(Baothanhhoa.vn) - “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” - có lẽ, chẳng có một khái niệm, định nghĩa nào về quyền và nghĩa vụ của trẻ em đủ đầy và sâu sắc hơn thế. Tuy nhiên, đâu đó trong cuộc sống, bởi những lý do khác nhau, nhiều đứa trẻ đã phải bước qua “vùng an toàn” ấy từ rất sớm với tuổi thơ lấm láp nỗi đau, thiệt thòi...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vì môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho mọi trẻ em - Bài 1: Những tuổi thơ bị “đánh cắp”

Vì môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho mọi trẻ em - Bài 1: Những tuổi thơ bị “đánh cắp”

Tuổi thơ của em Đồng Thị Trang đã trải qua năm tháng nghèo khó cùng người mẹ bất hạnh trong căn nhà lụp xụp, tuyềnh toàng.

“Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” - có lẽ, chẳng có một khái niệm, định nghĩa nào về quyền và nghĩa vụ của trẻ em đủ đầy và sâu sắc hơn thế. Tuy nhiên, đâu đó trong cuộc sống, bởi những lý do khác nhau, nhiều đứa trẻ đã phải bước qua “vùng an toàn” ấy từ rất sớm với tuổi thơ lấm láp nỗi đau, thiệt thòi...

Đôi dép và cuộc đời

Vào khoảng 5 rưỡi - 6 giờ chiều ngày 29 - 4 (âm lịch), trước cổng chùa Hồi Long (xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa) bỗng vang lên tiếng trẻ con ngằn ngặt khóc. Theo tiếng khóc mỗi lúc một lớn hơn, mọi người trong chùa hớt hải chạy ra phía cổng. Và rồi, chẳng ai trong số những người chứng kiến sự việc hôm đó có thể kìm được nước mắt trước hình ảnh một đứa bé chừng 3-4 tuổi với vóc người nhỏ thó, nước da ngăm ngăm đang khóc nấc lên từng hồi trong cơn hoảng loạn khi bị người thân bỏ lại một mình giữa khung cảnh xa lạ. Chẳng có chút gì lưu dấu về lai lịch của em, ngoài bộ quần áo, gói bánh và một đôi dép nguệch ngoạc ghi chữ: Tùng. Mọi người đồn đoán nhau rằng, hẳn đó là tên cha mẹ đứa trẻ đặt cho nó với tất cả xót xa, day dứt, bất an trước quyết định đau đớn nhất trong đời. Vỏn vẹn chỉ ngần ấy hành trang cho đằng đẵng cuộc đời sau này của một đứa trẻ.

Nhìn đứa trẻ đang hồn nhiên nô đùa cùng các anh, các chị trong Trung tâm từ thiện xã hội chùa Hồi Long, chẳng ai biết được rằng, để đứa trẻ ấy có thể hòa nhập, phát triển một cách toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần là thành quả của biết bao nỗ lực, cố gắng, tâm huyết, nhiệt tình giúp đỡ của sư cô, các tăng ni, phật tử và các nhà hảo tâm đến với chùa. Sư cô kể: Những ngày đầu được nhận nuôi ở chùa, bé rất ít nói và sợ hãi khi gặp người lạ. Bằng tất cả tình yêu thương, kiên trì, bao dung, mọi người cùng nhau trò chuyện, gần gũi, ân cần chăm sóc. Giờ đây, Tùng vui vẻ, hoạt bát, lanh lợi và cũng được cắp sách đến trường như biết bao bạn nhỏ khác. “Tùng đã có duyên đến với cửa chùa thì nhà chùa sẵn lòng dang rộng vòng tay đón nhận” - sư cô Thích Nữ Đàm Ngoan, Trụ trì chùa Hồi Long, Giám đốc Trung tâm từ thiện xã hội chùa Hồi Long khẽ ôm Tùng vào lòng.

Kể từ khi được thành lập, Trung tâm từ thiện xã hội chùa Hồi Long đã trở thành mái nhà chung cho 10 trẻ em cơ nhỡ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 10 đứa trẻ - 10 hoàn cảnh, 10 nỗi thương tâm khác nhau. Cũng như những người anh, người chị của mình ở chùa Hồi Long, kể từ khoảnh khắc bị bỏ lại trước cổng chùa, số phận đã định liệu để tuổi thơ của Tùng được bù đắp, chở che trong mái nhà ăm ắp tình thương yêu, đùm bọc, sẻ chia ấy.

