Ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em, là hướng đến một thế hệ trẻ an toàn, khỏe mạnh cả về trí tuệ, thể chất và đạo đức, cũng đồng thời vì sự tiến bộ xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em:

Vì một thế hệ trẻ an toàn và khỏe mạnh

Vì một thế hệ trẻ an toàn và khỏe mạnh

Trẻ em cần có môi trường sống an toàn để phát triển toàn diện.

Ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em, là hướng đến một thế hệ trẻ an toàn, khỏe mạnh cả về trí tuệ, thể chất và đạo đức, cũng đồng thời vì sự tiến bộ xã hội.

Cách đây không lâu, một thông điệp đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội truyền tải đến cộng đồng, thông qua diễn đàn hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ em năm 2019, đó là: “Đừng để trẻ em làm việc trên đồng ruộng, hãy để trẻ em nuôi dưỡng ước mơ”! Khi mà đa phần lao động trẻ em hiện nay tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, thì việc truyền đi thông điệp nhằm chấm dứt các hình thức lao động trẻ em, là việc làm hết sức thiết thực và vô cùng ý nghĩa. Bởi, đó không chỉ góp phần thực hiện một trong những mục tiêu phát triển bền vững, được Việt Nam đặt ra và nỗ lực thực hiện; mà còn thêm một lần khẳng định quyền của trẻ em, đặc biệt là trẻ em khu vực nông thôn, được tiếp cận và hưởng thụ các điều kiện sống cũng như phát triển tốt đẹp, hài hòa và toàn diện.

Xuất phát từ những mục tiêu hết sức ý nghĩa kể trên, trong nhiều năm trở lại đây, huyện Yên Định đã dành sự quan tâm cả về cơ chế, chính sách, nguồn lực và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp có liên quan. Từ đó, từng bước giải quyết một cách căn cơ, hiệu quả thực trạng lao động trẻ em tại địa phương. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Lê Thị Chinh, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, nhấn mạnh: Quan điểm của địa phương xem công tác trẻ em nói chung, chấm dứt tình trạng lao động trẻ em nói riêng là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đồng thời, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, huyện đã thực hiện lồng ghép các chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương. Nhờ đó, các mục tiêu về trẻ em được quan tâm thực hiện; cơ sở vật chất phục vụ học tập, vui chơi giải trí của trẻ em ngày càng được hoàn thiện, góp phần chăm sóc, giáo dục để trẻ em phát triển toàn diện và hài hòa cả về thể chất lẫn tinh thần.

Toàn huyện Yên Định hiện có trên 33.000 trẻ dưới 16 tuổi, gần 4.000 trẻ từ 16-18 tuổi, trong đó có 871 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và có 1 trường hợp thuộc diện hoàn cảnh đặc biệt đã nghỉ học đi làm ăn xa. Lao động trẻ em được hiểu là sử dụng sức lao động của trẻ em vào những công việc đã tước đi tuổi thơ, cản trở việc học tập và ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần, đạo đức của trẻ. Nếu hiểu theo khía cạnh này, thì trên địa bàn huyện hiện không còn tình trạng lao động trẻ em nặng nhọc. Bởi, theo bà Chinh, việc trẻ em nông thôn phụ giúp gia đình một số việc đồng áng hay việc nhà là rất bình thường. Tuy nhiên, các công việc này không ảnh hưởng nhiều đến việc học tập, nghỉ ngơi, vui chơi của các em. Cũng do đời sống ngày càng tốt hơn nên phần đa thời gian trẻ em vẫn dành cho việc học tập, nhiều em thậm chí không thể phụ giúp gia đình vì lịch học quá dày.

Thực trạng lao động trẻ em phần đa xuất phát từ tình trạng đói nghèo, lạc hậu. Do vậy, giải quyết gốc rễ vấn đề này liên quan trực tiếp đến hàng loạt chính sách, giải pháp về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giáo dục - đào tạo... Nắm bắt được điểm mấu chốt đó, trong nhiều năm trở lại đây, công tác xóa đói, giảm nghèo vừa là nhiệm vụ, vừa là mục tiêu cũng đồng thời là giải pháp gián tiếp nhưng hữu hiệu, trong việc giải quyết tình trạng lao động trẻ em trên địa bàn. Theo đó, việc điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được địa phương tiến hành đến từng hộ gia đình, để nắm bắt nguyên nhân và đề ra giải pháp hỗ trợ cụ thể đúng và trúng.

