khí, không bị ẩm. Đệm bông lau không cần giặt, thường chỉ phơi, đập cho sạch bụi, nếu đệm có bị xẹp xuống, chỉ cần mang phơi dưới nắng là lại căng phồng lên như mới.

Trong đời sống hiện đại có bao nhiêu loại đệm mút sang trọng, đắt tiền nhưng đệm bông lau vẫn giữ một vị trí quan trọng trong truyền thống văn hóa dân tộc Thái. Những chiếc đệm mang cả ngàn lau trắng chứa đựng cả tình người, cả ước nguyện về một cuộc sống gia đình đầm ấm trong đó. Người Thái qua bao nhiêu thế hệ vẫn đau đáu gìn giữ, bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa này để cái nếp bản luôn được giữ gìn giữa đại ngàn bao la.

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]