Chuyện về đứa “con lai”

Thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc - ngày nắng gắt, em Đồng Thị Trang (19 tuổi, học sinh Trường THPT Hậu Lộc 4) vội vã đạp xe trở về nhà cho kịp giờ phụ mẹ nấu cơm. Đã từ rất lâu rồi, hai mẹ con em nương tựa vào nhau mà sống trong căn nhà rộng chừng 40m2 được xây cất từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước và sự hảo tâm, đùm bọc từ người thân, bà con lối xóm. Căn nhà chẳng vôi ve màu sắc, nhà vệ sinh cũng chỉ mới được xây dựng gần đây. “Nội thất” trong nhà chỏng lỏn chỉ vài ba món đồ cũ kỹ: Cái tủ áo xếp trong góc nhà, hai cánh đã lả xuống; cái giường ọp ẹp, nhiều chỗ hõm sâu bởi mấy cái vạc phía dưới chiếu bị gãy và cái ghế được chủ nhà tận dụng các thanh gỗ tạp, cành cây khô xếp lại với nhau, rải lên trên manh chiếu cói xơ xác, te tua. Ngoài gian bếp và cái nhà vệ sinh, không gian rộng nhất ngôi nhà được trưng dụng làm phòng đa chức năng: Phòng ngủ, phòng tiếp khách, nơi ăn cơm, học tập, nghỉ ngơi của hai mẹ con. Chừng ấy thôi nhưng Trang bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Trang bảo: “Mẹ em đã vất vả, thiệt thòi nhiều rồi. Mẹ có thể không được nhanh nhẹn, bình thường như những người mẹ khác nhưng tình cảm mẹ dành cho em chưa bao giờ thua kém bất kỳ ai. Đối với em, như vậy là đủ”.

Trang là đứa trẻ mang hai dòng máu, là thành quả ngọt ngào nhất trong cuộc đời chị Đồng Thị Nụ sau hơn 8 năm chung sống như vợ chồng với người đàn ông ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Nói là chung sống như vợ chồng bởi lẽ, chị Nụ bị lừa sang Trung Quốc và bán cho người đàn ông này về làm vợ chứ chẳng hề có một cái lễ cưới hay đăng ký kết hôn gì cả. Bao nhiêu năm sống cùng gia đình chồng tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo bám lấy chị chẳng buông. Chồng chị bệnh tật, đau ốm quanh năm. Khi chồng mất, chị Nụ hụt hẫng vì chẳng còn điểm tựa nơi đất khách quê người. Nghĩ về quê nhà, chị Nụ quyết định đưa Trang trốn về nước, khi thu xếp ổn thỏa sẽ sang đón đứa con trai về quê nhà sống với hai mẹ con. Ngày về quê ngoại, Trang mới tròn 5 tuổi. Không biết tiếng Việt, chẳng có ai bầu bạn cùng, Trang quanh quẩn bên mẹ, lủi thủi chơi một mình. Chị Nụ chia sẻ: “Nghĩ thương con lắm nhưng chẳng biết làm thế nào. Tôi cũng mải lo làm lụng tối ngày, không có nhiều thời gian trò chuyện với cháu. May được Nhà nước, chính quyền địa phương, người thân và bà con lối xóm quan tâm, giúp đỡ nên hai mẹ con mới vơi bớt đi phần nào vất vả, cơ cực”. Được biết, ngoài Trang, chị Nụ còn có một người con trai đầu cũng là “con lai” và một đứa bé trai năm nay 6 tuổi. Sau khi chị Nụ đưa Trang trở về quê sinh sống được hai năm thì có quay trở lại Trung Quốc, nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc giúp đỡ tìm lại đứa con trai và đưa cháu về đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, bất đồng ngôn ngữ, văn hóa nên đứa con trai đã được người nhà chị Nụ hỗ trợ trở về Trung Quốc. Từ đó đến nay, chị Nụ không nhận được bất kỳ tin tức gì về đứa con trai đầu.

Tuổi thơ của Trang lớn lên trong sự đùm bọc, che chở của cộng đồng. Khi có chính sách hỗ trợ của Nhà nước hay các cấp, ban, ngành, đoàn thể, xét thấy phù hợp, chính quyền địa phương cũng đều ưu tiên cho gia đình chị Nụ. Bà con lối xóm vẫn thường hỏi han, động viên, có gì cho đấy, từ sách vở, quần áo cho đến đồ ăn, thức uống... Chị Nguyễn Thị Gấm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Thành Lập chia sẻ: “Bé Trang tuy lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng em rất ngoan ngoãn, thương mẹ và đặc biệt rất ham học, gần như năm nào cháu cũng được giấy khen”. Chị Gấm nhớ mãi hình ảnh Trang ôn thi lên lớp 10. Nhà mất điện, Trang cứ ôm quyển sách trên tay, đi dọc con đường, tranh thủ ánh sáng từ hệ thống đèn đường quanh thôn để học. Bà con hàng xóm thấy thương, gọi em vào nhà mình ngồi học nhưng Trang nhất quyết không chịu vì sợ làm phiền mọi người. Hỏi em về ước mơ của mình, em bần thần suy nghĩ. Em bảo em chẳng nghĩ nhiều đâu, cứ vui vẻ sống bên mẹ là tốt lắm rồi. Cái kiên cường, mạnh mẽ, hiểu chuyện ấy khiến bất kỳ ai khi tìm hiểu về hoàn cảnh của em cũng xót xa. Gặng hỏi thêm một chút, em thỏ thẻ: “Em mong muốn mình học thật tốt để có thể tìm kiếm được công việc làm ra tiền phụ giúp mẹ và góp phần xây dựng quê hương”. Vậy đấy! Bất kỳ đứa trẻ nào sống mà chẳng có cả một kho tàng ước mơ - những giấc mơ trong sáng, ngọt lành, thiện lương vô chừng. Chỉ có điều, cuộc sống có đủ kiên nhẫn và bao dung để lắng nghe, thấu cảm và nâng đỡ, chấp cánh cho những ước mơ ấy bay cao hay không mà thôi!

