(Baothanhhoa.vn) - Sức mạnh tình yêu cùng nghị lực tuổi trẻ đã giúp anh Hà Văn Toàn rũ bỏ được thứ cám dỗ ma mị để bước sang trang mới của cuộc đời. “Ma túy sẽ không quá khó để từ bỏ nếu người nghiện có được sức mạnh của tình yêu” – anh Toàn chia sẻ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tình yêu thắp sáng cuộc đời

Sức mạnh tình yêu cùng nghị lực tuổi trẻ đã giúp anh Hà Văn Toàn rũ bỏ được thứ cám dỗ ma mị để bước sang trang mới của cuộc đời. “Ma túy sẽ không quá khó để từ bỏ nếu người nghiện có được sức mạnh của tình yêu” – anh Toàn chia sẻ.

Tình yêu thắp sáng cuộc đời

Anh Toàn, chị Thủy hạnh phúc khi gia đình nhỏ vừa có thêm thành viên mới.

Liều thuốc cai nghiện mang tên “Tình yêu”

Chúng tôi tìm về ngôi nhà rộn rã tiếng cười của gia đình anh Hà Văn Toàn, sinh năm 1975 - người từng nghiện ma túy nặng ở xã Tam Chung (Mường Lát), để cùng lắng nghe anh chia sẻ hành trình từ bỏ thứ cám dỗ ma mị này. Anh Toàn tiếp chúng tôi bằng nụ cười hiền lành, ánh mắt thân thiện và sự chậm rãi, kiệm lời hiếm có của những người đã từng trải. “Tôi từng bị nghiện, ở đây ai cũng biết điều đó, cũng trải qua nhiều khốn khó mới có được ngày hôm nay, tất cả là nhờ vợ tôi đấy”. Anh Toàn vừa nói vừa đưa mắt sang nhìn vợ.

Theo lời Toàn, vào những năm 80-90, ma túy “quét” qua mỗi nóc nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số Thái, Mông tại nhiều bản làng vùng cao biên giới huyện Mường Lát nhanh như một “cơn lốc”. Người ta chỉ biết cuộc sống quanh quẩn bên những bàn đèn thuốc phiện, mà chẳng mấy người mặn mà với việc trồng ngô, cấy lúa trên nương. Người già hút, thanh niên cũng hút; nghiện truyền đời, từ đời ông, tới đời cha, rồi đời con; từ nghiện thuốc đen (thuốc phiện - PV), rồi thuốc trắng (heroin - PV), tới đời cháu chuyển sang chích. Cũng không ít gia đình chồng bán ma túy cho vợ, con bán ma túy cho bố, anh em bán ma túy cho nhau.

Bản thân anh Toàn cũng không nhớ mình kết bạn với thần chết lúc nào, chỉ biết khoảng 30 tuổi anh đã hút. “Lúc đầu là nghiện thuốc đen trồng tại địa phương nhưng sau đó cán bộ không cho trồng, thuốc đen người ta cũng không bán nữa, nên tôi phải chuyển sang hút thuốc trắng, có bao nhiêu tiền trong người cũng “cúng” hết cho “nàng tiên nâu”. Từ khi dính vào ma túy, tôi không còn màng tới danh dự, tôi làm đủ thứ nghề để có tiền mua thuốc, trong đó bao gồm cả trộm cắp” - anh Toàn chia sẻ về những tháng ngày “bán mình cho nàng tiên nâu” và bất giác rùng mình. Quả thật, khi anh kể tỉ mỉ cho chúng tôi nghe những tháng ngày anh “đốt đời” trong khói thuốc ma mị, tôi mới hiểu vì sao người ta vẫn nói, chẳng có gì người nghiện không dám làm.

Đến tuổi lập gia đình, tuy anh Toàn là người có ngoại hình không đến nỗi, nhưng không cô nào dám dành tình cảm cho anh, vì sợ “dính” vào con nghiện sẽ khổ cả đời. Có lẽ vì thế mà anh chẳng mấy đoái hoài đến chuyện tình cảm, cho đến khi anh gặp chị Đinh Thị Thu Thủy. Mặc dù qua tìm hiểu, biết được tình trạng hiện tại của người thanh niên ấy, nhưng chị Thủy vẫn dành cho anh một tình yêu thực sự. Bởi chị tin rằng, bằng sự yêu thương chân thành, lòng vị tha cùng sự khuyên giải nhẹ nhàng sẽ cảm hóa, hướng thiện được con người “gai góc” này.

Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, anh cứ tái đi tái lại, cuộc sống chỉ quay cuồng trong vòng luẩn quẩn: “Nghiện – tự cai nghiện - tái nghiện”. Nhiều lần chứng kiến cảnh anh vật vã trong cơn thèm thuốc, chị Thủy âm thầm khóc một mình. “Những tháng ngày đó, tôi gần như tuyệt vọng hoàn toàn về người đàn ông mình đã đặt niềm tin” - chị Thủy tâm sự.

Nghĩ vậy nhưng chị vẫn kiên định với quyết tâm giúp anh Toàn cai nghiện bằng được. Chị Thủy bắt đầu công cuộc tìm hiểu tâm lý của người nghiện, để hiểu anh hơn. Khi đã đến “gần” với anh như một người bạn thực sự, chị Thủy bắt đầu chia sẻ, lắng nghe tâm tư với anh như tri kỷ. Dần dà bằng tình yêu của mình, có cả nước mắt, van xin, thủ thỉ yêu thương, chị Thủy đã đưa anh về con đường sáng. Lần đầu tiên sau hơn 10 năm nghiện hút, năm 2010, anh Toàn chủ động đăng ký đi cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1. “Lần đó tôi quyết tâm lắm, trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ là nhất định mình phải cai nghiện được, nhất định mình phải tìm lại những gì đã đánh mất” - anh Toàn chia sẻ.

