(Baothanhhoa.vn) - Tại huyện Bá Thước, hàng trăm hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở phải di dời. Tuy nhiên, do quỹ đất ở hạn hẹp, đất nông nghiệp ít nên nhiều địa phương chưa thể thực hiện di chuyển người dân đến khu vực an toàn. Cũng từ những khó khăn đó, nhiều hộ dân đang có nguyện vọng di cư đến vùng kinh tế mới để lập nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tìm hướng di dân khỏi vùng sạt lở

Tại huyện Bá Thước, hàng trăm hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở phải di dời. Tuy nhiên, do quỹ đất ở hạn hẹp, đất nông nghiệp ít nên nhiều địa phương chưa thể thực hiện di chuyển người dân đến khu vực an toàn. Cũng từ những khó khăn đó, nhiều hộ dân đang có nguyện vọng di cư đến vùng kinh tế mới để lập nghiệp.

Một góc xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước.

Nguy cơ mất an toàn do sạt lở đất

Bá Thước có ít diện tích đất nông nghiệp, người dân chủ yếu sinh sống ở vùng ven đồi, núi, nguy cơ sạt lở đất cao. Toàn huyện có 677 hộ thuộc diện vùng có nguy cơ bị sạt lở đất phải di dời được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 1776/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tại xã Cổ Lũng, do ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới tháng 10-2017, nhiều hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất phải di dời khẩn cấp. Xã Cổ Lũng đã bố trí di dời 13/14 hộ nằm trong khu vực phải di dời khẩn cấp đến vị trí an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn 33 hộ thuộc thôn La Ca đang nằm trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở nhưng chưa thể di dời. Ông Bùi Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng, cho biết: Trước tình hình còn nhiều hộ dân đang sinh sống tại khu vực nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, chúng tôi vô cùng lo lắng và đang nỗ lực để di dời dân đến nơi an toàn. Tuy nhiên, việc bố trí đất ở để người dân định cư là vấn đề nan giải đối với địa phương do không còn quỹ đất ở. Vì vậy, đến nay UBND xã Cổ Lũng vẫn chưa thể bố trí được nơi ở mới cho 33 hộ dân này.

Tương tự, tại xã Lũng Niêm có nhiều khe, suối nên vào mùa mưa thường xảy ra lũ quét, lũ ống gây xói mòn rửa trôi đất; mùa khô mực nước ngầm xuống thấp dẫn đến tình trạng khan hiếm và thiếu nước. Người dân Lũng Niêm chủ yếu sống ở các sườn núi, chân núi và dọc theo các khe suối, có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét khi vào mùa mưa lũ. Ông Hà Văn Long, Chủ tịch UBND xã Lũng Niêm, cho biết: Hiện nay, toàn xã có 33 hộ đang nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất. Để đảm bảo an toàn, ổn định dân cư, chính quyền xã đã có phương án di dân theo hình thức xen ghép tại chỗ, nội bộ trong thôn, xã, các vùng quy hoạch đất ở theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc bố trí đất ở cho các hộ dân này di dời đến nơi ở mới gặp nhiều khó khăn do quỹ đất ở không còn. Việc bố trí đất ruộng làm đất ở cũng nan giải do đất nông nghiệp ở đây rất ít, nếu bố trí đất nông nghiệp thành đất ở, người dân sẽ không còn đất sản xuất. Trước tình hình trên, nhiều hộ dân ở xã Lũng Niêm có nguyện vọng di chuyển vào các vùng kinh tế mới có điều kiện và tiềm năng để phát triển kinh tế, ổn định đời sống lâu dài.

