(Baothanhhoa.vn) - Việt Nam - dải đất mà đã biết bao thế hệ người lấy máu xương mình đắp đổi nên hình hài và khảng khái khẳng định chủ quyền quốc gia - dân tộc trên bản đồ nhân loại. Tổ quốc lưu danh họ vào sử xanh, để hậu thế tự hào, tri ân và soi mình, răn mình!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trọn vẹn tinh thần hiếu nghĩa, bác ái!

Việt Nam - dải đất mà đã biết bao thế hệ người lấy máu xương mình đắp đổi nên hình hài và khảng khái khẳng định chủ quyền quốc gia - dân tộc trên bản đồ nhân loại. Tổ quốc lưu danh họ vào sử xanh, để hậu thế tự hào, tri ân và soi mình, răn mình!

Trọn vẹn tinh thần hiếu nghĩa, bác ái!Đoàn viên, thanh niên TP Thanh Hóa dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.

45 năm đất nước im tiếng súng. Niềm hạnh phúc của hòa bình, tự do đã làm lòng người ấm lại và mặt đất nở hoa. Thế nhưng, quá khứ mãi là một phần đang tồn tại xung quanh cuộc sống hiện tại. Bởi chiến tranh vốn đã định hình dân tộc và phẩm giá con người của đất nước này. Một dân tộc mà lịch sử gắn liền với những chương tranh đấu cho quyền tự quyết - quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc - thì cái giá của nó không có một hệ quy chiếu nào có thể so sánh hay cân đo hết được. Hay, như cách ai đó đã ví von rằng, độc lập và hòa bình của một quốc gia là những món quà mà định mệnh đánh thuế nặng nề bằng máu! Để rồi, sự tồn, vong của quốc gia – dân tộc vẫn luôn là câu hỏi đau đáu suốt mấy ngàn năm, thổi sàn sạt qua thăm thẳm lịch sử, với biết mấy thế hệ người và chưa bao giờ hết tính thời sự. Cũng bởi, chẳng có hạnh phúc cá nhân bên ngoài xã hội, ví như cái cây bị ném lên khỏi mặt đất thì chẳng thể sống nổi. Cho nên, với mỗi con người của dân tộc này, quê hương – Tổ quốc đã cho ta diện mạo và thân phận. Để rồi, yêu nước bằng tất cả “tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải”, đã trở thành một lẽ tất yếu từ xa xưa.

Có một cựu binh - một cây bút chiến trường nổi tiếng đã khẳng định rằng, từng có cả một thế hệ trai trẻ, hừng hực khí thế xung trận. Họ ra đi chỉ với một thủ tục duy nhất: “thủ tục máu”. Đó là tinh thần vô cùng trong sáng, thuần khiết, nó hướng đến một lý tưởng cao cả mang tên Tổ quốc. Một loại “thủ tục” mà chỉ có tình yêu và tư thế sẵn sàng hy sinh vì đất mẹ, mới có thể tôi luyện thành. Tổ quốc ghi tên họ, vinh danh họ, khẳng định sự dâng hiến của họ. Thế nên ngày nay, chúng ta phải có cách nhìn cụ thể hơn về sự hy sinh ấy. Dẫu có những sự kiện chỉ có thể được làm sáng tỏ qua góc nhìn thời gian. Thế nhưng, có những nỗi đau, tổn thất lại không thể để thời gian khiến ta lãng quên mất. Nỗi đau chiến tranh gây ra cho con người không chỉ là mất mát, tang thương, điêu tàn; mà còn là những vết thương lòng rỉ máu, cùng nỗi ám ảnh kinh hoàng còn hằn sâu trong ký ức và siết chặt lấy tâm hồn những người từng đi qua cuộc chiến. Để rồi, xoa dịu nỗi đau chiến tranh, con người ta không chỉ cần lòng dũng cảm, mà hơn hết là cần lòng nhân ái.

“Uống nước nhớ nguồn” vốn là đạo lý, là truyền thống ngàn đời tốt đẹp của dân tộc ta. Để rồi, đạo lý cùng truyền thống ấy, càng được phát huy triệt để trong lĩnh vực chăm sóc người có công. Chỉ 2 năm sau Cách mạng Tháng Tám, ngày 27-7 đã được chọn là Ngày Thương binh, liệt sĩ. Đó là ngày để toàn dân ta tỏ lòng “hiếu nghĩa bác ái và yêu mến đối với thương binh, bệnh binh, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ”. Trong nhiều lá thư gửi đến đồng bào, nhân Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những lời ấm áp yêu thương và trân trọng cho các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng và gia đình họ. Người nhấn mạnh, khi “nạn ngoại xâm như trận lụt to đe doạ tràn ngập cả non sông Tổ quốc”, thì “số đông thanh niên yêu quý của nước ta quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào”. Cho nên, “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

