(Baothanhhoa.vn) - Bệnh tật, nhiều khi đó là sự an bài của số phận mà ta bắt buộc phải chấp nhận. Dẫu biết rằng, có những sự lựa chọn của số mệnh thật nghiệt ngã. Tuy nhiên, trong bất kỳ một câu chuyện truyền cảm hứng nào cũng vậy, điều quan trọng nhất không nằm ở sự mở đầu mà nằm ở cách chúng ta đối mặt với nó.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ước mơ của Phương Nhi

Bệnh tật, nhiều khi đó là sự an bài của số phận mà ta bắt buộc phải chấp nhận. Dẫu biết rằng, có những sự lựa chọn của số mệnh thật nghiệt ngã. Tuy nhiên, trong bất kỳ một câu chuyện truyền cảm hứng nào cũng vậy, điều quan trọng nhất không nằm ở sự mở đầu mà nằm ở cách chúng ta đối mặt với nó.

Ước mơ của Phương Nhi

Bé Lê Phương Nhi – người “anh hùng nhí” đang điều trị căn bệnh u tế bào mầm tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Ngày 16-12-2018.

7h: Nhiệt độ cơ thể 36 độ 2.

11h: Tháo thụt sau hơn 1 tuần không đi ngoài (phân táo).

12h: Nôn ói.

16h: Nôn ói.

21h: Nôn ói.

...........

Ngày 7-1-2019: Ra Hà Nội, vào viện làm xét nghiệm để mổ.

Ngày mùng 8, mùng 9, mùng 10: Chụp CT, chờ các bác sĩ hội chẩn và lấy kết quả.

Ngày 11: Gia đình chưa quyết định mổ hay không.

Ngày 12: Đi chơi công viên Thủ Lệ cả ngày, chiều về đau bụng, mặc dù đã tháo thụt nhưng vẫn đau.

Ngày 13: Đau bụng từng cơn, dự kiến đi thăm lăng Bác nhưng cuối cùng không thể đi được.

Ngày 14: Lên khoa nhận thuốc, thanh toán viện phí, xin xuất viện.

Về nhà uống hóa chất theo đơn, thuốc uống đến 30 tết.

...........

Đó là từng dòng nhật ký đong đầy hy vọng, nỗ lực và cũng thật đau đớn, xót xa mà chị Đinh Thị Hiền (39 tuổi, Tiểu khu Đông Hòa, Nông Cống) tỉ mỉ ghi lại trong những ngày đồng hành cùng đứa con gái tội nghiệp của mình trên hành trình gian nan, vất vả chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác. Đã hơn 1 năm trôi qua kể từ cái khoảnh khắc định mệnh ấy, chưa một ngày nào chị Hiền cho phép mình được quên nhiệm vụ này. Chị bảo: “Chị không nhớ nổi đã bao nhiêu lần chị biên lại những dòng nhật ký về tình trạng sức khỏe, hoạt động trong ngày của con gái trong nước mắt”. Ngay cả lúc này đây, khi đứa con gái của chị hồ hởi từ phòng bệnh bên cạnh chạy về ríu rít gọi mẹ khoe: “Con có tiền mừng tuổi. Mình có cơm ăn rồi mẹ ạ”. Thì ra, cô bé biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, lên viện chữa bệnh mà lúc nào cô bé cũng canh cánh nỗi lo bố mẹ hết tiền, không còn tiền ăn cơm, phải nhịn đói. Nước mắt chị cứ thế lã chã lăn dài trên gò má. Cô con gái bé nhỏ ban đầu còn lúng túng, không hiểu vì sao mẹ bỗng nhiên lại khóc nhiều đến thế. Nhưng rất nhanh hiểu chuyện, cô bé láu lỉnh đến bên cạnh mẹ, tít mắt cười, cái đầu không thôi đưa bên nọ lắc bên kia làm trò cho mẹ vui. Cả phòng bệnh khi ấy, giữa một buổi chiều mưa ảm đạm, vì điệu bộ đáng yêu của cô bé mà trở nên vui vẻ, rôm rả hơn rất nhiều.

Cô bé ấy là Lê Phương Nhi, 4 tuổi, chẩn đoán mắc bệnh u tế bào mầm - ung vùng khung chậu giai đoạn cuối, đã di căn lên gan và phổi. Hiện bé đang được tiến hành theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Ở cái tuổi lên 4 của mình, theo lẽ tự nhiên, bé phải được ngủ những giấc ngủ bình yên, sống những ngày vô lo vô nghĩ nhất. Nhưng giờ đây, căn bệnh quái ác đã cướp đi tất cả và đẩy bé vào một cuộc chiến hoàn toàn không cân sức. Bệnh tật như một con qủy khổng lồ, hung dữ con bé chỉ như một mầm non mới nhú, mơn mởn sức sống nhưng dễ dàng bị tổn thương. Bệnh nặng là thế nhưng mỗi khi nhìn con gái lanh lợi, đáng yêu đang vô tư nô đùa cùng các bệnh nhi khác trong phòng, chị Hiền lại không thôi hy vọng. Quả thật, ở cô bé Phương Nhi ấy luôn tỏa ra nguồn sống, nguồn năng lượng tích cực khiến những người xung quanh như quên bẵng đi sự tồn tại của một căn bệnh ác tính trong cơ thể em. Và có được trực tiếp lắng nghe quá trình nỗ lực chiến đấu với bệnh tật mới thấy hết được sức chịu đựng, sự kiên cường, nghị lực sống của “anh hùng nhí” Phương Nhi.

