(Baothanhhoa.vn) - Song song với sự phát triển đi lên của kinh tế - xã hội, nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, để tìm được việc làm phù hợp với năng lực và trình độ, người lao động cần xác lập mục tiêu và rèn kỹ năng tư duy nghề nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xác lập mục tiêu, rèn luyện kỹ năng tư duy nghề nghiệp: Cơ hội tạo việc làm cho lao động

Song song với sự phát triển đi lên của kinh tế - xã hội, nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, để tìm được việc làm phù hợp với năng lực và trình độ, người lao động cần xác lập mục tiêu và rèn kỹ năng tư duy nghề nghiệp.

Xác lập mục tiêu, rèn luyện kỹ năng tư duy nghề nghiệp: Cơ hội tạo việc làm cho lao độngXác lập mục tiêu, rèn luyện kỹ năng tư duy nghề nghiệp là cơ hội tạo việc làm cho lao động.

Bạn Nguyễn Thị Hằng, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) có ngoại hình khá, gương mặt dễ nhìn, vui vẻ nhận giấy giới thiệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) vào làm nhân viên tư vấn bất động sản cho một sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn TP Thanh Hóa. Sàn giao dịch mới khai trương, nhà đầu tư đang có nhu cầu tuyển dụng nhân viên cho nhiều vị trí, nên Hằng hy vọng được dự tuyển phỏng vấn đợt này. Vừa tốt nghiệp chuyên ngành kế toán tại Trường Đại học Hồng Đức, Hằng đi tìm việc làm với mong muốn được ứng dụng và trải nghiệm kiến thức đã học vào công việc.

Còn bạn Lê Đình Văn, xã Tế Lợi (Nông Cống) tốt nghiệp Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa, chuyên ngành cơ khí từ năm 2018. Nhưng vì không tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đã học, nên Văn phải làm công nhân cho Công ty Honda Việt Nam tại Hà Nội. Dù đã quen việc và thu nhập ổn định, nhưng Văn vẫn muốn có cơ hội làm việc trong ngành cơ khí để phát huy kiến thức đã học. Văn đến TTDVVL tìm việc và được giới thiệu dự tuyển làm công nhân kỹ thuật cơ khí cho một công ty trong tỉnh. Văn cho biết: “Làm nghề mình thích là tôi vui rồi, nếu được tuyển dụng, tin rằng mình sẽ sớm thích nghi với nơi làm việc mới”.

Hơn một năm gặp lại, bạn Thành Lê, xã Nga Bạch (Nga Sơn) đã chững chạc, trưởng thành hơn rất nhiều so với lúc mới đi tìm việc. Tốt nghiệp Đại học Xây dựng Hà Nội, Thành Lê hiện đang làm việc tại công ty xây dựng ở Hà Nội với vị trí nhân viên giám sát các công trình trên địa bàn thành phố, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Thành Lê cho biết: “Lúc trước, khi em chọn học ngành này, gia đình đều cho rằng không phù hợp. Em cũng phân vân lắm nhưng cuối cùng em vẫn theo nghề. Vì làm nghề mình yêu thích nên dù thời gian công tác chưa lâu nhưng em đã được đồng nghiệp tín nhiệm.

Theo ông Phạm Văn Viện, Phó Giám đốc TTDVVL, qua các phiên giao dịch việc làm đầu năm thì nhu cầu tuyển dụng khá đa dạng, đủ các ngành nghề, các chức danh, tùy theo loại hình hoạt động của doanh nghiệp. Năm nay, các vị trí “đắt” nhất là nhân viên kế toán (kế toán trưởng, kế toán kho, kế toán công nợ...), nhân viên kỹ thuật (xây dựng, cơ khí, thiết kế, cầu đường...), nhân viên kinh doanh, bán hàng, giám sát (công trình, kinh doanh, bán hàng...), công nhân tại các công ty giày da, công ty may. So với các năm trước, nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ, bán thời gian giảm rất nhiều, do đa số các dịch vụ sử dụng lực lượng lao động đã có kinh nghiệm.

