(Baothanhhoa.vn) - Xây dựng một xã hội văn minh phải bắt đầu từ sự văn minh trong cuộc sống, trong sinh hoạt hằng ngày của mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đồng. Theo đó, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang giữa bối cảnh dịch bệnh bùng phát như hiện nay, có thể xem là một cách để con người thể hiện sự văn minh hay trách nhiệm công dân đối với đất nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Văn minh trong việc cưới, việc tang khi dịch bệnh hoành hành: Phải bắt đầu từ nếp nghĩ

Xây dựng một xã hội văn minh phải bắt đầu từ sự văn minh trong cuộc sống, trong sinh hoạt hằng ngày của mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đồng. Theo đó, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang giữa bối cảnh dịch bệnh bùng phát như hiện nay, có thể xem là một cách để con người thể hiện sự văn minh hay trách nhiệm công dân đối với đất nước.

Văn minh trong việc cưới, việc tang khi dịch bệnh hoành hành: Phải bắt đầu từ nếp nghĩ

Nhà tang lễ tỉnh Thanh Hóa (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa). Ảnh: Khôi Nguyên

Khi “bão dịch” quét qua “lệ làng”

Việc hiếu, việc hỷ vốn dĩ được xem là việc đại sự của mỗi gia đình, thậm chí là của cả dòng họ. Do vậy, đi liền với những sự kiện đại sự này là hàng loạt các quy tắc, các ước lệ cả thành văn lẫn bất thành văn và nhiều điều kiêng kỵ, buộc mỗi gia đình và cả cộng đồng phải tuân thủ. Tuy nhiên, giữa hoàn cảnh bất thường, khi dịch bệnh đang hoành hành và gây xáo trộn lớn đến cuộc sống, thì những việc hiếu, hỷ đại sự lúc này, hoặc là phải “co bớt” các quy tắc, giản lược đi một số quy định, thậm chí là trì hoãn chờ dịch đi qua mới có thể tổ chức.

Sau quá trình bền bỉ thuyết phục và lấy tuổi tác, sức khỏe bản thân ra “đe dọa”, ông Nguyễn Xuân Mạnh (phường Trường Thi, TP Thanh Hóa) cũng lay chuyển được anh con trai đã bước sang tuổi 35 lấy vợ. Mọi việc chuẩn bị cho đám cưới gần như đã hoàn tất, ngày trọng đại cũng được ấn định vào mùng 3-4 (tức 11-3 âm lịch), thiệp mời đã phát đến quan khách 2 bên. Thế nhưng, khi có quy định về việc giãn cách xã hội và hạn chế tối đa việc tập trung đông người, nhằm phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng, gia đình ông Mạnh đã dừng việc tổ chức đám cưới. Ông cho biết, bản thân rất quan tâm và thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh, cũng như các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế, của tỉnh và chính quyền thành phố. Do vậy, khi có thông tin về việc cách ly xã hội và được cán bộ phố đến vận động, ông đã đứng ra thuyết phục gia đình thông gia và con trai mình tạm hoãn việc tổ chức hôn lễ. Thay vào đó, các con ông đã đăng ký kết hôn tại phường, còn việc báo hỷ sẽ tiến hành sau khi có quy định mới.

Mặc dù vậy, không phải chờ khi có quy định về việc cách ly xã hội, thì các đám cưới mới có sự điều chỉnh. Thực tế, đã có không ít đám cưới diễn ra tương đối đơn giản, nếu so với tính chất trang trọng của nó, với tư cách là việc trọng đại trong đời mỗi người. Ví như, có đám cưới diễn ra mà sự hiện diện của gia đình thông gia là hết sức hạn chế, do họ đến từ vùng dịch. Hoặc có nhiều đám cưới thay vì tổ chức ăn uống linh đình, tập trung lượng lớn quan khách, đã chuyển thành tiệc trà để giãn bớt lượng khách xuất hiện cùng một thời điểm. Cũng có đám cưới đã chuyển từ thuê trọn gói dịch vụ tại khách sạn sang trọng, thành tiệc chiêu đãi trong gia đình, họ hàng... Việc làm này nếu diễn ra lúc bình thường, gia chủ dễ bị soi mói, chê trách, thậm chí là bị họ hàng, xóm giềng dè bỉu. Bởi, giảm bớt các khâu, các bước và các quy tắc có thể khiến các đám cưới bớt đi nhiều phần hoành tráng và náo nhiệt. Song, xuất phát từ ý thức và tâm lý “phòng bệnh hơn chữa bệnh” hiện nay, thiết nghĩ, đây là điều đáng trân trọng, thay vì “ma chê cưới trách” như trước đây.

Nếu đại sự như việc hỷ có thể tạm gác lại, thì việc hiếu là điều bất khả kháng. Tuy nhiên, để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh có thể “ẩn nấp” bất cứ đâu, thì đám tang cũng buộc phải điều chỉnh cho phù hợp. Điều dễ nhận thấy nhất ở nhiều đám tang gần đây, là thời gian diễn ra đã được rút ngắn đáng kể. Đồng thời, các thủ tục, lễ lạt liên quan cũng được tiến hành tương đối nhanh gọn. Đặc biệt, nhiều đoàn quan khách đến viếng thường không lưu lại lâu, để hàn huyên cùng gia chủ như trước. Thay vào đó, họ đến viếng và trở ra ngay, nhằm tránh tập trung đông người tại tang lễ. Thêm một điều đáng ghi nhận ở nhiều đám tang lúc này, là sự xuất hiện của nước khử trùng và khẩu trang. Nhiều gia chủ đã đặt nước khử trùng để phục vụ khách đến viếng; trong khi đó, nhiều đoàn khách cũng có ý thức sử dụng khẩu trang khi xuất hiện tại đám tang... Có thể nói, sự ra đi của người thân là điều đau đớn nhất đối với gia đình tang chủ. Cho nên, đám tang luôn gắn với nhiều quy tắc, nhất là quy tắc bất thành văn, nhằm thể hiện sự đau thương nhưng thành kính. Do vậy, việc rút ngắn thời gian hay giảm bớt các lễ nghi tang ma, đã phần nào cho thấy tinh thần trách nhiệm của các gia đình tang chủ đối với chính mình và cộng đồng.