Với tinh thần hiếu nghĩa, bác ái, nhiều chính sách hỗ trợ, chăm sóc các đối tượng người có công với cách mạng đã được xây dựng và triển khai thực hiện suốt mấy chục năm qua. Cùng với sự phát triển đi lên của quê hương, đất nước, các chính sách này luôn có độ “mở” để cập nhật, bổ sung, ngày càng trở nên hoàn thiện và được tập trung trong “Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng”. Đây là chính sách nhân văn và toàn diện, bao gồm chế độ trợ cấp và các chế độ ưu đãi khác như chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, nhà ở cho người có công và thân nhân... Bên cạnh ngân sách Nhà nước là điểm tựa thực hiện “Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng”; thì việc khơi dậy tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn xã hội trong công tác chăm sóc người có công, cũng luôn được chú trọng. Từ đó, tạo sự gắn kết cộng đồng trong một nhiệm vụ thiêng liêng. Thiêng liêng là bởi, khi công tác “Đền ơn đáp nghĩa” thấm nhuần trong đời sống, thì đó chính là lương tri, là thái độ và cách ứng xử của hậu thế đối với quá khứ. Đó cũng đồng thời là cách để chúng ta bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Cái giá trị lớn phía sau tính trách nhiệm ấy, có khả năng tạo ra nhiều xung động mạnh mẽ và tạo ra hiệu ứng xã hội to lớn.

Trong những cuộc trường chinh gian khổ, ác liệt để giành, giữ nền độc lập dân tộc và thống nhất non sông, Thanh Hóa đã có đóng góp to lớn cả về sức người và sức của. Trên 70 vạn thanh niên tham gia lực lượng quân đội và trên 6 vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Đồng thời, Thanh Hóa cũng là tỉnh có số lượng người có công lớn, với 329.824 đối tượng. Mặc dù vậy, “đáng tự hào” suy cho cùng không phải là bản chất của con số ấy. Bởi, đó là con số “biết nói”, phản ánh sự tàn khốc của chiến tranh và cả giá trị của hòa bình, độc lập. Đồng thời, con số ấy luôn nhắc nhở chúng ta về tinh thần trách nhiệm và cả cái giá phải trả cho mọi sự lãng quên.

Cùng với cả nước, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công. Đồng thời, tập trung giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công với cách mạng. Ngoài các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước, Thanh Hóa cũng đã huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, để hỗ trợ người có công về nhà ở, tặng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa... Qua đó, gần 100% gia đình chính sách, người có công hiện có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân trên địa bàn. Đó cũng là con số phản ánh trách nhiệm, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa trong nhiều năm qua, nhằm xóa dần khoảng cách phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần, giữa đối tượng người có công với mặt bằng chung.

“Đền ơn” có thể bằng vật chất nhưng “đáp nghĩa” không thể chỉ dùng vật chất là xong. Bởi cái “nghĩa” phải xuất phát ở tấm lòng với sự sẻ chia, cảm thông và thấu hiểu. Cùng với hàng nghìn tỷ đồng đã được chi trả cho đối tượng người có công những năm qua; thêm một sự đổi thay đáng ghi nhận nữa là sự chuyển biến từ trong nhận thức, việc làm của bản thân các thương, bệnh binh và gia đình người có công. Nếu xưa chúng ta có quân dân Hàm Rồng bất tử, có lão dân quân Hoằng Trường, nữ dân quân Hoa Lộc đánh Mỹ giỏi...; thì nay ta có những gương cựu chiến binh làm kinh tế giỏi. Ý thức về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự đùm bọc của Nhân dân, họ - những con người mà bất kể ở đâu, khi nào vẫn rạng danh “Bộ đội Cụ Hồ” ở ý chí, nghị lực - luôn cố gắng tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh tùy theo khả năng, để không những tự giúp mình mà còn giúp người, giúp đời và góp tiếng nói tri ân cùng đồng đội, những người vẫn còn hay đã mất.

Dẫu vậy, hiện vẫn còn những người có công chịu thiệt thòi, do chưa được thụ hưởng các chính sách đãi ngộ, hoặc chế độ đãi ngộ chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như mất giấy tờ, không còn đồng đội làm chứng, thủ tục rườm rà, hay sự thiếu trách nhiệm của chính quyền cơ sở... Người ta cũng đã nói nhiều về “độ trễ” của chính sách dành cho người có công với cách mạng. Điều này cũng là dễ hiểu khi một loạt các thủ tục cần xác nhận, xác minh nhằm trả đúng đối tượng. Đồng thời cũng để tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi. Song, việc bổ sung chính sách sao cho phù hợp với từng giai đoạn và sự phát triển của nền kinh tế, luôn cần thiết. Có như vậy mới xóa được “độ trễ” chính sách và để đối tượng người có công được thụ hưởng quyền lợi xứng đáng với sự đóng góp, hy sinh của họ cho Tổ quốc này.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]