Hiện nay, nhu cầu tuyển lao động các chức danh bậc cao cho các công ty TNHH, có vốn đầu tư nước ngoài, như: giám đốc chi nhánh, giám đốc nhân sự, điều hành kinh doanh... với điều kiện làm việc và mức lương hấp dẫn khá nhiều. Tuy nhiên, đây phải là những ứng viên có kinh nghiệm, năng lực và nhất là chịu được áp lực chức vụ, công việc, luôn tỉnh táo và năng động đề xuất với lãnh đạo những kế hoạch, chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Song, thực tế không nhiều ứng viên đáp ứng được đầy đủ tiêu chuẩn cho các chức danh này. Thường có sự dịch chuyển ứng viên từ đơn vị này sang đơn vị khác. Nơi nào có chính sách đãi ngộ và môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn thì sẽ thu hút được người tài. Đây cũng là sự cạnh tranh công bằng trong thị trường lao động. Tuy nhiên, hiện tình trạng thiếu lao động phổ thông vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Cung - cầu lao động chênh lệch khá lớn, nhất là lao động ngành may mặc, chế biến thủy sản, chế biến thực phẩm... Theo lãnh đạo các doanh nghiệp và ngành chức năng, lâu nay đã phát sinh và tồn tại sự phân bố lao động phổ thông không đồng đều ở các ngành nghề, tập trung ngành nghề này nhưng hụt hẫng ở ngành nghề khác. Nhiều người thích làm nhân viên bán hàng, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, nghề tự do... hơn là làm việc trong phân xưởng, gò bó giờ giấc, kỷ luật lao động...

Như thông lệ, hàng năm, rất nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp có nhu cầu tìm việc làm và đã có việc làm ổn định. Với các phương tiện chuyên nghiệp, hiện đại, người lao động dễ dàng tiếp cận các thông tin tuyển dụng, chọn lựa việc làm phù hợp. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một nghịch lý là, sinh viên “kêu” khó tìm việc làm, trong khi các doanh nghiệp cứ rao tuyển nhân sự và “ca cẩm” không tuyển được. Một đơn vị kinh doanh ở TP Thanh Hóa có nhu cầu tuyển dụng nhân viên bán hàng, rao tuyển và nhận hồ sơ qua các TTDVVL và hẹn ngày phỏng vấn. Hơn 1 tháng qua, đơn vị này vẫn chưa tuyển đủ nhân sự. Một số người dự tuyển bỏ hồ sơ không dự phỏng vấn, số khác không chấp nhận mức lương thử việc, đề nghị mức cao hơn. Cán bộ nhân sự của đơn vị này cho biết: Khi phỏng vấn, hầu hết ứng viên đều không trình bày được mục tiêu việc làm, không hiểu và không hình dung sẽ làm gì khi được tuyển dụng... Một số cán bộ tuyển dụng tại TTDVVL cũng cho biết, tại các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại trung tâm, các doanh nghiệp, công ty đều có nhu cầu tuyển dụng ứng viên cho nhiều vị trí, chức danh. Bên cạnh yêu cầu về sức khỏe, trình độ ngoại ngữ, tin học, thì người lao động cần phải xác lập mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng. Trong thời điểm cạnh tranh việc làm hiện nay, chính tâm lý ngại xa, ngại khó, lương thấp, chỉ thích làm gần nhà, làm giờ hành chính... đã làm tuột mất cơ hội việc làm ở một bộ phận người lao động.

Với thị trường lao động ngày càng rộng mở, người lao động có thể tìm cho mình việc làm phù hợp với trình độ, khả năng để vừa có thu nhập, vừa phát huy năng lực, tay nghề. Tuy nhiên, muốn được hưởng những ưu đãi về việc làm, thu nhập và vị trí tương xứng, ngay từ đầu, người lao động phải khẳng định năng lực và có những kỹ năng cần thiết. Về phía doanh nghiệp cũng nên quan tâm tạo môi trường làm việc thoải mái, chuyên nghiệp và áp dụng các chính sách đãi ngộ, để người lao động có thể phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của họ.

Bài và ảnh: Trần Hằng


Bài Và Ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]