(Baothanhhoa.vn) - Phơi mình trên biển nắng nhiều giờ liên tục, tập trung quan sát, phán đoán khu vực, tình huống nguy hiểm, quên mình cứu người gặp rủi ro, nguy hiểm trên biển là những công việc thường ngày của các thành viên trong đội cứu hộ, cứu nạn và sơ cấp cứu biển Sầm Sơn. Gian khổ là vậy, nhưng những người làm công tác cứu hộ và sơ cấp cứu ở biển Sầm Sơn luôn hết mình để du khách yên tâm khi vui chơi, tắm biển.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vì sự bình yên của biển

Phơi mình trên biển nắng nhiều giờ liên tục, tập trung quan sát, phán đoán khu vực, tình huống nguy hiểm, quên mình cứu người gặp rủi ro, nguy hiểm trên biển là những công việc thường ngày của các thành viên trong đội cứu hộ, cứu nạn và sơ cấp cứu biển Sầm Sơn. Gian khổ là vậy, nhưng những người làm công tác cứu hộ và sơ cấp cứu ở biển Sầm Sơn luôn hết mình để du khách yên tâm khi vui chơi, tắm biển.

Vì sự bình yên của biển

Buổi diễn tập của đội cứu hộ và sơ cấp cứu biển.

Có mặt ở biển Sầm Sơn từ 4h30 sáng, chúng tôi đã thấy những người mang trên mình màu áo đỏ với dòng chữ “đội cấp cứu biển”. Trò chuyện với chúng tôi, anh Vũ Đình Mong, 49 tuổi, người nhiều năm gắn bó với nghề chia sẻ: Với phương châm “Không để khách đuối nước rồi mới cứu mà phải ngăn ngừa từ ban đầu”, nên các nhân viên cứu hộ phải có mặt từ 4h-4h30, kiểm tra bãi tắm, khảo sát điểm tắm an toàn, quan sát nơi nào có hố sâu phải cắm cọc báo nguy hiểm, rải cờ phao tiêu, rồi cùng các lực lượng chức năng khác dọn sạch bờ biển. Khi lượng khách tắm biển đông phải tập trung theo dõi đề phòng bất trắc xảy ra. Anh Mong vừa nói vừa chỉ cho chúng tôi những đoạn hố sâu nguy hiểm - những khu vực người tắm biển dễ bị hẫng chân, dẫn đến ngập nước, chới với và dễ bị sóng biển đánh ra xa bờ.

Gắn bó với nghề đi biển nhiều năm, do đó, anh Lê Quốc Hùng, 55 tuổi, có thể hiểu phần nào về biển và những nguy hiểm từ biển. Đặc biệt, khi biết những trường hợp gặp nạn trên biển mà không có người cứu kịp thời, hoặc không sơ cấp cứu kịp thời, anh không khỏi xót xa, nên anh Hùng đã tham gia vào đội cứu hộ và sơ cấp cứu biển với mong muốn mọi người đến biển Sầm Sơn đều bình yên trở về. Đó không chỉ là mong muốn của riêng anh Hùng mà là mong muốn chung của những thành viên đội cứu hộ và sơ cấp cứu biển. Và dù bản thân có rơi vào tình huống nguy hiểm đến tính mạng nhưng họ không nản sợ vẫn tiếp tục tham gia cứu người. Nghĩ về những lần suýt bỏ mạng khi cứu người, anh Hùng cho hay: Cách đây vài năm, khi chuẩn bị hết giờ làm buổi sáng, thì anh phát hiện có 1 nhóm 7 người đang tắm thì bị sóng biển đưa ra xa. Nhanh như cắt, anh lặn xuống nước vượt qua những cơn sóng dữ tiếp cận được người gặp nạn và đưa phao cho họ. Đang cùng 2 thành viên khác nỗ lực đưa nạn nhân vào bờ thì những đợt sóng cao hơn đầu dồn dập kéo đến, 3 người trong nhóm bị sóng đánh ra nhiều phía. Sau một thời gian khá dài, anh đã tìm được nạn nhân cuối cùng. Vẫy tay, nở nụ cười hạnh phúc vì cứu được tất cả các nạn nhân thì cũng chính lúc anh Hùng đuối sức ngã gục ngay gần bờ biển. Anh và nạn nhân cuối cùng đã được nhanh chóng sơ cấp cứu và đưa đến bệnh viện.