Bằng sự nỗ lực của chính bản thân mình, cùng với sự động viên, giúp đỡ của cán bộ cơ sở cai nghiện, những người thân trong gia đình, anh Toàn đã cai nghiện thành công. Năm 2014, anh Toàn trở về trong vòng tay chào đón của gia đình và người phụ nữ mình yêu thương. Không lâu sau, đám cưới của anh chị được tổ chức trong niềm vui khôn tả của 2 bên gia đình. “Nếu ngày ấy Thủy bỏ đi, chắc chắn giờ tôi đã thân tàn ma dại rồi” - anh Toàn nói, xiết chặt tay vợ.

Quyết tâm tìm lại những gì đã đánh mất

Hết nghiện ngập, anh Toàn bắt đầu tìm đến lao động, bởi anh biết, đây chính là con đường duy nhất để dứt hẳn với ma túy. Sau hơn 10 năm “bán mình cho ma quỷ”, gần 10 ha đất đồi là tài sản duy nhất còn lại của gia đình. Với diện tích đất này, anh Toàn muốn trồng cây ăn quả, đào ao thả cá và chăn nuôi. Thế nhưng, chẳng ai cho một kẻ nghiện “thâm niên” vay tiền để thực hiện ý tưởng đó. Không đầu hàng số phận, hai vợ chồng quyết định dùng số tiền mừng cưới 800 ngàn đồng mua một con lợn đẻ về nuôi, bởi đây là cách thu hồi vốn nhanh nhất.

Tuy nhiên, một con lợn đẻ, vài con gà không thể cải thiện kinh tế gia đình. Sau nhiều đêm trăn trở, anh Toàn mạnh dạn làm đơn xin vay vốn của ngân hàng và các tổ chức xã hội khác, như: Hội phụ nữ... Để thuyết phục, anh Toàn đưa ra các mô hình phát triển kinh tế từ nuôi lợn nái, gà và cá nước ngọt với các lập luận rất thực tế. Thấy anh đã thực sự ăn năn và có chí hướng làm ăn nghiêm túc nên các tổ chức xã hội đã tạo điều kiện làm các thủ tục tín chấp ngân hàng cho anh vay vốn để làm hành trang cho cuộc sống mới.

Từ đó hàng ngày, anh Toàn cần mẫn cuốc đất, trồng cỏ, chăm sóc đàn vật nuôi. Ngoài ra, anh còn tìm tòi, học hỏi thêm kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt từ sách vở, kinh nghiệm của những người có mô hình chăn nuôi để mang lại hiệu quả cao nhất. Công việc vất vả, song anh Toàn tìm thấy ở đó niềm vui lao động, niềm vui của một thanh niên sức dài, vai rộng đang nỗ lực xây dựng kinh tế, nuôi sống gia đình và làm điều có ích cho xã hội. Nhìn chuồng trại sạch sẽ, những cây ăn quả xanh tốt, ao cá quy hoạch gọn gàng, chúng tôi cũng phần nào thấy được sự cần mẫn và tâm sức anh dành vào đó. Điều đáng mừng là những nỗ lực của anh cũng được bà con xóm giềng và các cấp chính quyền địa phương ghi nhận.

Bên cạnh việc xây dựng mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng, nhận thấy địa thế tiềm năng của chính mảnh đất gia đình, anh Toàn cùng vợ đã ngày đêm bỏ công sức, cải tạo khu vườn thành khu du lịch sinh thái. Sau 5 năm miệt mài lao động, đến nay Hà Văn Toàn cùng gia đình đã tạo dựng được một cơ ngơi khá vững vàng, với 200 con gà, 4,5 ha hồ nuôi cá và vườn cây ăn trái đã đến kỳ thu hoạch. Khu du lịch sinh thái được xây tiểu cảnh, suối nước... cùng nhiều chòi lá để kinh doanh dịch vụ ăn uống. Vào những dịp lễ, tết nơi đây thu hút khá nhiều du khách đến vui chơi giải trí. Mô hình vườn ao chuồng kết hợp du lịch sinh thái của gia đình anh Toàn đã góp phần mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế địa phương.

Ông Hà Văn Thiếu, Chủ tịch UBND xã Tam Chung, chia sẻ: “Trước kia anh Toàn có lỗi lầm vì tuổi trẻ mắc nghiện, tuy nhiên sau khi cai nghiện thành công và trở về địa phương thì anh rất cần cù, chịu khó, có việc làm, có thu nhập. Hiện tại, mô hình kinh tế của gia đình anh Toàn là một trong những mô hình điển hình của địa phương, cho thu nhập rất tốt”.

Tấm gương của anh Hà Văn Toàn là minh chứng cho ý chí và nghị lực trong việc tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mình. Anh nhắn nhủ: “Hãy lao động và làm nhiều việc tốt, hạnh phúc sẽ luôn mỉm cười. Tôi hy vọng rằng, các bạn trẻ hiện nay hãy cho mình một lựa chọn, một cơ hội để sống tốt, cống hiến cho đời”.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]