(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, từ các chương trình, dự án, xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy) đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vươn lên thoát nghèo, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xã Cẩm Thành nỗ lực xóa đói, giảm nghèo

Những năm qua, từ các chương trình, dự án, xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy) đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vươn lên thoát nghèo, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Mô hình nuôi gà của gia đình chị Phùng Thị Quý, thôn 5 cho thu nhập cao.

Với đặc thù chủ yếu diện tích là đồi núi, xã Cẩm Thành xác định trồng cây lâm nghiệp và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm là trọng tâm trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Ban xóa đói, giảm nghèo đã vận động nhân dân tích cực trồng rừng theo các dự án, nhận khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; đồng thời tập trung tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp cho nhân dân. Trung bình mỗi năm, xã đã trồng mới được hàng trăm ha rừng với các loại cây trồng chính như luồng, keo lai và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc, bảo vệ các diện tích rừng trồng cho nhân dân; tham gia đầy đủ các chương trình, cuộc diễn tập về phòng chống cháy rừng do huyện triển khai tại địa phương hoặc các xã trên địa bàn.

Bên cạnh việc phát huy vai trò của ban xóa đói, giảm nghèo, xã cũng chú trọng nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình, năng nổ của đội ngũ già làng, trưởng bản và các hội, đoàn thể trong việc phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ tới từng hộ dân. Trong năm qua, chính quyền xã đã phối hợp với hội phụ nữ, hội nông dân, trạm khuyến nông huyện, xã mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân; tổ chức các buổi hội thảo, trình diễn các mô hình khuyến nông, khuyến lâm... Qua đó, giúp các hộ nông dân nâng cao kiến thức trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, hầu hết các hộ dân đã biết áp dụng các loại cây con giống mới, năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất. Ngoài ra, một số ngành nghề mới được xã Cẩm Thành khuyến khích đưa vào phát triển như: Sản xuất gạch vồ, nghề mộc, xây dựng, đan cót, vận tải, dịch vụ hàng hóa... đã bước đầu phát triển và đem lại hiệu quả cao. Để khuyến khích nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế, những năm qua, xã Cẩm Thành đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tích cực phối hợp với các ngân hàng tín chấp vay vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Thông qua các nguồn vốn đã góp phần giải quyết việc làm, mở rộng sản xuất, kinh doanh và đáp ứng một số nhu cầu khác của nhân dân, đặc biệt là đối với hộ nghèo. Ngoài ra, ban xóa đói, giảm nghèo xã còn tích cực vận động các hộ khá, giàu cho hộ nghèo vay vốn không lấy lãi, giúp đỡ về cây con giống, khoa học - kỹ thuật để cùng phát triển... Nhờ những nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước được sử dụng đúng mục đích đã tạo động lực to lớn để các hộ nghèo có điều kiện sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Ví như, gia đình chị Phùng Thị Quý, thôn 5 là một trong những hộ tiêu biểu vươn lên thoát nghèo. Chị Quý chia sẻ: “4 năm về trước, việc thoát nghèo của gia đình tưởng chừng như không thể, bởi đất sản xuất ít, 2 vợ chồng không có việc làm thêm lúc nông nhàn. Rất may được hội nông dân, hội phụ nữ xã đứng ra tín chấp, gia đình được vay vốn phát triển chăn nuôi; đồng thời được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do các đoàn thể xã, huyện tổ chức, cùng với tích cực học hỏi kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi trong xã, tôi đã có thêm kiến thức để áp dụng vào thực tiễn chăn nuôi của gia đình. Đến nay, ngoài nuôi trâu, bò, gia đình còn nuôi thêm lợn, gà, vịt. Vừa phát triển chăn nuôi vừa chú ý vệ sinh chuồng trại, phòng trừ dịch bệnh, đàn lợn, gà phát triển ổn định cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm (sau khi đã trừ chi phí). Năm 2016, gia đình chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo của thôn”. Hay như gia đình anh Bùi Văn Doanh, thôn Tranh, trước đây thuộc hộ cận nghèo, nhờ được vay vốn của ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện để chăn nuôi lợn cỏ kết hợp nuôi cá, làm trang trại, đến nay gia đình đã thoát khỏi diện hộ cận nghèo, đời sống kinh tế khá giả... Cùng với gia đình chị Quý và anh Doanh, trong năm 2017, xã Cẩm Thành còn có 149 hộ đã thoát nghèo nhờ sự nỗ lực vươn lên, sự giúp sức của bà con và các đoàn thể trong xã.

Cùng với các chính sách về giống, vốn, khoa học - kỹ thuật, những năm gần đây, nhờ được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo nguồn vốn từ các chương trình, dự án, bộ mặt nông thôn xã đã có sự đổi thay rõ rệt. Đến nay, nhiều tuyến đường giao thông trong xã đã được xây mới, đổ bê tông, rải cấp phối rộng rãi, giúp cho bà con trong vùng đi lại, giao lưu, mua bán, trao đổi hàng hóa dễ dàng, thuận tiện; hệ thống kênh mương, công trình thủy lợi... được xây dựng đã chủ động được nước tưới cho phần lớn diện tích canh tác lúa và hoa màu. Các chính sách trợ giá, trợ cước về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón; dự án dạy nghề cho người nghèo, chính sách hỗ trợ hộ nghèo về điện, y tế, giáo dục - đào tạo, trợ giúp pháp lý cho người nghèo, dự án đào tạo cán bộ làm công tác giảm nghèo,... đều phát huy hiệu quả và được nhân dân đánh giá cao.

Ông Cao Văn Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành cho biết: Những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo ở xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống của nhân dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Năm 2017, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục vận động nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây, con giống có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên vào sản xuất. Cùng với đó, tập trung làm tốt công tác quy hoạch đất nông, lâm nghiệp, đất rừng, quy hoạch nông thôn mới để lựa chọn lĩnh vực đầu tư nâng cấp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh. Công tác rà soát hộ nghèo hàng năm được thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo khách quan, dân chủ, chính xác... Phấn đấu hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 14,75% (năm 2017) xuống còn 9,6%.


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]