Sau khi vượt qua ải sinh tử, anh Hùng lại có mặt tại bờ biển với công việc cứu hộ của mình với mong muốn góp sức mình vì sự bình yên của biển và du khách. Nhắc nhở mọi người không nên chủ quan với tính mạng của mình. Bởi thực tế, việc ngăn ngừa đuối nước luôn được các nhân viên cứu hộ thực hiện nghiêm ngặt, song hằng năm vẫn có nhiều trường hợp đuối nước xảy ra. Một trong những nguyên nhân này, theo các anh trong đội cứu hộ là do một số người tắm biển biết bơi nên chủ quan, không chịu nghe hướng dẫn của nhân viên cứu hộ mà cố tình bơi ra xa hoặc vào những vùng nguy hiểm. Hơn nữa, nhiều du khách sau khi đã uống rượu, bia xuống biển tắm dẫn đến đột quỵ, một số khách lại có vấn đề về sức khỏe hoặc quá mệt mỏi sau những ngày đi chơi, vì thế đã không làm chủ được mình khi gặp sóng lớn dẫn đến đuối nước.

Thành lập hơn 20 năm, đến nay, đội cứu hộ và sơ cấp cứu trên biển Sầm Sơn đã có 50 thành viên tham gia. Cấp cứu ở biển là một việc hết sức quan trọng, vì vậy khâu tuyển chọn nhân viên hết sức chu đáo. Những người làm công tác cấp cứu biển không chỉ cần có đam mê, bơi lội giỏi, có khả năng quan sát, phát hiện nhanh đối tượng đang trong vùng nguy hiểm để nhắc nhở, hoặc ứng cứu kịp thời, mà cần phải có hiểu biết về biển, về con nước, quy luật thay đổi dòng chảy theo thời tiết và con gió. Theo ông Cao Văn Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Sầm Sơn, cho biết: Để bảo đảm an toàn cho du khách, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng, thành phố luôn coi trọng công tác tuyển dụng, tập huấn nhân viên cứu hộ. Lựa chọn những người có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm cao, có kinh nghiệm để huấn luyện và tổ chức thực hiện nhiệm vụ một cách nghiêm túc, góp phần hạn chế thấp nhất những rủi ro, sự cố cho du khách khi tắm biển. Đặc biệt, trước mỗi mùa du lịch, nhân viên cứu hộ được tham gia huấn luyện và chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác cứu hộ như thiết bị y tế, cờ, phao tiêu, ô che nắng chòi canh, biển báo, rà soát các bãi tắm để cảnh báo những khu vực nguy hiểm được chú trọng... Khi vào mùa du lịch, trên hệ thống loa truyền thanh công cộng sẽ thường xuyên tuyên truyền về quy định tắm biển ngày bình thường, ngày thời tiết xấu, gió to, sóng lớn.

Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn và sơ cứu biển TP Sầm Sơn, trung bình mỗi năm, đội cứu hộ, cứu nạn và sơ cứu trên biển đã cứu hộ, cứu nạn và sơ cứu an toàn cho hàng trăm người, tìm kiếm người thân và tìm giấy tờ rơi cho hàng nghìn trường hợp. Tính trong tháng 4, 5, 6-2019, đội đã cứu vớt hơn 280 trường hợp, tìm kiếm nhắn tin tìm người thân 750 trường hợp, tìm kiếm giấy tờ rơi cho 75 trường hợp.

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]