Mong có một nơi ở ổn định

Sinh sống trong khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, đất nông nghiệp ít, khiến điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế của đồng bào không thuận lợi. Cũng chính từ những khó khăn đó, nhiều hộ dân ở Bá Thước đã di cư đến vùng đất mới lập nghiệp và còn nhiều hộ dân khác đang có nguyện vọng di cư. Toàn huyện Bá Thước hiện có 256 hộ thuộc 17/23 xã trên địa bàn đã định cư tại huyện Sa Thầy, huyện Ia H,Drai, tỉnh Kon Tum. Theo thống kê của UBND xã Cổ Lũng, từ năm 2010 đến năm 2015, xã Cổ Lũng có 57 hộ dân di cư vào lập nghiệp tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Những hộ dân di cư vào lập nghiệp tại vùng đất này được phía địa phương tiếp nhận hỗ trợ nhà ở, giao đất canh tác, sản xuất... đồng thời làm công nhân cho công ty cao su trên địa bàn. Đời sống nhân dân đã định cư nơi đây ổn định, kinh tế khá giả. Hiện nay, có nhiều hộ gia đình trẻ trong độ tuổi lao động đang có nguyện vọng được di cư vào huyện Sa Thầy để lập nghiệp. Tuy nhiên, việc di cư tự do sẽ gặp nhiều khó khăn nên các hộ gia đình mong muốn có chính sách, hỗ trợ ban đầu của tỉnh.

Nhằm có thông tin hỗ trợ cho người dân, lãnh đạo UBND xã Lũng Niêm đã đi khảo sát thực tế tại tỉnh Kon Tum. Đoàn công tác của xã làm việc với Nông trường Cao su Suối Đá và UBND xã Ia Đal, huyện Ia H,Drai. Hiện nông trường đang có nhu cầu tuyển công nhân và nhiều chính sách hỗ trợ cho công nhân, đồng thời UBND xã Ia Đal tạo mọi điều kiện để các hộ, gia đình có nhu cầu vào sinh sống và làm ăn trên địa bàn xã. Cụ thể: Công nhân vào làm tại công ty được hỗ trợ 1.000m2 đất ở, 1.000m2 đất sản xuất; giao từ 3-5 ha cao su để chăm sóc. Ngoài ra, các hộ còn được phép khai hoang đất canh tác trong phạm vi đất của công ty để canh tác tăng thêm thu nhập; công ty cho ứng tiền trước để xây nhà ở tạm; lương cơ bản từ 5-7 triệu/tháng... Những năm trước, xã Lũng Niêm đã có 10 hộ dân di cư vào nơi đây làm ăn. Đến nay, đời sống của các hộ dân này đã ổn định, kinh tế phát triển.

Hiện nay, toàn xã Lũng Niêm có 20 hộ gia đình đăng ký di cư đến vùng kinh tế mới tại huyện Sa Thầy, huyện Ia H,Drai. Theo quy định, đối với các hộ dân nằm trong vùng sạt lở phải di dời trong địa bàn xã sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ, thế nhưng nếu các hộ dân này di cư đi ngoài tỉnh thì vẫn chưa có chính sách hỗ trợ. “Các hộ dân có nguyện vọng di cư vào lập nghiệp ở vùng đất mới đang đề nghị được Nhà nước hỗ trợ như các hộ dân di cư tại chỗ. Chúng tôi mong ngành chức năng quan tâm, xem xét để có chính sách hỗ trợ người dân, giúp các hộ dân bớt khó khăn trong thời gian đầu lập nghiệp ở vùng đất khác” – ông Long cho biết thêm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết: Tại cuộc họp HĐND tỉnh vừa qua, chúng tôi đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ ban đầu cho các hộ dân di cư đến vùng đất khác lập nghiệp nhằm chia sẻ bớt những khó khăn cho các hộ dân trong những ngày đầu lập nghiệp trên vùng đất mới. Tuy nhiên, do việc di dân còn nhỏ lẻ, trong phạm vi huyện nên tỉnh chưa có quyết định.

Được biết, không riêng gì huyện miền núi Bá Thước, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đang trong tình trạng khó khăn trong việc bố trí đất ở cho các hộ dân vùng nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét. Bài toán đầu tư, hỗ trợ tái định cư tại chỗ hay hỗ trợ người dân tìm vùng đất mới để sinh sống, làm việc vẫn là những giải pháp đang được chính quyền các địa phương, ngành chức năng xem xét, giải quyết. Còn người dân vùng nguy cơ sạt lở, luôn mong muốn dù thực hiện theo giải pháp nào thì nơi ở mới sẽ ổn định, có điều kiện phát triển hơn nơi ở cũ.


Bài và ảnh: Hoàng Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]