(Baothanhhoa.vn) - Tôi gọi đó là quá trình tìm lại phần thiện lương của bản thân sau chuỗi ngày đắm chìm trong làn khói trắng của những người nghiện. Trên hành trình đầy chông gai đó, họ buộc lòng phải chiến thắng chính bản thân mình, nếu không muốn cả một đời lạc lối. Dẫu vậy, giữa nói và làm là cả một câu chuyện thật dài...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tìm lại... chính mình

Tìm lại... chính mình

Một góc của cơ sở cai nghiện số 1 (xã Hoàng Giang, Nông Cống).

Tôi gọi đó là quá trình tìm lại phần thiện lương của bản thân sau chuỗi ngày đắm chìm trong làn khói trắng của những người nghiện. Trên hành trình đầy chông gai đó, họ buộc lòng phải chiến thắng chính bản thân mình, nếu không muốn cả một đời lạc lối. Dẫu vậy, giữa nói và làm là cả một câu chuyện thật dài...

Tại khu thăm gặp thân nhân và học viên của cơ sở cai nghiện số 1 Thanh Hóa, xã Hoàng Giang (Nông Cống), tôi được chứng kiến cuộc nói chuyện của người mẹ đáng thương Nguyễn Thị Thanh, 65 tuổi, xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) với người con trai ngỗ nghịch - Nguyễn Anh Tuấn, 30 tuổi - giọng Tuấn run run: “Mẹ có khỏe không?” - “Mẹ khỏe”. Đã lâu lắm rồi hai mẹ con mới có được những lời thoại nhẹ nhàng và bình yên đến vậy. Bà Thanh khoe mới xây nhà, một căn nhà nhỏ 3 gian, nhưng đủ cho hai mẹ con che mưa tránh nắng, bình yên sống vui vẻ mỗi ngày. “Nhà”, Tuấn tiếp nhận danh từ này từ mẹ một cách tha thiết, khát khao. Tuấn ngậm ngùi nhớ lại. Suốt những năm tháng tuổi trẻ, nhà chỉ là nơi bản thân trở về sau những đêm thâu chơi bời “tới bến”. Là nơi anh nằm co ro, thều thào, nài nỉ, bòn rút từng đồng tiền cuối cùng của mẹ. Cũng là nơi anh vẫn thường gào thét chửi đổng, điên loạn đập phá mỗi khi đói thuốc lên cơn. Từng ấy hình ảnh lầm lỗi từ quá khứ, cứ như thước phim quay chậm hiện hữu trước mắt anh. Để rồi, sâu trong đôi mắt của cậu con trai bất cần ngày nào, ứa ra những giọt nước mắt chua xót, hối hận. Tuấn hứa với mẹ sẽ cố gắng cai nghiện để sớm hoàn lương. Bà Thanh nghẹn lời, bật khóc. Bà gật đầu. Bà chấp nhận tin đứa con của mình thêm một lần nữa. Dẫu biết rằng, niềm tin đó mới quyết liệt và cố chấp làm sao.

Năm Tuấn lên 15 tuổi, trong khi bạn bè cùng trang lứa vẫn miệt mài đi tìm tương lai ở trang sách, bài giảng của thầy cô, thì Tuấn khép tương lai của mình vào điện tử, thuốc lá, rồi cuối cùng là... ma túy. Từ chỗ tập tành hút hít để khẳng định bản thân, anh dần lệ thuộc và trở thành nô lệ lúc nào không hay. Tài sản trong nhà lũ lượt bị anh mang đi đuổi bắt theo những làn khói trắng. Xót con, người mẹ già dù tuổi đã ngoài ngũ tuần vẫn phải nai lưng cật lực làm việc để cung phụng cho đứa con trai bất trị. Năm Tuấn 20 tuổi, mẹ anh, trong nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng hòng cứu vớt cuộc đời của cậu quý tử, đã tác hợp Tuấn với một cô gái ở huyện miền núi Thường Xuân. Nhưng, cái đám cưới chớp nhoáng ấy, rồi cũng chóng tan. Người vợ không chịu được cảnh chồng nghiện ngập đã vội rũ bỏ lại tất cả mà ra đi. Một cuộc chia li nhẹ nhàng và dứt khoát. Tuấn hứa với mẹ: “Con sẽ cai nghiện, cuộc đời con không thể tăm tối như thế này mãi được!”. Thấm thoát mà đã hơn 10 năm trôi qua, lời hứa cai nghiện ngày nào đã trôi tuột. Cuộc đời anh cứ thế trượt dài. Chẳng ai nhớ nổi Tuấn đã luẩn quẩn bao nhiêu lần cai nghiện rồi tái nghiện.

