(Baothanhhoa.vn) - Xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những giải pháp giúp người dân thoát nghèo nhanh và bền vững, vì vậy những năm gần đây xã Cẩm Quý (Cẩm Thủy) luôn quan tâm đến công tác này. Nhiều gia đình có con em đi XKLĐ gửi tiền về đã có cuộc sống khá giả hơn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xã Cẩm Quý: Nhiều gia đình thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động

Xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những giải pháp giúp người dân thoát nghèo nhanh và bền vững, vì vậy những năm gần đây xã Cẩm Quý (Cẩm Thủy) luôn quan tâm đến công tác này. Nhiều gia đình có con em đi XKLĐ gửi tiền về đã có cuộc sống khá giả hơn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ nguồn tiền XKLĐ, nhiều gia đình ở xã Cẩm Quý đã xây được nhà khang trang.

Trước đây gia đình anh Nguyễn Văn Nghĩa, thôn Én thuộc diện hộ nghèo, nay không những đã thoát nghèo, xây được nhà kiên cố, mua sắm nhiều vật dụng có giá trị mà còn có tiền mua trâu để chăn thả, phát triển kinh tế gia đình. Anh Nghĩa cho biết: Cuộc sống ngày càng khấm khá là nhờ số tiền do vợ là Bùi Thị Thoa đi XKLĐ ở Ả rập Xê út gửi về.

Từ nguồn vốn tích lũy trong thời gian đi XKLĐ ở Đài Loan của 2 người con mà gia đình bác Cao Viết Sách, thôn Quang Áo đã thoát nghèo. Bác Sách cho biết: Khi có chính sách đi XKLĐ, 2 vợ chồng đã quyết định vay mượn tiền đầu tư cho người con cả là Cao Viết Tuấn làm thủ tục đi XKLĐ tại thị trường Đài Loan. Sau 2 năm làm việc ở nước ngoài, Tuấn đã gửi tiền về cho bố mẹ trả nợ, đồng thời đầu tư cho em gái là Nguyễn Thị Ninh sang Đài Loan lao động. Nếu không mạnh dạn vay mượn tiền lo cho con đi XKLĐ thì chắc chắn gia đình khó mà thoát cảnh nghèo, nói gì đến sự đổi thay như ngày hôm nay – bác Sách chia sẻ.

Tính đến đầu tháng 5-2018, xã Cẩm Quý có 540 người đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Số ngoại tệ do lao động đi XKLĐ gửi về mỗi năm khoảng trên 60 tỷ đồng. Đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2014 toàn xã có từ 130 đến 160 người đi XKLĐ/năm. Thị trường chủ yếu là Đài Loan, Ả rập Xê út, với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. Với thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, mức thu nhập từ 25 đến 35 triệu đồng/người/tháng. Hầu hết các gia đình nghèo có người đi XKLĐ sau từ 1 đến 2 năm đều gửi tiền về cho gia đình trả hết nợ. Từ nguồn tiền XKLĐ gửi về, nhiều hộ còn mở cửa hàng buôn bán phát triển kinh tế gia đình.

Từ năm 2008, xã Cẩm Quý đã quan tâm công tác XKLĐ, coi đây là một hướng đi góp phần vào phát triển kinh tế, xóa nghèo nhanh, bền vững. Nhận thức được điều đó, xã kiện toàn ban chỉ đạo XKLĐ, căn cứ vào số lao động dôi dư của xã, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, huyện về công tác XKLĐ. Đồng thời chính quyền xã luôn phối hợp tốt với các công ty được cấp phép XKLĐ đi các nước để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến các thôn, đặc biệt chú trọng vào những gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo và các hộ không phải hộ nghèo nhưng có lao động tiềm năng; định hướng tư vấn cho người lao động để tiếp cận với những công ty phù hợp theo điều kiện kinh tế từng hộ và mức thu nhập của từng nước. Ban chỉ đạo XKLĐ yêu cầu các công ty về địa phương tuyển dụng phải thực hiện đúng cam kết hợp đồng với người lao động. Nếu người lao động bỏ hợp đồng thì phải chịu trách nhiệm. Nếu phía công ty trả lương không đúng như hợp đồng ban đầu thì người lao động có thể liên lạc về địa phương để can thiệp và giải quyết kịp thời, thỏa đáng cho người người lao động, bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động. Chính vì vậy trong những năm qua, công tác XKLĐ trên địa bàn toàn xã luôn được sự tin tưởng của người lao động. Từ đó góp phần vào sự phát triển kinh tế hộ nói riêng và của xã nói chung, từng bước hoàn thiện các tiêu chí theo lộ trình đến năm 2020 xã về đích nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Họa, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Quý, cho biết: XKLĐ không những giải quyết việc làm mà còn tăng thu nhập cho người dân, là hướng thoát nghèo hiệu quả, giúp địa phương có những đổi thay rõ rệt (tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,29% năm 2016 xuống còn 7,50% năm 2017). Để nâng cao hiệu quả công tác XKLĐ, thời gian tới xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; lồng ghép công tác tuyên truyền vào các hội nghị ở xã và các cuộc họp ở thôn, các buổi sinh hoạt của các hội, đoàn thể.


Bài và ảnh: Vân Sơn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]