Theo từng chặng đường mà chị Hiền – mẹ bé tổng hợp lại, tính đến thời điểm hiện tại, Phương Nhi đã trải qua 10 lần hóa trị, 1 lần can thiệp mổ. Số lần đi – về giữa viện Nhi Thanh Hóa và viện Nhi Trung ương được tính như cơm bữa. Ở giai đoạn cuối của bệnh, khi các chỉ số cơ thể không đủ điều kiện tiếp tục hóa trị, bé được chỉ định uống hóa chất. Những con số được chị Hiền sơ bộ thống kê lại khiến người nghe bất giác thấy lòng mình xa xót, trái tim như có điều gì đó bóp nghẹt. Ấy vậy mà khi được hỏi về cảm giác sau mỗi đợt truyền hóa chất, cô bé Phương Nhi vẫn thoải mái tựa đầu vào lòng mẹ, mấy ngón tay nhỏ nhỏ xinh xinh chốc chốc lại đưa lên nghịch tóc mẹ, nhẹ nhàng khái quát trong một vài tính từ chỉ trạng thái chung chung: “Cháu cảm thấy hơi mệt thôi ạ”. Nói rồi bé hồn nhiên phân trần: “Cháu nhớ nhất là đợt truyền hóa chất lần thứ 2. Bởi vì lúc ấy là tóc cháu bắt đầu rụng rồi. Sau đợt ấy, nghỉ ngơi một thời gian, tóc mới mọc lại một chút thì cháu lại phải truyền hóa chất cực mạnh. Từ đó, tóc rụng hết, chẳng thấy mọc lại nữa”. Ngần ấy cũng đủ để hình dung về những nỗi đau mà bé Nhi đã và đang phải chịu đựng. Chị Hiền cho biết: “Có đợt truyền hóa chất xong, bé nằm sốt li bì, nôn ói, không chịu ăn uống liên tục trong vòng 15 ngày. Có lúc lên cơn co giật, đau nhức không đêm nào được yên giấc”. “Ấy vậy mà, cứ khỏe lên một chút là chạy nhảy, líu lo cả ngày, hỏi đủ 1 vạn câu hỏi vì sao” – chị Hiền nhìn con, mắng yêu. Chị bảo: “Bệnh tình như thế nhưng con bé thích đi học lắm, cứ năn nỉ bố mẹ cho đi học ở trường mầm non. Nó hứa đi học nó sẽ ngoan, sẽ không để ảnh hưởng đến sức khỏe, không để bố mẹ phải vất vả”. Thương con, muốn con được bằng bạn bằng bè, vợ chồng anh chị bàn nhau đưa bé đến trường rồi cắt cử người đi làm lo toan miếng cơm manh áo, người ở lại trường “học cùng bé luôn”. Vậy là, bé Phương Nhi, 4 tuổi cũng đã có “thâm niên” 2 ngày khoác ba lô đến trường. Nhắc đến trường, lớp, bé vui lắm, ríu rít cả lên: “Ở trường cháu được chơi nhiều trò chơi với các bạn, lại có cả thầy, cô giáo nữa”. Để khẳng định kiến thức mà mình lĩnh hội được sau 2 ngày đến lớp, bé nhổm người đứng dậy khỏi lòng mẹ, người rướn cao, vanh vách đọc: “Oăn, tu, thờ ri, pho, phai, xích, xê vần, ết, nai, ten”. Kết thúc bảng chữ số tiếng anh từ 1 đến 10, bé Phương Nhi hãnh diện rướn cao người trước ánh mắt ngưỡng mộ của những người bạn cùng phòng. Chỉ tiếc rằng, đi học mới được 2 ngày, Phương Nhi bị lên cơn sốt cao kèm theo cơn đau bụng dữ dội nên phải xin nghỉ học để nhập viện theo dõi, điều trị.

Bé thủ thỉ với mẹ: “Khỏi bệnh được về nhà, mẹ lại cho con đi học tiếp nhé!”.

“Phương Nhi muốn đi học để làm gì nhỉ?” – Chị Hiền hỏi bé.

Cô bé kiên định đáp: “Sau này lớn lên, con sẽ làm bác sĩ”.

Chị Hiền thắc mắc: “Vì sao con muốn làm bác sĩ?”.

Cười giòn tan, bé nói: “Vì bác sĩ làm rất nhiều việc tốt. Bác sĩ chữa trị giúp con và các bạn nhanh khỏi bệnh”.

Bệnh tật, nhiều khi đó là sự an bài của số phận mà ta bắt buộc phải chấp nhận. Dẫu biết rằng, có những sự lựa chọn của số mệnh thật nghiệt ngã. Tuy nhiên, trong bất kỳ một câu chuyện truyền cảm hứng nào cũng vậy, điều quan trọng nhất không nằm ở sự mở đầu mà nằm ở cách chúng ta đối mặt với nó. Đó là ý nghĩa của bài học cuộc sống mà mỗi người trong chúng ta đều có thể cảm nhận được khi lắng nghe câu chuyện về bé Phương Nhi. Cô bé ấy vẫn đang hằng ngày, hằng giờ dũng cảm chiến đấu để giành lấy sự sống. Cô bé là người “anh hùng nhí” của chính cuộc đời mình. Cũng như Thúy, “bông hoa hướng dương” vẫn luôn kiêu hãnh bước về phía mặt trời, mặc cho nỗi đau bệnh tật đang ngăn đường, cản lối, bé Phương Nhi vẫn kiên định mơ ước mơ của chính mình: “Sau này lớn lên, em sẽ làm bác sĩ”.

Hương Thảo


Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Dinhquangboi - 22:41 29/06/19

 Trả lời

Lúc tôi đọc được bài báo này thì cháu Phương Nhi đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 29-6-2019. An táng cháu Phương Nhi tại nghĩa trang Đồng Chùa, TT Nông Cống. Xin chia buồn cùng gia quyến. Cảm ơn tác giả đã có bài báo về cháu Phương Nhi.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]