Hơn Tuấn 14 tuổi và cũng là một học viên nổi tiếng ở cơ sở cai nghiện số 1 vì thành tích cai nghiện... nhiều lần, Trần Văn Hương, 44 tuổi, xã Ninh Hải (Hà Trung) cũng để lại cho tôi không ít những muộn phiền, trăn trở. Hương có một gia đình hạnh phúc với người vợ là giáo viên và hai con. Không ai nghĩ đằng sau người đàn ông hiền lành, với một gia đình hạnh phúc đó lại có một quá khứ bất hảo. Gặp tôi, anh chỉ cười, nụ cười hiền: “Năm 23 tuổi, sau khi lấy vợ, gia đình dồn tiền mua cho tôi một chiếc xe tải làm kế sinh nhai, bằng cách chở hàng thuê. Đặc thù công việc, lại bị bạn bè rủ rê, tôi như con thiêu thân lao vào con đường nghiện ngập. Cuối cùng, sau 10 năm giấu vợ con, khi những cơn nghiện do đói thuốc ngày càng dày hơn, khi mọi tài sản trong nhà cứ lần lượt ra đi đến cạn kiệt, gia đình mới biết tôi nghiện”. Tôi hỏi anh Hương: “Quãng thời gian đó điều gì khiến anh day dứt nhất?”. Anh thở dài: “Mười lăm năm làm nô lệ cho ma túy, tôi đã lấy đi, đánh mất quá nhiều thứ từ gia đình. Dường như, ngày nào vợ tôi cũng khóc. Không có gì kinh khủng hơn là lấy đi của họ niềm tin, hy vọng rồi trả lại nỗi thất vọng, sợ hãi”.

Tìm lại... chính mìnhAnh Hương (áo sẫm) cùng bác sĩ Thọ.

Dõi theo câu chuyện của Tuấn, Hương cùng tôi, bác sĩ Nguyễn Sỹ Thọ, trưởng phòng điều trị ngoại trú và công tác cộng đồng, buông khẽ tiếng thở dài trăn trở. Hiện nay, cơ sở đang hỗ trợ cai nghiện cho khoảng 500 người. Đa phần đều ở trong tình trạng nghiện – cai nghiện thành công – tái nghiện. Hơn 20 năm làm công tác điều trị cho người nghiện ở cơ sở cai nghiện số 1, bác sĩ Thọ hiểu hành trình cai nghiện nó mới dai dẳng, khốc liệt làm sao. “Chúng tôi tự hào khi trả lại cho xã hội những con người lương thiện. Nhưng chẳng mấy chốc họ lại trở lại với thân xác tàn tạ và rệu rã hơn” - bác sĩ Thọ tâm tư. Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 6-3-2019, có 529 người đang cai nghiện tại hai cơ sở cai nghiện trên địa bàn tỉnh; trong đó cai nghiện bắt buộc là 474 người, cai nghiện tự nguyện là 55 người; số người nghiện đang cai nhiễm HIV 52 người. Tỷ lệ tái nghiện vào cơ sở 311/529 người, tương đương 58,79%. Tuy nhiên, theo một cán bộ đang công tác tại cơ sở cai nghiện số 1 thì số phần trăm người tái nghiện thực tế rất cao, tận hơn 90%. Tính đến thời điểm hết tháng 12-2018, TP Thanh Hóa là địa phương có số người nghiện ma túy cao nhất tỉnh, với 1.328 người.

