(Baothanhhoa.vn) - Như đã đề cập ở kỳ trước, tại hội nghị quan trọng dưới căn nhà làm việc trong lòng đất của Chính phủ, trước khi Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị kết luận chính thức, nhiều ý kiến thảo luận đề cập đến những khó khăn, thuận lợi trong việc xây dựng sân bay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Từ huyền thoại 101 đến Cảng hàng không Thọ Xuân: Kỳ 2 - Đại công trường của tuổi trẻ

Như đã đề cập ở kỳ trước, tại hội nghị quan trọng dưới căn nhà làm việc trong lòng đất của Chính phủ, trước khi Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị kết luận chính thức, nhiều ý kiến thảo luận đề cập đến những khó khăn, thuận lợi trong việc xây dựng sân bay.

Từ huyền thoại 101 đến Cảng hàng không Thọ Xuân: Kỳ 2 - Đại công trường của tuổi trẻCảng hàng không Thọ Xuân.

Hầu hết các ý kiến tập trung cao trong việc giữ gìn bí mật khi công trường làm việc với số lượng người tham gia trên 10.000 người. Mặt khác, giặc Mỹ ngày càng mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, nên khi phát hiện mục tiêu dứt khoát chúng sẽ tập trung đánh phá ác liệt. Hơn nữa sân bay này do chính chúng ta xây dựng từ thiết kế, đến thi công các hạng mục. Theo ý kiến của các cán bộ tác chiến Bộ tổng tham mưu cũng như Tổng tham mưu phó kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân Phùng Thế Tài thì khối lượng đào đắp ước tính trên dưới 1 triệu m3 đất, đá và lao động cần khoảng 10.000 người, chưa kể khoảng 500 công nhân cơ giới, xi măng, sắt thép để đổ bê tông khoảng vài ngàn tấn.

Đáng chú ý là phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Ngô Thuyền: Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa luôn nhận thức rõ trách nhiệm là một tỉnh hậu phương lớn trong kháng chiến chống Pháp trước đây cũng như trong kháng chiến chống Mỹ hiện nay. Lực lượng 10.000 người nếu huy động công nhân rất khó, công nhân quốc phòng lại không giữ được bí mật nên phải xin trung ương cho huy động TNXP. Các chỉ tiêu lương thực, thực phẩm, hàng hóa …Thanh Hóa sẽ cung cấp . Nhưng đề nghị lấy vào chỉ tiêu quốc phòng…

Ngay sau khi nhận chỉ thị của Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị, Bộ Giao thông - Vận tải ra ngay quyết định thành lập công trường xây dựng Sân bay Sao Vàng lấy tên “Công trường 101”. Thế là, như người lính nhận lệnh ra trận, ông Trần Dân, Chỉ huy trưởng công trường cùng kỹ sư kinh tế Nguyễn Học, Trưởng phòng Kế hoạch cùng Trưởng phòng Tài vụ Nguyễn Hương lên chiếc xe Gaz 69 do Bộ Giao thông - Vận tải cấp, nhằm hướng Thanh Hóa trực chỉ!

Ở Thanh Hóa, từ Hà Nội trở về, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa ngay lập tức triển khai chủ trương và lập kế hoạch thực hiện. Vì thế, khi đoàn của ông Trần Dân vào đến Thanh Hóa thì ngày hôm sau đã làm việc với những lãnh đạo cao nhất của Thanh Hóa. Trong buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Ngô Thuyền thông báo: Tỉnh ủy Thanh Hóa đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho các Bí thư huyện ủy các huyện trung du và đồng bằng tuyển TNXP, mỗi huyện 2 đại đội, huyện đông dân tuyển 3 đại đội, đồng thời hình thành bộ khung lãnh đạo từ cấp ủy, đoàn thanh niên. Mỗi đại đội có 3 cán bộ chỉ huy phần lớn là bí thư, chủ tịch, xã đội trưởng hoặc trưởng công an, chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất. Mỗi huyện có một thường vụ huyện ủy phụ trách. Nội nhật trong thời gian 2 tuần phải giao đủ quân cho công trường.

Tất cả các ngành, tùy theo nhiệm vụ chức năng của mình đều được giao công việc hết sức cụ thể, tỉ mỉ. Từ chuyện lập riêng hòm thư cho công trường đến lập bệnh viện, lưới lửa phòng không, lương thực thực phẩm, làm trong sạch địa bàn, giữ gìn trật tự, trị an… Giao cho huyện Thọ Xuân, nơi công trường thi công, chuẩn bị đầy đủ điều kiện để đón tiếp 10.000 TNXP về ở tại các gia đình trên địa bàn, không làm lán trại tập trung để tránh lộ bí mật và thương vong lớn khi máy bay địch oanh tạc. Công trường xây dựng Sân bay Sao Vàng được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đặt mật danh "Công trường thủy lợi Thanh Hóa”…

Với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, các huyện, thị tiến hành khám sức khỏe tuyển chọn lực lương thanh niên đi làm nhiệm vụ. Chỉ trong vòng 10 ngày, 10.000 thanh thiên đã được tuyển chọn xong, họ náo nức lên đường, trong suy nghĩ của họ, ai cũng tưởng sẽ đi B, tuyệt nhiên không hề biết lên công trường xây dựng Sân bay Sao Vàng! Chỉ tới khi hành quân về Thọ Xuân và đích thân Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đến gặp mặt nói chuyện, động viên TNXP làm sân bay, mọi người mới biết về công việc của mình. Trong buổi nói chuyện, ông Ngô Thuyền nhắc đi nhắc lại nhiều lần về tính cấp bách và quan trọng của công trường đồng thời nhấn mạnh tuyệt đối giữ bí mật. Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thuyền cũng đề cấp đến tương lai, sớm hay muộn địch cũng sẽ phát hiện ra và sẽ tập trung đánh phá. Vì thế, công trường cũng phải lường trước tình hình vừa sản xuất vừa chiến đấu, phải chuẩn bị ngay hệ thống hầm hào làm nơi trú ẩn mỗi khi máy bay địch oanh tạc…

