(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, những năm gần đây, nhiều hội viên nông dân ở TP Thanh Hóa đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, hướng đến sản xuất thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vì sức khỏe của người tiêu dùng

Vì sức khỏe của người tiêu dùng

Mô hình trồng rau thủy canh của gia đình anh Lê Phú Thanh, phường Đông Hải.

Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, những năm gần đây, nhiều hội viên nông dân ở TP Thanh Hóa đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, hướng đến sản xuất thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng.

Đưa chúng tôi đến thăm mô hình trồng nấm của anh Phạm Lân Quang, phố Ái Sơn 2, ông Lê Quốc Chúc, Chủ tịch Hội Nông dân phường Đông Hải cho biết: “Đây là mô hình sản xuất nấm sạch, không chứa chất độc hại nên được nhiều người biết đến. Sức tiêu thụ nhanh, sản xuất đến đâu khách hàng đến mua hết đến đó”. Từng làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và Phát triển công nghệ sinh học Thanh Hóa, anh Phạm Lân Quang có điều kiện thuận lợi để nghiên cứu, áp dụng vào thực tế những kiến thức, kinh nghiệm về trồng nấm sạch một cách hiệu quả. Năm 2017, anh Quang đầu tư 700 triệu đồng để thành lập trại trồng nấm. Ngoài chú trọng đến năng suất, anh luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Vì vậy, toàn bộ nguyên liệu như rơm rạ, mùn cưa đều được anh xử lý qua nước vôi, sau đó phối trộn cám ngô, cám gạo để bổ sung chất dinh dưỡng, đóng bịch phôi để khử trùng nguyên liệu cho sạch rồi mới cấy giống. Các công đoạn từ làm nguyên liệu, vệ sinh nhà trồng đến thu hoạch đều được anh thực hiện đúng kỹ thuật. Để thuận tiện cho quá trình sản xuất các loại nấm, cùng với việc xây dựng nhà nuôi trồng, anh Quang đã đầu tư xây dựng phòng cấy phôi giống và nhà ươm sợi. Điều này không chỉ giúp anh tự tạo được phôi giống cho mình mà còn cung cấp phôi giống cho nhiều gia đình khác. Với quy mô 2.000m2 nhà trồng, mỗi năm anh Quang thu hoạch hơn 20 tấn nấm các loại và đều tiêu thụ hết.

Ngoài trồng nấm, trên địa bàn phường Đông Hải còn có mô hình trồng rau sạch bằng hệ thống thủy canh (trồng cây trong dung dịch mà không cần đất) của gia đình anh Lê Phú Thanh, phố Sơn Vạn cũng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Trong quá trình trồng và chăm sóc, anh Thanh không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các chất dinh dưỡng cần thiết cung cấp cho cây phát triển được thực hiện thông qua hệ thống dung dịch. Toàn bộ các loại rau được trồng trong nhà lưới. Đây là nguồn thực phẩm an toàn nên dù mới đưa vào trồng trong thời gian chưa lâu nhưng các loại rau của gia đình anh đều được người dân tin tưởng sử dụng.

Quảng Thành là phường có diện tích đất nông nghiệp lớn. Nhận thấy nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn ngày càng cao, nhiều hộ dân đã đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Hiện nay, trên địa bàn phường đã quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tại phố Minh Trại, diện tích 3 ha với 60 hộ gia đình tham gia. Ông Nguyễn Thế Trụ, Chủ tịch Hội Nông dân phường Quảng Thành cho biết: “Các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn về khoa học - kỹ thuật; quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; các biện pháp phòng trừ sâu bệnh bảo đảm an toàn... Sau khi được tập huấn, các hộ dân đầu tư kinh phí làm nhà lưới hoặc làm lưới che theo luống để sản xuất. Trong quá trình trồng và chăm sóc, người dân sử dụng phân vi sinh để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng và chỉ sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, bảo đảm an toàn cho người sử dụng”. Ngoài quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, trên địa bàn phường Quảng Thành còn có nhiều mô hình sản xuất thực phẩm an toàn khác như mô hình trồng chuối Thái Lan kết hợp nuôi trồng thủy sản theo dự án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; mô hình nuôi thủy sản đa con; mô hình con nuôi đặc sản...

Hướng đến một nền sản xuất sạch, an toàn, thời gian qua, Hội Nông dân TP Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng chất cấm trong chăn nuôi, trong chế biến, bảo quản thực phẩm. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn, cách sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu cho rau an toàn, kỹ thuật chăn nuôi con đặc sản... cho hội viên nông dân. Cùng với đó, hội nông dân thành phố đã hỗ trợ hội viên xây dựng các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch như cửa hàng thực phẩm sạch Lang Liêu (phường Ngọc Trạo), cửa hàng thực phẩm sạch Hà Mơ (phường Hàm Rồng), cửa hàng thực phẩm sạch Trí Tài (xã Quảng Phú), cửa hàng thực phẩm sạch Tuấn Liên (xã Hoằng Đại). Từ nay đến hết tháng 6-2019, hội nông dân thành phố sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng 3 cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch tại các xã Đông Vinh, Quảng Cát và Hoằng Quang với mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, hội nông dân thành phố cũng đã phối hợp với Công ty CP Dịch vụ thương mại Bắc Bình đầu tư mô hình nuôi lợn thảo dược tại xã Thiệu Khánh. Hiện nay, trên địa bàn thành phố còn có nhiều mô hình sản xuất, tiêu biểu như mô hình trồng rau an toàn ở các xã Hoằng Lý, Đông Tân, phường Quảng Thắng; mô hình nuôi bò ở xã Quảng Phú; mô hình nuôi gà ở xã Hoằng Đại và phường Quảng Thành...

Để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn theo hướng bền vững, thời gian tới, Hội Nông dân TP Thanh Hóa tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, chăn nuôi an toàn theo quy hoạch. Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân mở rộng sản xuất và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng đến người tiêu dùng. Tăng cường quảng bá cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn để người tiêu dùng biết và sử dụng.

Tố Phương


Tố Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]