Chẳng hạn, đối với những hộ thiếu vốn sản xuất thì hướng dẫn và phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội, đáp ứng cho vay và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Đối với hộ thiếu đất sản xuất, địa phương xem xét quỹ đất để giải quyết. Đối với hộ thiếu kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm làm ăn thì xã, thôn, xóm có trách nhiệm chỉ đạo, phân công cán bộ, đảng viên có uy tín và kinh nghiệm làm ăn kèm cặp, giúp đỡ. Đối với hộ thiếu việc làm thì thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu lao động hoặc kêu gọi các nhà đầu tư trên địa bàn tạo việc làm cho người lao động. Đối với hộ thiếu ý chí vươn lên thì tuyên truyền, vận động và cử cán bộ, đảng viên kèm cặp giúp đỡ. Đối với hộ ốm đau dài ngày, hoàn cảnh khó khăn, thiếu lao động thì vận động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ bằng các hình thức phù hợp...

Cùng với các nguồn lực đã và đang đầu tư cho chương trình giảm nghèo; đồng thời với hiệu quả có được từ các chính sách, giải pháp cụ thể, thiết thực kể trên, tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên địa bàn huyện đạt 98,5%. Thu nhập hộ gia đình nói chung và hộ nghèo nói riêng, đều được cải thiện và tăng lên đáng kể. Đặc biệt, số hộ nghèo toàn huyện giảm còn 1.716 hộ (tỷ lệ 3,6%) và số hộ cận nghèo là 4.864 hộ (tỷ lệ 10,21%). Số hộ nghèo giảm, thu nhập tăng, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện, nâng cao là cơ sở bền vững giúp người dân thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Đồng thời, mở ra cánh cửa để trẻ em được “giải phóng” khỏi những công việc nặng nhọc, vốn vượt quá sức lực và độ tuổi.

Bên cạnh việc giải quyết phần “gốc”, thì việc chăm lo phần “ngọn” cũng được huyện Yên Định hết sức chú trọng. Trong đó, công tác giáo dục trẻ em vừa là mục tiêu, vừa là động lực để vun đắp, bồi dưỡng nên một thế hệ trẻ khỏe mạnh, an toàn. Bằng chủ trương xã hội hóa giáo dục và các phong trào “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, “Phổ cập giáo dục tiểu học”, “Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi”... được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Từ đó, chất lượng và hiệu quả giáo dục trên địa bàn đạt được nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi, học sinh tốt nghiệp, học sinh giỏi ngày càng cao. Đặc biệt, nhiều chương trình, mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang được triển khai tương đối hiệu quả. Trong đó nổi bật là mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em; phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em; ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị buôn bán, trẻ em phải lao động nặng nhọc.

Thừa nhận rằng, giải quyết vấn đề lao động trẻ em không phải là nhiệm vụ của riêng cấp, ngành, địa phương nào. Đây là vấn đề xã hội và do đó, nó cần sự vào cuộc chủ động, tích cực và trách nhiệm của toàn xã hội. Có như vậy, việc thực thi các quyền của trẻ em nói chung và chính sách, pháp luật liên quan đến phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em nói riêng, mới được thực thi đầy đủ và hiệu quả. Những năm qua, dưới nhiều hình thức tuyên truyền, vận động thiết thực, huyện Yên Định đã từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Từ đó, giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em; hoặc không để việc trẻ em tham gia hỗ trợ các công việc trong gia đình tước đi tuổi thơ, hay gây cản trở đến việc học tập, vui chơi của trẻ.

Trẻ em không chỉ là tương lai, mà còn là kết quả phản ánh trình độ phát triển xã hội trong hiện tại. Theo đó, ngăn ngừa, giảm thiểu và từng bước chấm dứt tình trạng lao động trẻ em, nhất là lao động nặng nhọc, nguy hiểm là nhiệm vụ của toàn xã hội. Với nhiều kết quả đạt được trong công tác trẻ em, huyện Yên Định đang tạo được “tấm lá chắn” hữu hiệu, không chỉ góp phần giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em; mà còn tạo tiền đề mang đến cho trẻ một tương lai tốt đẹp hơn.

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]