Đâu chỉ có Tùng và Trang! Trong xã hội muôn màu, muôn vẻ này vẫn luôn có những đứa trẻ lớn lên từng ngày với tuổi thơ bị “đánh cắp” như vậy. Các vấn đề về: Bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại, tai nạn, thương tích, áp lực kinh tế gia đình... như những “bóng ma” chập chờn, đe dọa đến cuộc sống và sự phát triển toàn diện của trẻ. Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, ngày 27-5-2020, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến, cho ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ. Những con số đáng báo động đã làm “nóng” nghị trường. Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga, phó trưởng đoàn giám sát cho biết: Chỉ trong vòng 5 năm (từ đầu năm 2015 đến tháng 6-2019), có 8.442 vụ với 8.709 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý. Báo cáo giám sát cho thấy các vụ việc xâm hại trẻ ngày càng gia tăng, đặc biệt là các vụ xâm hại tình dục. Trung bình mỗi ngày có 7 trẻ em bị xâm hại tình dục, một năm có 38 trẻ em bị giết hại, 133 trẻ em bị thương tích, 1.286 trẻ em bị xâm hại và có 84 trẻ em bị mang thai. Tuy nhiên, thực tế chứng minh rằng: Số liệu nêu trên chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm. Theo ý kiến góp ý của đại biểu tại kỳ họp này: Nếu thống kê một cách toàn diện với nhiều đối tượng, hoàn cảnh thì tổng số trẻ em bị xâm hại và có nguy cơ bị xâm hại là 1.983.307 em, tương đương với 8% tổng số trẻ em trên toàn quốc. Đây là con số rất đáng kể và rất đáng báo động!

Trong thời gian qua, theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị tai nạn thương tích vẫn xảy ra với tính chất phức tạp. Mỗi năm trung bình trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 25 vụ xâm hại trẻ em và hơn 2.000 vụ tai nạn thương tích trẻ em (trong đó có khoảng 20-30 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước, tai nạn giao thông). Hình thức xâm hại chủ yếu là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em (hiếp dâm, giao cấu, dâm ô...), chiếm hơn 75% tổng số vụ, các hành vi bạo hành, bạo lực đối với trẻ em, chiếm gần 15%. Nhiều vụ xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em diễn ra với mức độ nghiêm trọng như: Bố đẻ xâm hại tình dục con gái tại xã Hoằng Thái, huyện Hoằng Hóa (3-2018), bác ruột xâm hại cháu dẫn đến có thai tại xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc (6-2017), bố đẻ bạo hành con gái ruột tại xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn (5-2019), vụ đuối nước ngày 6-5-2019 tại xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc làm 4 học sinh lớp 6 tử vong; vụ tai nạn giao thông ngày 15-4-2019 làm 3 trẻ em ở huyện Nông Cống tử vong...

Mặc dù công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em vẫn luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng; đặc biệt khi Luật Trẻ em được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 5-4-2016 tại Kỳ họp thứ 11 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-2017. Theo đó, luật đã quy định cụ thể các quyền và bổn phận của trẻ em; các chính sách và biện pháp cơ bản về chăm sóc, giáo dục, văn hóa, thông tin, đặc biệt là về bảo vệ và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Luật cũng quy định chi tiết trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Tuy nhiên, để Luật Trẻ em được triển khai sâu rộng, đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả hơn nữa cần có sự chung tay, góp sức của cộng đồng trách nhiệm, triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm từng bước đạt mục đích xây dựng một môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ em; ưu tiên tạo điều kiện để trẻ em được phát triển hài hòa về thể chất, trí tuệ, tinh thần và phát huy tối đa tiềm năng của mỗi đứa trẻ.

Bài và ảnh: Hương Thảo

Bài 2: Bảo đảm quyền lợi cho mọi trẻ em trong xã hội: Cộng đồng trách nhiệm.


Bài Và Ảnh: Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]