Để tiếp tục câu chuyện, bác sĩ Thọ dẫn tôi đi qua hai cánh cửa sắt khóa chặt, cả dãy hành lang dày đặc chấn song sắt đến khu vực cắt cơn. Qua chấn song sắt trên cánh cửa, hàng chục cặp mắt ngước lên nhìn với vẻ lạnh lùng đến vô cảm. Trong phòng, những người đàn ông, thanh niên nằm ngồi ken kín, dáng điệu uể oải, mắt dán vào tivi. Đâu đó, phòng bên vọng ra tiếng bình bịch, rên la nho nhỏ. Một thanh niên đang chúi vào góc phòng, vừa đập đầu vào tường vừa thở hổn hển, mấy người ngồi sát cạnh nghiến răng quay mặt đi. Bác sĩ Thọ đứng quan sát một lát, bảo tình hình vẫn ổn, không cần chích thuốc an thần. Những anh chàng này khi còn ở nhà, khi ở trong môi trường của mình, mỗi lần vã thuốc là một lần phá phách, vật vã, thậm chí hủy hoại cơ thể, gây áp lực khủng khiếp với gia đình và những người xung quanh để tìm cách được thỏa mãn cơn nghiện. Nhưng khi đã đến đây, nhìn quanh ai cũng như mình, biết không thể đe dọa để tìm thuốc nên đành thúc thủ mà chịu đựng. Người đập đầu vào tường, người cố trấn tĩnh bằng tư thế ngồi thiền, người bám vào thành cửa chế ngự cảm giác “kiến bò trong xương”, người lại bẻ cả một hộp nhang trừ muỗi bỏ vào miệng nhai, nuốt... Rồi cũng có những người sức khỏe yếu chỉ nằm bệt một chỗ ngủ li bì.

Tuy nhiên sau đó tất cả sẽ đỡ hơn. Các học viên sẽ được quan tâm, chăm sóc, điều trị theo đúng lộ trình. Những câu chuyện ý nghĩa, những bài học bổ ích sẽ được kể hòng đánh thức bản năng hướng thiện của mỗi người.”, bác sĩ Thọ tâm sự. Cuối khu vực cắt cơn, chúng tôi như lặng lại, hình ảnh hai bác sĩ, một người đỡ, một người cẩn thận bón từng thìa cháo cho một học viên trẻ. Ánh mắt trìu mến, cử chỉ nhẹ nhàng, ân cần... Chỉ có trách nhiệm không là chưa đủ, đó còn là tình yêu, niềm tin vào mỗi bệnh nhân mà họ đang điều trị.

Từng bước chân nặng nề đưa tôi và bác sĩ Thọ rời khỏi khu vực này. Bất giác, anh nhìn tôi mà đăm chiêu: “Những cảnh tượng hãi hùng này, giá mà các cô, cậu đang ăn chơi lêu lổng, phá đời bất cần ngoài kia được nhìn thấy. Chắc hẳn, tâm hồn họ sẽ được thanh lọc phần nào. Họ sẽ biết trân trọng sức khỏe bản thân, giá trị cuộc đời nhiều hơn...”. Như thể muốn trút bỏ tất cả nỗi lòng, anh chẳng đợi tôi cất lời, tiếp tục nói: Về phía gia đình cần phải quan tâm, chăm sóc, động viên sát xao để các con nghiện không sử dụng lại ma túy sau khi rời cơ sở. Xã hội cũng cần phải có một cái nhìn bao dung, cảm thông hơn đối với những người cai nghiện trở về. Không nên kì thị họ, ngược lại phải dang rộng vòng tay đón họ, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Nhà nước cũng cần phải có cơ chế ưu tiên tạo việc làm cho các đối tượng sau khi cai nghiện. Có chính sách ưu đãi về vốn, thuế đối với các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động là những người cai nghiện ma túy trở về. Tạo điều kiện cho những người cai nghiện ma túy trở về được vay vốn để làm kinh tế, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Chỉ có tạo cho họ một cuộc sống ý nghĩa hơn thì mới có thể giúp họ đoạn tuyệt hẳn với ma túy.

...

Mới đây, tôi có nhận được cuộc gọi từ số máy lạ. Nghe giới thiệu, tôi giật mình vì đó là anh Hương. Anh khoe đã cai nghiện thành công. Hiện tại, anh được cơ sở giữ lại để làm lái xe với mức lương hơn 6 triệu đồng. Vừa qua, anh còn được ra TP Hà Nội để tham dự Hội nghị thành lập mạng lưới người cai nghiện ma túy thành công Việt Nam. Đặc biệt, niềm hạnh phúc vô bờ bến, cậu con trai cả của anh đã thi đậu Trường Sĩ quan Lục quân 1. Tôi chúc mừng anh và hy vọng có thêm những học viên như anh được quay lại làm người có ích cho gia đình, xã hội như anh.

Nguyễn Trường


Nguyễn Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]