(Baothanhhoa.vn) - Vùng đào Xuân Du vào tết

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vùng đào Xuân Du vào tết

Vùng đào Xuân Du vào tết

Vườn đào của gia đình chị Lê Thị Phố, thôn 5, xã Xuân Du (Như Thanh) đang phát triển tươi tốt.

Những năm 40 của thế kỷ trước, vùng này chỉ độc chuyên canh cây lúa nước, chưa ai trồng đào và chơi đào như bây giờ. Từ phía Tây Bắc của Tổ quốc, một số hộ dân ở tỉnh Hòa Bình khi di cư xuống vùng đất Xuân Du đã mang theo giống đào phai về trồng, lúc đầu chỉ vài cây trong vườn...

Xã Xuân Du nằm ở phía Bắc của huyện Như Thanh, từ trung tâm xã đến đền Phủ Na chỉ gần 1 cây số – nơi du khách thập phương chọn đây là điểm đến tâm linh trong chuyến hành hương lên rừng xuống biển. Về vùng đào Xuân Du, dừng chân trong giây lát, ngắm nhìn sắc hồng phai của hoa đào trải dài cả một vùng mới thấy nơi đây hội tụ của thiên thời – địa lợi – nhân hòa. Thời tiết vùng này đặc biệt chịu ảnh hưởng rõ rệt của gió phơn Tây Nam (hay còn gọi là gió Lào). Khi đợt gió phơn Tây Nam bay tới, cây đào Xuân Du đang ở giai đoạn sinh trưởng liền bắt nhịp với sức gió nóng, khiến cho các cành nhánh chỉ tập trung tạo mắt để ra nụ, những mắt hoa mọc khăng khít với nhau một cách dày dặn. Xuân Du là vùng đất đồi trung du, có thổ nhưỡng rất phù hợp để cây đào có điều kiện sinh sôi phát triển. Bên cạnh đó, nhân tố con người cũng góp phần quan trọng, mất nhiều thời gian và trí tuệ, đòi hỏi công chăm sóc kỹ lưỡng, như: Tỉa cành, uốn thế, tạo dáng để đào ra hoa đúng dịp. Cho nên, dù cây đào có “khó tính” đến cỡ nào cũng phải chiều người đã cần cù, chịu khó, hết lòng chăm sóc nó.

Vùng đào Xuân Du vào tếtĐào Xuân Du xuống phố.

Để có cành đào đẹp nở đúng vào dịp tết, người dân trồng đào ở xã Xuân Du chia sẻ: Có hai cách trồng và chăm sóc, đó là chiết cành và gieo hạt. Với cách chiết cành, khi cây đào đã được 4-5 tuổi, tìm một nhánh khỏe mạnh, tách khỏi cây mẹ, đến khi rễ trắng mọc ra từ bầu ghép mới đem ra trồng. Với cách gieo hạt, khi cây đào đã ra quả chín già, hái về để trong nhà khoảng 3-5 ngày, lấy hạt vùi xuống đất, sau một thời gian đào hạt lên, đập lấy nhân, ngâm vào nước, khi hạt nảy mầm khoảng 2cm thì bỏ vào bầu, cứ thế mang ra trồng.

Thời điểm thích hợp nhất để trồng đào là từ tháng 11 âm lịch cho đến hết tháng 2 âm lịch, sau lứa đào vừa bán được thì trồng ngay, cây đào mới phát triển tươi tốt, tỷ lệ sống cao. Về mặt kỹ thuật, đưa cây giống vào hố sâu, tránh để vỡ bầu nhiều sẽ ảnh hưởng đến bộ rễ. Nhất thiết không được bỏ phân ngay thời điểm đó, mà đợi khoảng 15-20 ngày, khi cây đang chuẩn bị ra rễ mới bón phân. Một năm bón 2 lần, lần một vào cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 âm lịch, lần hai vào cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 âm lịch. Nếu bón quá nhiều hoặc không đúng thời điểm, cây đào sẽ không nở hoa hoặc nở hoa quá sớm. Khi đào trồng được 3 năm tuổi, đến ngày đông chí, tháng 10-11 âm lịch sẽ tiến hành tuốt lá để cây tập trung ra nụ, hoa và lộc mới. Trồng đào ít nhất 3 năm mới tạo đầy đủ các bộ phận: Cành, lá và tán. Lúc ấy, cây đào cũng đã trưởng thành cứng cáp và sau từ 4-5 năm là có thể thu hoạch.

