(Baothanhhoa.vn) - Như đã đề cập ở những kỳ trước, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 xây dựng Sân bay Sao Vàng, đáp ứng trước mắt của một sân bay trong thời chiến, gần 8.000 đội viên TNXP đã được bổ sung cho quân đội để thực hiện những nhiệm vụ khác nhau. Từ thời điểm này, Sân bay Sao Vàng thực sự là sân bay quân sự, thực hiện nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa xây dựng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Từ huyền thoại 101 đến Cảng hàng không Thọ Xuân: Kỳ 3 - Từ đây tung cánh!

Như đã đề cập ở những kỳ trước, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 xây dựng Sân bay Sao Vàng, đáp ứng trước mắt của một sân bay trong thời chiến, gần 8.000 đội viên TNXP đã được bổ sung cho quân đội để thực hiện những nhiệm vụ khác nhau. Từ thời điểm này, Sân bay Sao Vàng thực sự là sân bay quân sự, thực hiện nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa xây dựng.

Cảng hàng không Thọ Xuân hôm nay.

>>>Từ huyền thoại 101 đến Cảng hàng không Thọ Xuân: Kỳ 1 - Quyết định từ trong lòng đất!

>>> Từ huyền thoại 101 đến Cảng hàng không Thọ Xuân: Kỳ 2 - Đại công trường của tuổi trẻ

Thời gian từ sau năm 1966, chiến tranh phá hoại của địch ngày càng ác liệt và kẻ thù chắc cũng đã phát hiện ra “ công trường 101”, “công trường thủy lợi Thanh Hóa” chính là Sân bay quân sự Sao Vàng, nên thường xuyên đánh phá đến độ chúng ta còn phải hình thành các sân bay dã chiến. Một trong những sân bay dã chiến cách Sân bay Sao Vàng không xa là sân bay nằm trên đất của Nông trường Thạch Quảng. Tại sân bay này, đêm 28-12-1972, anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều cùng chiếc MiG21 xuất kích đánh B52. Với khí phách anh hùng, lòng quả cảm, Vũ Xuân Thiều cùng với “én bạc” thân yêu đã “biến” thành quả tên lửa khổng lồ lao thẳng vào máy bay B52 của Mỹ trên bầu trời Yên Châu, tỉnh Sơn La, khi chúng đang bay vào oanh tạc thủ đô Hà Nội.

Địch đánh phá liên tục cả ngày lẫn đêm, Sân bay Sao Vàng rất dễ bị tê liệt vì thời kỳ đầu đường băng chỉ đổ bê tông với cự ly ngắn, sau đó Liên Xô viện trợ ghi, nên những tấm ghi sắt được lát rất nhanh để thay thế bê tông. Do vậy, cứ mỗi trận bom thả xuống là nền đường băng ghi sắt tua tủa cong vênh. Nhưng, bằng tài trí thông minh, sự quả cảm và với tinh thần "quân dân một ý chí” Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thọ Xuân nói riêng, Thanh Hóa nói chung cùng với bộ đội vượt qua bom đạn, san lấp hố bom, thay thế những tấm ghi lát đường băng bị hỏng… Vì thế, Sân bay Sao Vàng vẫn thường xuyên hoạt động và ngày càng được củng cố, xây dựng và phát triển. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được vài năm, tổ quốc ta lại phải chuẩn bị đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Việc gấp rút hoàn thiện và trang bị cho Sân bay Sao Vàng ngày càng hiện đại đủ sức bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, hải đảo của đất nước là nhiệm vụ cấp bách.

Những năm 1976 đến 1980, Sân bay Sao Vàng được Đảng, Nhà nước và quân đội đặc biệt quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại trở thành sân bay quân sự cấp 1. Căn cứ không quân chiến lược này có đường băng dài 3,2 km, kích thước đường băng 3.200x50m. Kết cấu bê tông xi măng có chiều dày trung bình 36 cm, có đường lăn chính, đường lăn thoát nhanh, đường lăn phụ, sân đỗ máy bay. Về tĩnh không, có thể cất hạ cánh theo cả hai chiều cùng các công trình phụ trợ khác, đảm bảo thực hiện chức năng nhiệm vụ bảo vệ canh giữ 24/24 không phận phía Bắc cùng chủ quyền biển đảo kể cả Trường Sa… đến nay vẫn còn nguyên vẹn nhiệm vụ cao cả thiêng liêng ấy.

Cũng từ những năm đó, Đoàn không quân Yên Thế (Trung đoàn 923 F371) lừng danh (được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký quyết định thành lập 4.8.1965) đã từng cơ động, chiến đấu trên 11 sân bay ở 8 tỉnh, thành, bắn rơi 107 máy bay các loại của Mỹ, đánh trọng thương 2 tàu khu trục thuộc Hạm đội 7 của Hoa Kỳ. Trung đoàn 923 anh hùng, từng sở hữu, chuyển nhiều loại máy bay từ MiG17, MiG 21, SU22 và hiện tại đang làm chủ những máy bay SU30MK được mệnh danh là “hổ mang chúa” hiện đại nhất của không quân nhân dân Việt Nam. Về lại Sân bay Sao Vàng định cư, mảnh đất Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa vốn có truyền thống anh hùng và cách mạng, lịch sử và nhân văn, luôn góp phần nâng cánh bay cho Trung đoàn không quân 923 đến ngày hôm nay.