Sự “thỏa hiệp” cần thiết

Khi “bão dịch” quét qua “lệ làng”, đã buộc các nguyên tắc, lý lẽ tưởng chừng khó lay chuyển, cũng phải “thỏa hiệp” để thích ứng với bối cảnh chung. Tuy nhiên, không phải ở đâu và lúc nào, ý thức, nhận thức, tinh thần cảnh giác và trách nhiệm của người dân cũng được thực hành đúng nhất. Thời gian gần đây, dư luận đã dành nhiều sự quan tâm đến sự việc 2 hộ dân ở xã Tân Châu (huyện Thiệu Hóa) tổ chức đám cưới cho con, giữa thời điểm dịch bệnh diễn biến khó lường. Kết quả là chủ tịch xã này bị đình chỉ công tác, còn các hộ dân thì bị ngành chức năng xử lý hành chính. Thành thử, việc vui bỗng hóa buồn, khi đám cưới kết thúc lại bắt đầu nhiều sự đáng tiếc. Giá như chính quyền cơ sở làm tốt hơn công tác vận động, tuyên truyền và quản lý hoạt động này tại địa bàn, thì điều đáng tiếc hẳn đã không xảy ra. Còn người dân, nếu biết tạm gác việc riêng vì lợi ích chung của cộng đồng, thậm chí của cả dân tộc, thì chắc hẳn sẽ có được niềm vui trọn vẹn hơn. Dẫu sao sự việc cũng đã xảy ra và dù đáng tiếc, song đó là bài học kinh nghiệm cho nhiều địa phương trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, mà cụ thể là việc thực hiện cách ly xã hội. Đồng thời, đó cũng là lời nhắc nhở đối với người dân, rằng ý thức và tinh thần trách nhiệm của mỗi người, mới là giải pháp hữu hiệu nhất để đối phó với dịch bệnh.

Để chủ động ứng phó với các tình huống như vừa nêu tại huyện Thiệu Hóa, UBND huyện Quan Sơn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo có liên quan. Trong đó, ngay từ giữa tháng 3-2020, huyện đã có Công văn số 244/UBND-VHTT về việc đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19. Đến đầu tháng 4-2019, UBND huyện tiếp tục có văn bản yêu cầu Trung tâm Văn hóa, thông tin, thể thao và Du lịch, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về việc cưới và việc tang. Trong đó, vận động nhân dân không tổ chức lễ ăn hỏi, lễ nạp tài, lễ cưới trong thời gian dịch bệnh, nhất là thời điểm thực hiện cách ly toàn xã hội. Còn đối với các gia đình có tang, cần thực hiện các nghi thức gọn nhẹ, không kéo dài thời gian và không làm cỗ mời khách trong ngày tang lễ, ngày tuần tiết. Bên cạnh đó, các gia đình phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế. Đặc biệt, để nêu cao tinh thần trách nhiệm của chính quyền cơ sở, UBND huyện Quan Sơn đã nêu rõ, nếu xã, thị trấn nào để xảy ra các vi phạm, thì chủ tịch UBND xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện.

Cùng chung quan điểm trên là huyện Bá Thước, khi địa phương cũng đã sớm ban hành các quy định liên quan đến việc cưới, việc tang giữa thời điểm dịch bệnh. Theo đó, không chỉ quan tâm đến đối tượng tuyên truyền là người dân, địa phương còn đặc biệt đề cao vai trò và trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đoàn thể, đơn vị trên địa bàn. Đối với đám cưới, địa phương khuyến khích các gia đình dùng hình thức báo hỷ và hạn chế tối đa việc ăn uống đông người, dài ngày. Đồng thời, tiến hành tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường xung quanh khu vực tổ chức các hoạt động cưới hỏi. Đối với đám tang, bên cạnh việc giảm tối đa các lễ nghi; địa phương cũng yêu cầu các gia đình tang chủ có hình thức đón tiếp khách phúng viếng nhanh gọn, hạn chế thấp nhất việc tập trung đông người. Ngoài ra, tang chủ cũng cần có các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp. Đồng thời, thực hiện khai báo với cơ quan y tế và chính quyền địa phương, đối với trường hợp khách viếng đám tang có tiền sử đến và đi qua vùng có dịch, tiền sử tiếp xúc với đối tượng dương tính COVID-19 mới được ghi nhận, hoặc với người có tiếp xúc với đối tượng trong vòng 14 ngày.

...

“Yêu nước là ở yên trong nhà”, “Yêu nước là không tập trung đông người”. Đó không phải là khẩu hiệu, mà đã trở thành lời hiệu triệu cho ý thức tự giác và trách nhiệm công dân của mỗi người. Do vậy, việc tổ chức và tình trạng tập trung đông người tại đám hiếu, đám hỷ rất cần được điều chỉnh, tiết chế và xem đây như một cách để mỗi người dân, mỗi gia đình chung tay cùng dân tộc trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” lúc này. Dẫu biết, những việc đã hằn thành nếp nghĩ, nếp sống thì không dễ để thay đổi. Song, nếu đặt các lệ tục, lễ nghi của “lệ làng” trước vấn đề sức khỏe, tính mạng bản thân và thậm chí là sự sống còn của cả cộng đồng; thiết nghĩ, nhiều người hẳn biết đáp án nào đúng để lựa chọn.

Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]