(Baothanhhoa.vn) - Cứ đúng 19h hằng ngày, trên hệ thống loa truyền thanh của các xã thuộc huyện Hoằng Hóa lại vang lên nhạc hiệu kèm theo lời nhắc nhở: “Đã đến giờ học, các em học sinh khẩn trương ngồi vào bàn học tập. Đề nghị các bậc ông bà, cha mẹ vặn nhỏ ti vi, nói chuyện vừa phải để con cháu yên tĩnh học bài. Đề nghị các thầy, cô giáo, cán bộ, hội viên hội khuyến học phụ trách địa bàn theo dõi, động viên các em tích cực học tập để đạt kết quả tốt”. Sau tiếng loa báo hiệu, các góc học tập của học sinh ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tiếng loa khuyến học ở huyện Hoằng Hóa

Cứ đúng 19h hằng ngày, trên hệ thống loa truyền thanh của các xã thuộc huyện Hoằng Hóa lại vang lên nhạc hiệu kèm theo lời nhắc nhở: “Đã đến giờ học, các em học sinh khẩn trương ngồi vào bàn học tập. Đề nghị các bậc ông bà, cha mẹ vặn nhỏ ti vi, nói chuyện vừa phải để con cháu yên tĩnh học bài. Đề nghị các thầy, cô giáo, cán bộ, hội viên hội khuyến học phụ trách địa bàn theo dõi, động viên các em tích cực học tập để đạt kết quả tốt”. Sau tiếng loa báo hiệu, các góc học tập của học sinh đều sáng đèn.

Lãnh đạo huyện Hoằng Hóa trao thưởng cho học sinh đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp năm học 2017-2018.

Đã thành thói quen, hằng ngày cứ đúng 19h các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, ông Cao Thanh Cừ, cán bộ truyền thanh của xã Hoằng Châu lại có mặt ở phòng truyền thanh xã để bật loa khuyến học. Lũ trẻ con, đứa đang nô đùa, đứa xem ti vi, đứa cầm điện thoại chợt dừng lại lắng nghe và đứng lên đi vào bàn học. Có đứa thì bố mẹ phải nhắc nhở để ngồi vào bàn học. Tất cả mọi sinh hoạt của người lớn đều phải nhường cho các em. Cả làng trên, xóm dưới đều im ắng cho lũ trẻ tập trung học bài.

Ông Cừ cho biết: Nhận nhiệm vụ mà hội khuyến học xã giao phó, bằng sự nhiệt tình, đam mê với công việc phát thanh cũng như mong muốn đóng góp một phần nhỏ chăm lo cho việc học của học sinh tại địa phương, ông luôn tận tụy, sắp xếp công việc gia đình và đều đặn phát loa đúng giờ. Thậm chí có hôm đang ăn cơm, ông phải buông bát, đi phát loa rồi về ăn tiếp. Ông cũng nhận thấy, hiệu quả của mô hình này khá tốt, vừa nhắc nhở các cháu thói quen giờ giấc tự học, vừa giúp các gia đình sắp xếp công việc, sinh hoạt tạo điều kiện cho con trẻ học hành. Nhiều phụ huynh có phản hồi tích cực, khen ngợi mô hình tiếng loa khuyến học, bởi đó là lý do để đôn đốc con em họ tự học bài ở nhà đúng giờ.

Em Nguyễn Huyền My, học sinh Trường THCS Hoằng Châu cho biết: “Nhiều lúc em ham chơi hay xem ti vi quên cả thời gian, khi nghe tiếng loa là biết đã đến giờ học bài, em liền ngồi vào bàn học, chuẩn bị bài vở cho ngày hôm sau”.

Được biết, cùng với việc phát loa báo hiệu giờ học, cán bộ, hội viên hội khuyến học phụ trách địa bàn các khu dân cư trong xã còn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở học sinh. Gia đình nào mở ti vi, hát karaoke to tiếng thì sẽ bị nhắc nhở. Giờ tự học chỉ 2-3 tiếng mỗi tối nhưng đã trở thành nền nếp của nhiều học sinh nơi đây.