Truyền thống "quân với dân một ý chí” trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc tiếp tục được phát huy trong hòa bình xây dựng đất nước. Vì thế, khi tỉnh Thanh Hóa đang tìm phương án để xây dựng một sân bay dân dụng phục vụ cho phát triển quê hương, trong lúc dư luận hết sức băn khoăn khi nhiều dự án triển khai được gọi là “hội chứng”. Đã có lúc lan truyền tin gần như chính xác: Thanh Hóa sẽ chọn huyện Tĩnh Gia hoặc Quảng Xương quy hoạch xây dựng sân bay. Nhưng, muốn xây dựng được một sân bay dân dụng thì lấy đâu ra 3.000- 4.000 tỉ đồng? Rồi, thời gian phải mất vài ba năm mới hoàn thành và khi xong sân bay liệu có bay được không?...

Đang trong lúc “loay hoay” tìm phương án, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã nghĩ ngay đến việc Sân bay quân sự Sao Vàng thuộc Bộ Quốc phòng. Có lẽ ân tình, thủy chung “quân với dân một ý chí” và được linh khí trời đất cũng như sức mạnh từ người chỉ huy cao nhất công trường 101 đến hơn 10.000 TNXP, trong đó nhiều người đã hy sinh xương máu “trợ giúp”. Vì thế, lãnh đạo Thanh Hóa đã chớp thời cơ tiến hành ngay công việc là xin ý kiến và bàn bạc ngay với bộ Quốc phòng, Bộ GT-VT, các ban, ngành có liên quan để tranh thủ sự ủng hộ việc đệ trình Chính phủ cho phép tỉnh Thanh Hóa khai thác một phần Sân bay Sao Vàng đưa vào hoạt động thương mại.

Từ năm 2011- 2012, chạy đua với thời gian để thực hiện bằng được mục tiêu có cảng hàng không dân dụng phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội nói chung, du lịch nói riêng của xứ Thanh. Cuối cùng, Bộ Quốc phòng, Bộ GT- VT đồng ý với đề xuất của tỉnh Thanh Hóa, sẽ trình Chính phủ xin phép khai thác một phần Sân bay Sao Vàng. Sau khi được Chính phủ đồng ý, Bộ quốc phòng mà cụ thể là Sư đoàn không quân 371 trực tiếp là Trung đoàn 923 hết sức tạo điều kiện, tỉnh Thanh Hóa mới biết được chính trong lòng Sân bay Sao Vàng đã quy hoạch sẵn một sân bay dân dụng, có chỗ đỗ cho 1-2 máy bay cỡ Aibus A320, A321. Trung đoàn 923 còn dành riêng dãy nhà làm việc của bộ đội thông tin sân bay để tỉnh Thanh Hóa cải tạo nâng cấp thành nhà ga. Mặc dù kinh phí còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư ngay 100 tỉ đồng mở tuyến đường mới hoàn toàn chừng 3 km từ nhà ga ra quốc lộ 47 để hình thành mạng lưới giao thông thuận tiện cho việc lưu thông các phương tiện phục vụ hành khách, hàng hóa cho cảng hàng không Thọ Xuân.

Cũng giống như khi công trường 101 bắt tay xây dựng Sân bay Sao Vàng (1965), Cảng hàng không Thọ Xuân cũng vậy, ban đầu cũng đơn sơ, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, chỉ có đường băng dùng chung với quân sự là hoành tráng. Nhưng, được sự quan tâm của Bộ GT- VT, Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Trung đoàn 923 F371, tỉnh Thanh Hóa và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã làm việc cật lực, chỉ trong thời gian 2 tháng chuẩn bị cho chuyến bay khai trương từ TP Hồ Chí Minh về Thọ Xuân được ấn định là ngày 5-2-2013. Hôm đón chuyến bay khai trương, người viết loạt bài này cũng có mặt. Nhìn gương mặt của mọi người ra đón chuyến bay thương mại đầu tiên đáp xuống Cảng hàng không Thọ Xuân an toàn tuyệt đối, trong niềm vui hân hoan của mọi người, tôi nhớ mãi hình ảnh ông Lê Trần Hùng, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, kiêm Giám đốc Cảng hàng không Thọ Xuân, ngồi bên vạt cỏ cạnh sân đỗ máy bay ôm mặt khóc. Sau này khi trở thành bạn bè, tôi có hỏi ông Hùng, sao hôm đấy ông khóc? Ông Lê Trần Hùng trả lời: Tôi khóc vì sung sướng!

Tôi nhớ mãi một đồng nghiệp cũng có mặt hôm đón chuyến bay khai trương, khi chiếc máy bay Aibus A321 của Vietnam Airlines lăn vào sân đỗ an toàn tuyệt đối, gần 200 người trên máy bay hân hoan bước xuống . Ông bạn đồng nghiệp nói với tôi, ông bà ta có câu: chưa đánh người mặt đỏ như vang, đánh được người mặt vàng như nghệ. Bây giờ khi nhìn thấy chuyến bay khai trương về Thọ Xuân an toàn, tôi xin lái” câu nói của tiền nhân để ông suy ngẫm: chưa bay được thì mặt đỏ như vang, bay được rồi thì mặt vàng như nghệ!

Đón đọc Kỳ cuối: Tôn vinh quá khứ, hướng tới tương lai!


Cao Ngọ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]