Đặc tính của cây đào khi gặp thời tiết lạnh sẽ phát triển chậm lại, do đó phải kích thích bằng cách thắp sáng bóng điện. Gặp thời tiết nắng ấm, cây đào sẽ nở sớm, hãm bằng cách tiện vỏ một chỗ rộng dưới gốc để cây không tiếp nước và dinh dưỡng, do đó sẽ hạn chế được kỳ sinh trưởng của đào. Hoa đào Xuân Du có nét đặc biệt không lẫn với hoa đào các vùng khác, hoa thường có 6 cánh, màu phớt hồng, cánh hoa dày, hương thơm dịu nhẹ, tươi lâu. Muốn để chơi tết dài ngày, nhất thiết khi mua cành đào về cần đốt gốc thật kỹ, bỏ vào lộc bình đầy nước, đào cứ thế tươi lâu được khoảng 25-30 ngày, lúc quả đã bằng ngón tay.

Những năm 40 của thế kỷ trước, vùng này chỉ độc chuyên canh cây lúa nước, chưa ai trồng đào và chơi đào như bây giờ. Từ phía Tây Bắc của Tổ quốc, một số hộ dân ở tỉnh Hòa Bình khi di cư xuống vùng đất Xuân Du đã mang theo giống đào phai về trồng, lúc đầu chỉ vài cây trong vườn. Kể từ năm 1986, huyện Như Thanh có chủ trương chuyển đổi cây lúa kém năng suất sang cây trồng có hiệu quả kinh tế, xã Xuân Du đã có chương trình mở rộng diện tích trồng đào, chủ yếu trồng trong các vườn của hộ gia đình, dần dần thay thế cây lúa và các cây trồng kém hiệu quả. Đến năm 2013, sau khi được huyện Như Thanh thống nhất, diện tích trồng đào đã được phủ khắp trên diện rộng toàn xã.

Chị Lê Thị Phố ở thôn 5, cho biết, nhà chị có khoảng 400 gốc đào phai. Từ năm 1996, gia đình chị bắt đầu trồng đào và chủ động được giống. Nhà chị đang có hơn 1.000 cây giống phát triển xanh tốt, có người hỏi mua giống thì chị bán, còn không thì chị để trồng. Trước đây, toàn bộ vườn đào là đất ruộng, thấy đào cho giá trị cao hơn trồng lúa, nên gia đình chị lấp ruộng để trồng đào. Chị vừa bán một cây đẹp nhất trị giá 8 triệu đồng, còn lại cứ giá vài trăm ngàn đồng/gốc, một năm cho thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng. Còn một ít đất ruộng, tới đây, gia đình chị sẽ tiếp tục lấp đất để tập trung chuyên canh cây đào theo hướng hiệu quả, bền vững.

Ông Quách Văn Hùng, người cùng thôn với chị Phố, từ năm 1986, đã trồng 2 ha đào phai, nhờ luôn chú ý chăm sóc, tạo uốn nên cây đào của ông đều có thế đẹp. Nhiều cây có giá trị hàng chục triệu đồng, thu nhập bình quân khoảng 450-500 triệu đồng/năm. Gia đình ông đã trở nên khấm khá từ trồng đào.

Nhiều hộ trong xã Xuân Du có thu nhập cao từ trồng đào, bình quân từ 70 triệu đồng đến 600 triệu đồng/năm, như: Hộ ông Quách Văn Lưu (thôn 6), ông Trịnh Văn Mạnh (thôn 6), ông Trịnh Xuân Đồng (thôn 2), ông Trần Viết Tuấn (thôn 8)... Theo nhận định của người trồng đào, thời tiết cứ như thế này chắc chắn năm nay vào tết đào sẽ rất đẹp. Cữ ngoài rằm trở đi, khách thập phương lại tìm đến Xuân Du hỏi mua đào, không khí đông vui, nhộn nhịp cả một vùng.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Xuân Du cho biết: Toàn xã hiện có gần 300 ha đào, với hơn 1.600 hộ/1.702 hộ trồng đào. Thu nhập từ đào chiếm tới 1/3 tổng thu nhập của xã. Để người trồng đào yên tâm phát triển sản xuất, thời gian qua xã đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, như: Xây dựng, giới thiệu, quảng bá hình ảnh cây đào phai Xuân Du tới đông đảo du khách; đồng thời hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc cho các hộ trồng đào. Hầu hết các thôn của xã trồng đào, trong đó có 8 thôn trồng tập trung, đến nay các thôn đều đã được công nhận là “làng nghề trồng hoa đào cảnh”.

Rời vùng đào Xuân Du trong làn mưa bụi phảng phất, cảm nhận một mùa xuân mới đang về, rất gần...

N.N.A


N.N.A

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]