Cũng thời gian này, Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông - Vận tải, các bộ, ban, ngành có liên quan đã tăng cường đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, một số sĩ quan quân đội đã trực tiếp tham gia xây dựng Sân bay Đa Phúc, Hòa Lạc về Sao Vàng. Các cán bộ thiết kế, khảo sát, đo vẽ… lần lượt đến Sao Vàng tiến hành công việc với phương châm “vừa thiết kế vừa thi công”. Các tiêu chí, chất lượng, tiêu chuẩn, hệ số an toàn, khí tượng, thủy văn… phải đảm bảo đúng theo yêu cầu. Sự phối hợp nhịp nhàng, chỉ đạo sâu sát, chuẩn bị tỉ mỉ từ Trung ương đến địa phưong đã hoàn tất.

Khoảng cuối tháng 5-1965, vùng Thọ Xuân trời quang mây tạnh, xa xa thi thoảng vẫn nhìn thấy máy bay địch bay tới bay lui như nhìn ngó các mục tiêu mà chúng cần phải đánh phá như phà Ghép, Hàm Rồng, Đò Lèn. Đặc biệt phía Nam Thanh Hóa, tiếng bom vẫn ùng oàng, nhưng khu vực Thọ Xuân tương đối yên tĩnh. Chính thời điểm này đại công trường thủ công cũng đồng loạt ra quân.

Khu vực xây dựng sân bay là vùng đất bán sơn địa của Nông trường Sao Vàng và một số xã lân cận, cây cối lúp xúp, gò đống cao thấp lô nhô xen lẫn rừng phi lao, bạch đàn. Hàng ngàn TNXP trong tay chỉ có cuốc, xẻng, gồng gánh, dành sọt, xe cút kít, đầm gỗ, hối hả làm việc ngày qua ngày, tháng qua tháng. Theo đó, đường băng, đường lăn, đường cho ô tô kéo máy bay đủ tiêu chuẩn theo đúng thiết kế hiện dần theo tháng ngày. Hình hài sân bay càng hiện rõ bao nhiêu thì mức độ ác liệt của các lần ném bom, bắn phá của máy bay địch càng dày thêm bấy nhiêu, đến độ trên phải điều cả một trung đoàn pháo cao xạ cùng lưới lửa phòng không địa phương bảo vệ công trường.

Lao động sản xuất dưới đạn bom của máy bay địch, không làm nản lòng các đội viên TNXP, máu của các anh chị đã đổ xuống. Kể từ khi đồng loạt ra quân cho đến lúc kết thúc giai đoạn 1 (tháng 3-1966) của công trường xây dựng Sân bay Sao Vàng, 57 đội viên anh dũng hy sinh, nhiều đội viên khác bị thương… Hoàn thành giai đoạn 1 đồng nghĩa với việc những chiếc MiG của không quân ta có thể xuất kích từ Sân bay Sao Vàng đương đầu với lũ máy bay địch. Trong quá trình xây dựng sân bay Sao Vàng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Vũ Quang, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cùng nhiều vị lãnh đạo của địa phương, Trung ương đã đến động viên, chia sẻ những khó khăn gian khổ, ác liệt mà công trường phải chịu đựng. Đáng chú ý, trong giai đoạn này là đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô sang thăm công trường. Cảm phục tinh thần quả cảm của cả vạn TNXP làm sân bay mà sau chuyến thăm, Liên Xô đã viện trợ ghi lát đường băng góp phần thúc đẩy tiến độ hoàn thành nhanh sân bay cũng như có vật tư thay thế mỗi khi máy bay địch oanh tạc sân bay…

Giai đoạn 1 xây dựng Sân bay Sao Vàng hoàn thành, Bộ Quốc phòng điều động 7.000 TNXP bổ sung cho bộ đội xăng dầu và bộ đội công binh. Sau đó UBND tỉnh Thanh Hóa điều động 300 TNXP của công trường đi xây dựng Nhà máy thốc lá Cẩm Lệ, nay là Công ty thuốc lá Thanh Hóa thuộc VINATABA.

“Công trường 101”, “ Công trường thủy lợi Thanh Hóa” xây dựng Sân bay Sao Vàng với trên 10.000 TNXP làm việc liên tục gần một năm trời ghi dấu ấn đậm nét của lực lượng TNXP Thanh Hóa nói riêng cả nước nói chung. Chiến công chói lọi đó trong thời kỳ đầu của cuộc chiến đấu chống trả máy bay địch mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, xứng đáng là một huyền thoại trong công cuộc bảo vệ và xây dựng tổ quốc.

Vì là công trình quân sự tuyệt mật nên tư liệu để lại quá ít ỏi. Tôi chỉ tìm được một bản Báo cáo sơ kết thi đua sản xuất và chiến đấu năm 1965, in nô rê ô, qua hơn nửa thế kỷ chữ đã quá mờ. Đọc hết 19 trang báo cáo chỉ thấy số liệu đất, đá, cát, sỏi, bê tông… Cuối cùng chỉ có câu kết: “…chúng ta hứa với các đại biểu, chúng ta kiên quyết đưa công trình nhanh chóng vào dùng để chào đón đàn chim bằng của tổ quốc vào đất Thanh Hóa của chúng ta.”

Đọc đến câu kết này, tôi mới ngộ ra chính bản báo cáo này là báo cáo công việc xây dựng Sân bay Sao Vàng!



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]