Không chỉ ở xã Hoằng Châu, mà tiếng loa khuyến học đã được nhân rộng ở hầu hết các xã, thị trấn của huyện Hoằng Hóa. Ông Lê Duy Thu, Ủy viên Thường trực Hội Khuyến học huyện Hoằng Hóa, cho biết: Tiếng loa khuyến học xuất phát từ mô hình tiếng kẻng học bài. Trước đây, sau giờ ăn tối, người được phân công trong thôn, làng lại đánh kẻng báo hiệu giờ học của con trẻ. Sau đó, khi hệ thống truyền thanh của các xã được cải tạo, đồng bộ và hiệu quả thì một số cán bộ khuyến học đưa ra ý tưởng cải tiến bằng hình thức phát trên loa truyền thanh xã. Họ đã sửa soạn, biên tập lời nhắc nhở và đến nhờ phát thanh viên của Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện Hoằng Hóa thu âm để phát hằng ngày. Thấy hiệu quả rõ rệt, nhiều xã đã học tập, làm theo và được nhiều người đánh giá cao bởi đây là một hoạt động rất ý nghĩa, không chỉ quản lý tốt thời gian học tập ở nhà của học sinh mà còn là hiệu lệnh nhắc nhở người lớn trong việc chăm lo cho việc học của con em mình. Từ những hành động thiết thực có sức lan tỏa trong cộng đồng, đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống hiếu học của huyện nhà.

Trong cuốn Lịch sử giáo dục huyện Hoằng Hóa xuất bản năm 2015, một trong những bài học lịch sử để gặt hái được những thành tựu to lớn của sự nghiệp giáo dục huyện nhà đó là: Nêu cao vai trò của nhân dân trong chăm lo phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhân tài, thực hiện quan điểm của Đảng: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Vai trò của nhân dân đối với giáo dục chính là sự tự giác, chủ động chăm lo cho chính bản thân, gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư, xóm làng, góp phần bồi đắp nên những thế hệ học sinh có ý chí, giàu nghị lực, giàu ước mơ, khát vọng. Quả đúng như vậy. Phong trào khuyến học ở Hoằng Hóa từ xưa đến nay vẫn luôn được lan tỏa rộng khắp. Số hộ gia đình, dòng họ, cộng đồng khuyến học trên địa bàn huyện không ngừng tăng. Đến nay, cả huyện đã có 26.250 gia đình được công nhận gia đình học tập, 425 dòng họ được công nhận dòng họ học tập, 135 khu dân cư được công nhận cộng đồng học tập. Nhiều gia đình, dòng họ đã có các hình thức tổ chức để tôn vinh, tuyên dương, khen thưởng, động viên, khơi dậy truyền thống hiếu học của các thế hệ con cháu trong dòng họ. Từ phong trào gia đình, dòng học, cộng đồng học tập đã góp phần gắn kết giáo dục gia đình với giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội.

Những hoạt động khuyến học ý nghĩa, thiết thực từ cơ sở, sự chăm lo, bồi đắp của các gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư đã góp phần vào những kết quả tích cực của ngành giáo dục và đào tạo huyện Hoằng Hóa. Trong đó, chỉ tính riêng trong năm học 2017-2018, đội tuyển học sinh giỏi văn hóa lớp 9 của huyện đã xếp thứ nhất toàn đoàn với 78 giải thưởng. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, có 220 học sinh dự thi đạt từ 40 điểm trở lên, có 20 học sinh đậu vào Trường THPT chuyên Lam Sơn. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, toàn huyện có 4 học sinh đạt 26 điểm ba môn thi đăng ký xét tuyển đại học. Ngoài ra, các trường: THPT Hoằng Hóa 4, THPT Lương Đắc Bằng nằm trong tốp 10 đơn vị dẫn đầu cấp tỉnh. Toàn huyện có 112/133 đơn vị trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 84,2%, trở thành 1 trong 4 đơn vị của tỉnh làm tốt công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Các xã thể hiện sự quyết tâm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia góp phần duy trì và nâng cao hiệu quả giáo dục, điển hình, như: Hoằng Sơn, Hoằng Thành, Hoằng Quý, Hoằng Quỳ, Hoằng Châu, Hoằng Giang...

Kết thúc bài viết này, tôi lại nhớ đến câu hát ý nghĩa trong Bài ca khuyến học được sử dụng làm nhạc hiệu vẫn được phát hằng ngày ở huyện Hoằng Hóa: “Nên thợ, nên thầy nhờ có học/ No cơm, ấm áo bởi hay làm/ Lời ông cha vang vọng đến hôm nay/ Nhắc ta luôn gắng công học hành/ Học để biết yêu quê hương, đất nước/ Học để biết thương con người khổ đau/ Học để giữ cho bình yên Tổ quốc/ Học để đắp xây non sông Việt Nam...”.


Bài và ảnh: Minh Hiền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]